Một nền văn-học “lão hóa”?
Văn-học Việt Nam, trong và ngoài nước, đang đi qua một thời khủng-hoảng, điều này thiết tưởng không còn là một bí-mật có thể che giấu được nữa. Từ cuối thế-kỷ trước, nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người lo cho tờ Văn Học ở ngoài này, đã có một bài nhận-định về “Tình trạng lão hóa trong sinh hoạt văn học,” mới được đăng lại trong cuốn Nghĩ về văn học hải ngoại (Văn Mới, 2004). Ông viết: “Ở đâu lực lượng nòng cốt để văn chương phát triển [cũng phải] là lớp trẻ, học sinh, sinh viên, công chức, quân nhân. Như Tolstoi từng viết, những ông già bụng phệ ký giấy tuyên chiến nhưng người cầm súng tấn công lúc nào cũng là thanh niên. Văn chương cũng thế. Mơ ước văn chương cất cánh hay trẻ trung hóa, mong ước xông pha vào những con đường mới mẻ kỳ thú… chỉ có thể biến thành hiện thực khi có giới trẻ tham gia vào cuộc xuống đường. Giới trẻ ở hải ngoại có tham gia vào sinh hoạt chữ nghĩa không?”
Và ông trả lời là không. Không, vì nhiều lý-do: Tiếng Việt bập bẹ, “hao hớt đi” dần “từ tiếng Việt thông dụng ở miền Nam trước năm 1975,” không cùng kinh-nghiệm với đa-số những người còn đọc tiếng Việt ở hải-ngoại, trong khi đó thì dù có Internet, nói chung, chúng ta vẫn chưa viết cho người đọc trong nước. Theo ông, “nhận thức ấy là then chốt để giải quyết tình trạng lão hóa trong sinh hoạt văn nghệ hiện nay ở hải ngoại.”
Không phải chỉ có chúng ta ở hải-ngoại chủ-yếu viết cho người đọc ở ngoài này. Mặt trái của hiện-tượng này cũng thấy phổ-biến ở trong nước: “Lâu lâu xem một tạp chí hay tuần báo văn chương trong nước… tôi cảm thấy bị xúc phạm khi đọc những hồi ký hay truyện ngắn [mà] khi nói tới đối phương (là quân đội Miền Nam, người dân Miền Nam), họ vẫn dùng những danh xưng miệt thị như ‘y,’ ‘hắn,’ ‘chúng,’ ‘bọn ngụy,’ ‘thằng ngụy’ y như trong thời chiến tranh.” Nghĩa là gần 30 năm qua, cái đầu của nhiều người cầm bút ở trong nước vẫn không tiến, không học được cái gì-dù như cả thế-giới CSQT của họ đã sụp đổ như một “cái nhà bằng lá bài”!
Cái nhìn bi-quan này, giờ đây ông Nguyễn Mộng Giác vẫn còn giữ, như ta thấy trong chương “Biểu diễn lập trường” (Chương Tám, từ trang 99 đến 115) của tập Nếu đi hết biển gồm những bài phỏng vấn của nhà đạo diễn Trần Văn Thủy với một số văn-nghệ-sĩ ở hải-ngoại, chủ-yếu là ở Hoa-kỳ. Theo ông Giác, sở dĩ có tình-trạng lão-hóa của văn-chương cả trong lẫn ngoài nước là vì ở cả hai nơi, người ta vẫn còn “đóng trại” (chữ của tôi, không phải của NMG.- NNB chú thích) trong những quan-niệm cũ, cái mà ông Giác gọi là những “huyễn-tượng” VNCH trong khi ở trong nước thì “những trang đầu của [các] tờ báo vẫn dành riêng cho ‘bàn thờ,’ người viết báo trước khi viết gì, cũng phải vào vái vài vái” cho phải đạo, rồi có viết gì mới viết! Thành thử các hồn ma ở đây xem ra vẫn còn linh thiêng lắm, dù theo định-nghĩa đó là một xã-hội và chế-độ vô thần!
Một nền văn-học “làng nhàng”
Cách đây gần 2 năm, nhà văn Nguyên Ngọc đã có dịp qua Mỹ và nhân dịp này chúng ta được nghe một số nhận-định của ông về văn-học trong nước. Như có lẽ không ít người trong chúng ta đã biết, ông là người có công biến tờ Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đi từ chỗ sắp chết đến chỗ thành nơi giới-thiệu những Nguyễn Huy Thiệp, Trần Huy Quang, Phạm Thị Hoài, Phùng Gia Lộc… (một công tương-tự như Tvarđovsky ở Liên-Xô thời ông coi tờ Novưi Mir, giới-thiệu những tác-giả như Ðuđintsév, Solzhênhítsưn v.v.). Nói chuyện ở nhiều nơi, trong đó có University of Maryland ở miền Ðông, ông thẳng thắn công-nhận:
“Từ sau năm 1975, và kéo dài cho đến gần chục năm… văn học Việt Nam bỗng nhiên rơi vào trong một tình trạng bất ngờ: nó mất hẳn độc giả. Người ta viết nhiều hơn, các nhà văn có bao nhiêu thuận lợi mới so với thời chiến tranh: thời giờ nhiều hơn, không còn ác liệt căng thẳng, vốn tích lũy trong cuộc chiến tranh dài rất phong phú, lại được mở mang giao lưu trong ngoài… Song sách in ra nhiều nhưng lại ế hẳn đi. Người đọc quay lưng lại với văn học trong nước, người ta chỉ còn đọc sách nước ngoài, và đọc văn học… cổ.” (“Văn xuôi Việt Nam hiện nay…” bài đăng lại trong Nhịp Sống số 9, 2004, trang 83)
“Thoạt đầu,” ông viết tiếp, “những người cầm bút hoang mang. Nhưng rồi dần dần họ cũng nhận ra được nguyên nhân: cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, mà văn học thì vẫn cứ như trước… Hóa ra đời sống trong hòa bình phức tạp hơn trong chiến tranh rất nhiều.”
Phải có hẳn một sự “chuyển mình” văn-học trong nước mới bắt kịp được phần nào với thực-tế cuộc sống, hơn 10 năm sau 75, nhất là trong mấy năm nó được “cởi trói” (1987-90). Nhưng rồi nó lại tắt ngủm khi chính-sách của Nhà nước CS lại trói lại-nhục như chó, nếu ta dám dùng chữ của ông bố nhà văn Trần Mạnh Hảo. “Không ai nói rằng Ðổi mới đã dừng lại,” Nguyên Ngọc vớt vát. “Nhưng rõ ràng trong văn học, từ sau năm 1991, bỗng dưng chững lại rất rõ ràng. Từ ấy đến nay, đương nhiên các nhà văn vẫn viết và sách vẫn ra, nhiều giải thưởng văn học vẫn được trao thường xuyên. Vẫn có những tác phẩm ‘đọc được.’ Nhưng không có hiện tượng mới, không có sự khởi xướng gì mới, không có những Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài hay Bảo Ninh. Tình hình nhìn chung làng nhàng.”
Một số người lên tiếng phân-tích
Chuyện gì đã xảy ra? Ở cả hai miền-trong và ngoài nước?
Nếu ta chọn một quan-điểm chính-trị để mà nói rằng chuyện “chững lại” trong văn-học quốc-nội phải là hậu-quả đương-nhiên của chính-sách “trói lại” của chính-quyền thì điều đó vẫn không giải-thích được tại sao, vẫn theo Nguyên Ngọc, “những tác phẩm có tìm tòi mới, đạt được một sự ổn định tương đối hơn cả hầu hết đều là của những tác giả thuộc ‘đội cận vệ già’ của văn học, những Nguyễn Xuân Khánh [tác giả Hồ Quý Ly], Bùi Ngọc Tấn [Chuyện kể năm 2000], Châu Diên [Người sông Mê]… Những vùng vẫy của họ trong nghệ thuật… thật đáng quý nhưng… [xem ra] đã khá gượng gạo, thậm chí có phần nào như kiểu ‘một chút sức tàn.’”
Còn “cố gắng phá vỡ hình thức, tìm một tiếng nói nghệ thuật mới có thể dung chứa nghệ thuật mới ở những cây bút trẻ có vẻ còn rất khó định hình. Chưa có tác giả nào mới thật sự định hình trong suốt hơn mười năm qua.” “Nội lực của văn học” như vậy xem ra “không hậu. Một nhược điểm có thể là khá cơ bản, lâu dài của văn học ta đang bộc lộ: tiềm lực văn hóa-hiểu theo nghĩa rộng và sâu nhất của khái niệm này-của nhà văn rất cạn. Ðó là hệ quả của một nền văn hóa xuống cấp, trực tiếp là của một nền giáo dục quá nhiều bê bối như dư luận ngày càng công khai lên án. Ðiểm xuất phát của nhà văn trẻ hiện nay là rất thấp, và đáng lo hơn cả là ngày càng thấp đi qua từng thế hệ.”
“Nói chuyện với hoa thủy tiên…”
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một người đã nén mình để được đi ra ngoài quan-sát văn-học thế-giới, vào mùa Xuân năm ngoái đã phải nổ: “Nhìn vào danh sách 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta thấy đa số chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều… ‘vô học,’ tự phát mà thành danh.” Từ hũ nút đi ra với thế-giới, “chưa bao giờ văn học ở nước ta có những cơ hội lớn như bây giờ,” ông viết tiếp, “nhưng cũng chưa bao giờ khó như bây giờ… Trong thời hiện đại, công việc đào tạo nhà văn… cũng từa tựa như công việc đào tạo các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và các vận động viên thể dục có thành tích cao. Không thể trông chờ vào việc ăn may, trời cho để Việt Nam có một đội ngũ nhà văn đẳng cấp thế giới.” (NNB nhấn mạnh)
“Nghề văn trong thời hiện tại là một nghề khó vào bậc nhất. Khi Internet phát triển, tác giả không thể [chỉ] tưởng tượng, ‘lừa bịp’ hoặc ‘sáng tác’ được… Nhà văn bắt buộc phải trở thành một nhà văn hóa, một nhà nghiên cứu. Anh buộc phải giỏi máy tính, giỏi ngoại ngữ, anh ta phải ‘tự tổ chức’ viết lách và bán hàng. Anh ta phải trở nên chuyên nghiệp, không mất thì giờ vào những ‘chuyện tầm phào.’” (Tạp chí Ngày Nay, Hà Nội, Tết Giáp Thân 2004)
Dù như “trên con đường văn học thì có rất nhiều lối đi khác nhau,” Nguyễn Huy Thiệp vẫn cảnh cáo, “độc giả có kinh nghiệm văn học rất dễ nhận ra những khuôn mặt ngụy quân tử trong các tác phẩm của các nhà văn. Dối trá, đạo đức giả-người ta chỉ đọc có vài ba trang là nhận ra liền. Không phải tự dưng mà các nhà văn cổ điển luôn luôn nói về sự trung thực ở nhà văn và trong lao động văn học. Thế nào là trung thực? Trung thực với mình, với người, với xã hội, với chữ nghĩa…” Rồi ông kết-luận: “Xã hội Việt Nam đang ngày càng phát triển phong phú và đa dạng. Luôn luôn có những cơ hội dành cho tuổi trẻ. Trong lĩnh vực văn học cũng vậy. Vấn đề là phải có tình yêu với nó. Không có tình yêu thì chẳng làm được gì cả.” Amen!
“Rào trước đón sau rất thảm hại”
Ở ngoài này, Phan Nhiên Hạo trên diễn-đàn điện-tử Talawas (đã bị cấm ở trong nước) còn nêu ra một cái bó chân khác: “Nhà văn Việt Nam, bị bầm dập cả thế kỷ bởi những thế lực chính trị, thật không may, vẫn đang sáng tạo trong một hoàn cảnh rào trước đón sau rất thảm hại.” Nhưng nói cho cùng, “sống trong một xã hội thiếu dân chủ và quyền tự do ngôn luận, sẽ đến lúc một nhà văn với khát vọng đi đến tận cùng con đường sáng tạo phải đối mặt với những câu hỏi chính trị” chứ không thể mãi “như con đà điểu rúc đầu trong đống cát nghệ thuật thuần túy.” (“Nhà văn sau thế hệ chiến tranh và Ông vua cởi truồng”)
Tóm lại, dù ở trong nước hay ở ngoài nước, nhà văn Việt Nam vẫn phải học hỏi, học hỏi không ngừng (kể cả ngoại-ngữ) để chuyên-hóa, để làm chủ được Internet, để ngang tầm với thế-giới và để… không tránh chính-trị. Có thế tiểu-thuyết hôm nay mới có thể là loại “tiểu thuyết có nhân vật, ghi lại băn khoăn con người, đột biến xã hội, xáo trộn thời đại, vấn nạn đất nước, diễn tả một cách bình thường hay khác thường… Ðây mới là thể loại thật sự có khả năng chinh phục độc giả Việt, cũng như thế giới. Thành công của Bảo Ninh hay Dương Thu Hương khi dịch ra tiếng nước ngoài, trước nhất là thành công của thể loại tiểu thuyết.” (Trần Vũ trả lời phỏng vấn của Lê Quỳnh Mai trong Văn Học số 221, tháng 9-2004, trang 201)
Một vài hướng ra
Không phải không có lối ra nhưng hướng ra nào cũng loại-trừ con đường dễ dãi như làm thêm một bài thơ, hay viết thêm 2-3 truyện ngắn. Phải yêu văn-chương đủ để vấn hỏi lòng mình, có muốn trung thực với mình, với con người, với xã-hội, với nhân-quần, với lịch-sử để đem phơi cái đoạn-trường của mình, kể cả xã-hội mình, một lần nữa như Nguyễn Du, như Hồ Xuân Hương hay không? Ðể muốn viết một tác-phẩm lớn không?
Trong nước, ta thấy được một Nguyễn Việt Hà với Cơ hội của Chúa, tuy “còn khá lộn xộn, lỏng lẻo nhưng lại gợi được một không khí rất xã hội hôm nay, khi dường như tất cả cũng đều hỗn loạn như văn tiểu thuyết của anh, chẳng còn biết đâu là thật” (Nguyên Ngọc); một Tạ Duy Anh với Ði tìm nhân vật (cũng thế, “chẳng còn biết đâu là thật,” Tủ sách Tiếng Quê Hương in ở Virginia), một Nguyễn Viện với Rồng và Rắn (Bốn tiểu-thuyết NV, do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông in ra) và mới đây có tập truyện Chữ dưới chân tường (Nhà xb Văn Mới in ra ở California). Ðiều lạ là trong khi một số tác-giả hải-ngoại, như Mai Ninh hay Trần Thiện Ðạo ở Pháp, chẳng hạn, đi tìm người đọc ở trong nước, thì không ít tác-giả (bị cấm) trong nước lại phải ra hải-ngoại mới có chỗ đứng: Bùi Ngọc Tấn, Tạ Duy Anh, và nhất là Nguyễn Viện, một cây bút siêu thực với ý-thức làm mới văn-học, thậm chí cả Nguyễn Huy Thiệp (Suối nhỏ êm dịu, kịch, Văn Nghệ in ra, và Tuổi 20 yêu dấu, tiểu-thuyết, do Văn Mới) bên cạnh những Nguyễn Thụy Long, Văn Quang của Sài-gòn xưa qua những nhà xuất bản như Văn Nghệ, Thời Mới, Tổ Hợp Miền Ðông, Tiếng Quê Hương và Văn Mới.
Nếu trong nước cũng có được một vài cố gắng làm mới văn-học, người ta vẫn phải nhìn ra hải-ngoại để tìm thấy những nỗ lực viết những tác-phẩm lớn như Trần Vũ và Nguyễn Huy Thiệp mong mỏi. Sau Mùa Biển Ðộng (gần 2 nghìn trang, viết trong 7 năm, 1982-89), Nguyễn Mộng Giác đã cho xuất bản bộ trường-thiên Sông Côn Mùa Lũ (mà Trần Vũ đánh giá thấp hơn MBÐ vì cho là Nguyễn Huệ trong đó lành quá), cuốn sau này có được in lại trong nước. Một số tác-giả khác cũng có những tác-phẩm dài hơi, nhiều tập (như các tiểu-thuyết lịch-sử của Trần Ðại Sỹ, tự-truyện Nguyễn Xuân Hoàng với Người đi trên mây và Sa mạc, Trần Long Hồ với bộ Dung thân, Hoàng Khởi Phong với Người trăm năm cũ, đã ra hai tập, viết về Hoàng Hoa Thám, cụ Nguyễn Tường Bách với Sóng Hồng cuồn cuộn viết về giai-đoạn 45, Vĩnh Hảo, Nam Dao, Nguyễn Chí Kham v.v.). Gần đây nhất, đáng kể nhất có lẽ là bộ trường-thiên 3 tập của Trương Anh Thụy, Chuyển Mùa, nói về tuổi trẻ trong và ngoài nước, và bộ Bốn phương mây trắng của Nguyễn Sỹ Tế, một loại A la recherche du temps perdu như của Proust, cả hai tác-phẩm do Tổ Hợp XBMÐ giới-thiệu tới độc-giả (Riêng Chuyển Mùa của Trương Anh Thụy còn được giải văn-học của Hội Quốc-tế Y Sĩ VNTD trao tặng). Ðáng chú ý nữa cũng còn bộ Trăng huyết, hơn 1200 trang, mà khoảng một nửa dựa trên cuốn Saigon của Anthony Grey (ra năm 1982 ở Mỹ) còn một nửa là phần “bổ túc và tái chế” của Nguyễn Ước, hiện ở Canada-tương-tự như chuyện Nguyễn Du đã làm với cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
Một hướng thứ ba là các nhà văn Việt Nam, như Cao Hành Kiện (Trung-quốc) hay Kundera (Tiệp) hoặc Malkine (Nga) ở Pháp, Brodsky (Nga) ở Mỹ, đi thẳng ngay vào văn-chương chính-mạch của các nước đón tiếp mình. Phạm Duy Khiêm, Cung Giũ Nguyên, Phạm Văn Ký, Kim Lefèvre ở Pháp, Nguyễn Quí Ðức (Sister’s Ashes), Lan Cao (Monkey Bridge), Andrew Phạm (Catfish and Mandala), Monique Trương (The Book of Salt), Kiên Nguyễn (The Unwanted, Tapestries, The Colonial) ở Mỹ và sách dịch (thơ Nguyễn Chí Thiện, truyện Dương Thu Hương…) tất cả đều nói lên sự trưởng-thành nhanh chóng của văn-học Việt Nam hải-ngoại nhưng vì những sách này viết bằng ngoại-ngữ nên có thể không còn thuộc vào văn-học Việt Nam thuần túy như ta thường hiểu.
Ðể kết, ta có thể nói được là cả ba khuynh-hướng (trao đổi trong ngoài, với ngoài này ngày càng in những sách tiến-bộ hơn ở trong nước; những nỗ lực dài hơi để viết những tác-phẩm lớn ở hải-ngoại, nhất là ở Mỹ; và khuynh-hướng nhập chính-mạch bằng ngôn ngữ của các quốc gia định-cư, đa-phần do các anh chị em trẻ) một đằng phản ảnh một điều gì như bất an (“malaise”) trong tiến-trình phát triển văn-học của cả hai miền (trong và ngoài nước) nhưng đằng khác thì lại phản-chiếu một vài nỗ lực khai phá mới để bung ra khỏi cái thế kẹt mà văn-học, nhất là văn-học sáng-tác, bị vướng mắc trong thời-gian qua.
Nguyễn Ngọc Bích