Vào ngày Thứ Năm, 06 tháng 10 năm 2011, Hàn Lâm Viện Thụy Điển (the Swedish Academy) đã công bố việc trao tặng Giải Thưởng Nobel về Văn Chương thuộc Năm 2011, trị giá 1.5 triệu Mỹ kim, cho Thi Sĩ Thomas Tranströmer, gốc Thụy Điển, “bởi vì qua các hình ảnh cô đọng, trong mờ, ông ta đã cho chúng ta sự tiếp cận tươi mới với thực tại” (because, through his condensed, translucent images, he gives us fresh access to reality) (trích dẫn lời ghi chú của Ủy Ban chấm giải).
1. Các nhận xét về Thi Sĩ Tomas Tranströmer
Thi Sĩ Tomas Transtromer được coi là Nhà Thơ danh tiếng nhất của nước Thụy Điển và cũng là thi sĩ hiện thời có ảnh hưởng nhất sau Thế Chiến Thứ Hai tại quốc gia này. Ông Transtromer đã trở nên vị khôi nguyên Văn Chương thứ 108 (literature laureate) và cũng là thi sĩ kế tiếp đoạt Giải Thưởng cao quý sau Thi Sĩ Wislawa Szymborska, người Ba Lan, lãnh giải vào năm 1996.
Trong nhiều năm tại nước Thụy Điển, mọi người đã trông đợi ông Transtromer sẽ đoạt Giải Thưởng Văn Chương, nhưng rồi sự chờ đợi đã kéo dài quá lâu khiến cho nhiều người nghi ngờ về hy vọng này. Nhưng khi đến tuổi 80, Thi Sĩ Transtromer đã nhận được điện thoại bảo ông mở Ti Vi để coi buổi lễ công bố Giải Thưởng Nobel Văn Chương của năm 2011. Khi được một nhà báo hỏi rằng ông nghĩ thế nào khi ông là người Thụy Điển đầu tiên sau 40 năm mới đoạt Giải Thưởng Nobel Văn Chương, ông Transtromer đã trả lời rằng đây là điều rất tốt đẹp.
Hơn 20 năm về trước, ông Transtromer bị tai biến mạch máu não (stroke = đột quỵ), kết quả là ông bị liệt một phần thân thể và không thể nói được, nên bà vợ Monica đã nói thay ông. Bà Monica đã nói rằng đây là điều ngạc nhiên lớn lao sau nhiều năm suy đoán rằng chồng của bà có thể lãnh được Giải Thưởng.
Thi Sĩ Tomas Transtromer là người châu Âu thứ 8 đã lãnh Giải Thưởng Văn Chương hạng nhất trên Thế Giới trong 10 năm qua, kế tiếp tiểu thuyết gia người Đức Herta Muller năm 2009, nhà văn người Pháp JMG le Clézio năm 2008 và tiểu thuyết gia người Anh Doris Lessing năm 2007.
Muốn lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương, văn sĩ hay thi sĩ phải có số độc giả ở nhiều nơi trên thế giới và các tác phẩm của ông Transtromer đã được chuyển dịch sang 60 ngôn ngữ khác. Trong nhiều thập niên, thi sĩ Transtromer đã là bạn thân của nhà thơ người Mỹ Robert Bly, ông này đã chuyển dịch các tác phẩm của ông Transtromer sang tiếng Anh.
Đối với các độc giả dùng tiếng Ả Rập, nhà thơ Adonis đã góp công vào việc giới thiệu thi sĩ Tomas Transtromer, đồng thời đã cùng đi với ông Transtromer để nói chuyện tại nhiều nơi trong thế giới Ả Rập. Lần giới thiệu sau cùng cách đây 5 năm tại thành phố Damascus, nhân dịp nhà xuất bản Badayat phổ biến “Toàn Tập Thơ của Transtromer” (the Complete Works of Transtromer), chuyển ngữ do thi sĩ người Irak Kassem Hardamy.
Nhà Thơ Adonis đã xác nhận rằng thi sĩ Transtromer đã cố gắng trình bày các hoàn cảnh của con người bằng các lời thơ, và thơ phú là nghệ thuật bày tỏ các hoàn cảnh, và căn gốc thơ của thi sĩ Transtromer đã mang các đặc tính cổ điển, biểu tượng (symbolic) và nhịp nhàng (rhythmic), nhưng ông Transtromer đã không thuộc về một trường phái nào, và qua các lời thơ của ông, chúng ta có thể nhận ra những gì nhìn thấy và không nhìn thấy và sự tinh túy này được coi như bông hoa của thế gian.
Nhà Thơ người Tô Cách Lan Robert Fulton (Scottish poet) là người đã chuyển dịch “Tuyển Tập Thơ Mới” (New Collected Poems) cũng như đã làm việc trong nhiều năm vì các tác phẩm của ông Transtromer, đã nói rằng mọi người trông đợi khá lâu sự lãnh giải, nếu nhìn lại công trình sáng tác trong cả đời của ông ta. Nhiều nhà văn, nhà thơ chỉ nổi tiếng sau khi đã lãnh Giải Thưởng Nobel nhưng thi sĩ Transtromer đã nổi tiếng từ trước.
Nhà Thơ Robin Robertson là người đã viết các bài dịch từ tập thơ “Thế Giới bị xóa bỏ” (the Deleted World), đã nói các độc giả hầu như không còn hy vọng rằng thi sĩ Transtromer xuất sắc này có thể được xác nhận bởi chính đất nươc của ông ta để rồi đoạt Giải Thưởng Nobel. Ông Robertson đã gọi quyết định của Hàn Lâm Viện Thụy Điển là một đoạn cuối hạnh phúc sau một thời gian chờ đợi lâu dài.
Bà Ola Larsmo, tiểu thuyết gia và cũng là Chủ Tịch của Hội Văn Bút Thụy Điển (the Swedish Pen Association) đã nói rằng mọi người trông đợi từ lâu, nhiều người nghĩ rằng ông Transtromer đã lớn tuổi và không còn mạnh khỏe, nên không còn cơ hội đoạt Giải Thưởng nữa, nhưng việc trao giải này chính là sự xác nhận lớn lao khi ông Transtromer được coi là thi sĩ có tầm vóc quốc gia và quốc tế.
Chủ biên của Tạp Chí Văn Chương Granta, ông John Freeman, nói rằng “Thi Sĩ Tomas Transtromoer đối với xứ Thụy Điển cũng giống như Thi Sĩ Robert Frost đối với xứ Hoa Kỳ”, nhưng tại Hoa Kỳ, ông Tomas Transtromer vẫn còn là một nhà thơ chưa được nhiều người biết tới.
Việc chọn lựa một tác gia người châu Âu để trao tặng Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 2011, đã bị một số người chỉ trích là đã quá thiên lệch về châu Âu, bởi vì 7 vị trong số 10 vị lãnh giải sau cùng đều ở lục địa châu Âu, và nhà văn cuối cùng người Mỹ là bà Toni Morrison lãnh Giải Thưởng Nobel vào năm 1993. Trong khi đó, Ủy Ban cứu xét Giải Thưởng Nobel nói rằng đã lâu mới có một người Thụy Điển đoạt Giải Thưởng này, đó là từ năm 1974 do hai tác gia Eyvind Johnson và Harry Martinson.
Ông Peter Englund, Tổng Thư Ký thường trực của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, cho biết rằng Ủy Ban Văn Chương đã phải gia tăng số người tìm đọc các sách truyện không viết bằng ngôn ngữ của châu Âu và rồi ông Englung đã nói “chúng tôi đã suy nghĩ kỹ về vấn đề này. Chúng tôi không vội vàng khi chọn lựa một người Thụy Điển”.
Vài lý do tại sao thơ phú của Thi Sĩ Tomas Transtromer được khen ngợi bởi các độc giả, các dịch giả và các nhà thơ khác, bởi vì các lời thơ của ông Transtromer có các đặc tính toàn cầu và đặc thù (universal and particular), siêu hình và cá nhân (metaphysical and personal). Thực vậy, thơ phú của Thi Sĩ Tomas Transtromer đã mang rất nhiều nhạc tính (highly musical) và hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa (multilayered) với mỗi từ hay mỗi câu đều mang theo các âm hưởng (resonances) đối với các độc giả người Thụy Điển do cách chọn lựa đặc biệt các chữ, các từ và do nhiều cách phối hợp các từ ngữ.
Các tác phẩm ban đầu của Thi Sĩ Tomas Transtromer bắt nguồn từ nhiều phong cảnh của các hải đảo mà ông đã sinh sống vào mùa hè khi còn thơ ấu, đây là các lời thơ mô tả thiên nhiên của xứ Thụy Điển. Về sau, thơ phú của Thi Sĩ Transtromer đã mang vẻ cá nhân hơn, cởi mở và thư dãn (relaxed), phản ánh nhiều sở thích như âm nhạc, hội họa, khảo cổ, du lịch và các khoa học tự nhiên.
Các thi phẩm siêu thực (surrealistic) của Thi Sĩ Thomas Transtromer mang đặc tính trừu tượng rất mạnh, dùng để thám hiểm các bí ẩn của tâm hồn con người. Các lời thơ của ông được xây dựng trên các kinh nghiệm sống của chính ông, trộn với tình yêu của ông đối với thiên nhiên và âm nhạc, và Thi Sĩ Transtromer cũng đề cập tới lịch sử, các câu hỏi hiện sinh và cõi chết.
Robert Hass là nhà thơ đoạt Giải Pulitzer và cũng là người biên soạn tác phẩm “Các Bài Thơ Chọn Lựa” (Selected Poems) của Thi Sĩ Tomas Transtromer, đã nói rằng nhà thơ Thụy Điển này đã viết ra các lời thơ sắc bén, đâm suốt vào bên trong. Thi Sĩ Transtromer đã làm thơ để mô tả cảnh bình minh, cảnh hoàng hôn và các khoảng khắc trong đời người.
Thi Sĩ Tomas Transtromer được coi là một bậc thầy về cách dùng các ẩn dụ (metaphor), ông đã mang nhiều hình ảnh mạnh mẽ vào bên trong lời thơ, ông cũng chú trọng tới đặc tính đơn giản (simplicity) bởi vì yếu tố này phản ánh lối sống của ông.
Lars Gustafsson, một người bạn lâu năm của ông Transtromer, đã nói rằng Thi Sĩ Transtromer đã trải qua cả cuộc đời làm nhà tâm lý (a psychologist), đã chữa bệnh tâm thần cho nhiều người, nên lời thơ của ông Transtromer là sự phối hợp của nhiều thứ thông thường, và thi sĩ này đã không dùng các từ xa lạ để mô tả về con người, cảnh vật, các giấc mơ… nhưng ở bên dưới vẫn có một thứ gì bí ẩn.
Thơ phú của Thi Sĩ Tomas Tranströmer được coi là cách thám hiểm các miền biên giới giữa các trạng thái tỉnh thức và vô thức và nhà thơ bạn Lasse Soderberg đã gọi ông Transtromer là “Nhà Thơ Con Ó” (the buzzard poet), bởi vì Thi Sĩ Transtromer đã nhìn thế giới từ trên cao mà vẫn mô tả thiên nhiên, con người, cảnh đời… một cách rõ ràng từng chi tiết. Đồng thời, các nhà phê bình văn chương đã khen ngợi các lời thơ của Thi Sĩ Tomas Transtromer do cách tiếp cận (accessibility) ngay cả khi đã chuyển dịch sang các ngôn ngữ khác, họ cũng ca tụng cách mô tả của nhà thơ Transtromer về những mùa đông dài lâu tại xứ Thụy Điển, về sự nhịp nhàng của bốn mùa, về những vẻ đẹp của bầu trời, của thiên nhiên…
2. Cuộc đời và các tác phẩm của Thi Sĩ Tomas Tranströmer
Ông Tomas Gosta Transtromer sinh ngày 15 tháng 4 năm 1931 tại thành phố Stockholm, được bà mẹ là một giáo viên nuôi dạy sau cuộc ly dị của bà với người chồng là một nhà báo. Cậu Tomas theo học bậc trung học tại trường Sodra Latin ở Stockholm, nơi đây cậu thanh niên này đã bắt đầu làm thơ.
Tập thơ đầu tiên của Thomas Transtromer có tên là “Các vần thơ của Tuổi 17” (17 dikter = Seventeen Poems), đã được xuất bản vào năm 1954 và được khen ngợi tại Thụy Điển.
Tomas Transtromer tiếp tục theo Đại Học Stockholm, tốt nghiệp với nghề chuyên môn là một chuyên gia tâm lý (a psychologist) vào năm 1956, trong thời gian này ông Tomas cũng học thêm các môn lịch sử, văn chương và tôn giáo. Trong khoảng các năm từ 1960 tới năm 1966, ông Tomas Transtromer làm việc tại trung tâm cải huấn các thanh niên phạm pháp Roxtuna, đồng thời ông vẫn sáng tác thơ văn.
Thi sĩ Thomas Transtromer đã có các bạn thân như nhà thơ Robert Bly, người đã chuyển dịch các tác phẩm của ông Transtromer sang tiếng Anh, nhà thơ Adonis người Syria, đã giúp công vào việc quảng bá danh tiếng của ông trong thế giới Ả Rập cũng như đã đi cùng với ông trong các chuyến đi xa để diễn thuyết về thơ văn.
Vào năm 1990, ông Tomas Transtromer bị tai biến mạch máu não (stroke = đột quỵ) khiến cho ông bị liệt một phần thân thể và không thể nói được, tuy nhiên ông Transtromer vẫn tiếp tục làm thơ và cho phổ biến các thi phẩm trong thập niên 2000. Tác phẩm cuối cùng của ông Transtromer là tập thơ “Điều ký bí lớn” (the Great Enigma), xuất bản vào năm 2004.
Ngoài tài năng sáng tác thơ phú, ông Transtromer còn biết đánh đàn dương cầm và sau khi đã bị bệnh liệt thân thể, ông tiếp tục chơi đàn bằng một tay.
Thi sĩ Tomas Transtromer đã cho phổ biến 15 tuyển tập thơ, những tác phẩm này đã được chuyển dịch sang 60 ngôn ngữ khác. Phần chuyển dịch sang tiếng Anh do nhà thơ Robin Fulton, thi phẩm gọi tên là “Tuyển Tập Thơ Mới” (New Collected Poems), đã được phổ biến tại nước Anh vào năm 1987, rồi được bổ túc vào năm 1997, cập nhật cũng tại nước Anh vào năm 2011, trong khi đó “Tuyển Tập Thơ Mới” này được phát hành tại Hoa Kỳ vào năm 2006.
Trong thập niên 1970 với nhiều biến cố chính trị xẩy ra, một số nhà thơ cho rằng ông Transtromer đã không mang các vấn đề chính trị vào bên trong thơ văn và tiểu thuyết của ông, đã thiếu đi các bình luận xã hội, và các đặc tính này thường được tìm thấy trong các tác phẩm của những vị lãnh Giải Thưởng Nobel, kể cả vị khôi nguyên sau cùng là nhà văn Mario Vargas Llosa của xứ Peru.
Là một con người khiêm tốn, không tự phụ, thi sĩ Tomas Transtromer thường hay tránh né các tranh luận chính trị và đứng ra bên ngoài tầm mắt của quần chúng chung quanh.
Khi công bố Giải Thưởng Nobel Văn Chương, ông Peter Englund, Tổng Thư Ký thường trực của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, đã nói rằng ông Tomas Transtromer đã bắt đầu làm thơ từ năm 1951, và đã đề cập tới những vấn đề lớn lao, đã viết về cõi chết, về lịch sử, về các kỷ niệm và thiên nhiên. Thủ Tướng Thụy Điển Fredrik Reinfelt khi nhận được tin tức về Giải Thưởng Nobel Văn Chương, đã tuyên bố rằng ông ta rất “sung sướng và hãnh diện”, khi biết rằng Giải Thưởng 2011 này được trao tặng về các thành quả của Thi Sĩ Tomas Transtromer.
EPA — Nobel Literature Laureate 2011 Tomas Tranströmer smiles during a news conference in his Stockholm home.
– Năm 1966: Giải Thưởng Bellmanpriset (Thụy Điển)
– Năm 1981: Giải Thưởng Petrarca – Preis (Đức).
– Năm 1990: Giải Thưởng Quốc Tế dành cho Văn Chương Neustadt (Hoa Kỳ).
– Năm 1991: Giải Thưởng Nordic của Hàn Lâm Viện Thụy Điển
(Svenka Akademiens nordiska pris).
– Năm 1996: Giải Thưởng Augustpriset (Thụy Điển)
(dành cho thi phẩm Con Thuyền Gondola buồn).
– Năm 2003: Vòng Hoa Vàng (the Golden Wreath) của Các Đêm Thơ Phú Struga tại Macedonia (of the Struga Poetry Evenings).
– Năm 2007: Giải Thưởng Thơ Văn Griffin của nước Canada.
(Griffin Poetry Prize).
Và cuối cùng vào năm 2011: Giải Thưởng Nobel Văn Chương (Thụy Điển).
Một số các thi phẩm của Thi Sĩ Tomas Transtromer được liệt kê như sau:
– 17 Poems (Các vần thơ của Tuổi 17), nhà xuất bản Bonnier, 1965.
– Secrets on the Way (Các bí mật trong cuộc hành trình), Bonnier, 1958.
– Windows and Stones (Các cửa sổ và các tảng đá), Bonnier, 1966.
– Night Vision (Cảnh mộng ban đêm), nhà xuất bản Forfattarforlaget, 1970.
– Paths (Các con đường), Forfattarforlaget, 1973.
– Baltics (Biển Baltics), Bonnier, 1974.
– The Truth Barrier (Hàng rào sự thật), Bonnier, 1978.
– For the Living and the Dead (Vì người sống và người chết), Bonnier, 1991.
– The Sorrow Gondola (Con thuyền Gondola buồn), Bonnier, 1996.
– The Big Riddle (Điều bí ẩn lớn), Bonnier, 2004.
Và còn nhiều tác phẩm khác, nhưng được coi như quan trọng là hai thi phẩm “Windows and Stones” (Các cửa sổ và các tảng đá) (1966) và “The Great Enigma” (Điều kỳ bí lớn) (2004).
Thi Sĩ Tomas Tranströmer đã mô tả thơ văn của ông là “các nơi gặp gỡ” (meeting places), tại những chỗ này, sáng và tối, trong và ngoài… đã va chạm vào nhau để sinh ra các liên hệ bất ngờ với thế giới, với lịch sử hay với chính chúng ta.