Làn gió Xuân Quý Tỵ báo hiệu Tết đến nơi, pháo đỏ rượu nồng, ai lại đi nói chuyện dân chủ! Nhưng nhìn quanh nhìn quất, có những mùa Xuân in đậm vào tâm trí. “Mùa Xuân Praha 77” làm giật mình thế giới, cũng vào năm này, tháng 4, 1977, Sài Gòn âm thầm nổ ra “Mùa Xuân Nhân Quyền Sài Gòn 1977” (1), CS dập tắt từ trong trứng nước; mãi cho đến 2011 “Mùa Xuân Ả Rập” thực sự làm nhân loại bừng tỉnh; năm 2012 người ta hy vọng tràn trề làn gió xuân dân chủ đang thổi vào Miến Ðiện, ngã tư quốc tế của Ðông Nam Á.
Tổng Thống Barack Obama bước ra sân khấu, chuẩn bị đọc diễn văn tại Ðại Học Yangon, Miến Ðiện. (Hình: Kaung Htet/Getty Images) |
Tổng Thống Obama đã đến ngay vùng đất trong quá khứ vẫn còn nặng dư âm thuộc địa cũ của Anh, chế độ quân phiệt, và chủ nghĩa cộng sản còn lởn vởn quanh đây.
Khi đứng trước hàng ngàn sinh viên trường Ðại Học Rangoon và dường như để làm yên lòng hai vị lãnh đạo Tổng Thống Thein Sein, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi sau khi hai vị này đến thăm Bạch Cung, tổng thống đã gởi một “nắm đấm” (2) đến các nhà độc tài và truyền tải tin mừng “âm thanh của tự do.” (2)
Ðọc thông điệp của Tổng Thống Obama, có cảm giác rõ ràng ông đang gởi “niềm tin của nước Mỹ vào phẩm giá con người” (2) không những cho Miến Ðiện mà còn cho cả nước láng giềng Việt Nam. Tổng thống cũng không quên nhắc “những người dân lưu vong và tỵ nạn không bao giờ mất liên hệ với gia đình và nguồn cội.” (2)
***
Khó ai có thể biết trước được đường bay thế kỷ 21 của Tổng Thống Obama bất ngờ từ hướng Nam Bangkok, Thái Lan, đến Rangoon, Miến Ðiện, ngày 20 tháng 11 năm 2012.
70 năm trước, năm 1942, đội quân Thiên Hoàng từ đảo Phú Quốc và Phnom Penh, Cambodia, tiến vào Bangkok, tiến lên hướng Bắc làm chủ Rangoon ngày 8 tháng 3, năm tháng sau làm chủ hoàn toàn Miến Ðiện, chấm nơi đây là bãi chiến trường trọng điểm khống chế lục địa Nam Á của đội quân Thiên Hoàng.
Khác với thực dân Pháp thế kỷ 19 từ Biển Ðông nổ súng tầu đồng tiến chiếm Ðà Nẵng, Việt Nam, năm 1858, thống trị ba nước Việt Miên Lào lập thành Liên Bang Bán Ðảo Ðông Dương, mở màn cuộc chiến tranh Ðông Dương và kết thúc hậu Thế Chiến Thứ Hai vào tháng 4, 1975. Thế lưỡng cực của thế giới nay không còn giữa Nga và Mỹ mà là giữa Ðông và Tây Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Nhiều người cho rằng Tổng Thống Obama sẽ đến thăm Việt Nam và từ đây ông sẽ đi dự hội nghị thượng đỉnh Phnom Penh, nhưng tổng thống không màng đến. Thế đứng của ông ở Miến Ðiện cho thấy trung tâm của Ðông Nam Á không còn là Việt Nam-biển Ðông mà là ở điểm giữa Ðông và Tây: Miến Ðiện.
Những dấu hiệu thay đổi, bổ sung cấp lãnh đạo chính trị Miến Ðiện báo hiệu sự chuyển dịch sâu hơn nữa vào lục địa Ðông Nam Á Trung Á của Hoa Kỳ sau khi 60% lực lượng hải quân bố trí các căn cứ hỏa lực ở nam Thái Bình Dương hoàn thành kể cả biển Ðông.
Miến Ðiện, bây giờ là thời kỳ của 5 nước vùng tiểu Mekong, không những về phương diện địa quân sự là vùng I địa đầu ngăn chận sức mạnh của Trung Quốc tràn xuống phương Nam mà còn là tọa độ tương lai tỏa ra con đường tơ lụa “Hiệp Ðịnh Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương-TTP”; Ðông giáp Lào, Tây giáp Ấn Ðộ, Pakistan, Nam giáp Ấn Ðộ Dương, Ðông Nam giáp Thái Lan, Cambodia, Bắc giáp Trung Quốc; lại có bờ biển phía Nam dài gần 2,000 km bao lơn nhìn ra Ấn Ðộ Dương thông qua eo Malacca gặp mũi Singapore dẫn vào biển Ðông.
Không thể không liên tưởng từ cuộc dừng chân của Tổng Thống Obama ở Rangoon đến cuộc dừng chân 60 năm trước của Phó Tổng Thống Richard Nixon tại Ðiện Biên Phủ năm 1952; ba năm sau, năm 1955 Mỹ đưa Ngô Ðình Diệm về lật đổ Bảo Ðại làm tổng thống miền Nam Việt Nam; ông Diệm không thuần phục Hoa Kỳ dẫn đến cuộc viếng thăm của Phó Tổng Thống Johnson năm 1961 tại Sài Gòn và cuộc lật đổ họ Ngô năm 1963; chỉ hai năm sau đó, tháng 3 năm 1965, những đại đội Thủy Quân Lục Chiến đầu tiên của Hoa Kỳ đổ bộ vào Ðà Nẵng miền trung Việt Nam mở màn bãi chiến trường Ðông Dương III trận đọ sức giữa Hà Nội-Washington.
***
Vị tổng tư lệnh Hoa Kỳ đứng ở ngã tư Miến Ðiện không chỉ tính đến chuyện be bờ, ngăn chận làn sóng đỏ từ phương Bắc, ông còn “gửi đi một thông điệp đến các chính phủ cai trị bằng sự sợ hãi” (2), như ngầm nhắn nhủ đến các “lãnh đạo” xa gần, tổng thống sẽ “giơ tay ra” (2) đón những nhà tranh đấu đang bị trù dập, tù đầy bởi các nhà cầm quyền chuyên chế.
Những lời đanh thép của tổng thống Thái Bình Dương được gán cho là người có khuynh hướng National Socialist ví như ngọn lửa hưng phấn cho người Việt Nam đang sống dưới chế độ cộng sản độc tài, dấn thân vào con đường tranh đấu cho tự do, dân chủ và công bằng xã hội.
Nhìn lại, “Phong Trào Dân Chủ Việt Nam” thấm thoát gần 10 năm. Nói đến tiến trình dân chủ tất phải nhắc đến phong trào dân chủ Ðông Âu, đỉnh cao của nó là phá sập thành lũy phe xã hội chủ nghĩa và giải tán – giải thể chế độ cộng sản. Bắt đầu tại Ba Lan, dân chủ kéo dây chuyền sang Tiệp Khắc, Hungary, Ðông Ðức, Bungary, Romania. Tuy cuộc cách mạng dân chủ tại Ðông Âu thành công và hệ quả của nó kéo dài hơn 20 năm chưa hẳn là mẫu mực của nhân dân các nước trên thế giới, nhưng đó cũng là bài học quí giá.
Riêng đối với người Việt hải ngoại, dấu ấn của những nhà dân chủ kiên cường như Nguyễn Chí Thiện 1995, nhà dân chủ ly khai Hoàng Minh Chính 2005, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, những bước chân đầu làm lực đẩy cho giới thanh niên, thiếu nữ, phụ nữ, sinh viên, nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà giáo,… không còn sợ cái sợ hãi nữa, họ truyền đơn phản kháng, họ rủ nhau xuống đường, sẵn sàng liều mình đóng góp vào việc mở rộng con đường dân chủ hóa Việt Nam.
Tuy nhiên. chúng ta phải thấy rằng sự khó khăn của Phong Trào Dân Chủ Việt Nam khởi phát trong một xã hội có nhiều thành phần kinh tế, nhiều tầng lớp văn hóa, tương phản và nhiều khi đối nghịch, không những thế Phong Trào Dân Chủ có thể sẽ đứng khựng lại vì quyền lợi cá nhân và tập đoàn kinh tế của nhà nước trước các mối lợi tham nhũng khổng lồ.
Người ta còn nhớ, cách đây hai ba thập niên đảng CS đã cho phép công an quân đội làm kinh tế. Khi làm kinh tế, họ phải “cởi áo nhà binh” để khoác áo tư nhân. “Hệ thống” cởi áo của đảng ví như hàng trăm hàng ngàn cái vòi bạch tuộc tư nhân đã biến thành cái vòi bê tông bám chặt mọi ngõ ngách làm ăn trên phạm vi cả nước.
***
Biến cố chính trị huy hoàng từ giai cấp bình dân phất lên làn gió “Mùa Xuân Ả Rập”, có kéo dây chuyền sang Châu Á để làm thay đổi diện mạo địa kinh tế chính trị khu vực. Nhưng Ả Rập là Ả Rập và Ðông Nam Á không còn nhìn dưới lăng kính bán đảo Ðông Dương mà rộng hơn: Tiểu Mekong. Sự giầu có tài nguyên và sự năng động phát triển kinh tế của khu vực này vô cùng hấp dẫn đối với ASEAN và thế giới.
Miến Ðiện, quốc gia láng giềng, nửa thế kỷ sống dưới ách độc tài quân phiệt may mắn phát sinh ra đảng Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ liên tục hơn 20 năm nay dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi đã xây dựng được một lực lượng đảng viên hùng hậu được nhân dân hậu thuẫn, từ một chính đảng đối lập ngoài vòng pháp luật bây giờ là tiếng nói của một chính đảng đối lập từ trong chính quyền.
Thống Tướng Thein Sein và Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi cùng nhìn thấy một Miến Ðiện đang đối diện với địa kinh tế chính trị quân sự khu vực, là nơi va chạm của hai cường lực Ðông Tây Hoa-Mỹ. Mối nguy cơ hay thịnh vượng của Miến Ðiện nằm trong bộ óc của dân, vì dân và do dân của ông Thống Tướng Thein Sein và sứ giả dân chủ San Suu Kyi.
Lý Kiến Trúc
(1) Xem thêm: “Tiếng vọng từ Sài Gòn 1977” cùng tác giả.
(2) chữ – bản dịch của BBC 21/11/2012 từ thông điệp của TT Obama đọc tại trường Ðại Học Rangoon Miến Ðiện.