Trong những ngày qua, thời điểm cộng đồng người Việt tị nạn chuẩn bị tưởng niệm 40 năm Tháng Tư Đen, chuyện đấu tranh cho sự hiện hữu của lá cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) gây chú ý nhiều trong dư luận. Nhất là khi ban tổ chức chương trình “Hành Trình Ðến Tự Do và Vươn Tới” (Journey to Freedom and Beyond) quyết định không tổ chức sự kiện này tại Camp Pendleton nữa.Lý do là vì căn cứ Thủy Quân Lục Chiến lớn nhất Hoa Kỳ này, nơi hàng ngàn người Việt Nam từng tạm cư hồi năm 1975, không thể cho chào cờ và hát quốc ca VNCH, vì Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao không đồng ý.
Trong khi đó, tại thủ phủ Sacramento, California, hôm Thứ Hai, 13 Tháng Tư, lần đầu tiên trong lịch sử tiểu bang lớn nhất Hoa Kỳ, một thượng nghị sĩ gốc Việt trao Nghị Quyết SCR 29 cho cộng đồng Việt Nam ngay tại phiên họp khoáng đại Thượng Viện.
Nghị quyết này công nhận Tháng Tư năm 2015 là Tháng Tưởng Niệm Tháng Tư Đen của người Việt Nam tại California.
Nghị quyết do bà Janet làm tác giả, có sự ủng hộ của những dân cử khác, và đã được Thượng Viện thông qua.
Trước khi bước vào Thượng Viện, vị dân cử gốc Việt này muốn mang lá cờ VNCH vào để vinh danh luôn, nhưng luật không cho phép.
Bà nói: “Chúng ta có hai cách, một là im lặng, hai là đề nghị một cuộc bỏ phiếu để đem lá cờ của chúng ta vào bên trong. Tôi sẽ chọn cách thứ hai.”
Thế nhưng, bà lại không có đủ số phiếu ủng hộ, vì bà thuộc đảng Cộng Hòa thiểu số tại Thượng Viện.
Thế là bà khoác lên người một khăn choàng, có cờ Mỹ và cờ VNCH, đọc bài diễn văn gần 5 phút tại phiên họp Thượng Viện, tuyên dương các cựu chiến binh Mỹ và VNCH từng tham chiến tại Việt Nam.
Bà cũng nhắc đến cuộc đấu tranh cho nhân quyền hiện nay và trách Thượng Viện không cho mang cờ vào.
Nhưng cuối cùng, lá cờ đó vẫn hiện hữu trong Thượng Viện!
“Nhưng tôi đã mang trên người tấm khăn choàng có lá cờ VNCH khi tôi phát biểu. Họ không cho tôi mang lá cờ vào bên trong, nhưng họ không thể lấy lá cờ trên người tôi,” Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn nói.
Chưa hết, sau khi trao Nghị Quyết SCR 29, bà nhắc lại Nghị Quyết SCR 17, do Thượng Nghị Sĩ Denise Ducheny đề nghị, và được Thượng Viện thông qua năm 2005, công nhận lá cờ vàng, nhưng lại không cho phép lá cờ này hiện diện trong cơ quan lập pháp của tiểu bang.
Cũng theo bà, mặc dù có hai thống đốc California ký nghị quyết công nhận cờ vàng, và họ có thể treo trong văn phòng họ, nhưng điều này không có nghĩa là phía lập pháp phải treo.
Bà quả quyết, trong những ngày tới bà sẽ tu chính SCR 17 để lá cờ VNCH được hiện diện bên trong Thượng Viện trong những dịp Tháng Tư Ðen sắp tới.
Trở lại chuyện không cho chào cờ và hát quốc ca VNCH, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn cho biết bà đang làm việc cùng với bà Mimi Walters, dân biểu liên bang Hoa Kỳ, tìm giải pháp để có thể cho các tổ chức hội đoàn và cá nhân được chào cờ VNCH tại các buổi lễ tổ chức ở những cơ sở quân sự Hoa Kỳ trong tương lai.
Có thể nói, mặc dù đã 40 năm, với nhiều thay đổi, nhưng lá cờ VNCH vẫn còn được rất nhiều người Việt Nam hải ngoại coi là rất thiêng liêng, và họ liên tục tìm cách bảo vệ nó. Đối với họ, cuộc chiến đã làm họ mất nhiều thứ quá rồi, và họ không muốn mất lá cờ, vật thể cuối cùng họ còn giữ được, cho dù có ai nói ngược nói xuôi.
Đối với một số vị dân cử, dù là Việt Nam hay không phải Việt Nam, lá cờ này phần nào đã giúp họ thành công trong chính trị, và họ biết họ phải bảo vệ nó tới cùng.
Chuyện Camp Pendleton và chuyện Nghị Quyết SCR 29 chứng minh điều này.
One Comment
Người Đất Cát
Tự hào quê hương Việt Nam……
Thiêng Liêng Lá CỜ VÀNG
Tung bay… tung bay… lá Cờ Vàng,
Cờ Ba Sọc Đỏ rất hiên ngang.
Qua bao bão giông Cờ vẫn đứng,
Rợp khắp năm châu bóng Cờ Vàng.
Quê hương máu lửa, Cờ ly biệt,
Cờ ôm Hồn Nước, dạ sắt son.
Qua giấc Nam Kha, Cờ trở lại,
Ngạo nghễ hơn xưa, Vàng hơn xưa.
(04/2015 – Tú Cát)