Bản tin 19 giờ 25.8.2015, Đài Truyền Hình VTV cho biết Hà Nội đã có hai tên đường mới là Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông.
Có lẽ chẳng ai biết hai ông họ Mạc mà một người tên Tổ, một người tên Tông cùng lót chữ Thái là những cha căng chú kiết nào. Không chừng lại có người liên tưởng đến tên đường Mạc Thị Bưởi ở quận 1 Sài Gòn mà cho rằng ba người này cùng một gia đình có công với cách mạng, cha con hay bà con gì đó với nhau.
Đúng một phần. Hai người trong số họ là cha con. Nhưng tên Tổ với tên Tông của họ chỉ là nickname thôi. Tên thật của họ theo thứ tự cha con, là Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh. Nói tên này ra chắc là nhiều người biết, nhất là lớp người lớn tuổi ở miền Nam, vì lớp người đó thời còn nhỏ ai cũng có học sử. Người ta biết tên Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh, nhưng ít người để ý đến miếu hiệu Thái Tổ và Thái Tông của hai ông hoàng đế ấy, vì theo chính sử truyền thống đó là hai kẻ nghịch thần và phản quốc.
Nghịch thần, vì Mạc Đăng Dung (1483 ? – 1541) vốn là một anh dân chài lưới nhờ có sức khỏe thi đổ lực sĩ làm lính bảo vệ đời vua Lê Uy Mục, sau nhiều năm được đề bạt dần dần lên cao nắm hết quyền hành của triều Hậu Lê. Về sau, ông cướp được chánh quyền nhà Hậu Lê, phế bỏ rồi giết vua Lê Chiêu Tông, và tiếp theo phế vua Lê Cung Hoàng (em vua Lê Chiêu Tông) để lên ngôi vua lập ra nhà Mạc.
Phản quốc: Khi giặc Tàu sang đánh, Mạc Đăng Dung chọi không lại vì không được nhân dân ủng hộ, đã lên ải Nam Quan, cởi trần tự trói mình “phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước” cho tướng giặc. Về sau, con ông ta là Mạc Đăng Doanh (Mạc Thái Tông) cũng từng sai người sang dâng thư đầu hàng tại Tỉnh Quảng Tây của Tàu.
Trong Việt Nam Sử Lược, Sử gia Trần Trọng Kim nhận xét:
“Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ.”
Những con người mang tiếng nghịch thần, PHẢN QUỐC và VÔ LIÊM SỈ đã được đặt tên đường ở Thủ đô để “nhằm giáo dục truyền thống và ghi nhớ công lao của tiền nhân,” như lời PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam khẳng định trong một Công văn chính thức.
Công văn số 66/ VSH-QLKH về thân thế, sự nghiệp của Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Viện Sử học khẳng định: “Sau khi nghiên cứu tài liệu, Viện Sử học nhận thấy với việc thành phố Hà Nội đặt tên Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông cho đường phố mới ở Hà Nội là một việc làm đúng đắn nhằm giáo dục truyền thống và ghi nhớ công lao của tiền nhân.” [1]
Phố Mạc Thái Tổ là đoạn đường dài 900 mét, rộng 60 mét từ ngã ba giao cắt đường Phạm Hùng đến nút giao với phố Trung Kính.
Phố Mạc Thái Tông dài 840 mét, rộng 17 mét từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng, đối diện cổng sau Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính.
Không biết do vô tình hay cố ý mà hai con đường mang tên các “danh nhân” loạn thần phản quốc này lại cùng giao đầu vào phố Trung Kính – TRUNG và KÍNH! Nếu con phố Trung Kính này mà biết đi – ngày trước có người nói giá cây trụ đèn biết đi! – chắc là nó không chịu nằm yên ở đó để người ta mượn nó làm chỗ dựa đầu cho những kẻ bán nước và vô liêm sỉ như thế đâu.
Nhưng sao không lấy tên đường Mặc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh nhiều người biết, mà lại lấy các “nick name” Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông chỉ có các sử gia mới biết?
Có lẽ đây không phải là mở đầu của một chủ trương chính thức vinh danh những tên cướp chính quyền và bán nước, mà chỉ là nối tiếp một truyền thống mới với những tên bán nước khác đã được đặt tên đường khắp các tỉnh thành ở Việt Nam trước đó. Rồi đây, để thêm “chính danh”, có lẽ những cái tên như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc ngày xua, và Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải… gần đây sẽ lục tục chiếm lĩnh những con đường quan trọng khắp đất nước. Nhưng khi đó có lẽ tên Lê Chiếu Thống sẽ được thay bằng tên cúng cơm Lê Duy Kỳ, và Trần Ích Tắc được thay bằng vương tước của ông ta là Chiêu Quốc Vương, còn Hoàng Cao Khải thì thành Hoàng… Lão Tà, Nguyễn Thân thành Nguyễn… chó chết gì đó, chẳng hạn. Và cứ thế tiếp tục…
Dùng những tên như thế thì bảo đảm sẽ không ai biết được who’s who, nhất là khi học trò đã xé sách lịch sử rải trắng sân trường.
Thiếu Khanh
[1] “PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh, người có nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật văn học phương Đông nổi tiếng, đã đưa ra các dẫn chứng từ sử sách của ta và cả triều Minh (Trung Quốc), để chứng minh đối sách ngoại giao sai lầm của nhà Mạc khi dâng đất, xin hàng, xin nội thuộc nhà Minh, nên không thể coi là có công với đất nước.
Sự việc khá rõ ràng, không có đủ chứng cớ để nghi ngờ các sử gia Lê, Nguyễn vì muốn tô vẽ cho triều đại mình mà nói oan cho Mạc Đăng Dung. Nếu biện giải rằng: Mạc Đăng Dung ứng xử như thế chỉ để “xoa dịu” Mao Bá Ôn, để tránh một cuộc xâm lược mới… thì sự biện giải ấy không thể thuyết phục.
Ghi công những đóng góp của nhà Mạc và không coi nhà Mạc là “ngụy triều” cũng phải, nhưng những sai lầm của nhà Mạc trong đối sách về ngoại giao không thể bỏ qua. Lấy tên Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông để đặt tên đường ở Hà Nội chỉ làm tăng thêm sự hoài nghi của nhân dân về tính lệ thuộc.”
(Tranh luận xung quanh việc đặt tên phố Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông ở Hà Nội – http://cand.com.vn/Xa-hoi/Tranh-luan-xung-quanh-viec-dat-ten-pho-Mac-Thai-To-va-Mac-Thai-Tong-o-Ha-Noi-354841/ )