Đỗ xong tú tài học thêm bốn năm năm thì trở thành luật sư, học thêm năm bảy năm thì trở thành nha sĩ bác sĩ. Các cơ sở giáo dục bậc đại học cung cấp cho các cô tú, cậu tú một trình độ chuyên môn nào đó, nhưng chúng không hề cung cấp cho họ khả năng nhận thức chính trị.
Cho nên có một số người hoạt động chính trị mà khả năng và trình độ nhận thức rất thấp kém, nhất là khi họ được đào tạo trong môi trường toàn trị. Chẳng hạn ông Bùi Tín. Ông Bùi Tín kể rằng có một ông trung tướng Việt Nam Cộng Hoà nào đó bảo với ông nếu Miền Nam thắng trong cuộc chiến quốc-cộng thì có thể phe quốc gia đối xử với đối phương cộng sản còn tàn bạo hơn cả cộng sản đã đối xử với quốc gia. Một kiến giải như thế hoàn toàn không có cơ sở lý luận. Tuy nhiên tôi không trách ông Bùi Tín. Năm ông ấy phát biểu ý kiến vừa kể, ông ta chưa có nhiều cơ hội tìm tòi học hỏi thêm; trái lại, trong đầu ông ấy còn đầy rẫy những nhận định vào loại Mỹ là đế quốc, chính quyền quốc gia là tay sai, quân lực Việt Nam Cộng Hoà là lính đánh thuê, biệt kích Miền Nam hiếp dâm rồi cắt vú, xẻo âm hộ phụ nữ v.v..
Chấp nhận rằng bản lĩnh, nội lực nhận thức chính trị là do dấn thân đấu tranh, do tôi luyện thực tế, do thu nhận kinh nghiệm, tôi cũng chẳng trách những người do chế độ quốc gia Miền Nam hoặc các chế độ Tây phương đào tạo mà lại tỏ ra có trình độ và bản lĩnh nhận thức chính trị rất tầm thường yếu kém. Không trách họ làm gì nhưng lắm khi tôi đã phải thở dài đánh giá họ; dẫu rằng tính tôi vốn không quen thở dài. Khi ba mươi lăm nhân vật hải ngoại vỗ ngực tự xưng là trí thức quì gối khom lưng, kính cẩn đệ trình kiến nghị cho lũ chóp bu Ba Đình nhân danh quyền lợi Tổ Quốc thì tôi thấy họ thật đáng khinh bỉ. Khi có người bám càng trực thăng chạy trối chết ngày 30.04 nay lại nhân danh quyền lợi Tổ Quốc trở về Hà nội cùng mở miệng hát bài ca Phạm Tuyên với đám văn nô Việt cộng thì tôi thấy anh ta là một kẻ không có tư cách nhân phẩm. Khi ai đó tổ chức biểu tình nhân danh một ngày cho Tổ Quốc mà lại gọi – một cách rất vô tâm – cái cơ sở đại diện cho Việt cộng ở nước ngoài là “sứ quán“ (!), lại hân hoan vui mừng vì điện thư từ trong nước gửi ra tới tấp ủng hộ (!!) thì tôi thật tình cảm thấy ngao ngán cho khả năng nhận thức chính trị của đương sự.
Khái niệm “Tổ Quốc“ là một khái niệm trừu tượng. Như tất cả những khái niệm trừu tượng khác, nó được vận dụng trong từng tình huống qua sự trừu tượng khoa học (scientific abstraction). Nhờ trừu tượng khoa học, sự hiểu biết của nhân loại đi từ chỗ cảm thấy, nhận thấy các sự vật cô lập cụ thể đến chỗ khái quát, phổ cập nhiều sự vật bằng cách nêu ra những khái niệm, những phạm trù, những qui luật v.v..Tôi lớn lên ở một ngôi làng trên đường đi Cửa Việt. Các thửa ruộng của ngôi làng đó từng nuôi tôi bằng gạo tẻ, lúa mày, cái giếng bộộng của ngôi làng đó đã cho tôi những bát nước ngon ngọt. Khái niệm cố lý, cựu quán trong tâm hồn tôi gắn chặt cùng các hình ảnh thân thương hiền hoà đó. Nhưng khi cũng chính ngôi làng đó, vì những sách động của một lũ người mất nhân tính, mang sắc phong thành hoàng làng ra đốt cháy tiêu, thì, qua sự giáo dục của mẹ, tôi bắt đầu thay đổi khái niệm nhận thức về làng tôi. Rồi đến khi chính mắt tôi nhìn thấy xác ông bác họ nổi lềnh bềnh trong giếng bộộng vì một viên đạn mang thú tính của khủng bố đỏ thì tôi lại thêm một bước đổi thay khái niệm. Làng Quảng lượng của tôi không còn nữa trong nhận thức khi tôi bắt đầu học nhận thức.
Vì vậy mà ông Liêu Diệc Vũ, nhà văn Trung Hoa vừa nhận giải Hoà Bình Hội Chợ Sách Frankfurt ngày chủ nhật 14.10 vừa qua, mới công khai lên tiếng nguyền rủa, báng bổ, lăng mạ, trù yểu ngay chính cái mà nhiều người Trung Hoa còn lầm lạc tưởng là tổ quốc của họ, y như những người tổ chức biểu tình một ngày cho cái mà họ mê sảng tưởng là tổ quốc Việt Nam.
Trong bài diễn văn khá dài đọc khi nhận giải thưởng, Liêu Diệc Vũ trình bày thái độ cá nhân đối với khái niệm “Tổ quốc“. Ông lần lượt duyệt qua lịch sử văn học, triết học, kinh tế, chính trị nườc Tàu. Ông nêu một loạt danh tính lẫy lừng từng làm nên lịch sử : Nghiêu Thuấn, Lão tử, Khổng tử, Trang tử, Mạnh tử, Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên; bên cạnh một số tên họ khác từng là nạn nhân của khái niệm “Tổ Quốc“ : Mạnh Khương, Lưu Sa Hà, Lâm Hồi. Có cả những trẻ thơ góp máu góp xác cho “Tổ Quốc“ xây dựng theo kiểu Mao Trạch Đông-Đặng Tiểu Bình : cháu bé chín tuổi Lữ Bàng, cháu bé ba tuổi Lý Tư Di, cháu bé hai tuổi Vương Duyệt. Liêu Diệc Vũ đả kích kịch liệt những tham vọng bá quyền Đại Hán theo kiểu Tần Thủy Hoàng-Mao Trạch Đông. Ông cho rằng cái nước Trung Hoa mênh mông bao la hiện thời chỉ là kết quả của tàn sát tập thể, của đốt sách chôn nho, của cách mạng văn hoá, của cải cách ruộng đất, của lao động cải tạo v.v..Cái nước Trung Hoa đó không phải là Tổ quốc của ông. Tổ quốc của ông là những nước nhỏ manh mún thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi mà nền văn minh bản địa đạt cực điểm huy hoàng rực rỡ, bách hoa tề khai, bách gia tranh minh (trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng). Ông tâm sự rằng giả dụ có một người Đài loan nào đó bảo ông rằng nước Tàu của ông hay ỷ lớn ăn hiếp nhỏ thì ông sẽ trả lời là cái nước Tàu mà người đối thoại với ông nói đó chẳng liên quan gì đến tỉnh Tứ xuyên của ông. Trình bày cách khác, ông Liêu không phải người Trung hoa, ông là người Tứ xuyên. Trước ông vài ngàn năm, Khổng tử cũng thế, Đức Vạn thế sư là người nước Lỗ, Ngài không hề là người Tàu. Thì chẳng phải như vậy sao? Thời Thượng cổ Tây tạng, Tân cương, Mông cổ, Đài loan đối với Trung hoa là ngoại quốc. Văn học ghi lại hoàn cảnh bi tráng của công chúa Văn Thành đời Đường bị gả sang nước Thổ phồn tức Tây tạng hiện đại; Liêu Diệc Vũ ví von tình huống đó như cuộc hôn phối ngày hôm nay của một thiếu nữ Thượng hải với một công dân Hoa kỳ.
Cái “Tổ quốc Việt Nam“ trong nhận thức của một số người Việt Nam chính là cái thứ tổ quốc bị nhà văn Liêu Diệc Vũ kết án và phủ nhận. Cái “Tổ quốc“ đó đã thành hình do phản bội các hiệp định quốc tế, do lường gạt những thành phần nhân loại khác nhau, do thảm sát Tết Mậu thân Huế, do bắn hoả tiễn vào trường tiểu học Cai lậy, do nả đại bác lên Đại lộ kinh hoàng, do xô đẩy hàng triệu người ra biển đông v.v.. Cái “Tổ quốc“ đó xây dựng trên những thân xác nát bấy vì B52 trên Trường sơn, cái “Tổ quốc“ đó hình thành trên cơ thể các thiếu nữ bặt kinh vĩnh viễn vì cuộc sống kham khổ và kinh hoàng. Cái “Tổ quốc“ đó đẫm máu thanh niên Miền Nam bị lùa hàng loạt sang Căm Bốt, cái “Tổ quốc“ đó nhuộm máu bộ đội Miền Bắc phơi thây trên biên giới Việt-Trung.
Người dân Việt Nam là những chiến sĩ nhưng là những chiến sĩ hoà bình; chỉ có lũ chóp bu nắm cái đảng cướp sa tăng ma quỉ mới chủ trương thống nhất đất nước bằng bạo lực thảm sát, theo kiểu Tần Thủy Hoàng-Mao Trạch Đông. Người dân Việt nào còn chút lương tri đều không có ai muốn cái thứ thống nhất theo kiểu đó, đồng bào nào chưa mất trí khôn thì chẳng bao giờ có người chịu xem nó là “Tổ quốc“ dù chỉ một ngày.
Có thể hiểu được là những thành phần đấu tranh trong nước không đủ điều kiện để hiểu hai chữ “Tổ quốc“ theo cung cách của Lưu Diệc Vũ. Nhưng những thành phần đấu tranh ở hải ngoại thì phải cố gắng tự nâng cao tầm nhận thức lên ngang mức bình thường để quan niệm “Tổ quốc“ như Liêu Diệc Vũ.
Liêu Diệc Vũ kém may mắn hơn chúng ta. Ông ta không có một biểu tượng để hình thể hoá kiến giải cá nhân về “Tổ quốc“, ông ta không có một lá cờ để cụ thể hoá thái độ riêng tư về “Tổ quốc“. Chúng ta còn có quốc kỳ.
One Comment
Nguyên Lê Hiêu
Theo toi nghi: Cái lầm lớn của bài viết nằm trong câu sau:
Khi ba-mươi-lăm nhân-vật hải-ngoại vỗ ngực tự xưng là trí-thức quì gối khom lưng kính-cẩn đệ-trình kiến-nghị cho lũ chóp-bu Ba-đình nhân-danh quyền-lợi Tổ-quốc thì tôi thấy họ thật đáng khinh-bỉ.
Hành-động cư-xử khác ông Liêu có phải là sai hay không? Ai thấy ba-mươi-lăm vị này rủ nhau về Hà-nội chăng? Họ có xin vào gặp lũ chop-bu Bà-đình hay không? Và có được lũ chop-bu tiếp-đón hay không? Và khi gặp, họ có quì-gối-khom-lưng hay đứng thẳng đưa thư cho lũ chop-bu? Có thật đáng khing-bỉ hay không?
Tôi nghĩ chúng ta đã phạm nhiều lỗi-lầm.
Cái lầm thứ nhất khi cho rằng ông Liêu nọ là đỉnh-cao-trí-tuệ; theo ổng mà từ-bỏ Tổ-quốc mới là đúng. Các vị này chưa từ-bỏ Tổ-quốc có phải là sai, là ở dưới mức bình-thường không?
Cái lầm thứ hai khi cho rằng làm khác đỉnh-cao-trí-tuệ không chỉ là sai mà là còn thật đáng khinh-bỉ. Sai là một ý-kiến phê-phán (judgmental opinion); khinh-bỉ là một thái-độ phán-đoán thiên-lệch cao-ngạo (prejudicial arrogance)
Cái lầm thư ba là khi sách-động dư-luận theo mình để cu`ng “khinh-bỉ” người hành-động khác chúng ta, bài viết đưa ra những thông-tin không xác-thực như cảnh quỳ-gối-cong-lưng. Đây là một ngụy-tạo thiếu thiện-ý.
Chúng ta đã từng cao giọng lên án Cộng-sản dựng lên thoại nhi-đồng Lê-văn-Tám tẩm xăng vào mình rồi chạy vào đốt phá kho xăng của địch. Vậy mà thoắt đó, chúng ta dựng lên cảnh quỳ-gối-cong-lưng. Trí-thức chúng ta không thể tùy-tiện cá-mè-một-lứa như họ.
Nguyễn-Lê-Hiếu,
9-11-2012