Không có chân trong chánh phủ Bảo Đại, năm 1950 ông Ngô Đình Diệm đi Mỹ (cùng với giám mục Ngô Đình Thục) để dự lớp chủng viện (Maryknoll Seminary ở Ossining, New York). Do giáo sĩ Fred McGuire tiến dẫn, và nhờ ảnh hưởng của giám mục Ngô Đình Thục, ông Diệm được Hồng Y Francis Spellman tiếp, rồi được ông Dean Rusk, phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách Viễn Đông Vụ và nhiều yếu nhân trong chánh phủ Truman tiếp ở Washington D.C. Hồng Y Spellman có ảnh hưởng sâu rộng trên chánh trường nước Mỹ. Hỗn danh là Giáo Hoàng của người Mỹ (the American Pope), ông nổi tiếng cực đoan bảo thủ xuyên suốt từ giáo điều, chánh trị đến xã hội. Ông Diệm được tín nhiệm của Hồng Y Spellman. Thời gian ở Mỹ ông Diệm đã lần lược được tiếp xúc với chánh khách quyền lực Hoa Kỳ lúc bấy giờ như các ông William O. Douglas Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, TNS John F. Kennedy, TNS Mike Mansfield, Allen Dulles Giám Đốc CIA, John Foster Dulles Bộ Trưởng Ngoại Giao…và nhiều nhân vật khác. Họ đều giống nhau ở điểm: Nắm chánh quyền, thiên chúa giáo, kiên quyết chống cộng và hơn nữa họ đều thân thiết hay ủng hộ TNS Joseph McCarthy. Ông McCarthy là hung thần trong chánh trường Mỹ lúc bấy giờ (1950-1957). Sự nghiệp chánh trị của ông được xây dựng trên lập trường chống cộng sản, với thủ đoạn chụp mũ cộng sản (McCarthyism) có liên đới ít nhiều với FBI. Trong giai đoạn khủng hoảng đó (“McCarthy hysteria”), trí thức am tường về Trung Quốc, Việt Nam và chuyên gia nghiên cứu về chế độ cộng sản rất sợ cái mũ CS được người ta đội cho mình, bởi vậy trong chánh quyền, bộ ngoại giao thiếu đi tiếng nói trung thực, chỉ còn lại cái loa chống cộng, cổ võ chiến tranh.
Thời gian đó nước Mỹ đang trong cao trào chống cộng. Trong chiến tranh Triều Tiên (6/1950-7/1953), Mỹ đương đầu với 2 triệu Hồng quân Cộng Sản Trung Quốc. Thời cơ ông Diệm ở Mỹ đúng lúc và ông có tất cả những gì chánh quyền Mỹ đang tìm. Ông đã hiển nhiên trở thành nhân tuyển của Mỹ để lãnh đạo miền Nam sau nầy. Liền ngay sau đó, quân viễn chinh Pháp sa lầy ở Điện Biên Phủ. Pháp đã kiệt quệ sau Thế Chiến Thứ 2, lại phải đeo đuổi 9 năm hao mòn ngân khố, nay muốn rút khỏi Đông Dương trong danh dự. Trung Quốc cũng đã quá mệt mỏi với mấy mươi năm chinh chiến, từ kháng Nhật, Quốc -Cộng, Triều Tiên, rồi Việt Nam. Trung Quốc và Pháp biết phải làm gì …đó là đình chiến, hội nghị, hòa ước… Đó là nhu cầu đưa đến Hội Nghị Genève.
Tất cả các yếu tố đó đã tạo nên thời thế cho ông Ngô Đình Diệm (“Thời thế tạo anh hùng” chính là đây). Đó là điều kiện thuận tiện để Mỹ can thiệp vào Việt Nam.
Trước giờ hấp hối của quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam, trong một buổi họp báo ngày 7 tháng 4 năm 1954, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã dùng hình ảnh hàng cờ domino sụp đổ “falling domino principle” khi con cờ đầu ngả xuống để minh họa một khi Việt Nam rơi vào tay cộng sản thì toàn cỏi bán đảo Ấn-Hoa (Lào, Cam bốt, Thái Lan, Miến Điện), rồi Đông Nam Châu Á sẽ lần lược suy sụp dưới làn sóng đỏ của Cộng Sản Trung Quốc. Đây là cơ hội để Eisenhower nhắc chừng quốc hội Mỹ là Việt Nam không thể để hoàn toàn rơi vào tay cộng sản. Thời gian nầy ông Ngô Đình Diệm đã rời Hoa Kỳ, có mặt ở Paris để vận động ghế thủ tướng. Dưới áp lực của Mỹ, Bảo Đại bổ nhiệm ông Diệm chức vụ thủ tướng ngày 19 tháng 6 năm 1954 (thay thế Hoàng thân Bửu Lộc) tại lâu đài Thorencen. Sau đó ông Diệm về Saigon ngày 26 tháng 6 năm 1954, thành lập chánh phủ và trình nội các trước quốc dân ngày 7 tháng 7 năm 1954, gồm 17 người, đứng đầu là Thủ tướng Ngô Đình Diệm, kiêm Tổng trưởng Nội vụ, kiêm Tổng trưởng Quốc phòng.
Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Sự kiện nầy đã dẫn tới thắng lợi cho Viêt Minh ở hội nghị Genève (26/4 đến 20/7/1954). Xin đọc China and the Vietnam Wars, 1950-1975 (Qiang Zhai) và China and the First Indo-China War, 1950-54 (Chen Jian) để biết thêm vai trò cố vấn (hay chỉ đạo) của Tổ Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc (CMAG) và chỉ đạo của Quân Ủy Trung Ương Đảng CS TQ (Central Military Committee of the Chinese Communist Party) nhất là vai trò tướng Vi Quốc Thanh trong chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hiệp định ký ngày 21 tháng 7 năm 1954 theo đó Việt Nam tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17. Miền Bắc cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Mao Trạch Đông đã rất thõa mãn với điều ước Genève, miền Bắc cộng sản là trái độn là cái môi bảo vệ hàm răng vùng Hoa Nam Trung Quốc. Sau hiệp định Genève có khoảng 1 triệu dân miền Bắc di cư vào Nam. Tuy rằng có thể một phần là do tuyên truyền của Mỹ, nhưng đa số những người di cư có đạo Thiên Chúa hay đã sống trong vùng giải phóng, dưới chế độ đảng trị, và nếm mùi cải cách ruộng đất, bài phong phản đế. Trong đó có một số người đã từng theo kháng chiến như ông Hoàng Văn Chí tác giả “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc”, “Từ Thực Dân Đến Cộng Sản”… cũng có cán bộ tình báo cộng sản trà trộn với dân di cư như Vũ Ngọc Nhạ. Tập kết ra Bắc là những người theo kháng chiến, yêu nước nhưng chưa hề sống dưới chế độ cộng sản ngày nào. Theo hiệp định Genève thì sẽ có tổng tuyển cử 2 năm sau (1956) để thống nhất đất nước. Mỹ đã không ký vào hiệp định Geneva, và TT Eisenhower lợi dụng thời gian 2 năm đó để củng cố chánh quyền Ngô Đình Diệm với mục đích là để ngăn chận được làn sóng đỏ từ Trung Quốc, Bắc Việt. Ngăn chận hay “Containment” mà sau nầy người ta gọi là học thuyết Truman, lấy ý tưởng từ bài diễn văn TT Truman đọc trước quốc hội Hoa Kỳ ngày 12 tháng 3 năm 1947 để thuyết phục quốc dân (quốc hội và nhân dân) Hoa kỳ viện trợ cho Hy Lạp (Greek) chống lại phiến quân cộng sản, hòng ngăn chận làn sóng cộng sản từ Hy Lạp đổ sang Thổ NhĩKỳ (Turkey). Để thực hiện sách lược Ngăn Chận (Containment) làn sóng cộng sản, Ngoại trưởng Mỹ J.F. Dulles đã vận động thành lâp tổ chức SEATO (Southeast Asia Treaty Organization, xuất phát từ Southeast Asia Collective Defense Treaty = Hiệp ước phòng vệ chung Đông Nam Á, vào tháng 9, 1954). Hiệp ước SEATO, trong đó Hoa Kỳ là thành viên, đã cung ứng cho Mỹ pháp lý và ngoại giao để can thiệp vào Việt Nam, để bảo vệ Đông Nam Châu Á trước hiểm họa cộng sản.
Hiệp định Geneve ký ngày 21 tháng 7 năm 1954 đã dâng không cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm miền Nam tự do, độc lập (lịch sử không ghi lại việc gì ông Diệm đã làm cho miền Nam để xứng với “phần thưởng” nầy) . Ông Ngô Đình Diệm đã hưởng trọn vẹn thành quả và tâm quyết của Quốc Trưởng Bảo Đại đã cố dành độc lập, tự do cho đất nước Việt Nam (Quốc Gia Việt Nam) qua ngoại giao, thương thảo.
Việc đầu tiên là ông Diệm hạ lệnh tiêu diệt các lực lượng vũ trang của giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài, và tổ chức “anh chị” Bình Xuyên với sự giúp đở tiền bạc và tình báo của CIA. Chính một số người Mỹ sau nầy lại đánh giá việc đàn áp các lực lượng võ trang của các tổ chức “chánh trị-tôn giáo” “phi công giáo” là khởi điểm của bất mãn trong miền Nam, đưa đến hậu thuẩn cho Việt Cộng. Nếu ông Diệm thống nhất lực lượng võ trang giáo phái vào quân đội quốc gia trong tinh thần đoàn kết, dùng chánh trị thương thảo, hòa hợp tôn giáo thay vì sát hại thì thế cục có lẽ đã khác hẳn. Ở cao nguyên Trung Phần, sau khi sát nhậpHoàng Triều Cương Thổ (1955), các tộc Tây Nguyên bị phân biệt đối xử, bất mãn đè nén đã bộc lộ lên phong trào đấu tranh hòa bình BAJARAKA (1958)… rồi sanh ra tổ chức bạo động FULRO (Front Unifié pour la Libération des Races Opprimées, 1964) sau nầy…tất cả nói lên cái sai lầm chánh trị nghiêm trọng khai mào từ chánh phủ Ngô Đình Diệm.
Sau trưng cầu dân ý, truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại ngày 23 tháng 10 năm 1955 [i], kế đó đã không có hiệp thương, tổng tuyển cử trong năm 1956.
Trong chuyến công du các nước CS cuối năm 1957, ông Hồ Chí Minh có ghé Trung Quốc. Khi về ông Hồ tích cực củng cố hậu phương miền Bắc, học hỏi Trung Quốc cách đánh hữu khuynh, đánh Giai Phẩm-Nhân Văn, áp dụng triệt để chánh sách toàn trị, phát động chiến tranh tâm lý để chuẩn bị tinh thần toàn dân vũ trang “giải phóng ” (đánh chiếm) miền Nam. Chánh sách “sống chung hòa bình, không chung chánh hướng”, “sửa sai” của Kruschew không thích hợp với chủ trương bạo động chiến tranh của đảng Lao Động Việt Nam là thống nhất lãnh thổ dưới chế độ cộng sản, là đánh chiếm miền Nam. Ông Hồ đã tận dụng cái bất hòa Nga-Trung mà thủ lợi, trong giai đoạn đó ông ve vãng Mao, ông đánh phong trào Giai Phẩm Nhân Văn để chứng tỏ đường lối bạo động, chống chủ nghĩa xét lại, thân Bắc Kinh cho Mao thấy để được viện trợ đánh chiếm miền Nam sau nầy. Như sau này (1962) ông Hồ có nói với Chu Ân Lai, ở Quãng Châu “Đừng nói là phải đánh 5 năm, 10 năm, dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh, đánh cho đến khi thắng lợi hoàn toàn (đánh “Đế quốc Mỹ”, để chiếm miền Nam)”.
Để chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm miền Nam, thông qua công hàm của Phạm Văn Đồng ngày 14 tháng 9 năm 1958 công nhận tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải 12 hải lý và các hải đảo ở biển Nam Trung Quốc [ii], Hồ Chí Minh đã dâng hiến vùng biển và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngoài khơi biển Đông cho Trung Quốc. Hồ Chí Minh đã mua lòng Mao để có viện trợ cho việc xâm chiếm miền Nam. Có lẽ lúc đó ông Hồ toan tính quỷ quyệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm sau vĩ tuyến 17 không thuộc chủ quyền miền Bắc, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Kế đó Cộng Sản Bắc Việt qua Trung Ương Cục Miền Nam chỉ thị thành lập Mặt Trận Giãi Phóng Miền Nam tháng 12 năm 1960. Linh hồn của MTGPMN là Đảng Nhân Dân Cách Mạng Miền Nam, đây là nặc danh của Đảng Lao Động Việt Nam, trá hình ở miền Nam dưới danh xưng mới hầu thu hút nhân sĩ yêu nước miền Nam và che mắt thế giới [iii].
Mặt trận, danh xưng chỉ là chiêu bài, chỉ là tấm bình phong để che mắt thiên hạ như lịch sử cho thấy từ Đảng Cộng Sản Đông Dương, tới Mặt Trận Việt Minh, Đảng Lao Động, rồi trở lại Đảng Cộng Sản Việt Nam 7; từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tới Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, từ Đảng Lao Động Việt Nam, tới Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam Việt Nam , còn có Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam , rồi Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…tất cả chỉ là thủ đoạn được dùng từng bước, tùy giai đoạn để che mắt nhân dân Việt Nam để thực hiện mục đích cuối cùng là thiết lập chế độ cộng sản, đảng trị trên toàn cỏi Việt Nam [iv]. Thể hiện qua thành tụ cuối cùng là Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Đến cuối những năm 1950s Bắc Kinh đã không khuyến khích, cũng không ngăn cản Cộng Sản Bắc Việt tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam (theo Qiang Zhai và Chen Jian). Lý do đơn giản là miền Hoa Nam Trung Quốc không có trực tiếp nguy hiểm vì đã có trái độn Cộng Sản Bắc Việt. Thứ hai Mao không muốn ép Mỹ phải đưa quân vào miền Nam. Đó là đe dọa Bắc Việt, cái môi của Hoa Nam, bài học chiến tranh Triều Tiên còn đó, hơn một triệu lính Hồng quân đã hy sinh. Kế đó là kinh tế Trung Quốc đang suy sụp trầm trọng vì sai lầm của kế hoạch 5 năm và thiên tai, tới khoảng hơn 30 triệu dân Tàu chết vì đói ăn.
Nhưng quan hệ ngoại giao Nga- Hoa, và chánh sách của TT Johnson đã góp phần thay đổi lập trường Trung Quốc.
Tháng 6 năm 1959 Nga Sô hủy bỏ hiệp ước về công trình xây dựng kỹ nghệ nguyên tử cho Trung Quốc. Tuyên bố trung lập trong chiến tranh biên giới Ấn – Hoa tháng 9 năm 1959. Tháng 8 năm 1960 Khrushchev rút hết chuyên gia Nga về nước, cắt viện trợ choTrung Quốc. Mao kết án Khrushchev đã thỏa hiệp với Đế Quốc Mỹ, và đã theo con đường “Tiến Hóa Hòa Bình (peaceful evolution) của ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles, mà Dulles đọc lần đầu trong một diễn văn vào tháng giêng năm 1953. Mao đặc biệt quan tâm tới diễn văn của J.F. Dulles. Trong nhiều diễn văn Dulles dẫn giải “tiến hóa hòa bình” là từ độc tài đảng trị hòa bình tiến hóa lên dân chủ pháp trị bên trong xã hội cộng sản. Nối gót Mao, Đặng Tiểu Bình khi đàn áp thẳng tay học sinh trong sự kiện Thiên An Môn, hay Hồ Cẩm Đào, Vương Nhẩn Chi (Wang Renzhi) sau nầy đều dẫn chứng theo lời Mao dạy mầm móng cái họa “tiến hóa hòa bình” là do thế giới tư sản đầu độc con em nước Tàu, cái họa tâm phúc bên trong xã hội cộng sản, đã xẩy ra trước đó ở Nga theo đó là Ba Lan – Poland -(1956), và Hung Gia Lợi –Hungary- (1956). Một hình thức của Tiến Hóa Hòa Bình đã diễn ra ở Bắc Việt qua phong trào Giai Phẫm Nhân Văn 1955-1957, và đã bị trấn áp dập tắt sau chuyến công du cuối năm 1957, mà Hồ Chí Minh đã học hỏi cách đánh hữu khuynh từ Trung Quốc. (Trái lại phong trào “Bách Hoa Tề Phóng Bách Gia Tranh Minh” là do Mao sách động, thiên hạ đại loạn thì Mao có cơ hội thanh trừng).
Chủ nghĩa xét lại là biểu hiện của Khrushchev. Ở Trung Quốc đó là mầm mống tranh đoạt quyền hành với Mao. Mao tìm mọi cơ hội để diệt trừ ý tưởng xét lại, và tất cả những gì có dính dáng với chính sách Khrushchev. Vương Giá Tường 王稼祥, trưởng ban liên hệ quốc tế Đảng CS Trung Quốc, là nạn nhân đầu tiên của Mao. Tháng 6 năm 1962 Vương trình lên cấp trên báo cáo tình hình thế giới. Trong đó Vương cân nhắc Trung Quốc không nên dấn thân vào Việt Nam như chiến tranh Triều Tiên. Trong thời gian đó, Hồ Chí Minh và Nguyễn Chí Thanh đã có mặt ở Bắc Kinh để xin viện trợ cho quân giải phóng miền Nam. Mao kết án Vương có tư tưởng thỏa hiệp với bọn đế quốc, bọn xét lại, bọn phản động, làm suy giảm nghĩa vụ quốc tế cách mạng vô sản để giúp cộng sản VN đấu tranh chống Đế Quốc Mỹ xâm lược.
Đến cuối năm 1962 thì quan hệ đồng chí hai nước Nga-Trung đã vở tung, đến gần như là thù nghich. Mao chỉ trích Khrushchev thỏa hiệp với Mỹ trong khủng hoảng đầu đạn nguyên tử ở Cuba tháng 10, năm 1962. Trung quốc ra mặt chống đối Nga, tuyên bố là chủ nghĩa xét lại của Nga Xô Viết không đấu tranh cho giai cấp vô sản chống lại Đế Quốc giải phóng quốc gia. Chỉ có CHND Trung Quốc mới là chiến sĩ cộng sản chân chánh và trung thực giúp Việt Nam chống Đế Quốc Mỹ. Cách mạng vô sản quốc tế nay do Trung Quốc lãnh đạo. Trung quốc viện trơ tối đa cho Bắc Việt.
Thần vong xỉ hàn, sự kiện Vịnh Bắc Việt và sách lược Mao Trạch Đông
Mùa hè năm 1962, Hồ Chí Minh và Nguyễn Chí Thanh đến Bắc Kinh để phân tích tình hình miền Nam, cảnh giác Trung Quốc rằng Hoa Kỳ có thể sẽ tấn công Bắc Việt, đe dọa trực tiếp an nguy cho Quảng Tây ,Vân Nam. Mao lệnh trang bị thêm 230 tiểu đoàn quân giải phóng miền Nam và Bắc Việt, mặc dù Trung Quốc vẫn còn trong tình cảnh kinh tế khó khăn.
Sự kiện Vịnh Bắc Việt ngày 2 và 4 tháng 8 năm1964 (tài liệu giải mật sau này cho biết không có chiến thuyền Bắc Việt trên màn Radar trong ngày 4/8/64), kế đó quốc hội Mỹ thông qua “Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt” (the Gulf of Tonkin Resolution) ngày 7 tháng 8 năm 1964. TT Johnson được toàn quyền thi hành mọi biện pháp cần thiết để trả đũa và duy trì hòa bình , an ninh cho Đông Nam Á. Đó là cơ hội đúng lúc để Mao dùng chiến tranh, an nguy lãnh thổ để củng cố địa vị quyền hành. Trung Quốc phản ứng khẩn cấp, toàn diên, và triệt để. Chu Ân Lai và La Thụy Khanh (Tham Mưu trưởng bộ tổng tham mưu quân đội nhân dân Trung Quốc) điện khẩn Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Văn Tiến Dũng ngày 5 tháng 8 năm 1964 đề nghị Việt Nam ” Điều tra sáng tỏ tình hình, thảo luận và thiết lập sách lược thích đáng để sẵn sàng hành động” và đề nghị hợp tác quân sự chặt chẽ. Quân ủy trung ương Trung Quốc ra lệnh quân lực vùng Côn Minh, Quảng Châu, cùng không quân và hải quân phải ở trong tình trạng sẳn sàng chiến đấu. Chuyển bộ tư lệnh không quân từ Quảng Đông tới Nam Ninh, đưa chiến đấu cơ, hỏa tiển phòng không đến sát biên giới Việt Hoa…Tổ chức biểu tình toàn quốc chống” Đế Quốc Mỹ xâm lược”,”đoàn kết với nhân dân Việt Nam”. Thời điểm nầy uy tín Mao bị suy nhiều vì kế hoạch kinh tế Đại Nhẩy Vọt (Đại dược tấn, 大躍進 bắt đầu năm 1958) đã thất bại tàn tệ. Sự kiện vịnh Bắc Việt là cơ hội tốt cho Mao sách động toàn đảng toàn dân kiên trì “cách mạng liên tục” đổ máu để chống Chủ Nghĩa Đế Quốc Mỹ, chống Chủ Nghĩa Xét Lại, “chống Mỹ giúp Việt Nam” là nghĩa vụ quốc tế vinh quang của chiến sĩ cách mạng vô sản. Rút kinh nghiệm từ Pháp Thanh chiến tranh năm 1883-1885, xưởng đóng tàu Mã Vĩ, hạm đội Phúc Kiến bị hải quân Pháp tiêu diệt, trong diễn văn về tình hình thế giới và phản ứng Trung Quốc, ngày 17 tháng tám năm 1964. Mao đề xuất kiến thiết “phòng tuyến thứ ba”(三線建設 “Tam Tuyến Kiến Thiết”, phòng tuyến thứ nhất và nhì là ở vùng Đông Bắc, và duyên hải). Để chống “Đế Quốc Mỹ xâm lược”, phải cấp bách xây dựng kỷ nghệ nặng ở sâu trong nội địa miền tây để đề phòng tấn công bởi Đệ Thất hạm đội và phản lực cơ Mỹ từ biển Đông. Phải cấp tốc hoàn thành hệ thống đường sắt chiến lược quân sự để giúp chiến trường Đông Dương (Kiến thiết phòng tuyến thứ ba, xây dựng kỷ nghệ nặng và ngoại giao bin-bong, bắt tay với Mỹ là 2 việc mà Mao đã cứu vãn nước Tàu).
Theo sách lược Mao Trạch Đông thì chiến tranh Đông Dương (Việt Nam) giới hạn ở miền Nam là nguồn nhiên liệu vô tận cho cách mạng liên tục ở Trung Quốc. Mao chủ trương không trực tiếp đương đầu quận đội Mỹ (hay quân đội Pháp trước đây) ở Việt Nam, không muốn đó là tiền đề cho chiến tranh lan tràn đến Hoa Lục, vì bài học Thanh -Pháp Chiến Tranh năm 1883-1885. Sự kiện Vịnh Bắc Việt, oanh tạc Bắc Việt là đe dọa an ninh cấp bách của Trung Quốc. Trung Quốc huy động toàn lực, toàn dân ủng hộ, giúp đở Việt Nam trong chiến tranh, vì cộng sản Bắc Việt không thể mất. Môi Việt Nam không thể mất để bảo vệ răng Trung Quốc. Sự kiện Vịnh Bắc Việt đã thay đổi toàn diện hạ tầng cơ cấu kinh tế Trung Quốc, từ nông nghiệp, kỹ nghệ nhẹ sang kỹ nghệ nặng thiên về quân sự. Công xưởng, nhà máy, kỹ nghệ từ duyên hải chuyển dời vô sâu trong nội địa.
Chiến dịch Rolling Thunders (Sấm Động) bắt đầu vào tháng 3 năm 1965 không lực Mỹ oanh tạc giới hạn phía dưới vĩ tuyến 19. Đầu tháng 4 năm 1965, Lê Duẫn và Võ Nguyên Giáp đến Bắc kinh cầu viện trợ. Tháng 5 năm 1965 Hồ Chí Minh lại bí mật đến Trung Quốc thảo luận thêm về viện trợ với Mao (16/5/1965) tại Trường Sa, Hồ Nam. Tựu trung Trung Quốc không đưa quân trực diện quân đội Mỹ ở miền Nam. Trung Quốc trách nhiệm trong chiến tranh là hậu cần, lương thực, vũ khí quân trang quân dụng cho bộ đội Bắc Việt, và chiến trường miền Nam. Nhiều sư đoàn chí nguyện quân Trung Quốc, có lúc lên tới 320.000 trong đó bao gồm không quân với phản lực cơ Mig, phòng không, công binh sửa chửa đường sắt, cầu đường, nhà kho bến cảng trạm xá… để bảo vệ miền Bắc.
Mao, qua lịch sử Thanh-Pháp chiến tranh, không muốn trực tiếp đương đầu với Mỹ. Đưa quân đội Mỹ vào miền Nam, oanh tạc Bắc Việt là sai lầm chiến lược của TT Johnson. Mỹ trực tiếp tham gia vào chiến tranh Việt Nam là đe dọa an nguy của Trung Quốc. Leo thang chiến tranh, Mỹ đã giúp Mao thực hiện cách mạng vô sản ở Á châu, giúp Mao viện trợ tối đa cho Bắc Việt. Mỹ đã trực tiếp giúp Hô Chí Minh trong việc cầu viện Trung Quốc. Đã gián tiếp nuôi dưỡng bộ đội Bắc Việt. Sự hiện diện của lính Mỹ ở miền Nam đã giúp CS Bắc Việt hô hào nhân dân miền Bắc, tuyên truyền đánh Mỹ xâm lăng để giải phóng miền Nam. Sự có mặt của lính Mỹ ở miền Nam đã làm lu mờ đấu tranh chánh trị giửa tự do và cộng sản, mà thay vào đó màu sắc của đấu tranh chống ngoại bang.
Song song đó, sự kiện Vịnh Bắc Việt đã đưa tín nhiệm của TT Johnson từ 42% lên 72%, Ông thắng cử tổng thống tháng 11 năm đó 1964 với 61.1% số phiếu.
Ts Roger Hilsman là phụ tá ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ dưới thời TT Kennedy. Hilsman là một sĩ quan West Point dùng du kích chiến đánh quân Nhật ở Miến Điện trong thế chiến thứ hai. Ông còn là GS chánh trị bang giao quốc tế. Trong đề án “Một quan niệm chiến lược cho miền Nam Việt Nam, (A Strategic Concept for South Vietnam)” tường trình lên TT Kennedy, ông nhận định chiến tranh miền Nam lúc đó phải là đấu tranh chánh trị [v] xây dựng quốc gia, thể chế, kiến thiết miền Nam (nation building), ông chủ trương phải dùng chiến tranh chống du kích. Tiếc thay sau khi nhậm chức, TT Johnson đã sa thải Ts Hilsman (ông từ chối bổ nhậm đại sứ tại Philippines, từ chức để về dạy học ở trường Columbia U.). Johnson tin dùng McNamara, một sĩ quan không quân chuyên ngành thống kê chuyển sang ngành quản lý kinh doanh, giỏi hành chánh quản trị chớ không kinh nghiệm chiến tranh chánh trị và chiến lược. Mc Namara nguyên là chủ tịch hãng xe Ford. Đầu óc con buôn, nới rộng chiến tranh tuy hao tổn công khố Mỹ nhưng lợi nhuận cho tư bản kỷ nghệ quốc phòng [vi]. Ông vui vẽ khi quốc hội gọi chiến tranh Vietnam là “McNamara’s War”. Sau nầy trong hồi ký ông nhìn nhận chánh phủ Hoa kỳ đã phạm nhiều lỗi lầm về Việt Nam. Nhưng ông quên một lỗi lớn nhất của TT Johnson là không muốn nghe ý kiến đa diện cho giải pháp Việt Nam. TT Johnson sa thải William Averell Harriman (đưa đi làm đại sứ lưu động –không nhiệm sở -Ambassador-at-large), Michael Forresta và Rogers Hillman. TT Johnson đã chọn giải pháp chiến tranh cho miền Nam Việt Nam [vii]. Johnson cũng đã không nghe lời can của George W. Ball, thứ trưởng bộ ngoại giao, đưa quân Mỹ ồ ạt vào Việt Nam sẽ bị “sa lầy”.
Mỹ quyết định đưa quân vào miền Nam, nới rộng chiến tranh oanh tạc Bắc Việt phần nào đó là do tình hình miền Nam xấu dần. Tình trạng đó bắt nguồn từ chánh phủ Ngô Đình Diệm. Ông Diệm chống cộng chủ yếu dựa vào vũ trang, bắt bớ để củng cố chế độ chớ không chú trọng đến chánh trị, nhân tâm. Đảng Cần Lao Nhân Vị là tổ chức chánh trị nặng tình tôn giáo, dùng quyền hành để khủng bố chánh trị, phục vụ chế độ hơn là dùng tổ chức để đấu tranh chánh trị, dành chánh nghĩa. Điển hình là ông Hoàng Văn Chí không dám ký tên thật là tác giả “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc”, phải dùng bút hiệu Mạc Định là soạn giả, chỉ đề tên Hoàng Văn Chí là người đề tựa, vì có người thân cận ông Ngô Đình Diệm nghi ngờ dụng ý tác giả là sách động báo giới miền Nam. Sự cẩn thận đó thể hiện rỏ ràng là bộ thông tin của chánh phủ Ngô Đình Diệm năm 1959 không giúp mua một cuốn nào hết [viii]. Một tài liệu lịch sử quan trọng như vậy mà ông Ngô Đình Diệm, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu không biết lợi dụng cho đấu tranh chánh trị, truyền bá rộng rãi trong miền Nam để người dân, nhất là học sinh, sinh viên và giới “trí thức” học được phần nào bộ mặt thật của cộng sản. Và sau này cuốn “From Colonialism to Communism”, (Từ Thực Dân Đến Cộng Sản), xuất bản ở Pháp 1964 cũng không được truyền bá sâu rộng ở miền Nam, tiếc thay.
Sau ngày sập trời 30/4/1975 Ts Nguyễn Ngọc Lan có hợp tác với chánh quyền Cộng Sản Việt Nam một thời gian qua tờ báo “Đứng Dậy”, sau khi sám hối, sáng mắt ông có viết “ Từ ngày thống nhất đất nước đến nay, những người cộng sản các anh đã suy thoái hoàn toàn trong quyền lực, đã trở nên đối lập hoàn toàn với cuộc sống của nhân dân, các anh đã trở thành chai sạn, không thể hiểu nổi lý do những người theo các anh bây giờ đã phải chống các anh.[ix]” Có lẽ ông đã quá bận rộn đấu tranh để “xây dựng” nền tự do dân chủ cho chế độ cộng hoà miền Nam trong thời chiến trước năm 1975 nên ông đã lơi là không tìm hiểu chế độ mà ông ngưỡng mộ đó là miền Bắc xã hội chủ nghĩa lãnh đạo bởi đảng Lao Động Việt Nam. Ông không đọc bản cáo trạng “Những Sai Lầm Trong Cải Cách Ruộng Đất” mà Ts Nguyễn Mạnh Tường đọc trước Mặt trận Tổ quốc Hà Nội ngày 4 tháng 10 năm 1956 [x] (có lẽ khi về nước 1964 ông đã không biết tới nó vì cán bộ CS nằm vùng đã đi lùng kiếm thu mua, đốt sạch hết “tàn dư văn hóa phản động” của nhóm “Nhân Văn-Giai Phẩm”-Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, như sau nầy họ đã tiêu hủy biết bao sách vở văn hóa phẩm miền Nam sau ngày sập trời 30 tháng 4 năm 1975 dưới cụm từ “quét sạch tàn dư văn hóa Mỹ Ngụy” một trong những người thừa hành là Lữ Phương [xi]). Nếu ông có đọc thì đã thấy bản chất những người mà ông đã đi theo đó sống trong một tổ chức đã bại hoại vì quyền lực, đã đứng ngược lại nguyện vọng của người dân từ trước năm 1956 chớ không chờ tới mãi sau năm 1975 mới thoái hóa. Trước năm 1975 ông chủ bút tờ Đối Diện để chất vấn nền tự do dân chủ miền Nam trong thời chiến. Sau 1975 ông “Đứng Dậy” làm người dân một nước độc lập, tự do, dân chủ trong thời bình nhưng rồi sau 3 năm ông phải ngồi xuống vì ông không còn cơ sở độc lập tự do dân chủ để đứng, nói chi tới việc đối diện, chất vấn như hồi xưa.
Trong thời “đổi mới”số phận chanh vắt cuối đời của ông đã may mắn nhiều, được chiếu cố “nhân đạo” nhiều so với thời còn bức màn sắt ở miền Bắc, số phận bị đào thải, khai trừ (“Excommunié”) khỏi xã hội của các trí thức như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Đào Duy Anh, Phan Khôi…
Cuộc đời của Ts Nguyễn Ngọc Lan là điển hình cho biết bao “trí thức”, học sinh, sinh viên Sàigòn đã u mê vô tình (hay đồng tình với cộng sản) góp phần làm suy sụp miền Nam tự do.
Tất cả khởi nguồn ở chánh phủ Ngô Đình Diệm đã không chú trọng đến đấu tranh chánh trị, phổ biến, giáo dục sâu rộng trong học đường và dân gian cái họa cộng sản với chứng nhân, lịch sử đang tiến hành ở miền Bắc và được ghi lại trong cuốn “Trăm Hoa Đua Nở trên Đất Bắc”.
Đảo chánh tháng 10 năm 1964 tại Nga, Khrushchev bị Brezhnev (nhân vật số 2 sau Khrushchev) lật đổ đã ảnh hưởng sâu đậm tới lịch sử, chánh trị ở Trung Quốc. Vài năm trước đó, kế hoạch kinh tế “Đại nhẩy vọt” (Đại dược tấn, 大躍進 bắt đầu năm 1958) của Mao đã hoàn toàn thất bại, dồn dập với thiên tai đã gây chết chóc tới khoảng vài chục triệu dân. Để củng cố quyền lực, Mao đã thanh trừng Bành Đức Hoài ở hội nghị Lư Sơn năm 1959. Tuy nhiên thanh thế Mao, lãnh tụ vĩ đại đã bị lu mờ nhiều. Đầu thập niên 1960, quyền hạn Mao được chia xẻ với Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Chu Ân Lai. Mao lo sợ biến động ở Nga, số phận của Khrushchev năm 1964 có thể là viễn ảnh của Mao sao này. Nhưng Mao đánh giá chiến tranh Việt Nam, tình hình thế giới chưa đủ động lực để ông khôi phục quyền hành tuyệt đối. Mao canh cánh trong lòng chờ cơ hội để loại trừ đối thủ với thủ đoạn chụp mũ “xét lại” để cũng cố quyền lực. Tháng 2 năm 1966, có phái đoàn đảng bộ Nhật đến thăm Trung Quốc và Việt Nam để cổ động “Mặt trận liên hiệp quốc gia đoàn kết chống đế quốc” do Liên Xô, Trung Quốc lãnh đạo. Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình đồng tình với việc Trung Quốc là thành viên. Mao Trạch Đông sau đó phủ nhận quyền đại biểu của Lưu và Đặng, vì ngôn ngữ của mặt trận không có cụm từ “chống Xét Lại”. Từ đó Mao kết án Lưu và Đặng đã thỏa hiệp với bọn xét lại Liên-Xô. Đến tháng 5 năm 1966 Mao chỉ đạo Giang Thanh và Lâm Bưu dấy động phong trào Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản. Làm rối tung trật tự, đảo lộn an ninh xã hội, phá hủy vật chất văn hóa Trung Hoa, đưa địa vị Mao ngang hàng với thần thánh, quyền hành hơn cả vua chúa. Mục đích của Mao là tạo ra đại loạn để mà thanh trừng. Mượn đấu tranh giai cấp để đàotận gốc tróc tận rễ, chụp mũ “phần tử xét lại” để tận diệt đối thủ. Trong cái đại loạn đó hầu hết lãnh đạo cao cấp, cùng với trăm vạn trí thức, bị kết án là phần tử xét lại, bị lăng nhục, đưa đi lao động cải tạo, tù đầy, sát hại. Trong đó có Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ. Riêng Lưu Thiếu Kỳ, nhân vật thứ 2 sau Mao, được Mao chiếu cố đặc biệt, chết dần trong ngục tháng 11 năm 1969 vì thiếu ăn thiếu thuốc. Mao diệt đi cái họa Brezhnev của Trung Quốc.
Tháng 8 năm 1968 sự kiện Sô Viết và khối Warsaw (gồm Đông Đức, Ba lan, Bulgaria và Hungary) xâm chiếm Tiệp Khắc (Czechoslovakia) cũng là mối lo của Mao. Mao lo ngại Sô Viết sẽ dùng Học Thuyết Brezhnev (Brezhnev Doctrine) để uy hiếp Trung Quốc, và can thiệp vào nội bộ các nước cộng sản, nhất là Romania và Albania là hai nước thân Trung Quốc. Mao lên án Sô Viết phạm tội ác xâm lăng.
Trịnh Quốc Thuận, Ph.D. Tiểu tuyết, 2014
[i] Chống lại lệnh triệu hồi sang Pháp của Quốc Trưởng Bảo Đại, Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho tổ chức trưng cầu dân ý và truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại ngày 23 tháng 10 năm 1955, (thắng với 98.2%, Bảo Đại được 1.1%, con số đủ nói lên hậu trường của vở kịch, và với cố vấn của Lansdale “Xanh bỏ giỏ đỏ bỏ bì”, màu xanh, phiếu bầu QT Bảo Đại, màu đỏ phiếu cho TT Ngô Đình Diệm). Hoàng Đế Bảo Đại năm xưa đã từng vui vẽ thảnh thơi thoái vị để làm công dân Vĩnh Thụy của một nước Việt Nam độc lập thì chiếc ghế quốc trưởng chắc ông cũng không thiết tha gì.
Daniel Grandclément: Ông Diệm đã “… đã lật lọng một cách hèn hạ, trâng tráo phản bội lời thề trung thành với ông, phế bỏ ông, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu và gian lận tịch biên tài sản, nhục mạ chửi rủa ông cay độc hơn báo chí kháng chiến năm 1949, lại còn giật dây hội đồng hoàng tộc truất bỏ cương vị Quốc trựởng và mọi tước hiệu của ông”.
Rất tiếc ông Diệm không chu toàn cho thân nhân Cựu Hoàng còn ở miền Nam. Dầu sao ông Diệm tuy không xuất thân khoa bảng, nhưng cũng là quan lại triều Nguyễn nhiều năm-(sau khi ra trường Hậu Bổ, Ông Diệm lần lược được bổ nhậm tri huyện, tri phủ, tuần vũ, rồi thượng thư. Đường hoạn lộ hanh thông như vậy, nhưng không xuất thân đại khoa, thì quả là hy hữu. Người ta cho rằng quan trường của ông Diệm là do Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài nâng đỡ)- và là thủ tướng cuối cùng của Quốc Gia Việt Nam. Là một “chí sĩ” lại sao không biết gì “ân vua lộc nước”, hay cái “ân tri ngộ” năm xưa vua Bảo Đại phong ông chức Thượng Thơ Bộ Lại, chỉ vì lời nhắn nhủ của lão thần Nguyễn Hữu Bài.
[ii] Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc có viết:
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc nay tuyên bố:
(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.
(3) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, tất cả máy bay ngoại quốc và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc
(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
Ðài Loan và Penghu hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ðài Loan và Penghu đang chờ được chiếm lại. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoại quốc không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc
(Bản dịch của Trung Tâm Dữ Kiện)
Chú thích: Quần đảo Tây Sa (tên tiếng Tàu Xisha) = Quần đảo Hoàng Sa = Paracel Islands Quần đảo Nam Sa (tên tiếng Tàu Nansha) = Quần đảo Trường Sa = Spratly Islands
Nguyên văn công hàm Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958
Thưa Đồng chí Tổng lý, Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố , ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc. Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.
Hà-nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958 PHẠM VĂN ĐỒNG Thủ tướng Chính Phủ Nước Việt-nam Dân chủ Cộng Hòa
Nguồn :
http://conghambannuoc.tripod.com/
http://law.hku.hk/clsourcebook/10033.htm
[iii] Trong ngày mừng chiến thắng 19 tháng 5 năm 1975, Lê Duẩn đã nói, “Đảng của chúng ta là một và là người lãnh đạo duy nhất đã tổ chức, kiểm soát và điều hành toàn bộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam ngay từ ngày đầu của cuộc cách mạng”
[iv] Tại sao đảng Lao Động Việt Nam tiến hành cuộc xâm chiếm miền Nam, không gì ngắn gọn qua lời phát biểu của Lê Duẩn: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại” …“Cuộc cách mạng Việt Nam là để thực thi bổn phận và các cam kết quốc tế”. Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và đảng Lao Động Việt Nam đã dùng nhân dân miền Bắc và Việt Cộng miền Nam như đội lính đánh thuê cho chủ nghĩa cộng sản, dưới chiêu bài giải phóng miền Nam.
[v] Theo Hilsman thì chương trình Ấp Chiến Lược (Strategic hamlet) đã thất bại là do ông Nhu dựng lên ngay bên vùng Việt Cộng kiểm soát, để Việt cộng trà trộn vào phá hoại. Theo ông thì phải xây dựng ở vùng có an ninh rồi từ từ lan ra vùng xôi đậu, rồi tới bìa vùng VC kiểm soát, thực hiện như vết dầu loan để ép VC không đất cắm dùi. Nhưng có lẽ thất bại cũng do tình báo Bắc Việt đã vô tới thượng tầng lãnh đạo chương trình Ấp Chiến Lược, có thể là Phạm Ngọc Thảo, công giáo, thân thiết với Giám mục Ngô Đình Thục, hay Vũ Ngọc Nhạ, công giáo, tín cẩn của Giám mục Lê Hữu Từ, cả 2 ông Thảo và Nhạ đều được Ông Diệm, ông Nhu tín nhiệm (đó chỉ là suy luận, phải chờ tài liệu công bố từ chánh quyền Việt Nam).
TT Kennedy đã thiên về giãi pháp chánh trị cho tình hình Việt Nam, tiêu biểu cho đó là diễn văn của Hilsman đọc ở San Francisco ngày 13/12/1963, 2 tuần sau TT Kennedy bị ám sát. Có 4 điểm chánh sau đây, công nhận Mông Cổ, bãi bỏ hạn chế du lịch, dễ dãi việc hạn chế mậu dịch vớiTrung Quốc, và ủng hộ Trung Quốc có mặt trong hội đàm giải giới ở Geneva “Recognition of Mongolia, lifting of travel restrictions, easing of trade restrictions, and the inclusion of China in the Geneva disarmament talks” JCT.
[vi] Hilsman nói về McNamara trong buổi phỏng vấn bởi Paige E. Mulhollan: “..And McNamara was again all gung-ho. McNamara’s whole history in this thing was, anytime there’s any crisis, starting off with a military type answer, buying whatever the JCS were recommending – coming in and very aggressive and dynamic in an NSC meeting and steamrollering opposition.”
[vii] Trong chuyến viếng thăm Việt Nam tháng 5, 1961, phó TT Johnson đã hình tượng TT Diệm để so sánh với Thủ Tướng Anh Churchill (cả hai đều có thân hình bệ vệ, thiếu chiều cao, hút thuốc liền tay) trong buổi dạ tiệc với lời chúc rượu TT Ngô Đình Diệm “the Winston Churchill of Asia”. Khi ký giả Stanley Karnow chất vấn Johnson về sự so sánh, Johnson trả lời “Shit… Diệm’s the only boy we got out there”SK.
[viii] Nguyên văn trích lại từ Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc, Thụy Khê:
“Hoàng Văn Chí, tức Mạc Định, soạn giả Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá xuất bản tại Sài Gòn, 1959, cho biết: “Ở Hà Nội ra đi đầu năm 1955, tôi đã hẹn với các bạn ở lại là hễ có dịp sẽ nói lên tiếng nói của họ”, “Tôi làm việc một mình”, “Tôi liên lạc được với một ủy viên trong Ủy ban kiểm soát đình chiến. Họ đi Hà Nội như đi chợ. Mỗi tuần họ cắp về Sài Gòn cho tôi tất cả báo chí xuất bản ở Hà Nội”, “Tôi làm việc trong hai năm 56-58”. “Bộ Thông tin và nói chung, chính quyền Sài Gòn không hề giúp. Lý Trung Dung đến chào Bộ Thông tin, yêu cầu mua cho một số, nhưng chẳng mua một cuốn nào”. “Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá ở Việt Nam là một chi nhánh của một tổ chức quốc tế, tên là Congress for Cultural Freedom, trụ sở trung ương ở 104 boulevard Haussmann, Paris. Bác sĩ Lý Trung Dung làm chủ tịch. Tội nghiệp, chỉ vì làm chủ tịch Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá mà phải đi cải tạo đến nay (1986) chưa được thả”. “Trước khi đưa in, Lý Trung Dung nghe nói có người gần ông Diệm ngờ rằng tôi soạn cuốn Trăm hoa đua nở là có ý xúi dục trí thức miền Nam bắt chước trí thức miền Bắc nổi lên chống lại chế độ. Vì vậy nên Lý Trung Dung bàn với tôi nên để bút hiệu Mạc Định là soạn giả. Chỉ ký tên Hoàng Văn Chí vào bài Tựa” (Trích Phỏng vấn cụ Hoàng Văn Chí, Từ Nguyên thực hiện, bán nguyệt san Tự Do số 50, ngày 16 tháng 11 năm 1986, phát hành tại Bỉ) TK.
[ix] Nêu lên đây với sự dè dặt. Tôi chưa có dịp đọc nguyên văn từ nguyên bản, mà chỉ trích lại từ 1 bài viết đăng trên Talawas.org
[x] Theo Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc xuất bản 1959, bản điện tử Talawas, thì ngày 4 tháng 10 năm 1956. Theo Thụy Khê: Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc xuất bản gần đây thì là ngày 30 tháng 10 năm 1956
[xi] Văn hóa miền Nam còn bị đánh lần nửa cũng chính do Lữ Phương, đảng viên đảng Lao Động, sống trong Nam, Thứ trưởng Thông tin Văn hóa Chánh Phủ Lâm Thời. Lần nầy Lữ Phương chủ động, tác gỉả cuốn “Cuộc Xâm Lăng về Văn Hoá và Tư Tưởng của Đế Quốc Mỹ tại Miền Nam Việt Nam” Nhà xuất bản Văn Hoá, Hà Nội 1981 (?). Tôi chưa hề đọc qua cuốn sách nầy. Nhắc lên đây vì đề cập đến chánh sách tiêu hủy “quét sạch tàn dư văn hóa Mỹ Ngụy”. Chánh sách hủy diệt nầy đã kéo dài nhiền năm, chớ không tự phát nong nổi nhất thời trong cái “ồn ào” sau ngày 30/4/1975, như Lữ Phương đã phân trần, mà nó phát xuất từ lãnh đạo, rồi thực hiện, đến tuyên truyền, củng cố học tập… ( tuyên truyền, học tập sách do Thứ trưởng Thông Tin Lữ Phương viết)