Nhìn lên cành lá đầy hoa nắng
Ta bỗng dưng thèm cánh gió lay
Để lá chuyển mình, hoa nắng rụng
Nhặt về hâm ấm rượu đêm nay
Cõi thơ Trần Thiện Hiệp là một cuộc di động của ký hiệu trong không gian và thời gian, trong hiện thực và siêu thực. Cũng như sở trường thơ Bùi Giáng,[1] thơ Trần Thiện Hiệp cần người đọc nhận định sự tách mảnh và giao động của ngôn ngữ và tư tưởng qua những ký hiệu bất toàn để hài hoà với hồn thơ đang chuyển hoá từ nỗ lực phá thể sang sinh lực sáng tạo.
Umberto Eco, trong Semiotics and the Philosophy of Language,[2] có phân tích dấu hiệu dưới nhiều dạng. Dấu hiệu hoặc ký hiệu thuộc phạm vi ngôn ngữ là nỗ lực tiêu biểu (act of signification) một ý đồ nội tại (intended meaning), hoặc cách thức thông tri (process of communication) một nội dung tư tưởng (content nebula). Ký hiệu trong thế chuyển nhập từ bình diện tư tưởng, ý nghĩa (content plane) sang bình diện biểu thị (expression plane) luôn luôn ở trong trạng thái cách biệt, vừa thừa nhận, vừa phủ nhận lẫn nhau, trong một thế biện chứng bất giải. Tình trạng nghịch lý đó được Jacques Derrida[3] qui định trong một từ ngữ mới — “différance” — do ông sáng chế bằng cách ghép nghĩa của hai từ ngữ “différence” (khác biệt/phân biệt) và “différance” (différer/trì hoãn) thành một. Theo Derrida, ngôn ngữ và từ ngữ luôn luôn mang trạng thái ngộ nhận và ngờ vực, vì ngôn ngữ và từ ngữ chỉ là những thể cách biểu hiệu giai đoạn của sự khác biệt và bất toàn, tách mảnh, trong tư tưởng về bản thể, nhân sinh quan và vũ trụ quan. Cách phân tích này xem xét một tác phẩm hình thành trong thể kết cấu hủy tạo hay phá thể của ngôn ngữ (Déconstruction[4]/ Défigurations du langage).[5]
Là điểm tựa của đề thi tập Mặt Trời Lưu Vong,[6] ký hiệu “mặt trời” ghép với thuật từ “lưu vong”, có tác dụng phản ảnh, chỉ dẫn và định hướng cho cả tập thơ. Ký hiệu “mặt trời” có thể thu thập dưới nhiều hình thức và khía cạnh, vừa bổ túc, vừa đối nghịch, theo kích thước tách nối mở rộng của đề tài.
Thi ảnh “mặt trời” trong thơ Trần Thiện Hiệp được biểu thị trước hết bằng thể hoán dụ (metonymy), theo đường lối kết hợp (combination), hoán chuyển chủ thể với chủ đề hoặc ngược lại. Mặt trời (chủ thể) ở đây không hiện diện như một dấu hiệu đơn thuần, mà lại có tác dụng thay thế cho nguồn ánh sáng (chủ đề) thiên nhiên, từ vũ trụ toả xuống trần gian để rọi sáng khung cảnh và thân phận làm người lạc lõng tha phương, vô tổ quốc:
Mặt trời soi bước lưu vong[7]
Sắc thái rực rỡ của mặt trời đã chuyển hoán, kết tụ với nhiều thành tố khác, nhiều chủ thể khác, để tái lập hoặc bù đắp lại một bối cảnh linh động hơn, một nguồn sống toàn năng hơn, với cùng chủ đề nắng và ánh sáng:
Sáng ta có đỉnh mây hồng …[8]
Tôi ngồi bên suối nắng vàng …[9]
Nhìn lên cành lá đầy hoa nắng …[10]
Thi ảnh “nắng” còn được thấy bằng thể ẩn dụ (metaphor) đặt trên căn bản so sánh tương tự (analogy), với tác dụng hoán chuyển những đặc tính mà các chủ thể thông thường không có. Trong trường hợp của “Mặt Trời Lưu Vong “, phép ẩn dụ được áp dụng song phương. Trước hết, sự lưu động của mặt trời chỉ có tính cách giả định, căn cứ vào sự lầm lẫn về thị giác, vì thực ra chỉ có trái đất là di chuyển chung quanh mặt trời, còn mặt trời thì đứng tại chỗ trong vũ trụ. Tuy nhiên quan niệm thông thường vẫn cho rằng mặt trời “mọc” buổi sáng ở phương đông và “lặn” buổi chiều ở phương tây. Vậy cùng hiện tượng di động đảo ngược trên, “Mặt Trời Lưu Vong ” trong phép ẩn dụ là chuyển từ (vehicle)[11] dùng để chuyên chở những đặc tính căn bản (tenor)[12] tương tự — ánh sáng/di động/mất mát. Chuyển từ “Mặt Trời Lưu Vong ” trong thi tập liên hệ đã thay mặt cho con người thất thế chấp nhận cái nghiệp chướng lao đao xuống dốc, lang bạt điêu linh, cái hiện tượng hào quang vụt tắt mà trước đó chỉ dành riêng cho kẻ vong quốc, sa cơ lỡ bước. Nhưng, nếu kẻ lạc lõng nơi đất khách quê người lại tự ví mình là “mặt trời lưu vong”, thì vô hình chung, họ đã phần nào hướng thượng, cố với lên cao, nơi có ánh sáng, lẽ phải, và nhân từ — để lấy lại danh dự đánh mất.
Sự chuyển hoán của thi ảnh “Mặt Trời” còn thực hiện bằng nhiều thể ẩn dụ song hành như hoa mượn sắc thái và hương vị người đẹp:
Cánh hoa màu má hồng
Lóng lánh hạt sương trong[13]
hoặc khi người đẹp mượn sắc thái và hương vị của tấm lụa hồng, trong vòng chuyển hoán đa diện, lồng kép “theo móng cầu vồng”:
Đợi em theo móng cầu vồng
Lên non giũ lụa cho hồng màu da[14]
Thi ảnh “Nắng” còn được thay thế bằng những phụ bản — những nguồn ánh sáng nhân tạo, điển hình, móc nối, chỉ dẫn :
Đợi em về tháp hải đăng[15]
có lúc đóng khép trong nội tâm sâu thẳm như nỗi niềm ngoi ngóp loé khơi:
Thắp ngọn nến soi lòng …[16]
hoặc tự phát và ứng chuyển đến độ phức hợp, liên khởi:
Để tôi đốt nhánh trầm hương
Mời em rượu mận cho hường mầu môi[17]
hoặc lại kết hợp với ánh trăng, như một âm bản dưới dương bản, vừa dị biệt, vừa tương ứng. Do đó đã có hiện tượng song song khởi sáng trong thơ Trần Thiện Hiệp:
Tôi yêu con đường hồng trần
và yêu em bốn mùa tóc xõa gió bay
cùng mặt trời mặt trăng
sương mỏng mây thưa
hương trần ân ái[18]
Ánh sáng rọi xuống từ mặt trời đã bớt đi sự chói lọi gay gắt, để cùng ánh trăng, hoà nhã êm dịu, đem lại cho thi ảnh và tâm ảnh thứ ánh sáng huyền hoặc, sâu thẳm, khơi toả từ lòng đêm, từ cõi hư thực, mờ ảo, như một giấc mộng, một niềm ao ước bỗng dưng thành hình.
Những thứ ánh sáng đó, lúc chuyển hoán bổ túc lẫn nhau, lúc phối hợp hỗn tạp, sẽ không có trong hồn thơ Trần Thiện Hiệp, không cần thiết nữa, nếu trước đó, sau đó và cả ngay lúc đó không có bóng tôi, không có đêm dài bao quanh, song hành:
Nửa đêm lần dậy tìm ly
Nghiêng chai trong tối thầm thì gieo thơ[19]
Ở mức độ giao hợp này, bóng tối và ánh sáng đã trở thành những biểu tượng (symbol) đem lại cho thi ảnh sự nghi vấn bí ẩn (enigma) liên hệ tự tại. Trong thơ Trần Thiện Hiệp, bóng tối và ánh sáng đã mất hẳn đi cái nghĩa đen của nó để tiêu biểu những chiều sâu, những vóc dạng khác lạ, khó tới gần, vì xa cách với thông lệ, vì luôn luôn song khởi và biến dạng.
Trước hết, bóng tối tiêu biểu cho thân phận con người hiện diện trong dòng lịch sử tối tăm, phản trác, trong cuộc đời đầy gian truân, khổ ải:
Từ Việt Nam bức tử
địa ngục mở ra[20]
trong ám ảnh xót xa của đổ vỡ, đau thương nơi bạo tàn, diệt chủng:
Chiều nay gió bão dâng thương nhớ
Đất nước nghìn trùng. Đất nước xa
Ở đó em tôi bời tóc rối
Xoáy trong bão lửa với quê nhà[21]
Nhưng dù là nơi ủ ấp, chôn sâu nỗi đau đớn, buồn tủi:
Đào trăng đêm hạ lịm chôn cội sầu[22]
bóng tối vẫn là sự thách đố khơi toả ánh sáng để cải hoá nghi vấn, hoạn nạn:
Thắp ngọn nến soi lòng, đêm trừ tịch[23]
Hoặc có tác dụng bao bọc, tiếp nối, hoà hợp:
Tôi nghe thấy bình yên trong hồn
và yêu con đường hồng trần
nối dài đất trời xa lạ[24]
Nhất là khi bóng tối hứa hẹn ánh sáng, hoặc khi ánh sáng chắp nối, “quyện” vào bóng tối bằng những sợi dây liên hệ khơi ánh ái ân:
in bóng em và tôi quyện vào nhau
bằng sợi tóc mềm đượm nồng kỷ niệm[25]
……
Đợi em áo mộng trâm cài
Về đây đôi bóng chung vai đêm trường[26]
Ánh sáng và bóng tối, bỗng mầu nhiệm, thiêng liêng, đã “quyện vào nhau” để nối vũ trụ vào lòng người, nối ánh sáng vào hư không, nối bóng tối vào hy vọng và tín ngưỡng:
Mây hãy bay về nơi biển thảm
Tiễn hồn tức tưởi đến hư không
Và che nhật nguyệt mồ vô chủ
Nhớ thắp giùm ta nén hương lòng[27]
Như vậy, ánh sáng đã luôn luôn ở vào thế di động, chuyển biến, khi thoát ra từ bóng tối để rọi vào khung cảnh, vào thân phận và nội tâm con người với nhiệm vụ định hướng và soi rõ cuộc hành trình tìm lẽ sống của kẻ “lưu vong”, của con người thất thế, đọa đầy. Ánh sáng đó được gợi lên như một mong chờ, một ước vọng:
Tránh đau trằn trọc nằm chờ nắng lên[28]
Ánh sáng không những chỉ là một hiện tượng ngoại vi, tung hoành trong một thế giới ba chiều, mà còn tự chiết xuất thành chiều thứ tư của nội tâm, tình cảm và mộng giác. Do đó, ánh sáng đã “chuyển mình” để chở thành chất đam mê, say đắm, thành lẽ sống:
Nhìn lên cành lá đầy hoa nắng
Ta bỗng dưng thèm cánh gió lay
Để lá chuyển mình, hoa nắng rụng
Nhặt về hâm ấm rượu đêm nay[29]
Trong vòng kết hợp luân lưu của thị giác (Nhìn lên cành lá đầy hoa nắng), xúc giác (Nhặt về), vị giác (hâm ấm), khứu giác (đầy hoa … rượu đêm), thi ảnh “nắng” đột nhiên trở thành vọng giác, thành đam mê, — cái “bỗng dưng thèm” sống, thèm say, thèm biến hoá, tái sinh. Cái đam mê đó, phát xuất từ trào lực phá thể của ánh sáng (hoa nắng rụng), đã chuyển hoán thành một chất say khả ứng. Phải chăng, rượu hâm nóng bằng “hoa nắng” là thi hứng, là trào lực sáng tạo cải biến bóng tối trong đời sống thành tác phẩm ánh sáng, thành Mặt Trời Lưu Vong, thành Đỉnh Mây Qua?[30]
Để từ đó tìm lại lẽ sống tồn tại, tự duy khi
tôi đối diện tôi
tôi đối diện mặt trời[31]
TS Lưu Nguyễn Đạt
CHÚ THÍCH,
[1] Xem Lưu Nguyễn Đạt, “Thơ Bùi Giáng : Từ Phá Thể Sang Hội Nhập”, Cỏ Thơm, số 1, 1996, trang 20 và kế tiếp.
[2] Umberto Eco, Semiotics and the Philosophy of Language, Indiana University Press, First Midland Book Edition, 1986
[3] Xem Jacques Derrida, Of Grammatology, Baltimore, Johns Hopkins University Press, 1976; “La Mythologie blanche”, Marges de la philosophie, Paris, Minuit, 1972; Positions, Paris, Minuit, 1972; và “Economimesis”, Mimesis des articulations, ed. Sylviane Agacinski et al., Paris, Aubier-Flammarion, 1975.
[4] Xem Jacques Derrida, Of Grammatology, Baltimore, Johns Hopkins University Press, 1970. Xem thêm Jonathan Culler, On Deconstruction: Theory and Criticism after Structuralism, Ithaca, Cornell University Press/London, Routledge & Kegan Paul, 1982.
[5] Barbara Johnson, Défigurations du langage poétique, Paris, Flammarion, 1979.
[6] Trần Thiện Hiệp, Mặt Trời Lưu Vong, Văn Đàn, 1993. Trong bài văn luận này, những trích dẫn về Mặt Trời Lưu Vong được viết tắt là MTLV với số trang liên hệ.
[7] MTLV , trang 9.
[8] MTLV, trang 11.
[9] MTLV, trang 53.
[10] MTLV, trang 32.
[11] theo danh từ phân tích của I. A. Richards, The Philosophy of Rhetoric (1936).
[12] Như trên.
[13] MTLV, trang 33.
[14] MTLV, trang 53.
[15] MTLV, trang 54.
[16] MTLV, trang 46.
[17] MTLV, trang 54.
[18] MTLV, trang 13.
[19] MTLV, trang 16.
[20] MTLV, trang 14.
[21] MTLV, trang 31.
[22] MTLV, trang 43.
[23] MTLV, trang 46.
[24] MTLV, trang 14-15.
[25] MTLV, trang 14-15.
[26] MTLV, trang 14-15.
[27] MTLV, trang 14-15.
[28] MTLV, trang 16.
[29] MTLV, trang 32.
[30] Trần Thiện Hiệp, Đỉnh Mây Qua, Người Việt, 1997. Trong bài biên khảo này, Đỉnh Mây Qua viết tắt là ĐMQ.
[31] ĐMQ, “vẫn nỗi dày vò”, trang 47.