Thượng viện Mỹ thông qua dự luật TPA cho phép xúc tiến đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo dự luật này sẽ vấp phải khó khăn khi đi qua Hạ viện.
Dự luật quyền đàm phán nhanh (TPA), vốn sẽ giúp chính quyền Tổng thống Barack Obama nhanh chóng hoàn tất đàm phán các thỏa thuận thương mại lớn, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã vượt qua vòng bỏ phiếu ở Thượng viện với 63 phiếu thuận, 33 phiếu chống.
Dự luật này sẽ cần sự ủng hộ từ đa số tại Hạ viện trong tuần tới, tức ít nhất 218 phiếu thuận.
Dự luật TPA cho phép Nhà Trắng hoàn tất đàm phán thương mại và đưa trọn gói ra trước Quốc hội để biểu quyết, thay vì phải chịu sự giám sát của Quốc hội trong suốt tiến trình đàm phán.
Trước đó, hôm 12/5, dự luật TPA đã gặp thất bại trong phiên bỏ phiếu đầu tiên tại Thượng viện với tỷ lệ 52 phiếu thuận, 45 phiếu chống.
Các Thượng Nghị sỹ Dân chủ đã kèm vào việc bỏ phiếu dự luật tránh thao túng tiền tệ và dự luật hỗ trợ người lao động bị mất việc vì các thỏa thuận thương mại mới (TAA).
Cả hai dự luật nói trên ban đầu đã không được nhận sự đồng thuận của phe Cộng hòa.
Lãnh đạo Đa số tại Thượng viện Mitch McConnell được truyền thông Hoa Kỳ dẫn lời nói sau buổi bỏ phiếu hôm 14/5 rằng “chúng ta không còn nhiều thời gian”.
“Mục tiêu của tôi là hoàn tất [thông qua TPA] vào tuần sau. Tôi khá lạc quan”, ông nói.
‘Hy vọng bất thành’
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng TPA sẽ gặp nhiều khó khăn khi được đưa ra Hạ viện.
“Không hiểu từ giờ tới cuối năm họ có giải quyết được vấn đề đó hay không”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nói với BBC từ California hôm 13/5.
“Tôi cho rằng hy vọng này sẽ bất thành vì nơi dễ là Thượng viện mà còn có trục trặc, thì huống hồ Hạ viện.”
“Một số đảng viên Cộng hòa thì họ đồng ý với nguyên tắc tự do thương mại, nhưng không muốn trao quá nhiều quyền cho Tổng thống Barack Obama vì ông đã sử dụng quyền hành pháp trong một số lĩnh vực khác”.
“Thế nên có thể tiêu chí hoàn tất TPP trong năm nay theo tôi là sẽ tiếp tục bị đình hoãn, và điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự và quyền lợi của nước Mỹ.”
Bình luận về việc các thượng nghị sỹ Dân chủ kèm dự luật TAA vào việc bỏ phiếu cho TPA, ông Nghĩa nói tâm lý lo sợ người Mỹ mất việc làm vì các thỏa thuận thương mại mới cho thấy “nhìn nhận sai về kinh tế thuần túy”.
“Nước Mỹ đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất và cũng nhận đầu tư từ nước ngoài nhiều nhất”, ông nói.
“Đa số đầu tư của Mỹ ra nước ngoài không phải đi tìm nhân công rẻ ở các nước nghèo mà là ở những nước như Nhật Bản, vốn có môi trường đầu tư thông thoáng, có thị trường phát triển.”
“Các hãng Hàn Quốc hay Nhật Bản khi đầu tư vào Hoa Kỳ cũng không đi tìm nhân công rẻ nên lý luận đó là sai và phản tiến hóa.”
“Nhìn toàn cảnh thì người ta thấy là hiệp ước TPP rất quan trọng cho Hoa Kỳ và 11 quốc gia đã tham gia thảo luận hơn 20 vòng đàm phán và sắp sửa kết thúc.”
“Thế nhưng nội bộ nước Mỹ lại cãi nhau vì những lý do cục bộ, làm người ta thấy nước Mỹ không lãnh đạo được nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề lớn.”
“Trong khi đó Trung Quốc cũng có một dự án tương tự và kêu gọi 15 quốc gia tham gia với họ.”
“Đây là thất bại lớn của nước Mỹ.”
BBC Tiếng Việt