Trong hai ngày 5 và 6 tháng 3 vừa qua, có lẽ lần đầu tiên Toà Bạch Ốc và các vị dân-cử trên Quốc-hội Hoa-kỳ có dịp chứng-kiến sức huy-động của người Việt hải-ngoại một khi đã có sự đồng-thuận và tham-gia tích-cực của các phương-tiện truyền-thông đại-chúng cũng như của một số hội-đoàn, đoàn-thể, tổ-chức cộng-đồng.
Bắt đầu bằng một thách thức
Cuộc chơi bắt đầu bằng một sự thách thức. Trang “We the People” của Toà Bạch Ốc, mới có từ tháng 9 năm ngoái (2011), mời gọi sự tham-gia của quần-chúng ở xứ này. Ai hay tổ-chức nào mà thu hút được 25 nghìn người vào ký chung một thỉnh-nguyện-thư về một vấn-đề gì nội trong vòng 30 ngày thì Toà Bạch Ốc của ông Obama hứa là sẽ cử người liên-lạc để hai bên có thể nói chuyện với nhau và, biết đâu, có thể làm một vài chuyện chung với nhau.
Ls. Đỗ Phủ, Phó giám đốc đài SBTN, trao bản thỉnh nguyện thư cùng với chữ ký cho ông Eddie Lee, Giám Đốc Văn Phòng Châu Á Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc.
Ảnh: Diễn Đàn CTM
Đó là nguồn khởi hứng của phong trào thỉnh-nguyện-thư gửi cho Toà Bạch Ốc về vấn-đề nhân-quyền VN. Cũng phải nói ngay là một nguồn cảm-hứng bất ngờ còn là hai bản nhạc của Việt Khang, “Việt Nam tôi đâu?” và “Anh là ai?,” đã gây cảm-xúc cực mạnh đối với một tâm-hồn bạn, nhạc-sĩ Trúc Hồ, người có SBTN và Asia Entertainment trong tay, để liền lập-tức Anh có thể phát-động được phong trào phổ-biến nhạc của Việt Khang và sau này, để tìm cách cứu Việt Khang ra khỏi gông cùm của CS.
Cuộc vận-động cũng không thể đạt tới quy-mô của nó, nghĩa là lan như cháy rừng nếu nhạc của Việt Khang đã không có nét độc-đáo của nó, nó chua xót hơn mạnh bạo (không có tới một chút bạo-động hay thù hận trong đó), nó độ lượng bao dung và nhắm vào tâm can mình hơn là chĩa mũi dùi vào ai (bởi thế mà CS không có cách đỡ ngoài một hành-động thô bạo và ngu xuẩn là bắt anh). Song thử hỏi đã ai cấm đoán được một tiếng hát, một con tim rung động trong cả ngàn, triệu người?
Cộng thêm vào đó là tuổi trẻ của Việt Khang. Bởi nếu tuổi trẻ VN hôm nay có thể không chia xẻ nhiều thứ với thế-hệ cha ông thì trái tim họ vẫn đập cùng nhịp với tuổi trẻ trong nước như được biểu-tượng bởi Việt Khang! Thêm vào đó, họ còn là thế-hệ Twitter và Facebook và khả-năng liên-lạc của họ mạnh không thua gì những người đã phát-động được phong trào “Cách mạng Hoa lài” ở Trung-Đông!
Do đó mà ai cũng tính lầm trước hiện-tượng này, kể cả Toà Bạch Ốc. Họ đâu biết là người Việt, nhiều khi khá ù lì song vẫn bật dậy khi bị thách thức! Và trả đáp của bài toán này có thể đo đếm được từng ngày, từng giờ, từng phút! Hơn 4 ngày—thay vì 30 ngày—đã đạt tới con số nhiệm mầu 25 nghìn chữ ký! Đến khi con số lên tới 27 nghìn thì Toà Bạch Ốc đã phải vội giữ lời hứa: cử người liên-lạc với cộng-đồng VN để xem có thể tìm cách gặp gỡ nhau! Đó là lý-do Luật-sư Tuyết Dương thuộc văn-phòng White House APA Initiatives lo về các sáng-kiến xuất phát từ cộng-đồng người Mỹ gốc Á-châu Thái-bình-dương được chỉ-định và giao cho công việc này. Đã từng là chủ-tịch Ban Quản-trị của Boat People S.O.S. (“Tổ-chức Cứu Người Vượt Biển”), không lạ là cô Tuyết Dương đã liên-lạc với Tiến-sĩ Nguyễn Đình Thắng là giám-đốc điều-hành của tổ-chức này và là một người đã lâu năm làm việc với cô.
Con số ùn ùn lên làm Toà Bạch Ốc bất ngờ
Lúc đầu, có lẽ Toà Bạch Ốc cũng chỉ nghĩ đến một cuộc gặp gỡ vừa phải, có tính-cách thăm dò nhiều hơn là một sự cam-kết sâu hơn. Do đó nên vai trò chủ-động dành cho văn-phòng APA Initiatives, với những nhân-viên chưa thể gọi là cao-cấp lắm trong hệ-thống quân-giai ở trong Toà Bạch Ốc. Nhưng khi con số người ký thỉnh-nguyện-thư cứ tăng lên ùn ùn, vượt quá kỷ-lục của tất cả các thỉnh-nguyện-thư khác trong trang “We the People” (nghĩa là hơn 42 nghìn người vào ký), thì các quan-chức trong Toà Bạch Ốc bắt đầu lo bởi thấy câu chuyện bắt đầu không còn bình-thường nữa. Tới đây, vai trò chủ-động không còn để trong tay văn-phòng APA Initiatives mà được giao cho văn-phòng Tiếp cận Công-chúng (Office of Public Engagement, tức văn-phòng giao-tiếp với công-chúng, trong những trào tổng-thống trước thường được gọi là Office of Public Relations) là một văn-phòng với vai vế cao hơn văn-phòng APA Initiatives khá nhiều.
Bởi thế mà chương-trình được dự-thảo từ trước đã phải đem ra duyệt lại và thay đổi khá nhiều. Điển-hình là phía chính-quyền lúc đầu chỉ định đưa một nhân-viên cấp vừa phải ra trả lời về nội-dung của thỉnh-nguyện-thư, vào giờ chót đã phải thay thế bằng ông Mike Posner, Trợ-lý Thứ-trưởng Ngoại-giao về Dân-chủ, Nhân-quyền và Lao-động (Office of Democracy, Human Rights and Labor), tức là người cao-cấp nhất trong chính-quyền về vấn-đề này, người vẫn hàng năm chủ-trì các cuộc gặp gỡ gọi là “đối-thoại nhân-quyền” (“human rights dialogues”) với VNCS.
Song vì đã có sự duyệt lại chương-trình và thay đổi một số chuyện đã có thoả-thuận từ trước, như cắt cuộc gặp gỡ từ 3 tiếng xuống còn 2 tiếng, cũng vì đó mà phần trình diễn văn nghệ (lúc đầu tính dành cho một số ca-sĩ hát nhạc của Việt Khang và nhạc tranh đấu khác của VN) cũng đã bị cắt, và phần thuyết-trình của 3-4 đại diện trong cộng-đồng chúng ta phải thay thế bằng một cuộc thảo-luận bàn tròn khá linh-động nhưng không đi sâu được vào nội-dung chi-tiết của thỉnh-nguyện-thư.
Buổi gặp gỡ nặng phần trình diễn
11 giờ trưa thứ Hai, 5 tháng 3, phái-đoàn VN bắt đầu làm thủ-tục đi qua an-ninh để vào phòng họp khá rộng ở tầng basement của Phủ Tổng-thống Toà Bạch Ốc (kêu là EEOB, Eisenhower Executive Office Building). Con số người vào, lúc đầu được thoả-thuận là 100 người, sau đã được Toà Bạch Ốc tăng lên 125, rồi 150, rồi 160, cuối cùng họ cũng đã nhưọng bộ để nhận vào gần 200 người.
12 giờ đúng, cuộc họp bắt đầu. Khai mạc buổi họp là ông Lee, văn-phòng-trưởng Văn-phòng White House APA Initiatives, ông « boss » của L.S. Tuyết Dương. Ông cũng như ông Jon Carson, diễn-giả kế-tiếp, Giám-đốc Văn-phòng Tiếp cận Công-chúng, người nào cũng nhấn mạnh đến sự thành công vượt bực của cuộc vận-động ký thỉnh-nguyện-thư của người Việt, một hiện-tượng chưa bao giờ được chứng-kiến (“unprecedented”) từ khi có trang “We the People” trên website của Toà Bạch Ốc, chứng tỏ khả-năng huy-động rất đáng nể của cộng-đồng người Mỹ gốc Việt–bằng-chứng là chính Toà Bạch Ốc đã phải giữ lời hứa và đáp-ứng, lý-do vì sao có cuộc gặp gỡ này. Và đây cũng là một cuộc gặp gỡ đầu tiên với một cộng-đồng ở quy-mô này (gần 200 người). Song cả hai người cũng nhấn mạnh đây chỉ là một buổi gặp sơ khởi, một “bước đầu,” không phải là một buổi gặp độc-nhất hay cuối cùng để tìm cách giải-quyết tất cả các thứ vấn-đề của chúng ta. Đó cũng là thông-điệp của diễn-giả thứ ba tức là L.S. Tuyết Dương. Cô dành cho mọi người một sự bất ngờ khá thích thú khi cô nói (khá lâu) bằng tiếng Việt tương-đối lưu loát, một điều hay nhưng có lẽ cũng không còn cần thiết nữa vì phần lớn cử-toạ là những người đã ở lâu ở Mỹ nên chắc chắn là hiểu tiếng Anh khá vững vàng.
Diễn-giả thứ tư là Ông Quintan Wiktorowicz, Giám-đốc thâm-niên về Cộng-đồng Đối-tác thuộc Hội-đồng An-ninh Quốc gia (Senior Director of Community Partnerships, National Security Council). Là một người khá thành thật, ông nói văn-phòng ông mới được lập ra cách đây có 8 tuần và chính ông còn đang học việc. Ông cho biết: nhiệm-vụ của ông (và văn-phòng của ông) là phải học hỏi về các cộng-đồng (và hôm nay là một vụ học hỏi như vậy), rằng đây cũng là lần đầu ông được làm quen với cộng-đồng người Mỹ gốc Việt; thứ nữa mới đến giai-đoạn “bắt tay làm việc” (engagement stage) và cuối cùng mới là lập ra một sự liên-hệ đối-tác với cộng-động làm việc chung với Toà Bạch Ốc.
Mặc dù cả bốn diễn-giả đầu đã rào đón cẩn thận như vậy, song vì kỳ-vọng của một số người có mặt có thể đặt cao hơn thế nên một vài sự bực bõ đã thấy xuất hiện. Có người than phiền là tại sao cuộc họp lại được ghi là “White House Briefing with National Vietnamese American Leaders,” vì cho rằng chúng tôi không ai tự-nhận mình là “lãnh-đạo cả.” Để thoả mãn sự phản-đối này, phóng-ảnh trên màn ảnh có lúc đổi thành “with Vietnamese Americans” (nghĩa là “với Người Mỹ gốc Việt”) thì cũng không đúng và làm nhẹ hẳn ý nghĩa của cuộc gặp gỡ (bởi Toà Bạch Ốc không thể gặp hết được mọi người Mỹ gốc Việt, còn nếu chỉ gặp với một số người nhỏ thì ai là có quyền vào, và tại sao, họ có đại-diện-tính không?). Rõ ràng là câu hỏi này khó có lời giải-đáp. Bởi vậy cuối cùng màn ảnh lại ghi “with Young Vietnamese American Leaders.” Nghĩa là khá lúng túng!
Đến phần trình bầy của các diễn-giả người Việt thì hình-thức đã được đổi thành bàn tròn với cô Tuyết Dương. Song cô Tuyết Dương, để cho cuộc nói chuyện sống động, đã gợi ý bằng những câu hỏi cá-nhân nhiều hơn là đi vào đề-tài nhân-quyền ở VN nên cả cô Cindy Dinh (ở Houston lên) cũng như anh Billy Lê (ở Nam Cali qua) không nói được bao nhiêu vào nội-dung thỉnh-nguyện-thư. Cô Cindy có lúc đưa được hình cha Lý bị bịt miệng song cũng không nói được nhiều về nội-dung bài cô đã viết sẵn song không có cơ-hội đọc. Chỉ khi ca-sĩ Quốc Khanh phát biểu là anh nhắc được đến Việt Khang và vấn-đề nhân-quyền nên được khoảng một nửa cử-toạ dành cho một “standing ovation” (đứng lên vỗ tay).
Sau đó là 10 phút nghỉ giải lao nhưng thật ra đã kéo dài hơn nửa giờ. Bà con đã nhân dịp này trao đổi với một số quan-chức người Mỹ có mặt hay chụp hình kỷ-niệm. Song vì nghĩ quá lâu nên khi họp lại, thời giờ không còn nhiều để cho các nhân-viên bên Bộ Ngoại-giao nói chuyện: Đó là hai ông Thomas Debass nói về “sáng-kiến đối-tác toàn-cầu” (“Global Partnerships Initiative”) và ông Erich Barboriak, quyền Giám-đốc Văn-phòng Đông-Nam-Á-châu lục-địa (Acting Director, Office of Mainland Southeast Asia) trong đó có Việt-nam. Và cuối cùng là ông Trợ-lý Thứ-trưởng Mike Posner.
Sang phần Hỏi Đáp, ông Nguyễn Ngọc Bích đã xin được chuyển tới chính-quyền Tổng-thống Obama mấy lời nhắn của các nhà dân-chủ trong nước. Đầu tiên là thư của bà Nguyễn Thị Dương Hà: bà cám ơn TT Obama đã có buổi gặp gỡ đầu tiên này với cộng-đồng người Mỹ gốc Việt, bà cũng cám ơn cộng-đồng người Việt ở Mỹ đã qua cuộc vận-động thỉnh-nguyện-thư mà đưa đến cuộc gặp gỡ ý nghĩa này, song bà cũng muốn nói là dù chồng bà, L.S. Cù Huy Hà Vũ đang bị tù tội, bà yêu-cầu chính-quyền Mỹ hãy can-thiệp cho tất cả các tù-nhân lương-tâm và những tiếng nói dân-chủ ở trong nước–một thái-độ thật can trường và đầy lòng thông-cảm với những tù-nhân lương-tâm khác ngoài chồng bà (như Bùi Thị Minh Hằng, v.v.). Sau nữa là lá thư của ba người, B.S. Phạm Hồng Sơn, L.S. Nguyễn Văn Đài và L.S. Lê Quốc Quân viết yêu-cầu chính-phủ và Quốc-hội Mỹ duy-trì Ban Việt-ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ hiện đang bị đe doạ đóng cửa—vì không có gì khó hiểu cho bằng Hoa Kỳ muốn khuyến khích những tiếng nói tự do và dân-chủ ở VN mà lại đi đóng cửa một trong những nguồn tin đứng đắn nhất về tin tức thế-giới và nhất là tiếng nói chính-thức của Hoa-thịnh-đốn đã có mặt từ năm 1942.
Khoảng gần 20 người khác cũng lên đặt những câu hỏi cụ-thể như: Bước tiếp nối cụ-thể cho cuộc gặp gỡ ngày hôm nay là gì? Các ông có thể cho biết được không? Chính-phủ Mỹ có tính can-thiệp cho Ông Cù Huy Hà Vũ không? Các tù-nhân lương-tâm khác như Điếu Cày, Cha Lý, bà Bùi Thị Minh Hằng v.v.?
Song phải nói là những câu trả lời của các viên-chức có mặt không hoàn-toàn thoả mãn. Vì họ chỉ trả lời bằng nguyên-tắc mà không hứa hẹn được điều gì cụ-thể. Ngay khi ông Thứ-trưởng Mike Posner bước ra khỏi Toà Bạch Ốc và bị ông Võ Thành Nhân níu áo hỏi cho SBTN Washington: “Ông tính gì sau cuộc gặp gỡ này?” Ông Posner cũng chỉ trả lời được là: “Chúng tôi sẽ tiếp-tục bắt tay làm việc với cộng-đồng người Mỹ gốc Việt.” (“We shall continue to engage with the Vietnamese American community.”) Một câu trả lời không hẳn là làm vừa lòng sự mong mỏi của nhiều người trong chúng ta.
Tâm Việt
Springfield, Virginia
Ngày 7 tháng 3, 2012