Tiến Sĩ Phẻ là giáo viên dạy môn Hóa Học tại trường Trung Học Mira Loma- Sacramento. Đồng thời, anh là người thực hành và giảng dạy về “Sự Tỉnh Thức”, là thành viên của Instructional Leadership Corps member -Chương trình Giáo viên dạy Giáo viên của Stanford và Hiệp Hội Giáo Chức California (California Teacher Association- CTA).
Kể từ năm 2014, anh cùng CTA đã tổ chức những khóa huấn luyện “ Tỉnh Thức” cho khoảng trên 2,000 giáo viên thuộc nhiều học khu California, thuộc mọi thành phần sắc tộc, tôn giáo khác nhau. Những giáo viên này thấy được sự lợi lạc, nên sau đó đã đem sự thực hành “Tỉnh Thức” đến với học sinh của mình trong các trường học ở California và cả tiểu bang khác.
Có thể gọi Sự Tỉnh Thức bằng nhiều tên gọi: Mindfulness, hay Chánh Niệm, hay Tĩnh Tâm, hay Trực Giác Bén Nhạy… Sự Tỉnh Thức được hiểu một cách đơn giản như là khả năng nhận biết rõ ràng những gì đang xảy ra ngay trong giây phút hiện tại, mà không phán xét chúng. Đó là khả năng quan sát những gì đang xảy ra trước mắt, nghe những âm thanh đang đến bên tai, cảm nhận những xúc chạm đang đến trên từng bộ phận cơ thể trong giây phút hiện tại. Đi xa hơn nữa, đó là khả năng nhìn thấy được những tình cảm vui, buồn, ghét, thương đang khởi lên trong tâm thức, hay những dòng suy nghĩ không ngừng xuất hiện trong trí óc của chúng ta.
Vì sao Sự Tỉnh Thức lại quan trọng đối với một học sinh? Tiến Sĩ Phẻ đã kể lại rằng trong cuộc đời dạy học 16 năm của mình, đã có 5 học sinh của anh tự tử vì không thể chịu nổi những cảm giác căng thẳng, tuyệt vọng trong gia đình, trường học. Ở độ tuổi trung học, lẽ ra là lứa tuổi chỉ có niềm vui, do chưa phải đối diện với những căng thẳng trong cuộc sống “cơm áo gạo tiền”. Vậy mà ngay trên đất nước Hoa Kỳ giàu có, khoa học kỹ thuật phát triển nhất hành tinh này, các em học sinh đã phải trải qua những cảm xúc tiêu cực mạnh đến nỗi các em không còn muốn sống nữa. Nếu biết làm chủ được những cảm xúc hủy diệt đó, có thể các em đã không tự kết liễu đời mình. Thực tập Sự Tỉnh Thức sẽ giúp cho các em rèn luyện khả năng làm chủ bản thân này.
Nói đến sự quan trọng của việc làm chủ cảm xúc, Tiến Sĩ Phẻ nhắc lại câu chuyện của một người, từng tiếp xúc với 14 tù nhân bị các bản án nặng do phạm tội đại hình. 14 tù nhân đang phải thọ những án tù tổng cộng đến 426 năm. Họ được hỏi đã suy nghĩ bao lâu trước khi quyết định thực hiện hành vi tội ác đã dẫn đến tù tội. Câu trả lời: người suy nghĩ lâu nhất là 5 phút, còn người suy nghĩ nhanh nhất chỉ là 2 giây! Tổng cộng lại, 14 người đã suy nghĩ trong khỏang 14 phút trước khi hành động, và cái giá phải trả là 426 năm tù! Nhiều người trong số họ đã cảm thấy hối tiếc, cho rằng nếu lúc đó mình tỉnh táo hơn, kiểm soát được cảm xúc tốt hơn, thì có thể giờ này họ đã không phải chịu cảnh tù đày.
Nếu có thực tập Sự Tỉnh Thức, có thể họ đã không như vậy. Bởi vì khi đối đầu với những điều bất như ý gây ra sự giận dữ, mất tự chủ, những người này đã hành động như một “phản ứng” (reaction) mà không kịp suy nghĩ, cân nhắc. Nếu có Sự Tỉnh Thức, thì giữa hoàn cảnh và hành động sẽ có Sự Tỉnh Thức làm bước trung gian, cho nên họ sẽ “đáp ứng” (response) lại hoàn cảnh một cách khôn ngoan, tự chủ hơn. Vài giây tỉnh thức có thể làm thay đổi cả một đời người!
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh những lợi ích khác nhau của việc thực hành Sự Tỉnh Thức đem đến cho các em học sinh trong học tập. Khả năng tập trung của các em cao hơn. Các em tiếp thu kiến thức tốt hơn. Khả năng sáng tạo, đáp ứng nhanh những tình huống khác nhau tốt hơn. Đối với giáo viên cũng thế. Một giáo viên có thực hành Sự Tỉnh Thức sẽ là một giáo viên vui vẻ, trầm tĩnh, hướng dẫn học sinh trong tình thương yêu. Và để giúp các em thực hành Sự Tỉnh Thức, bản thân người giáo viên cũng phải là người có kinh nghiệm về sự thực hành này.
Theo Tiến Sĩ Phẻ, để có khả năng Tỉnh Thức trong học tập, giảng dạy, giáo viên và các em học sinh phải thường xuyên thực hành hằng ngày. Giống như việc các em phải đánh răng mỗi ngày, chứ không thể viện cớ “hôm qua đã đánh răng rồi thì hôm nay không cần đánh nữa”. Mà sự thực hành Tỉnh Thức có thể bắt đầu từ những điều hết sức đơn giản, và không mất nhiều thời gian. Tiến Sĩ Phẻ đã cho các giáo viên thực hành tại chỗ chỉ trong vòng 2 phút. Ngồi thẳng lưng trong tư thế thư giãn. Ngồi yên lặng thảnh thơi trong hai phút mà không làm việc gì, không chờ đợi bất cứ điều gì, và xem như mình không là gì quan trọng cả. Chỉ cần 2 phút như vậy, sẽ thấy tâm trí của mình nhẹ nhàng như vừa được làm mới trở lại.
Một yếu tố quan trọng của việc thực hành Sự Tỉnh Thức đó là tìm một đối tượng để tập trung tâm ý của mình lại, giống như cái neo (anchor). Ý nghĩ của một người vận hành liên tục như một con ngựa bất kham, phải luyện tập cho nó biết dừng lại để nghỉ ngơi. Tiến sĩ Phẻ cho rằng hơi thở là “cái neo” rất tốt cho việc tập trung dòng suy nghĩ. Bởi vì không ai có thể sống mà không hít vào, thở ra. Sự hít thở là đơn vị thời gian căn bản của sự sống, và luôn có sẵn trong mọi con người. Các em học sinh có thể tự tạo cho mình những giây phút tĩnh lặng ngay trong lớp bằng cách trở về theo dõi hơi thở. Chỉ cần làm quen với công việc này, khả năng lấy lại sự tập trung của các em sẽ tốt hơn.
Một phương tiện đơn giản khác để tập trung tâm ý đó là những bước chân. Tiến Sĩ Phẻ đã hướng dẫn các giáo viên thực tập bước chân chậm rãi trong Sự Tỉnh Thức. Ý thức được từng nhịp chân khi dở bàn chân lên, đưa bàn chân lên phía trước, và đặt bàn chân xuống đất. Anh cũng kể lại kinh nghiệm của anh và các em học sinh trong lớp học có một bạn vừa tự tử. Hôm đó, anh và các em vào lớp với tâm trạng buồn bã. Anh nói với các em rằng anh không thể dạy học ngay trong lúc đó, và muốn đi bộ một chút cho tâm hồn thư thái hơn, và đề nghị các em đi theo nếu muốn. Và không ngờ, cả lớp cùng bước đi theo anh. Anh đã chỉ cho các em đi chậm rãi trong Sự Tỉnh Thức để vượt qua cảm giác buồn rầu, thất vọng.
Chỉ trong một buổi nói chuyện chưa đến một giờ, các giáo viên dự buổi thuyết trình đã nắm được nhiều điều bổ ích về Sự Tỉnh Thức. Một giáo viên lớn tuổi người Mỹ trắng sau giờ thuyết trình đã đến cảm ơn Tiến Sĩ Phẻ đã cho ông một công cụ rất tốt để hướng dẫn các em học sinh của mình trong tương lai.Tiến Sĩ Phẻ cho biết những buổi huấn luyện về Sự Tỉnh Thức tại các học khu khác nhau thường có rất đông các giáo viên tham gia, và thường xuyên nhận được những nhận xét tích cực như vậy.
Tiến sĩ Phẻ rất mong được giới thiệu chương trình huấn luyện của mình đến với những đoàn thể thanh thiếu niên của cộng đồng Người Việt Hải Ngoại. Những lợi ích đem lại cho các em là vô cùng to lớn, trong một xã hội Mỹ ngày nay ngày càng có nhiều áp lực, căng thẳng trong đời sống thường ngày. Sự căng thẳng, áp lực đến với những người thuộc mọi lứa tuổi, trong đó có cả các em học sinh từ tiểu học đến trung học. Sự Tỉnh Thức sẽ là một hành trang hữu ích cho các em từ thuở cắp sách đến trường, cho đến cả giai đoạn trưởng thành ra đời sau này.
Đoàn Hưng — SBTN
Hình ảnh: Hưng Đoàn |