Các thời kỳ lịch sử của bộ môn Âm Nhạc được phân biệt bằng các trường phái hay giai đoạn trong đó một đường hướng diễn tả âm thanh đã được thịnh hành. Các nhà nghiên cứu đã dùng các danh từ như cổ điển và lãng mạn để phân biệt về tác giả, tác phẩm và thời kỳ. Trong các năm từ 1770 tới 1800 và đôi khi tới tận 1830, nét nhạc của các nhạc sĩ lừng danh như Haydn, Mozart, Beethoven đã mang nhạc phong cổ điển. Danh từ này hàm chứa các ý nghĩa về sự toàn hảo, tiêu chuẩn, dùng làm mẫu mực cho các sáng tác âm nhạc về sau. Việc phân loại cũng đã được căn cứ vào số lượng nhạc âm (musical sound) bị giới hạn, vào cách hòa âm căn bản, do cách xử dụng nhịp điệu (rhythm) và nhạc thức (form) và do cả cách truyền cảm đi từ nhạc sĩ sáng tác qua nhạc sĩ trình diễn tới thính giả.
Các nhạc sĩ sáng tác đã thí nghiệm, làm biến đổi và làm phát triển cách diễn tả âm nhạc từ các nguyên tắc căn bản. Như thế, cách nhận thức về mỹ thuật nói chung và về âm nhạc nói riêng đã thay đổi theo thời gian và trường phái lãng mạn dần dần xuất hiện. Về âm nhạc, sự phân chia rõ ràng giữa cổ điển và lãng mạn đã không có một mốc thời gian nhưng khi xét các khuynh hướng nghệ thuật của thế kỷ 18, các nhà phê bình cho rằng thế kỷ đó đã có những dấu nét đặc biệt, khác biệt với trào lưu nghệ thuật của thế kỷ sau.
Trong các bộ môn nghệ thuật, Âm Nhạc là thứ dễ diễn tả, dễ bộc lộ nhất. Nhờ âm thanh và nhịp điệu, âm nhạc đã mô tả các cảm xúc, ấn tượng, làm lộ ra những xúc động nội tâm. Âm Nhạc đã dùng thứ ngôn ngữ riêng để nói lên thứ hình ảnh hiện thân của thế giới cũng như các cảm xúc trong cuộc đời của mọi người. Âm nhạc được định nghĩa là một loại ngôn ngữ không phải là lời nói thông thường. Các nhạc cụ vì vậy đã trở nên một phương tiện, một thứ xe chuyên chở tư tưởng và tình cảm. Các nhạc sĩ lãng mạn đã khéo léo phối hợp âm nhạc với lời nói, thành lời ca, hòa vào tiếng đàn như trong thể nhạc Lied, một loại bài hát đã được sáng tác thành công vào thế kỷ 19 bởi Schubert, Schumann, Brahms và Hugo Wolf, hay trong loại nhạc kịch trường (music drama) của Wagner. Ngoài ra còn có loại nhạc chương trình (program music) phối hợp với thơ, với cách mô tả, cách tường thuật, cách bắt chước các âm thanh tự nhiên và các âm thanh chuyển động, đã dùng tới các hình ảnh tưởng tượng và được diễn tả ra bằng âm thanh.
Nhạc chương trình của thế kỷ 19 khởi đầu bằng bản Giao Hưởng Đồng Quê (Pastoral Symphony) của Beethoven, kéo dài tới giữa thế kỷ với các nhạc sĩ Mendelssohn, Schumann, Berlioz, Liszt rồi với các nhạc sĩ đại diện của cuối thế kỷ là Debussy và Richard Strauss. Các nhạc sĩ của thời đại này đã cố gắng bằng cách dùng âm thanh, liên kết một câu chuyện, một bài thơ, một hoạt cảnh với một bản nhạc lãng mạn.
Thế kỷ 19 cũng gặp sự chuyển tiếp về thính giả và sự bảo trợ âm nhạc. Loại thính giả đồng nhất, thường có văn hóa cao và số lượng hạn hẹp như giới quý tộc, đã được thay thế bằng giới trung lưu đông đảo hơn nhưng không đồng nhất, không có trình độ cao về thưởng thức âm nhạc. Các bảo trợ về âm nhạc của các hầu tước, bá tước, các cung đình cũng bị nhường chỗ cho các hội hòa nhạc (concert societies) và các đại hội âm nhạc (musical festivals). Nhạc sĩ sáng tác vào thế kỷ 19 đã đứng trước một sân khấu rộng lớn hơn, phải cố gắng làm sao cho nhạc phẩm của mình được nhiều người nghe và hiểu. Sự tương phản về tính phổ thông của thời đại này đối với thời đại trước đã được thể hiện qua các sáng tạo đồ sộ của Meyerbeer, Berlioz, Wagner, Strauss hay Mahler, hay qua các bản nhạc dương cầm ngắn của Schubert, Mendelssohn và Chopin.
Trường phái lãng mạn của thế kỷ 19 còn có một nét đặc thù, đó là sự khác biệt giữa các nhạc sĩ chuyên nghiệp và các nhạc sĩ tài tử. Các nhạc sĩ độc tấu với tài nghệ xuất sắc đã xuất hiện như Paganini về vĩ cầm và Liszt về dương cầm. Đã tăng thêm các tiêu chuẩn chuyên nghiệp khiến cho sang thế kỷ 20, vai trò của nhạc trưởng trở nên rất quan trọng và nhạc trưởng đôi khi còn được gọi là nhà độc tài của dàn nhạc.
Các cải tiến kỹ thuật vào thế kỷ 19 đã làm phát minh ra các nhạc cụ mới, chẳng hạn như các kèn saxophone và tuba. Việc thêm các van (valves) vào loại kèn đồng (brass instruments) đã cho phép kèn tù và (horn) thổi được các giai điệu của Wagner và Tchaikovsky. Đàn dương cầm cũng nhờ các tiến bộ khoa học mà có một khung căng dây đàn (frame) đúc bằng gang, các dây đàn cứng cáp hơn và to dài hơn nên đã phát ra các âm thanh lộng lẫy hơn, sâu đậm hơn. Nhờ cây đàn dương cầm với các âm thanh từ nhẹ (soft) tới mạnh (forte), Liszt đã trình tấu các bản nhạc thuộc trường phái lãng mạn khác với các bản sônát của Mozart vào thế kỷ trước.
Trong thế kỷ trước, nhạc sĩ sáng tác cũng là nhạc sĩ trình diễn. Mozart và Beethoven đã trình bày các concerto của chính mình giống như Franz Liszt diễn tấu nhạc phẩm Tưởng Khúc Hungari (Hungarian Rhapsodie) hay Niccolo Paganini với các giai điệu vĩ cầm mang âm sắc quái dị. Sau đó, các nhạc sĩ trình diễn tài ba dần dần diễn tấu các nhạc phẩm của nhiều nhạc sĩ sáng tác khác.
Trong thời kỳ lãng mạn của thế kỷ 19, đàn dương cầm đã đóng một vai trò quan trọng trong bộ môn âm nhạc. Tại châu Âu và châu Mỹ trong thế kỷ này, cây đàn dương cầm trở nên nhạc cụ chính trong gia đình, đã hấp dẫn các nhạc sĩ tài tử vì khả năng của đàn có thể diễn tả vừa giai điệu, vừa hòa âm, khác với các loại nhạc cụ dây và gió.
Các bậc thầy về các nhạc bản dương cầm của thế kỷ 19 gồm Schubert, Chopin và Liszt, Mendelssohn, Schumann và Brahms… những nhạc sĩ đại tài này đã khai thác các nguồn vô tận của đàn dương cầm và diễn tả một cách xúc tích phong thái lãng mạn và kịch tính bằng các nhạc phẩm trữ tình.
Uploaded by ForaTv