Mấy ngày vừa qua, nhân lục lọi tài liệu để tìm hiểu về vai trò của các giác quan trong việc nhận thức cũng như về tính đẳng cấp trong các giác quan dưới nhiều quan điểm triết học và văn hoá khác nhau (ví dụ sự thiên vị rõ rệt đối với thị giác và thính giác, đặc biệt là thị giác, và sự rẻ rúng đối với các giác quan khác, từ vị giác đến khứu giác và xúc giác), tôi tò mò đọc lại các cuốn từ điển tiếng Việt. Và chú ý đến hai chữ quen thuộc: Sờ và rờ.
Dường như hầu hết các cuốn từ điển đều xem sờ và rờ là một, là hai từ hoàn toàn đồng nghĩa, hơn nữa, còn xem rờ chỉ là biến âm mang tính địa phương của sờ. Cả Nguyễn Văn Ái trong Từ điển phương ngữ miền Nam (nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994) lẫn Nguyễn Như Ý trong Từ điển đối chiếu từ địa phương (nxb Giáo Dục, 1999) đều nghĩ như vậy. Ở nhiều cuốn từ điển khác, sau chữ “rờ”, người ta ghi chú: “phương ngữ” rồi bảo xem chữ “sờ”. Chỉ có Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ là làm ngược lại, sau chữ “sờ”, họ ghi: “xem rờ”. Có vẻ như với họ, “rờ” là từ chính, còn “sờ” chỉ là biến âm của chữ “rờ”. Không chừng cả Alexandre de Rhodes, trong cuốn từ điển Việt-Bồ-La (1651) và Huỳnh Tịnh Của, trong cuốn Đại Nam Quốc Âm tự vị (1895), cũng đồng ý như thế: Trong hai cuốn ấy, chỉ có “rờ” chứ không có “sờ”.
Có điều, không phải lúc nào “rờ” và “sờ” cũng thay thế cho nhau được. Chúng ta nói sờ sẫm hay rờ rẫm, nhưng chỉ nói sờ soạng chứ không nói rờ roạng; và cũng chỉ nói rờ rệt chứ không nói sờ sệt. Người miền Trung và miền Nam vừa nói “sờ” vừa nói “rờ”; có cả chữ “rờ rờ” (đưa tay thoa nhè nhẹ đâu đó) vừa có chữ sờ sờ (hiển nhiên, ngay trước mặt).
Theo tôi, hai chữ “rờ” và “sờ” là hai từ tương tự, gần gũi về ngữ âm và ý nghĩa, chứ không phải là hai từ hoàn toàn đồng nghĩa. Trong cảm nhận của tôi, “sờ” là đưa tay chạm vào một vật gì đó trong khi “rờ” không phải chỉ chạm mà còn xoa nhẹ. Bởi vậy, tôi nghĩ là Huỳnh Tịnh Của đúng hơn các nhà từ điển học khác khi định nghĩa “rờ” là “lấy tay mà thăm mà lần”. Tức là có sự chuyển động.
Cũng xin lưu ý là phần lớn các cuốn từ điển sau Huỳnh Tịnh Của đều định nghĩa chữ “rờ” hay “sờ” một cách rất ư buồn cười.
Ví dụ Văn Tân và Hoàng Phê đều định nghĩa sờ là “đưa bàn tay lên trên một vật gì để xem vật ấy thế nào”. Đưa bàn tay lên trên một vật gì? Ừ, thì được. Nhưng tại sao lại phải thêm “để xem vật ấy thế nào”? Chẳng lẽ sờ hay rờ chỉ có một mục đích duy nhất là để tìm hiểu một cách nghiêm trang và nghiêm chỉnh như thế ư? Một người ngồi buồn, không biết làm gì, lấy tay rờ/sờ râu, chẳng lẽ chỉ để biết râu mình như thế nào ư? Một cặp tình nhân, trong lúc âu yếm, rờ/sờ nhau, cũng chỉ để “nghiên cứu” xem cái vật mình rờ hay sờ ấy như thế nào ư? Trời, nói thế, ai cũng là những nhà nghiên cứu sinh học hết ráo!
Chưa hết. Văn Tân còn định nghĩa chữ “sờ mó” như sau: “Đụng không có mục đích vào một vật”. Dựa vào định nghĩa ấy, những kẻ bị buộc tội sờ/rờ mó bậy bạ ai đó có thể cãi lại các công tố viên: Họ không làm điều gì đáng bị coi là xâm phạm tình dục cả. Đó chỉ là một hành vi “không có mục đích”. Ối giời!
Nhưng định nghĩa của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ mới hài hước. Theo hai ông, “rờ” có hai nghĩa. Thứ nhất, là sờ, là dùng tay mó. Ví dụ: “Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ / Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không”. Thứ hai, là “lén nậng, bóp vật kín của đàn bà khi người ta ngủ.”
Đọc định nghĩa thứ hai, thú thực, có ba điều tôi không thể nào hiểu được: Một, tại sao chỉ nậng (hay nựng) và bóp vật kín của đàn bà mới được gọi là rờ? Còn ngược lại, khi đối tượng là đàn ông và người thực hiện động tác “nựng” và “bóp” ấy là phụ nữ thì gọi là gì nhỉ? Hai, tại sao lại phải nhất thiết là “vật kín”? Với những vật không kín lắm, như tay, chân hay… nhũ hoa, chẳng hạn, thì sao? Và ba, tại sao phải đợi đến lúc “người ta ngủ”?
Tôi không nghi ngờ sự cẩn thận và uyên bác của hai ông Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, đặc biệt của ông Lê Ngọc Trụ, về phương diện ngôn ngữ. Nhưng đọc xong định nghĩa về chữ “rờ” của hai ông, tự nhiên tôi đâm ra phân vân và nghĩ ngợi: chả lẽ cả đời hai ông ấy chưa từng biết sờ hay rờ là gì cả?
Nếu đúng thế, thật tội nghiệp!
Nguyễn Hưng Quốc