Tiếng xích xiềng loảng xoảng từ Trung Quốc
Trong khi Hoa Kỳ còn bàng hoàng suy ngẫm về việc bị hạ điểm tín dụng, và Âu Châu ngỡ ngàng thấy vụ khủng hoảng tài chánh lan rộng qua nước Ý và bạo loạn bùng nổ tại Anh, tuần qua, Trung Quốc lững thững cho chạy thử hàng không mẫu hạm đầu tiên, chiếc Varyag mua lại của Ukraine, sẽ có tên mới là Thi Lang…
Ngày 5 tháng Tám, khi công ty lượng cấp tín dụng Standard & Poor’s lần đầu tiên giáng điểm trái phiếu của Mỹ xuống một nấc kể từ năm 1941, nước Mỹ đã bị một cái tát vào uy tín của khách nợ loại “thượng đẳng” AAA. Trước và sau đó, Bắc Kinh không có lời tuyên bố chính thức, nhưng cho Tân Hoa xã tung ra hàng loạt những lời phê phán rất kẻ cả của một chủ nợ số một.
Đến ngày mùng 10 thì kín đáo hạ thủy chiếc Thi Lang một cách… om xòm!
Vì sao lại kín đáo mà om xòm thì xin quý độc giả đọc loạt bài về cái “tàu sân bay” trên website Dainamax Magazine của người viết (“Thi Lang Thang“, “Thi Lang Bang” và “Thi Lang Đầu“). Hãy để Tân Hoa xã, bình luận gia của Pakistan hay Iran bênh vực sự xuất hiện của tân lang là Thi Lang, mà nói về chuyện… thiên hạ đại thế.
Ra cái điều là mình bảnh như thầy mo.
Hình như Hoa Kỳ và cả khối hậu công nghiệp Âu-Mỹ-Nhật đang bước vào chu kỳ suy bại của mọi cường quốc, trong khi Trung Quốc vươn lên thành một thế lực mới… Như đã thấy trong lịch sử, khi có chuyện thay bậc đổi ngôi như vậy thì mâu thuẫn và xung đột rất dễ xảy ra.
Tìm hiểu về sự “thoái trào” của Hoa Kỳ hay Âu Châu, Nhật Bản, thì có lẽ cả thế giới đang nói tới. Chứ về sự lớn mạnh của Trung Quốc thì dường như người ta đã… lầm bóng với hình. Vì sự thật có khi lại rắc rối mà cũng đơn giản hơn. Bài này sẽ viết về hiện tượng đó.
Nhưng nhẹ nhàng và tầm thường khởi đi từ những tin tức thời sự mà thôi…
Từ Varyag … tới Thi Lang
Trước khi tàu Thi Lang chuồi khỏi quân cảng Đại Liên của Ninh Hạ với vẻ uy nghi của một kình ngư – con cá voi to xác – thì Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh công bố hai con số hiền khô.
Trong tháng Bảy, chỉ số hàng tiêu thụ CPI tăng 6,5%, một mức cao nhất kể từ 37 tháng nay. Tức là lạm phát vẫn đe dọa nền kinh tế đang có nguy cơ nóng mày này. Mà vật giá sẽ còn hoành hành trong những tháng tới vì chỉ số hàng sản xuất PPI tăng 7,5%.
Đôi lời giải thích đơn giản: hàng sản xuất là nhập lượng ở “đầu vào” mà tăng mạnh như vậy thì khi là xuất lượng của “đầu ra” thành hàng tiêu thụ, chúng sẽ được bán với giá cao hơn. Diễn giải cho dễ hiểu, chính sách “thận trọng điều tiết khối tiền tệ” được đưa ra từ tháng 10 năm ngoái để đẩy lui nguy cơ lạm phát, chính sách ấy không đạt kết quả.
Thiên triều tại Bắc Kinh đã mất một năm ngập ngừng trước hai mục tiêu đều sinh tử như nhau là duy trì tốc độ tăng trưởng cao để tránh thất nghiệp và động loạn xã hội, và giải trừ nguy cơ lạm phát để tránh động loạn và khủng hoảng tương tự như vụ Thiên An Môn hồi tháng 6 năm 1989. Kết quả là không đạt cả hai.
Sản lượng có thể giảm, dù chỉ là hai ba điểm bách phân của 9,5% trong quý 2 thì cũng là vấn đề. Nhưng lạm phát sẽ cao hơn tiêu chí tối đa là 5% và bung khỏi tầm kiểm soát của một bộ máy không có đủ khí cụ điều tiết.
Mà lạm phát – hay đồng tiền mất giá – là tờ truyền đơn hữu hiệu nhất để huy động mọi thành phần bất mãn về mọi chuyện ở mọi nơi vào một mặt trận. Các đấng con trời đỏ hiểu điều ấy hơn ai hết.
Lạm phát là ông tướng vô hình đã đánh bại quân Tưởng Giới Thạch trong nội chiến Quốc-Cộng và là mụ đỡ cho một cuộc cách mạng hụt về dân chủ năm 1989. Khiến Thiên An Môn trở thành Địa ngục môn, đồng nghĩa của tàn sát, khi Đặng Tiểu Bình phải đưa các đơn vị quân đội từ các quân khu khác vào dẹp loạn ở Bắc Kinh.
Nhìn từ bên ngoài, ít ai tin rằng tình hình Trung Quốc đã có thể nguy ngập như vậy từ mấy con số có vẻ tượng trưng của CPI hay PPI. Nhất là khi đã có loài kinh tế gia Tây phương trấn an dư luận cho họ vì đang vét chuyến chót tại Trung Quốc. Sự thật thì Thiên triều đang lo ngại nạn bể bóng đầu cơ địa ốc và thương phẩm và càng muốn kiềm chế lạm phát thì càng dễ làm bóng bể….
Nghĩa là sẽ lãnh họa ở cả hai đầu. Làm hàng loạt doanh ngiệp, ngân hàng hay công ty đầu tư địa phương có thể phá sản dây chuyền khi khoản nợ của các chính quyền địa phương đã lên tới mức báo động – mà là bao nhiêu thì Trung ương chưa biết được.
Nhưng không chỉ có vậy. Xin cứ theo dòng thời sự hàng ngày để nhìn ra mạch ngầm của cơn địa chấn….
Cuối tháng Bảy, cả thế giới còn theo dõi trận đánh về ngân sách ở thủ đô Hoa Kỳ nên ít chú ý đến chuyện xa xôi ngoài cõi Thiên San của Trung Quốc (bài này xin miễn nhắc lại chuyện tàu cao tốc và trò chơi vĩ cuồng trong cái thiên đình mù của Bộ Chính trị).
Số là đất Tân Cương có loạn và bạo động của sắc tộc Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo đã bùng nổ theo lối có tổ chức.
Những vụ đánh bom như xâu chuỗi tại nhiều nơi trong khu vực tự trị này là mối quan tâm của Bộ Công an, cũng đáng ngại như Bộ Tài chính với cái gánh nợ nần mà lần chưa thấy lõi. Đã thế, sau hai ngày bạo động vào cuối tháng Bảy, mùng 1 tháng Tám đến lượt Hán tộc biểu tình, ở một nơi rất chính danh là Quảng trường Nhân dân của thành phố Kashgar – ốc đảo Cách Thập – cực điểm Viễn Tây của Trung Quốc.
Hán tộc biểu tình chống lại chính sách chủng tộc của Hán triều ở Trung ương!
Với nhiều người lơ đãng thì tiếng bom hay tiếng thét trong một vùng hoang vu như vậy có gì đáng kể? Cũng như cây đổ trong rừng mà thôi! Thật ra, với Thiên triều, đây là vấn đề xương tủy, thuộc quyền lợi cốt lõi, “hạch tâm nghĩa lợi”.
Khi bị liệt cường Âu Châu xâu xé vào giữa thế kỷ 19, nhà Mãn Thanh – vốn cũng là một dị tộc – đã hội nhập mọi chủng tộc ở mọi địa phương vào một trận tuyến chung của Hán tộc để bảo vệ Trung ương. Nhưng trong cái khối đa chủng ấy, dân Tây Tạng và Tân Cương vẫn đứng riêng một cõi và bản sắc riêng được bảo vệ nhờ ngôn ngữ, tôn giáo và nhất là địa dư hình thể, trong những vùng hoang vu hiểm trở mà Hán tộc không ưa thích.
Thế rồi sau khi chiến thắng năm 1949, Mao Trạch Đông áp dụng chính sách chủng tộc của Stalin bên Liên Xô: xác định sự hiện hữu của 55 sắc tộc thiểu số bên tộc Hán, nhưng chia thành từng khu vực tự trị và dùng chế độ hộ khẩu để bảo vệ an ninh. Trong đó thuộc tính về chủng tộc được nhấn mạnh. Chỉ cần tìm ra, huấn luyện và xây dựng đội ngũ đảng viên cán bộ của từng sắc tộc để cai trị họ theo cùng một chính sách thống nhất là xong.
Nhưng chìm bên dưới vẫn là chiến lược ưu đãi Hán tộc, được đưa vào Hán hóa các khu vực thiểu số kia.
Các sắc dân thiểu số được mặc y phục truyền thống tham dự các hội nghị lớn nhỏ và chụp ảnh làm duyên. Nhưng bản sắc bị tiêu diệt, quyền lực bị tan loãng và quyền lợi bị tước đoạt. Hưởng lợi nhiều nhất là người Hán. Trong khi ấy, lý lịch và hộ khẩu vẫn ghi rõ sự căn thuộc của các nhóm thiểu số này vào một chủng tộc nào đó.
Họ ý thức được nguy cơ bị đồng hóa, và không muốn chỉ mặc áo đẹp di dự lưỡng hội làm cảnh. Quốc hội Nhân dân hay Hội nghị Hiệp thương Chính trị gì thì cũng huê dạng như hành lang của các tiến sĩ giấy. Khi phản ứng bảo vệ bắt đầu manh nha, từ mươi năm nay, Thiên triều áp dụng giải pháp ưu đãi và nâng đỡ có chọn lọc – một loại “affirmative action” mà các nhóm thiểu số tại Mỹ rất quen thuộc. Cất nhắc dân thiểu số bằng phúc lợi xã hội, như gia cư hay giáo dục, y tế.
Với hậu quả ngược: làm tộc Hán cảm thấy mình bị kỳ thị!
Khi tình hình kinh tế khó khăn thì chính sách chủng tộc ấy phá sản vì Hán tộc hay dị tộc gì cũng đều bất mãn. Và họ trút tự bất mãn vào đám đầu gấu côn đồ gọi là “thành quản”, vào công an và mật vụ, và vào chính sách của Trung ương nơi Thiên đình!
Đúng lúc ấy, mùng 8 tháng Tám vừa qua, một học giả của Đại học Harvard là Tiến sĩ Lobsang Sangay lại tụng kinh rồi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng chính phủ lưu vong Tây Tạng tại Dharamsala, trên cõi cực Bắc của Ấn Độ.
Cũng chỉ là thời sự thôi!
Được cộng đồng lưu vong Tây Tạng bầu lên, ông Lobsang Sangay chính thức thay thế đức Đạt Lai Lạt Ma làm lãnh tụ chính trị của dân Tây Tạng. Rồi đứng bên vị lãnh đạo tôn giáo và tinh thần là đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, Thủ tướng Tây Tạng đọc bài diễn văn đầu tiên. Ông công khai đả kích chính sách “thực dân” của Bắc Kinh.
Ông Lobsang Sangay đứng sau đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi lễ nhậm chức. Ảnh: AP
Ngôn từ rất dữ dội của ông – một trí thức rất trẻ và có uy tín – bên cạnh hào quang của đức Phật sống là một tín hiệu không thể lầm lẫn được.
Giải pháp ôn hoà, rất “trung đạo”, của đức Đạt Lai Lạt Ma bị Bắc Kinh từ chối, bản thân ngài bị xúc phạm với lời nhục mạ “lang sói đội lốt thầy tăng” mà chẳng ai tin. Ngài bình thản lui về làm một nhà sư được toàn cầu mến mộ, để một Thủ tướng tốt nghiệp tại Hoa Kỳ lên tiếng cho dân Tây Tạng, một cách rất dân chủ!
Trước sự việc ấy, Thiên triều chửi loạn!
Lại âm mưu của “Mỹ đế” theo lối bình luận của các thầy mo miền nhược tiểu. Nhưng ông Thủ tướng Tây Tạng lưu vong này không thể nào xài bằng giả, hoặc là người của CIA được!
Các đấng con trời đỏ bèn phát huy trí tuệ.
Họ thầm mong là Thủ tướng mới sẽ không đủ uy tín để thống nhất các quan điểm ôn hòa của thế hệ trước với lập trường cứng rắn hơn của lớp trẻ. Chắc rằng Nội các Kashag này sẽ không qua khỏi con trăng. Nhưng, như người nước Kỷ cứ sợ trời sập, Thiên triều cũng lại lo. Rằng nếu sự phân hoá ấy mà xảy ra, nhiều thanh niên Tây Tạng sẽ chọn lựa giải pháp Hồi giáo Tân Cương.
Nghĩa là bạo động! Mà dân Tây Tạng không hiền đâu. Họ dám chết vì đạo pháp thì khi cởi áo tăng mà phạm sát giới, họ sẽ là những chiến binh có hạng. Xưa kia, khi chưa được Phật giáo thuần hóa, họ đã vào tới kinh đô Trường An nhà Đại Đường làm Thiên triều rung chuyển!
Bây giờ ta mới hiểu ra sự khó chịu của các đấng con trời đỏ khi thấy vị Ban Thiền Lạt Ma Gyaltsen Norbu do Thiên triều tuyển chọn lại bị dân Tây Tạng hoài nghi và tẩy chay trong chuyến thăm viếng tu viện Labrang tại khu vực Amdo vào tuần tới.
Một chuyện thời sự khác.
Ban Thiền Lạt Ma là đẳng trật thứ nhì của Phật giáo và dân tộc Tây Tạng ở dưới đức Đạt Lai Lạt Ma. Xin miễn nói quá dài về các dòng tu mũ vàng mũ đỏ của Tây Tạng huyền bí ở đây.
Năm 1989, khi đức Ban Thiền đời trước tạ thế sau nhiều thập niên bị Bắc Kinh khống chế, các vị Lạt Ma Tây Tạng ở bên trong và đức Đạt Lai Lạt Ma ở bên ngoài đã phối hợp, tìm ra và xác nhận hóa thân – kiếp sau – của vị cao tăng thiếu may mắn này. Nhưng cậu bé Gendun Choekyi Nyima liền bị Bắc Kinh bắt cóc từ năm 1995 khi mới lên năm lên sáu. Còn sống hay không và bị cầm tù ở đâu thì chưa ai biết.
Thay vào đó, Thiên triều chỉ định một cậu bé khác và đem về huấn luyện theo chủ trương của mình.
Mười sáu năm sau, cậu bé đó là vị Ban Thiền có mũ mãng đi cùng lon lá của “Mặt trận Tổ quốc” mà vẫn chưa được dân Tây Tạng chấp nhận hay ngưỡng mộ. Họ chỉ tin vào đức Đạt Lai Lạt Ma và vẫn giấu kín tấm hình của vị Ban Thiền Lạt Ma bị mất tích kia để thờ phụng!
Tuần qua, khi Thủ tướng Lobsang Sanga xuất hiện cùng đức Đạt Lai Lạt Ma ở Dharamsala tại Ấn Độ và lá bài Ban Thiền Lạt Ma giả của mình lại bị nghi ngờ từ Cam Túc đến Amdo thì Thiên triều hiểu ra sự thất bại của chính sách Tây Tạng.
Hoặc hoài nghi bàn tay nham hiểm của “các thế lực thù nghịch” ở bên ngoài…
Mà nhìn vào Tân Cương theo Hồi giáo hay Tây Tạng theo Phật giáo, ta không thể quên Mông Cổ! Dân Mông Cổ trong khu vực tự trị Nội Mông của họ đã xuống đường biểu tình trong nhiều tuần lễ liên tục. Bên kia biên giới, Cộng hoà Mông Cổ là một điểm sáng đầy quyến rũ, của kinh tế thị trường và chính trị dân chủ. Bên này là nạn kỳ thị và đàn áp…
Người dân thuộc tộc Mông Cổ xuống đường biểu tình ở Nội Mông tháng 5/2011 [AFP]
Nghĩa là làm sao?
Các vùng phiên trấn, khu vực trái độn quân sự truyền thống của Thiên triều Bắc Kinh, đang có vết rạn.
Bên dưới là sự chuyển dịch của các tảng địa chất có thễ dẫn tới địa chấn, mà phải là Hán tộc thì mới hiểu được. Họ đã thuộc nằm lòng quy luật “hợp tan” của lịch sử Trung Quốc. Đấy là lúc ta nhìn vào Thành Đô của Tứ Xuyên, Côn Minh của Vân Nam, hay Thâm Quyến của Quảng Đông.
Cũng vẫn là thời sự thôi.
Tin tức thời sự cho thấy một điều lạ từ cuối tháng Bảy là công an võ trang và cả các đơn vị quân đội đã xuất hiện đông đảo một cách bất thường ở các tỉnh miền Tây-Nam của Trung Quốc. Sau đó mới là những cuộc tập trận “bình thường”, theo lời phát ngôn của Thiên triều cho hạ giới.
Lý do của việc công an tụ tập không thể là việc Phó Tổng thống Joe Biden sẽ thăm viếng Thành Đô vào tuần này. Cũng không thể là hội nghị của đảng bộ Côn Minh hay việc Ngoại trưởng Hillary Clinton đã ghé Thâm Quyến vào tháng trước. Các đơn vị công an võ trang lại được trang bị võ khí hạng nặng để đối phó với một nguy cơ gì đó mà chưa ai đoán ra. Nhưng chắc là Bắc Kinh có thấy và chủ động phối hợp, rất nhịp nhàng.
Bây giờ đã đến lúc chúng ta cột lại những xích xiềng đang loảng xoảng như vậy mà Trung Quốc gọi là “lang đang”.
Trái bóng đầu cơ địa ốc hay thương phẩm (commodity) có thể bể. Lạm phát có khi tăng vọt mà sản xuất lại sụt giảm khiến kinh tế gặp tai họa “stagflation” đình trệ đi cùng lạm phát, nghĩa là thất nghiệp tăng mà người người lại nghèo đi. Nguy cơ động loạn xã hội có thể trào lên thành vấn đề chính trị khi đảng cứ lúng túng ngập ngừng để chuẩn bị Đại hội khoá 18 vào năm tới.
Đúng lúc ấy, mối loạn trong vùng phiên trấn lại manh nha và ngày càng lan rộng ở khu vực trái độn từ Nội Mông đến Tân Cương, Tây Tạng, Tứ Xuyên và các tỉnh giáp giới với Việt Nam.
Thi Lang xuất hiện trong tiếng xích xiềng lang đang là như thế.
Để chuyển trọng tâm chú mục của dân chúng vào cái thế mạnh của quốc gia với hàng không mẫu hạm đầu tiên? Hoặc vào mối nguy bị ngoại bang uy hiếp tại Đông Hải? Hay các tỉnh địa đầu giáp giới với Việt Nam? Ngẫu nhiên sao, và một cách khá nhịp nhàng, Hà Nội lại cho nhiều đơn bị bộ đội Biên phòng thao dượt quân sự ở các tỉnh bên này biên giới!
Chuyện ấy mới là thời sự đáng theo dõi còn hơn những thăng giáng thất thường của thị trường cổ phiếu…
Kết luận ư?
Nhìn về lâu dài, Âu Châu có thể bị khủng hoảng, Hoa Kỳ sẽ mất nhiều năm mới đứng dậy. Siêu cường này thật ra còn rất trẻ nếu nói về tuổi tác lịch sử, và quá trẻ nếu nhìn vào cơ cấu dân số. Họ lại còn khả năng sử dụng lá phiếu cho các lãnh tụ về đuổi gà và bảo nhau đứng dậy phấn đấu.
Nhưng Trung Quốc lại khác.
Mọi vụ bạo loạn đều có yếu tố chuyển lực thành khủng hoảng khi từng mắt xích bị đánh bung. Và chính là phản ứng phòng thủ ấy bằng những tiếng xích xiềng loảng xoảng sẽ làm những mắt xích yếu nhất bị bung trước tiên. Chúng ta đừng vội chơi “stock” trong giai đoạn thăng giáng thất thường này, khi chỉ số DJIA cứ lên xuống như cái yo yo, mỗi ngày lên xuống 400 điểm.
Mà nên đánh cá xem mắt xích nào của Thiên triều là yếu nhất! Thi lang đang là vậy!
(Xin giới thiệu ở trên đồ biểu của tờ Wall Street Journal so sánh hàng không mẫu hạm Thi Lang, cấp Kuznetsov, khi thực sự thành hình trong một tương lai mờ mịt, với một hàng không mẫu hạm cấp Nimitz của Mỹ. So sánh về kích thước, số phi cơ, quân số và sức trọng tải… Bảo rằng Hoa Kỳ hốt hoảng thì chỉ là vuốt ve tự ái Hán tộc mà thôi!)
Nguyễn Xuân Nghĩa