Trong bài trước, tôi đã kể chuyện đi vào Toà Bạch Ốc hôm thứ Hai, 5 tháng 3, 2012. Đánh giá buổi gặp gỡ đó, có người cho rằng ta chỉ nên coi đó như là một vụ chạm ngõ, chưa phải là một đám hỏi và đặc-biệt không thể coi đó là một đám cưới. Chính ông Quintan Wiktorowicz hôm đó cũng đã định nghĩa rõ ràng: Toà Bạch Ốc và người Mỹ gốc Việt chúng ta mới ở giai-đoạn sơ-giao, lần đầu gặp nhau, tìm hiểu về nhau; phải qua giai-đoạn này rồi mới có thể lên đến được giai-đoạn “engagement” (“bắt tay làm việc”), hay nói theo lối ví von trên, mới tới giai-đoạn làm đám hỏi; và cuối cùng thì mới đến nấc cao nhất, giai-đoạn “partnership” (coi nhau như đối-tác). Tuỳ theo kỳ-vọng của chúng ta có thiết thực hay không trước khi bước vào phòng họp hôm đó, chúng ta sẽ đánh giá buổi họp là thành công hay thất bại. Nếu chúng ta nghĩ là sau khi chúng ta ra đã quân rầm rộ (khoảng 120 nghìn chữ ký vào thỉnh-nguyện-thư tính đến hôm 5 tháng 3) thì Toà Bạch Ốc phải ôm chầm lấy chúng ta thì chắc chắn chúng ta phải thất vọng–song đó là lỗi ta hay lỗi người?
Qui-mô quá lớn
Trong khoảng 500 người có dịp tham-gia vào cuộc vận-động hành-lang hôm thứ Ba, 6 tháng 3, phải nói là gần như tuyệt-đại-đa-số đã không có kinh-nghiệm đi vận-động hành-lang ở xứ này. Đến ngay một nhà báo lão thành như anh Vũ Ánh trên show của Đỗ Dzũng cũng phải công-nhận đây là lần đầu anh tham-gia một cuộc vận-động hành-lang ở Quốc-hội Hoa-kỳ.
Cộng thêm vào đó con số người tham-gia quá lớn, mà phần lớn không quen thuộc với các toà nhà văn-phòng Quốc-hội, dù là bên Hạ-viện hay Thượng-viện, đặt ra nhiều vấn-đề nhiêu khê về chia các phái-đoàn (khoảng 40 phái-đoàn) và giữ cho các phái-đoàn (trung-bình khoảng 15 người một phái-đoàn) khỏi lạc nhau, là cả một vấn-đề.
Tuy chiều Chủ-nhật, 3 tháng 3, đã có briefing trước ở Marriott Courtyard về cách tham-gia vào một cuộc vận-động hành-lang và nhiều chỉ dẫn cho người mới Washington lần đầu để làm công việc này, song đêm hôm sau, ở nhà hàng Thần Tài, việc phân chia phái-đoàn cũng vẫn lấy gần hết đêm mới tạm gọi là xong. Mặc dầu ai đến cũng tràn đầy thiện-chí song không phải là ai cũng dầy dặn kinh-nghiệm ở Washington và nhất là đi vận-động hành-lang trên Quốc-hội. Ngay đến một người địa-phương như nhà văn-nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình cũng bị lạc lên lạc xuống khi đi từ phòng này sang phòng khác, nhất là nếu lại là phải sang một bin-đinh khác. Chưa kể người đi nhanh, người đi chậm, người thích la cà… Thậm chí có người trưởng phái-đoàn đã đến văn-phòng có hẹn rồi mà quay lại, chả thấy phái-đoàn của mình đâu cả.
Con số hơn 500 người tham-gia đã gây ùn tắc ngay ở cửa toà nhà văn-phòng Hạ-viện Rayburn. Số người rồng rắn đã làm cho chính nhiều nhân-viên Quốc-hội không đi qua chỗ kiểm-soát an-ninh được kịp thời để vào làm việc. Cảnh-sát lúc đầu còn chia phía người Việt đi sang một bên để cho những người khác có thể vào ở một bên. Nhưng thế vẫn chưa giải-quyết được vấn-đề, Cảnh-sát lại phải hô hoán số đông người Việt đi sang một cửa khác của bin-đinh. Việc chia đoàn người Việt này sang hai ba ngõ đã góp phần trực-tiếp vào chuyện các phái-đoàn bị tách ra: như phái-đoàn do tôi dẫn đầu, hơn một nửa đã vào được bên trong cửa nhìn ra đường Independence Avenue thì chúng tôi được lệnh đi sang cửa nách ở bên hông bin-đinh. Vào được bin-đinh, tôi gặp Dân-biểu Cao Quang Ánh, ông hỏi: “Chú có quen bên Thượng-viện không?” “Có,” tôi trả lời. “Thế chú có thể dẫn phái-đoàn sang bên đó, gặp một thượng-nghị-sĩ ở bin-đinh Hart không?” “Được, nhưng là mấy giờ?” “10 giờ.” “10 giờ thì chỉ còn có mấy phút nữa mà hiện phái-đoàn của tôi còn đang tan tác 2-3 nơi thì làm sao sang bên ấy kịp? Vả, cách nào sang bên ấy giờ này? Traffic ngoài đường tệ lắm!” “Chú có thể đi tàu hầm của Quốc-hội ở dưới đất!”
“Đây sang đó mất bao lâu?” “Chừng 20 phút.” “Thế thì làm sao mà sang kịp.”
Cuối cùng, chúng tôi đành phải bỏ cuộc, lỡ hẹn với văn-phòng bên Thượng-viện. Bởi khi tìm ra phái-đoàn của tôi thì cũng đã đến giờ phải gặp một văn-phòng thứ 2 ở Hạ-viện rồi. Đang đi dọc một hành-lang thì có vài ba chị chặn lại hỏi: “Chúng cháu đi vào phái-đoàn của bác được không?” “Thế là sao? Phái-đoàn các chị đâu?” “Cháu mới đến, không biết phái-đoàn nào của mình,” một chị trả lời. Một em khác lại nói, “Cháu có phái-đoàn nhưng lạc mất rồi, bây giờ cháu đi theo bác nhé!” Nghĩa là loạn xì ngầu nhưng vui đáo để. Không ít người lắc đầu song được cái may là ai tinh-thần cũng cao nên cũng xí xoá cho nhau cả.
Mấy văn-phòng chính
Vì Quốc-hội Mỹ có tới 535 văn-phòng (435 văn-phòng Dân-biểu và 100 văn-phòng Thượng-nghị-sĩ) nên dễ hiểu là các toán truyền thanh, truyền hình cũng như báo chí (như Người Việt, với hai ký-giả Đỗ Dzũng và Vũ Ánh) tập trung đi vào văn-phòng của những nhân-vật có uy-tín nhất trong vấn-đề nhân-quyền ở VN. Tỷ như văn-phòng TNS John McCain, TNS Jim Webb, TNS John Kerry (một phái-đoàn hùng-hậu từ Massachusetts đi vào văn-phòng ông này với G.S. Nguyễn Thanh Trang), TNS John Cornyn, người đang đệ trình Dự-luật S. 1051 về Nhân-quyền VN trên Thượng-viện, còn ở Hạ-viện thì là văn-phòng các Dân-biểu trong Hội nhóm Nhân-quyền (Human Rights Caucus) hay trong Vietnam Caucus.
Như khi vào văn-phòng Dân-biểu Ed Royce, phái-đoàn đã được đón nhận với hai cánh tay mở rộng. Ông hoàn-toàn đồng-ý với nội-dung Thỉnh-nguyện-thư và khen cộng-đồng VN đã biết huy-động sức mạnh phi thường của 130.000 chữ ký (tính đến hôm đó). Ông còn hứa sẽ tổ-chức điều trần về trường-hợp Việt Khang.
Phái-đoàn vào văn-phòng Dân-biểu Dana Rohrabacher (Cộng-hoà, Cali) cũng được đón tiếp rất niềm nở. Khi nghe nói đến trường-hợp Việt Khang, ông bảo: “Quý vị có bài hát của Việt Khang ở đây không?” Thì may quá, một chị đưa ra ngay cái CD với hai bài hát của Việt Khang, “VN tôi đâu?” và “Anh là ai?” cùng với lời Anh của hai bài hát đó. Ông Rohrabacher bảo tôi sẽ về nghe và sẽ tìm cách phổ-biến câu chuyện Việt Khang trên báo chí Hoa-kỳ.
Nhưng cũng có một vài trường-hợp khá bất ngờ. Như trường-hợp vào văn-phòng Dân-biểu Ileana Ros-Lehtinen (Cộng-hoà, Florida), chẳng hạn. Bà không những ủng-hộ chúng ta, bà còn nói: “Tôi gốc Cuba nên tôi biết là ở một nước như Cuba hay Việt-nam thì có ở tù ra thì cũng chỉ là đi từ một nhà tù nhỏ ra một nhà tù lớn mà thôi. Vì thế nên ngày mai, tôi sẽ đưa Dự-luật Nhân-quyền VN H.R. 1410 của Dân-biểu Chris Smith ra Uỷ-ban Ngoại-giao Hạ-viện để cho Uỷ-ban thông-qua và đưa sang khoáng-đại Hạ-viện biểu quyết.” Và bà đã làm như bà nói. Ngày hôm sau, 7 tháng 6, Dự-luật H.R. 1410 đã thông qua Uỷ-ban Ngoại-giao Hạ-viện một cách dễ dàng.”
Tên Việt Khang đã vang lên trong phòng hội lớn của Hạ-viện
Nghe và phẫn nộ về trường-hợp Việt Khang, nữ Dân-biểu Susan Davis ngay ngày hôm sau (7 tháng 3) đã ra phòng hội lớn của Hạ-viện kêu gọi Hoa-kỳ phải can thiệp và đòi hỏi thả ngay Việt Khang vì anh không làm gì hơn là nói lên cõi lòng của anh qua hai bài hát tuyệt vời.
Cũng tương-tự, qua ngày hôm sau nữa, 8 tháng 3, ngày Phụ nữ Quốc-tế, bà Dân-biểu Loretta Sanchez cũng đứng trước phòng hội lớn của Hạ-viện lên án Hà-nội và đòi thả ngay lập-tức ba phụ nữ VN tiêu-biểu: Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Phạm Thanh Nghiên. Minh Hằng là người đàn bà đã cứng rắn kêu gọi chống Trung-Cộng rồi đã bị công-an đưa vào một trung-tâm phục-hồi nhân-phẩm, Minh Hạnh là cô bé mới hăm mấy tuổi mà đã dám đứng ra tổ-chức lao-động VN biểu tình đòi quyền của người lao-động để rồi bị tuyên án 7 năm tù, còn Phạm Thanh Nghiên lại còn chỉ toạ-kháng tại nhà với biểu-ngữ “Hoàng-Sa Trường-Sa là của VN.”
Gần như cùng một lúc, hai bà Dân-biểu Loretta Sanchez (Dân-chủ) và Zoe Lofgren (Dân-chủ), một người ở Bắc Cali, một người ở Nam Cali, cũng ký chung một lá thư gởi cho bà Tổng-trưởng Ngoại-giao Hillary Clinton kêu gọi Hoa-kỳ can-thiệp mạnh mẽ để đòi hỏi Hà-nội phải thả các tù-nhân lương-tâm.
Riêng phái-đoàn chúng tôi, tính đến cuối ngày 6 tháng 3, thì đi thăm viếng được 7 văn-phòng Hạ-viện ở trong hai toà nhà Rayburn và Longworth. Mệt rã rời nhưng không thể không nói là không vui. Như trường-hợp văn-phòng cuối cùng phái-đoàn chúng tôi đến thăm, văn-phòng của Dân-biểu Brad Sherman (khu-vực Los Angeles). Ông hỏi: “Quý vị có ai là cử tri của tôi không?” Hơi đáng tiếc là vì phái-đoàn chúng tôi toàn người Georgia, Utah và Virginia, nhưng rồi ông ta cũng nói: “Không sao! Tôi ủng-hộ tất cả các dự-luật về nhân-quyền VN. Đây nhé, tôi vừa viết một lá thư tường-trình cho cử-tri của tôi về vấn-đề này: tôi ủng-hộ Dự-luật H.R. 1410, tôi cũng ủng-hộ Dự-luật H.R. 156 của Dân-biểu Ed Royce về chuyện chế-tài những quan-chức vi-phạm nhân-quyền ở VN hay Dự-luật khác của ông ta về Tự do trên Mạng (Internet Freedom), tôi cũng ủng-hộ luôn hai dự-luật của bà Loretta Sanchez về nhân-quyền VN. Đấy, tôi hoàn-toàn đồng-ý với các bạn.” Nói xong, ông lôi phái-đoàn vào văn-phòng ông để chụp ảnh lưu niệm. Đến khi có anh Hiệp ở Georgia tặng ông một cái khăn quàng cổ màu cờ VN (vàng ba sọc đỏ), ông rất lấy làm thích thú. Ông nói, “Thế thì Quý Vị lại phải chụp cùng với tôi với cái phu-la này chứ!”
Tâm Việt