Thơ Nguyễn Đăng Tuấn không đơn giản, hiền hậu, dễ hiểu như người ta chợt tưởng. Đó là chỗ hẹn hò của ánh sáng và bóng tối kết tụ thành chất xám, của thi ảnh lồng cách, của thi cảm nhị trùng. Đó là thế giới hư hư thực thực của sự thật và bóng gió; của trong trắng và dục thể; của hồn nhiên và ảo thuật; của tầm thường và sáng kiến; của thất vọng và niềm tin; của hư vô và dấu tích.
Jonathan Culler[1] phân biệt thi cách “mỹ miều” (Fancy) và “sáng kiến” (Imagination) trong thuật tạo thi ngữ. Phép “mỹ miều” có khuynh hướng trưng bày bóng bẩy bề ngoài qua lối ghép chữ một cách máy móc, thúc đẩy bởi hình thể sẵn có của từ ngữ căn bản, hoặc ấn định bởi những nguyên tắc sát hợp tâm lý (principles of associationist psychology).[2] Nếu quá chú trọng tới khía cạnh “mỹ miều”, người làm thơ dễ luẩn quẩn chơi chữ, đảo ngữ, nói lái, có lúc bóng bẩy nghịch ngợm, có lúc sáo mòn, vì thiếu sâu sắc, thiếu tâm lực. Ngược lại, “sáng kiến” sinh hoạt tự tại, bằng cao hứng và tâm lực để sáng tạo những thi ngữ mới lạ, sâu sắc hoặc những thành ngữ bất hủ, xuất chúng. Lúc đó chơi chữ sẽ nhường bước để chữ chơi một cách tự chủ và sống động. Với “Sáng kiến”, thi ngữ và thi ca thực sự khởi sắc bằng chiều sâu tự tại khi thi sĩ đã hội nhập được với chính bản năng và nhu cầu của thi ngữ, của thi cảm.
Trong thi tập Dường như tôi ngại thốt lời yêu em,[3] Nguyễn Đăng Tuấn đã dấn thân vào con đường làm mới thi ca bằng những cố gắng khơi sâu thi ngữ, bằng những cơ hội hẹn hò và tình tứ ngay với chữ nghĩa. Như trong bài “Bất dung” (DNTNTLYE, 19), kết thúc bằng hai câu:
tôi chùn tôi lại đã thèm
sáng ra nhón bỏ tên, đem vào chùa
chúng ta đối diện tức khắc với hai vị trí khác hẳn nhau: một cảnh thế trần tục và một chiều hướng siêu thoát. Sự trần tục ở đây được cô đọng thành một tác động nửa chừng xuân, giữa tới và lui, giữa hành sự và bất động. Cái thế “tôi chùn tôi lại” là một nghịch lý đòi hỏi hai đà khác nhau: một đằng thì xông tới, tiến thẳng về mục tiêu phía trước, bất chấp trở ngại; một đằng thì lại rụt rè, kiềm hãm và rút lui phía sau. Thoáng tưởng sự dằng co, bỏ dở cuộc hành trình đó là phản ứng của một tình trạng bị kẹt, một trở ngại thể xác. Nhưng sự dằng co này lại có tính cách tâm não, nếu xét theo chiều hướng rụt rè của tâm tình căn bản được thổ lộ ngay từ cái đề “Dường như tôi ngại[4] thốt lời yêu em”. Tối thiểu đó là một sự giày vò tâm não, một ám ảnh “quyết liệt/không quyết liệt”, nói theo kiểu công án[5] của Du Tử Lê.[6] Vậy cái phản ứng rút lui có trật tự trong cảnh thế “tôi chùn tôi lại” không thể coi như là cảnh huống thụ động dưới sự chi phối của một trạng thái bán thân bất toại, một thứ tê liệt thân thể trong chốc lát, mà phải coi đó là một thứ tê liệt tinh thần sâu sắc hơn, một trạng thái e ngại căn bản ngay trong đam mê tột đỉnh.
Cũng trong bài “Bất dung” trên, khía cạnh trần tục của ám ảnh “tôi chùn tôi” đã được sửa soạn bởi nhiều chi tiết gợi hình, gợi cảm trái ngược nhau. Nếu thi ảnh của “tôi nằm trên phiến đá trong” nói lên trạng thái “bất dung” — vừa tê cứng trong thể chất cứng chưa chảy ra thành thể chất lỏng,[7] vừa lạnh lùng trong trắng, thì thi ảnh của “chân tay quờ quạng rêu rong mượt mà” lại có vẻ tưng bừng, kích động và gợi cảm khác hẳn. Tột đỉnh của vọng cảm này được ghi lại dưới hai chữ: “đã thèm”. Vậy căn tâm của thi ảnh trong bài thơ “Bất dung”, dù bất toại, dù bất thành, dù ảo giác, vẫn có tính cách thiết tha của dục vọng, của đam mê rất trần gian. Rất người. Đôi khi tả chân đến độ sắc bén, gần “như vẽ” rõ từng nét.[8]
Nếu cảnh thế “trần tục” được ghi nhận một cách phong phú, từng giai đoạn, từng chi tiết khác nhau khắp “bẩy phần tám” bài thơ, thì chiều hướng siêu thoát trong thế “Bất dung” này chỉ cần một dòng mỏng mảnh để tiêu biểu ánh sáng của giác ngộ, của tâm linh: “sáng ra nhón bỏ tên, đem vào chùa”. Động từ “nhón bỏ” không những nói lên một cử chỉ nhẹ nhàng, thanh lãm, khác hẳn sự cắt bỏ tinh hoàn làm mất khả năng sinh sản, hoặc cắt hoạn[9] theo từ ngữ của Freud. Sự “nhón bỏ” ở đây không có tính cách phân bộ, như cắt bỏ một phần của cơ thể, mà lại có tính cách toàn diện, vì tác động “nhón bỏ tên” đưa tới sự thay đổi nhân bản lớn lao có tính cách thoát ly toàn khởi, như trong cuộc xuất gia đi tu. Đó là giai đoạn của siêu thoát vượt khỏi nghịch lý, vượt khỏi cảnh thế bất toại, “bất dung” và bất dụng.
Tới đây, người đọc thơ Nguyễn Đăng Tuấn có cảm giác nhà thơ đã vượt thoát khỏi cái bóng bẩy mỹ miều chơi chữ khi sáng kiến “nhón bỏ” đã hội nhập với thi ngữ “đem vào chùa” để trở nên siêu thoát. Tất cả những hình ảnh nghịch ngợm — “chân tay quờ quạng rêu rong mượt mà” trên đã nhẹ nhàng hồi hướng vào tâm linh, qua mẫu mực của đạo Phật, của đạo giải thoát. Khi nhà thơ tin vào cõi thơ, tin vào sứ mạng trong thơ là tạo dựng một đời sống có chiều sâu, có ý nghĩa, thì thi ảnh, thi ngữ sẽ lãnh hội sự chân thực trong sáng kiến.
Chơi chữ thường có tính cách bông đùa, nghịch ngơm, đôi khi ma mãnh,[10] trần tục, như cách nói lái, chuyển hoán phần vần hay phần phụ âm đầu để đổi trật tự âm tiết và ý nghĩa của cụm từ “đổi đời”.[11] Trong bài “Rừng phong có nhớ người che nắng vàng” (DNTNTLYE, 20), thi ảnh “xuống đèo” có thể nói lái thành “đé(…) xuồng” — nôm na là “làm tình trên thuyền nhỏ không có mái che”, khá lộ liễu — để tạo thành một đề tài “tục ca” muối mặt[12] giang hồ theo kiểu tân Hồ Xuân Hương cuối thế kỷ 20. Trong thơ Nguyễn Đăng Tuấn, sự bộc lộ của tình ái thường được diễn tả bằng những thi ảnh lên xuống náo động, bồng bột, điển hình, gần như tả chân. Nguyễn Đăng Tuấn đã nhắc đi nhắc lại nhịp độ của tình yêu qua những tác động “xuống đèo” hoặc “xuống đồi” với thi ảnh “vấp ngã đôi chân lòng bồi hồi” (DNTNTLYE, 56). Thi ảnh “vấp ngã” này được dùng ở đây như một cơ hội chuyển ngữ từ tiếng Anh “fall in love“, trong âm hưởng “liên thảo”.[13] Việc lây chữ “fall in love” có lẽ là một đề tài thích thú của Nguyễn Đăng Tuấn. Trong bài “Nhón” (DNTNTLYE, 40), nhà thơ cũng nói lên sự bộc lộ của tình ái qua thi ảnh lên xuống náo động, bồng bột, khi tác nhân đã phải “nhón” lên tới ba lần để có đà “vội ngã vào vàng tim em”. Cái thú vị trong đà “ngã vào tim” người yêu, ngã vào tình ái, là ở chỗ Nguyễn Đăng Tuấn luôn luôn lồng bóng gió ngay trong lòng sự thật: trong trắng đã được ẩn dụ ngay trong dục thể; hồn nhiên trong ảo thuật và sáng kiến trong tầm thường của sáo ngữ. Tất cả như để tìm lại niềm tin từ thất vọng, tìm lại dấu tích từ hư vô. Tác động “ngã” cũng có thể là phóng ảnh trở về với cái ngã trong bản ngã, về lại tâm linh của sáng kiến, khi chơi chữ đã nhường bước cho chữ chơi, khi sáo ngữ có cơ hội sống lại theo chiều sâu của tư tưởng, hình ảnh và âm điệu trong thi ca.
Sáng kiến có thể bắt gặp ngay trong những mối liên hệ bất ngờ giữa cụ thể và trừu tượng. Trong bài “Bất dung” trên, cụm từ “buồn nhòa tâm” đẹp và sống động lạ lùng. Thi ảnh đã biến chuyển từ một thị giác mờ nhoà bởi nước mắt sang hậu ảnh che lấp phần nào lý trí và ánh sáng của tâm linh. Nguyễn Đăng Tuấn đã kết nạp cụ thể với trừu tượng để lồng tạo thi ảnh một cách linh biến. Như trong cụm từ “ngọt tầm” (DNTNTLYE, 20) chẳng hạn, thi ảnh “tầm” rơi vì tình yêu từ thể thu hút vật lý đã khéo léo chuyển hoá thành vị giác “ngọt” ngào, thành cảm giác lạc mạch — cái nguồn vui êm dịu qua khe suối, từ trên cao chảy xuống: một thi ảnh vừa thơ mộng, vừa gợi cảm, vừa khêu gợi. Nếu cuộc sống còn vất vưởng trong do dự, trong cái tầm thường “bất dung” và bất toại, thơ hằng chọn con đường của tình ái để cảm hoá lòng người. Điều đáng mừng là Nguyễn Đăng Tuấn đã thành công ngay trong việc làm tình với chữ trước khi — và nhờ đó — thành công với chính cuộc tình mình. Thơ Nguyễn Đăng Tuấn cũng mang sứ mạng cứu vãn thời cuộc như chủ đích của người kể truyện suốt một ngàn một đêm lẻ để nhà vua mê say quên ra lệnh hành quyết kẻ tử tội bên ngoài. Có khác là nhà thơ vừa là kẻ bênh vực vừa là kẻ sống còn ngay trong dòng thơ mình tạo dựng: làm tình với chữ để tạo tình yêu và để chuộc lại hy vọng tồn sinh.
Trong khi thơ Du Tử Lê là loại thành trì chữ nghĩa, là tâm tư sắp xếp nghiêm chỉnh, vạch đường chỉ lối, khép (đóng), ngưng, nghiêng, ngắt, (bẻ), quanh, co, thủ thỉ, thòng, (buộc), bắt, (trói), mở, moi, cắt, (cưng), vân, vê, vá, (vụn), to, nhỏ, thôi, (hồi) , vãn, (hỏi) — một thứ mê hồn trận trong tâm hồn ngập đam mê — thì thơ Nguyễn Đăng Tuấn lại là thứ thơ bỏ ngỏ để người đọc lạc ngay vào hồn chữ, “dường như” cũng để phải lòng chữ nghĩa — phải lòng cuộc đời vậy.
Lưu Nguyễn Đạt, TS LS
[Trích từ Văn Luận, Lưu Nguyễn Đạt, Cỏ Thơm, 2000]
CHÚ THÍCH
[1] Jonathan Culler, The Pursuit of Signs — Semiotics, Literature, Deconstruction, “The Mirror Stage”, pp 155-168. Cornell University Press, Ithaca, New York, third Printing, 1988.
[2] Cùng tác phẩm trên. “The Mirror Stage”, p. 158.
[3] Nguyễn Đăng Tuấn, Dường như tôi ngại thốt lời yêu em, Làng Văn, 1999. Trích dẫn trong bài tham luận sẽ ghi thi phẩm viết tắt DNTNTLYE.
[4] Chữ nghiêng [italic] do luận giả ghi thêm.
[5] Nhật ngữ gọi “công án” là “koan, theo thiền môn Zen.
[6] Xem Lưu Nguyễn Đạt, CHẤM DỨT LUÂN HỒI: CƠ CẤU ẨN DỤ VÀ HOÁN DỤ TRONG THƠ DU TỬ LÊ
[7] Xem định nghĩa từ “dung” trong Hán-Việt Từ Điẻn, Đào Duy Anh: tan, chảy ra thành nước…
[8] “graphic description”, tả chân, vẽ rõ từng nét.
[9] Castration, thiến, cắt đứt bộ phận sinh dục.
[10] Thi nhân có lúc tự ví mình là quỷ yêu ma:
em đọa tôi làm tên quỷ khát
thèm yêu em mãi tận đến cội nguồn
tôi nguyền rủa em làm ma vọng hát
lời vút cao mời gọi quỷ tôi buồn.
[11] Bài ca tên đẹp “Mộng dưới hoa” khi bị “nói lái/đổi đời” thành “Họa dưới mông” thì bớt phần thú vị, lẫn thi vị.
[12] Người Pháp dùng nhóm chữ “expression salée” để chỉ một từ tả chân, nặng nề về tình dục, tới độ thô bỉ.
[13] Xem “Intertextualité” của Julia Kristéva.
2 Comments
Nguyễn văn Thêm
Bình thơ như thế, thật là siêu đẳng.
Chỉ có tôn sư về nghệ thuật ghép chữ trong thơ mới có thể đọc được ý của thi nhân qua từng chữ, qua từng dòng (between the words, between the lines) như vậy.
Nguyễn văn Thêm
Nguyễn Đăng Tuấn
Cám ơn bài nhận thức từ thi sĩ LNĐạt.
Dù đã đọc nhiều lần nhưng luôn sảng khoái.
Thân ái
Nguyễn Đăng Tuấn