Vào cuối thế kỷ 18, các nhà tư tưởng thường là các nhà không tưởng (utopians). Chủ thuyết Lý Tưởng (idealism) phối hợp với các phong trào cách mạng tại châu Mỹ và tại nước Pháp đã khiến cho những người nhìn xa trông rộng trở nên quá lạc quan và kết luận rằng con người sẽ đạt tới sự toàn hảo, sẽ có thể tạo nên cảnh thiên đường trên trái đất.
Có hai nhà văn đại diện cho những người lạc quan, đã lên tiếng về các khát vọng và ước mơ về một thời đại mới, đó là ông William Godwin (1756 – 1836) người Anh và Bá Tước De Condorcet (1743 – 1794), người Pháp. Qua cuốn sách “Công Bằng Chính Trị” (Political Justice = An Enquiry Concerning Political Justice, and Its Influence on General Virtue and Happiness, 1793), ông Godwin đã thảo luận sự quan hệ giữa cá nhân với chính quyền và xã hội.
Ông Godwin tin rằng mọi chế độ quân chủ đều xấu, ông phản đối cá nhân dùng quyền lực áp đảo các cá nhân khác, chê trách các định chế xã hội thời đó kể cả hôn nhân và ông tin tưởng vào lý trí (reason), coi các vấn đề xã hội có thể giải quyết bằng các cách thảo luận hợp lý. Trong cuốn sách kể trên, ông Godwin tin tưởng rằng sẽ tới một thời gian mà mọi người sống quá đủ đến nỗi con người không cần ngủ, không còn chết nữa và nhu cầu của hôn nhân sẽ bị thay thế bằng cách phát triển trí tuệ, tóm lại con người sẽ trở nên các thiên thần (angels).
Ông Godwin viết: các cải tiến khác sẽ đi kèm với sức khỏe và sự sống lâu. Sẽ không có chiến tranh, không có tội ác, không có xét xử pháp lý và không có chính quyền. Ngoài ra sẽ không có bệnh tật, không phiền não, không giận hờn và con người sẽ tìm thấy sự tốt lành trong mọi sự việc. Để tránh nỗi lo sợ do có quá nhiều người mà lại quá ít thực phẩm, ông Godwin viết tiếp: hàng triệu thế kỷ có thể trôi qua với dân số gia tăng mà trái đất vẫn còn đủ chỗ nuôi sống các con người cư ngụ.
Bá tước De Condorcet (1743 – 1794) là một nhà triết học người Pháp với tác phẩm chính là cuốn “Phác thảo một Hình Ảnh Lịch Sử của sự Tiến Bộ Tư Tưởng Con Người” (Sketch for a Historical Picture of the Progress of the Human Mind, 1773). Ông De Condorcet tin tưởng rằng bản chất con người có thể toàn thiện được và lịch sử đã cho thấy nhân loại hướng về nền văn minh khai sáng (an enlightened civilization). Ông phản đối tôn giáo và các định chế xã hội, cho rằng các điều xấu là do các định chế không hoàn hảo, do các luật lệ đặt ra bởi các nhà cai trị và tu sĩ.
Bá tước De Condorcet tin rằng cho tới thời của ông, Lịch Sử gồm 9 giai đoạn (epochs), qua giai đoạn tương lai thứ 10, sẽ có công bằng (equality) giữa các quốc gia và các giai cấp xã hội nhờ đó con người được cải tiến về thể chất, trí tuệ và luân lý, và ông khuyến cáo rằng tình trạng của con người trên trái đất sẽ khả quan hơn nếu không có tỉ lệ sinh sản cao.
Trước các lạc quan kể trên, có một nhà tư tưởng phản đối lại, đó là vị tu sĩ trẻ Thomas Robert Malthus (1766 – 1834), 32 tuổi, sư huynh của Đại Học Jesus (Fellow of Jesus College) tại Cambridge. Câu trả lời của ông Malthus dành cho các nhà tư tưởng chủ trương toàn thiện là tác phẩm Một Khảo Luận về Nguyên Tắc Dân Số (An Essay on the Principle of Population) xuất bản năm 1798 và cuốn sách này đã trở nên một trong các tác phẩm cổ điển của ngành Kinh Tế Chính Trị Học (political economy).
Là người cùng thời với Adam Smith và Thomas Paine nhưng trẻ hơn, Thomas Malthus sinh ngày 17/2/1766 tại Surrey, nước Anh, tốt nghiệp trường đại học Cambridge, là con trai thứ hai của ông Daniel Malthus. Ông Daniel này là một nhà quý phái miền quê, một người bạn của J. J. Rousseau, một chủ nhân đồn điền và cũng là một người thán phục William Godwin. Cả hai cha con Daniel và Thomas đều ưa tranh luận, cậu con Thomas thường hay tấn công các quan điểm quá lạc quan, còn người cha lại bảo vệ các ảo tưởng. Cuối cùng theo lời thôi thúc của cha, Thomas quyết định viết ra giấy các ý kiến của mình. Kết quả là tác phẩm Khảo Luận về Dân Số trở nên nổi tiếng, trong 200 năm qua đã ảnh hưởng tới tư tưởng và cách thực hành của nhân loại, và cho tới thời nay vẫn còn được mọi người chú ý.
22 năm về trước, vào năm 1776, Adam Smith đã tìm hiểu bản chất và các nguyên do của tài sản (wealth) thì nay Thomas Malthus đã bổ túc bằng cách phân tích bản chất và các nguyên do của sự nghèo khó (poverty). Qua ấn bản nặc danh xuất hiện vào năm 1798, tác phẩm của ông Malthus chỉ là một tập sách mỏng gồm khoảng 50,000 chữ, có tên đầy đủ là Một Khảo Luận về Nguyên Tắc Dân Số gây Ảnh Hưởng tới cách Cải Tiến Tương Lai của Xã Hội với các Nhận Xét về các Suy Tư của các ông Godwin, ông Condorcet và các tác giả khác (An Essay on the Principle of Population as It Affects the Future Improvement of Society, with Remarks on the Speculations of Mr. Godwin, M. Condorcet, and Other Writers).
Tập sách kể trên không được in ra với số lượng nhiều, vì vậy ngày nay còn lại rất ít bản cổ. Sau này tác giả Malthus đã viết rằng cuốn sách được viết ra do sự thúc bách của hoàn cảnh và từ một số ít tài liệu trong tầm tay tại một nơi thôn dã. Đề tài của tác phẩm Khảo Luận về Dân Số không phải là mới. Các nhà tư tưởng trong thế kỷ 18, kể cả Benjamin Franklin, đã thảo luận vấn đề dân số gia tăng, nhưng không một nhà tư tưởng nào đã trình bày vấn đề này một cách mạnh mẽ, thật thiết tha, với sự phân biệt rõ ràng như Thomas Malthus.
Ngay từ khởi đầu, Malthus đã minh xác hai điều thừa nhận: thứ nhất, đồ ăn thì cần thiết cho sự sống của con người; thứ hai, sự đam mê (passion) giữa các phái tính (the sexes) thì cần thiết và sẽ còn tồn tại giống như hiện nay. Như vậy không một nhà không tưởng (utopians) nào dám cho rằng con người có thể sống mà không cần tới đồ ăn. Nhưng ông Godwin đã phỏng đoán rằng sự đam mê giữa các phái tính sẽ tàn lụi dần qua thời gian. Các lời biện hộ tốt đẹp nhất của sự hoàn hảo của con người được suy ra từ nhận xét về các tiến bộ mà con người đã thực hiện được từ trạng thái man rợ đi dần tới hoàn cảnh văn minh, nhưng đối với sự bớt dần của cách đam mê giữa các phái tính, cho đến nay không có tiến bộ nào được thực hiện. Có vẻ như hiện nay vẫn có một thứ sức mạnh về dục tính giống như 2,000 hay 4,000 năm về trước. Rồi coi như định đề kể trên không thể bác bỏ được, Thomas Malthus tiến tới và đặt ra một nguyên tắc danh tiếng: năng lực của dân số thì lớn hơn gấp bội năng lực của trái đất sinh sản ra đồ ăn cho con người. Khi không bị kiềm chế bớt, dân số sẽ gia tăng theo tỉ lệ cấp số nhân (a geometrical ratio). Thực phẩm chỉ gia tăng theo tỉ lệ cấp số cộng (an arithmetical ratio). Sự hiểu biết chút ít về số học sẽ cho thấy sự cách biệt quá lớn giữa tỉ lệ trước so với tỉ lệ sau.
Trình bày chi tiết hơn, Thomas Malthus đã bảo vệ luận cứ của mình như sau: Trong thế giới thú vật và thảo mộc, thiên nhiên đã rải rắc các hạt giống của sự sống bằng bàn tay phong phú và tự do hơn. Nhưng thiên nhiên đã giới hạn sự nuôi dưỡng cần thiết… Các giống thực vật và giống động vật thu hẹp dần do định luật giới hạn và giống người, dù cho cố gắng nào, cũng không thể thoát khỏi định luật giới hạn này. Đối với cây cỏ và thú vật, các tác dụng là sự phí phạn hạt giống, sự đau bệnh và yểu vong. Đối với con người, đó là sự nghèo khó (misery) và các tật xấu (vice).
Theo sự ước đoán của Malthus, các sự thật thực tế và phũ phàng này đã sinh ra các khó khăn không thể vượt qua được trên con đường hoàn thiện của xã hội. Không một cải tiến nào có thể dẹp bỏ áp lực của các định luật thiên nhiên. Các trở ngại này không cho phép một xã hội hiện hữu trong đó mọi người sinh sống dễ dàng, vui hưởng hạnh phúc và hưởng các nhàn nhã tương đối, và cảm thấy không còn lo lắng về các phương tiện sinh sống của chính mình và của gia đình.
Thomas Malthus đã chọn một nơi dẫn chứng về cách gia tăng dân số, đó là Hoa Kỳ, một vùng đất có phương tiện sống dễ dàng, cách sinh sống còn giản dị vì vậy số dân không bị hạn chế do hôn nhân sớm. Loại bỏ vấn đề di dân, Malthus đã đi đến kết luận rằng dân số tăng gấp đôi sau mỗi 25 năm. Như vậy nếu không gặp các giới hạn, tỉ lệ gia tăng dân số của mỗi quốc gia là một thế hệ.
Quay sang vấn đề thực phẩm, Malthus viết rằng: do các chính sách tốt đẹp nhất, do cách khẩn hoang thêm đất đai, do khuyến khích canh nông, sản phẩm của hòn đảo Anh này có thể tăng gấp hai sau 25 năm đầu. Tuy nhiên các khó khăn sẽ gặp phải sau một thế hệ nữa, bởi vì dân số sẽ tăng thành 4 lần sau một khoảng thời gian 50 năm nhưng không thể cho rằng thực phẩm có thể nhiều gấp 4 lần hơn. Cách tốt đẹp nhất chỉ có thể là số lượng thực phẩm gia tăng gấp 3 lần. Diễn tả bằng con số, Thomas Malthus cho rằng dân số tăng theo tỉ lệ 1, 2, 4, 8, 16, 32, 64 v.v. (cấp số nhân), trong khi tỉ lệ tăng trưởng của thực phẩm là 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 v.v…(cấp số cộng).
Vào phần cuối tác phẩm Khảo Luận về Dân Số, Thomas Malthus kết luận rằng khi các hoàn cảnh giống nhau, các quốc gia nên có số đông người theo số lượng thực phẩm mà người dân làm ra hay kiếm được và sự hạnh phúc nên theo mức độ phân chia thực phẩm hay theo số lượng mua được của một ngày lao động. Các quốc gia trồng bắp (ngô) đông dân hơn các quốc gia trồng cỏ (chăn nuôi gia súc) và các nước trồng lúa đông dân hơn các nước trồng bắp. Hạnh phúc của người dân không tùy thuộc vào dân số thưa hay đông mà vào sự nghèo khó hay giàu có, vào tuổi trẻ hay tuổi cao, vào tỉ lệ giữa dân số và số thực phẩm nuôi dưỡng.
Kết quả của điều suy đoán kể trên là mọi người phải hạn chế mức độ gia tăng dân số. Cách hạn chế được chia làm hai loại, loại hữu hiệu gồm sự nghèo đói, bệnh tật, cách nuôi dưỡng trẻ em kém, cách lao động nặng nhọc, và loại ngăn chặn gồm các giới hạn luân lý và các tật xấu (vice).
Như vậy theo sau quan điểm của Thomas Malthus, con người nên hưởng thụ hạnh phúc càng nhiều càng hay, không nên lãnh các trách nhiệm gia đình nếu không đủ khả năng và thuộc loại này, con người nên sống độc thân rồi sau đó, xã hội nên có chính sách khuyến khích giới lao động không nên có nhiều con. Không nên có các cơ quan từ thiện dù là công hay tư, bởi vì những tổ chức này chỉ cung cấp cho các người nghèo khó tiền bạc mà không làm gia tăng số lượng thực phẩm. Cũng không nên có chính sách giúp đỡ nhà ở, do cách làm này có tác dụng làm cho nhiều người lập gia đình sớm và kết quả là làm gia tăng dân số. Tiền lương cao cũng gây ra các hậu quả tương tự. Chỉ còn một cách thoát khỏi tình trạng khó khăn này là hôn nhân trễ với sự kiêng cữ tình dục.
Cuốn Khảo Luận của Thomas Malthus đã gặp các phản đối, nguyền rủa, phần lớn từ hai nguồn: các nhà thần học bảo thủ và các nhà xã hội cấp tiến (social radicals). Malthus bị coi là một người bảo vệ bệnh đậu mùa, sự nô lệ và sự giết chết trẻ em, là người từ chối cung cấp loại cháo cứu trợ, ngăn cản loại hôn nhân sớm và các trợ giúp của giáo xứ, là người coi xã hội đã bị quản trị dở với các hành động tốt đẹp nhất lại gây nên các điều tai hại nhất, tóm lại, ông ta là con người đã lấy đi các thơ mộng khỏi đời sống.
William Cobbett đã phản đối: Làm sao ông Malthus và các đệ tử hư hỏng và ngu xuẩn của ông ấy có thể cấm tỉ lệ sinh sản của các người nghèo, cấm người nghèo không được phép kết hôn và một câu nói chống đối cho rằng chủ thuyết Malthus không thích hợp với lòng rộng lượng của Thượng Đế. Ông Malthus bị coi đã xuất bản một cuốn sách phi tôn giáo, vì vậy trong ấn bản thứ hai, Malthus đã nhấn mạnh vào cách hạn chế tinh thần (moral restraint) để giới hạn dân số và như vậy loại bỏ mọi quy lỗi cho lòng tốt của Đấng Tối Cao.
Dưới con mắt của Thomas Malthus, các dự án cải thiện xã hội, làm nhẹ các nhu cầu, thực ra lại làm gia tăng các tật xấu mà xã hội muốn chữa trị. Lý thuyết của Malthus đã được các người giàu sang và giới cầm quyền chấp nhận một cách thiện cảm. Chính quyền Anh đã phải chú ý và phải cho thi hành cuộc kiểm tra dân số đầu tiên vào năm 1801. Trước kia, loại kiểm tra này bị chống đối vì có tính cách chống lại Thánh Kinh, vì không có đặc tính Anh. Một kết quả khác là chính quyền Anh phải sửa đổi các đạo luật liên quan tới người nghèo để tránh bớt các khuyết điểm mà lý thuyết Malthus đã cho thấy rõ.
Các ý tưởng của Thomas Malthus cũng có ảnh hưởng tới bộ môn Khoa Học Tự Nhiên cũng như Khoa Học Xã Hội. Cả hai nhà khoa học danh tiếng Charles Darwin và Alfred Russel Wallace đều công nhận mắc nợ Thomas Malthus khi làm phát triển lý thuyết Tiến Hóa.
Các phản đối giận dữ của giới tu sĩ và của các nhà xã hội không tưởng đối với ấn bản năm 1798 của Thomas Malthus đã không làm cho tác giả này nao núng, mà còn khiến cho ông Malthus bị ám ảnh bởi vấn đề dân số và mong muốn tìm hiểu thêm đề tài này một cách sâu xa hơn. Để có thêm các bằng chứng, ông Malthus đã đi chu du châu Âu vào năm 1799, qua các nước Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và một phần của đất Nga là những xứ sở vào thời kỳ này mở cửa cho phép du khách người Anh, rồi vào năm 1802, ông Malthus cũng qua hai nước Pháp và Thụy Sĩ trong một thời gian ngắn hơn. Sau đó Thomas Malthus cho xuất bản một tập sách mỏng có tên là “Cuộc Khảo Sát Lý Do của Giá Thực Phẩm Cao Hiện Nay” (An Investigation of the Cause of the Present High Price of Provisions) qua đó tác giả trình bày quan điểm cho rằng giá tiền và tiền lời bị xác định do sức cầu hữu hiệu (effective demand).
Năm năm sau ấn bản đầu tiên của cuốn Khảo Luận (Essay), ấn bản thứ hai là cuốn sách dày 610 trang, không chứa đựng các lời thơ hay giọng văn sôi nổi, tự phụ, mà là một khảo cứu kinh tế có tầm hiểu biết rộng, gồm nhiều dẫn chứng với các ý tưởng căn bản không thay đổi. Trong thời gian tác giả còn sống, 4 ấn bản khác đã xuất hiện và tới ấn bản thứ năm, tác phẩm Khảo Luận đã dày 1,000 trang. Một tác phẩm khác của Thomas Malthus xuất bản năm 1820 là cuốn “Các Nguyên Tắc của Môn Kinh Tế Chính Trị Học xét theo quan điểm của các Áp Dụng Thực Tế” (The Principles of Political Economy Considered with a View to Their Practical Applications).
Không kể tới tác phẩm, cuộc sống của ông Thomas R. Malthus thì tương đối bình yên. Ông Malthus tiếp tục khảo cứu môn Kinh Tế cho tới năm 1804 thì lập gia đình vào tuổi 38. Năm sau, ông được bổ nhiệm làm Giáo Sư môn Lịch Sử và Kinh Tế Chính Trị Học tại một trường đại học mới được thiết lập tại Haileybury, Ấn Độ, ngôi trường giành cho các công chức của Công Ty Đông Ấn. Đây là một chức giáo sư mới của môn Kinh Tế Chính Trị Học. Ông Malthus sống tại Haileybury trong 30 năm, cho tới khi ông qua đời năm 1834. Ông có 3 người con.
Vấn đề dân số do ông Thomas R. Malthus nêu ra đã không chìm vào quên lãng. Các bài tranh luận ủng hộ và chống đối vẫn còn tiếp tục với các đề tài như Thách Đố của Tương Lai Con Người, Con Đường tới Đoạn Sống Còn, Các Giới Hạn trên Trái Đất… , Hành Tinh bị cướp đoạt, Sự Đe Dọa của Malthus, Nhân Loại không cần nhịn ăn… Vấn đề dân số này đã khiến cho các nhà xã hội phải quan tâm, nhiều người đã chấp nhận việc giới hạn số con trong gia đình, chấp nhận việc dùng các phương pháp ngừa thai… nhưng cách kiểm soát sinh sản này đã không được một số người áp dụng do họ thiếu hiểu biết hay do các giáo điều tôn giáo, coi việc ngừa thai là trái tự nhiên.
Vào năm 1798 khi Thomas R. Malthus viết ra tác phẩm Khảo Luận, dân số trên thế giới vào khoảng 1 tỉ người. Sau 175 năm, con số này lên tới 4 tỉ và trở thành 6.25 tỉ vào năm 2000. Sự gia tăng này không phải do số sinh tăng nhanh mà phần lớn do đời người đã được kéo dài thêm nhờ các phương tiện y tế, vệ sinh, xã hội…
Hiện nay trên thế giới, sự di dân đã làm giảm bớt các nơi đông dân nhưng vẫn còn các xứ sở có mức độ sinh sản cao như các vùng châu Á, Cận Đông, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Tại các địa phương này, người dân vẫn bị nghèo khổ và đói ăn do nạn nhân mãn. Ngược lại, tại các quốc gia văn minh và tiến bộ hơn, dân số đã giảm nhiều như tại các nước Pháp, Áo, Anh, Thụy Điển, Nhật Bản, Ái Nhĩ Lan… Đồng thời với mức dân số giảm, thực phẩm đã gia tăng nhờ các phương pháp sản xuất, khai quang đất đai, tiêu diệt côn trùng… Mức thặng dư thực phẩm tại Hoa Kỳ và Canada cũng làm cho nhiều người lạc quan hơn trước.
Nói đến tác phẩm Khảo Luận về Dân Số của Thomas R. Malthus, nhà kinh tế người Anh John Maynard Keynes đã cho rằng tác phẩm này đã gây ảnh hưởng lớn tới tiến trình tư tưởng của Nhân Loại và trong số các tác giả danh tiếng người Anh và Tô Cách Lan như Locke, Hume, Adam Smith, Paley, Bentham, Darwin, Mill, phải kể tới Thomas R. Malthus./.
© Phạm Văn Tuấn
© www.Vietthuc.org