Một loạt các vụ tin tặc nhắm vào báo New York Times, Washington Post, mạng xã hội Twitter và một số phương tiện truyền thông khác của Mỹ, dã dấy lên mối lo ngại của các nhà phân tích, theo đó, giới tin tặc Trung Quốc, cấu kết với chính quyền Bắc Kinh, gia tăng các vụ tấn công.
Trong tuần qua, New York Times và Washington Post cho biết là các máy tính và hệ thống tin học của hai tờ báo bị tấn công và tố cáo chính phủ Trung Quốc có dính líu đến các hành động này.
Hôm qua, 02/02/2013, Washington Post đưa lên trang Nhất thông tin tờ báo đã phát hiện ra một vụ tin tặc tấn công trong năm 2011 và rất nghi ngờ thủ phạm là các hacker Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định, trong các vụ này, trình độ của các hacker rất cao và nhiều bằng chứng cho thấy có sự can dự của chính quyền Bắc Kinh.
Trước đây, các tin tặc Trung Quốc đã bị nghi ngờ tấn công vào hệ thống tin học của tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed-Martin, tập đoàn Google hoặc Coca-Cola. Hacker cũng tìm cách thâm nhập vào các máy tính của bộ Quốc phòng Mỹ hoặc của các nghị sĩ Hoa Kỳ.
Ông James Lewis, chuyên gia về an ninh mạng tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng «Trung Quốc không tôn trọng luật chơi được áp dụng ở những nơi khác». Đó là vì họ không hiểu, đồng thời họ cũng không coi trọng luật chơi này. Hiện nay, các cuộc tấn công lên tới mức không thể tha thứ được và sẽ buộc chính phủ Mỹ phải hành động.
Trong cuốn sách nhan đề «Kỷ nguyên số mới – The New Digital Age», sẽ ra mắt công chúng vào tháng Tư tới, chủ tịch tập đoàn Google Eric Schmidt cảnh báo là trong lĩnh vực tin tặc, so với Trung Quốc, Hoa Kỳ ở vị thế yếu kém hơn. Bắc Kinh là một tin tặc tinh vi, phức tạp nhất.
Ngày 31/01 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết là Washington ghi nhận ngày càng có nhiều vụ tin tặc tấn công vào các định chế Hoa Kỳ cũng như các công ty tư nhân và vấn đề này cần phải được đề cập đến trong các cuộc gặp gỡ quốc tế. Bà Clinton nói : «Để cho mọi việc rõ ràng và tôi không chỉ nói với Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ đưa ra những biện pháp để bảo vệ chính phủ và lĩnh vực tư nhân» chống lại những vụ tin tặc xâm nhập.
Theo ông Graham Cluley, chuyên gia tư vấn về công nghệ thuộc công ty Anh Sophos, thì cho đến nay, chưa bao giờ các phương tiện truyền thông lại nghĩ rằng họ sẽ bị tin tặc tấn công. Mặt khác, cho dù xác định được nguồn gốc xuất phát các vụ tân công, thì cũng khó mà vô hiệu hóa được tin tặc, bởi vì chúng chuyển đổi địa chỉ một cách dễ dàng.
Về phần mình, bộ Quốc phòng Trung Quốc đã khẳng định là không bao giờ ủng hộ các vụ tấn công tin học.
Đa số các vụ xâm nhập của tin tặc xuất phát từ việc người sử dụng internet, không cẩn thận khi mở tài liệu đính kèm thư điện tử. Trò câu mồi này cho phép tin tặc cài đặt được một phần mềm độc hại để kiểm soát các dữ liệu.
Bà Jody Webtby, tư vấn về an ninh mạng và là thành viên Học viện Công nghệ Georgia, Hoa Kỳ, nhấn mạnh, các vụ tấn công này cho thấy «sự thiếu hụt trong chính sách ngoại giao của Mỹ» trước các mối đe dọa tin học. Bà chất vấn: Tại sao các quan chức chính trị không công khai tố cáo những vụ tin tặc tấn công, cho dù điều này có thể gây ra những đụng chạm nhậy cảm.
Còn ông Andrew Mertha, chuyên gia về Trung Quốc tại đại học Cornell, khẳng định rằng, kiểu hoạt động «tình báo» dưới hình thức tin tặc này không phải là mới tại Trung Quốc, nhưng nó cho thấy Bắc Kinh thao túng quyền lực này một cách vụng về.
Đức Tâm