Chiều thứ tư 29/9 vừa qua, Hạ viện Hoa Kỳ biểu quyết một đạo luật kết án chế độ ngoại hối của Trung Quốc là trợ giá xuất khẩu khi ấn định tỷ giá quá thấp của đồng nhân dân tệ nhằm bán hàng với giá quá rẻ, và yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ có biện pháp. Bắc Kinh trước đó cho là họ sẽ tăng biên độ giao dịch của đồng bạc cho linh động hơn. Nếu nhìn từ bên ngoài thì hình như sức ép của Quốc hội Hoa Kỳ có vẻ công hiệu.
Từ California, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa lại có kết luận khác:
RFI: Xin kính chào ông. Theo dõi tình hình Trung Quốc và cách ứng xử của Hoa Kỳ từ đã lâu, ông nghĩ sao về đạo luật Hạ viện Mỹ vừa biểu quyết chiều thứ tư 29/9 ? Liệu Hoa Kỳ có tăng áp lực để đòi Bắc Kinh phải điều chỉnh chế độ ngoại hối của họ hay không?
NXN: Tôi nghĩ đây là một hài kịch mà các diễn viên trong vở đều biết, còn bên ngoài có lẽ là không biết rõ, bởi vì chuyện chính trị và luật lệ nước Mỹ ngoắt nghéo lắm. Dự luật được một ủy ban về tài chính và thuế vụ Hạ viện Mỹ, là cơ quan có ảnh hưởng nhất về vấn đề ngân sách và thuế khóa, đã thông qua hôm 24 và mới đưa ra khoáng đại vừa rồi biểu quyết với 348 phiếu thuận, tức là một đa số áp đảo.
Nội dung đạo luật hơn 2.600 chữ, không nêu đích danh Trung Quốc ra. Chỉ mấy ông chính trị nêu đích danh Trung Quốc, chứ còn nội dung dự luật rất mơ hồ, chỉ nói quốc gia nào xuất cảng vào Mỹ, giữ cái tỉ giá đồng bạc thấp quá so với thực giá của nó cỡ chừng 5%, mà trong vòng thời gian 18 tháng, thì là có thể bị kiện. Và khi bị kiện như vậy, thì ngươì ta có thể cứu xét việc một số hàng nhập cảng vào Mỹ có nhờ hối suất đó hay không. Và trong trường hợp đó thì nước Mỹ có thể áp dụng một thuế suất nhập nội để quân bình lại.
Thì ngay hôm 24/9 sau khi mà ủy ban thông qua rồi và trước khi khoáng đại bỏ phiếu, thì họ đã chuyển qua một cơ quan chuyên nghiên cứu vế vấn đề ngân sách và kinh tế và độc lập của Quốc hội. Cơ quan này hôm 28/9 cũng đã ra dự đoán là nếu áp dụng dự luật này thì Mỹ có thể tăng một số thuế suất nhập nội trong vòng 10 năm sắp tới, thì thu thêm được một trăm mấy chục triệu đô la, và muốn thi hành thì tốn khoảng 93 triệu đô la. Cuối cùng là trong vòng 10 năm lời được cỡ chừng hai hay ba chục triệu đô la, trong khi đó chúng ta không quên là mỗi một ngày nước Mỹ nhập cảng của Trung Quốc cở chừng 1 tỉ đô la hàng hoá. Cái đó tôi mới nghĩ là một chuyện khôi hài. Nó rắc rối về chính trị, về luật lệ mà bên ngoài người ta không tưởng được.
RFI: Ông vừa sử dụng hai từ: hài kịch và khôi hài, ông có thể giải thích lý do ?
NXN: Tôi nghĩ nó có nhiều lý do.
Thứ nhất, Trung Quốc có chế độ chính trị lưu manh (voyou) lồng trong chính sách ngoại giao khôn khéo và tìm mọi lợi thế kinh tế – kể cả bất chính – đề đạt mục tiêu. Chuyện bất chính ấy có nhiều lắm, từ ăn cắp tác quyền đến mua chuộc hay khuynh đảo các đối tác kinh tế, v.v… Chuyện duy trì hối suất quá thấp của đồng nhân dân tệ để bán hàng cho rẻ chỉ là một phần, và vì lý do liên hệ đến sự an toàn chính trị của chế độ. Lãnh đạo Bắc Kinh biết là phải nâng giá đồng bạc cho dân được hưởng thành quả lao động, nhưng không thể nâng quá nhanh quá mạnh vì nhiều doanh nghiệp của họ sẽ phá sản, dân thất nghiệp sẽ gây động loạn. Đây là một vấn đề phức tạp của xứ này.
Thứ hai, các quốc gia khác, kể cả Âu châu và Nhật Bản hay Á châu, đều biết như vậy mà chỉ than phiền, rồi thôi. Họ trông chờ vào phản ứng của Hoa Kỳ là quốc gia bị nhập siêu mạnh nhất khi buôn bán với Trung Quốc. Cùng lắm thì như các nước Á châu kể cả Nhật là can thiệp vào thị trường ngoại hối, như bán nội tệ và mua đô la để đồng bạc của mình khỏi lên giá mà mất thế cạnh tranh với Trung Quốc, là chuyện đã xảy ra từ vài tháng nay.
Thứ ba, Hoa Kỳ đang có bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống. Đảng Dân Chủ đa số cùng nhiều dân biểu nghị sĩ đương quyền bên Cộng Hoà đều có thể mất ghế vào ngày 2/11 này vì kinh tế sa sút, thất nghiệp cao, bội chi ngân sách quá lớn và vay mượn lung tung. Vì vậy, họ hâm nóng một món dễ ăn là tỉ giá đồng nhân dân tệ quá thấp, để tranh thủ hậu thuẫn của các nghiệp đoàn và xu hướng bảo hộ mậu dịch. Lý do chính chỉ là chuyện tranh cử trong một mùa.
Thứ tư, là chuyện của chính quyền Barack Obama. Trước sức ép liên tục của Quốc hội Dân Chủ, Hành pháp Mỹ gồm có Bộ Thương mại và Bộ Tài chính đều tìm cách trì hoãn và thỏa hiệp – tổng cộng ba lần trong năm nay – nên chỉ nói gián tiếp kiểu nước đôi, than phiền chút đỉnh rồi thôi, vì còn mong Bắc Kinh sẽ hợp tác trong nhiều hồ sơ khác về an ninh, như Bắc Hàn hay Iran.
Thứ năm và thuần về kinh tế thì tới 60% số xuất khẩu của Trung Quốc là do các tập đoàn kinh doanh Mỹ xướng xuất và chỉ vạch cho. Họ đầu tư vào Hoa lục, giao cho doanh nghiệp Trung Quốc làm gia công với mức lợi thấp, để sản xuất rồi bán ra ngoài, và bán về Mỹ cho hệ thống phân phối của họ, cũng là của Mỹ. Vì vậy, các doanh nghiệp này ít phàn nàn về tỷ giá đồng bạc. Sau khi Ủy ban Chuẩn chi Tài chính và Thuế vụ Hạ viện thông qua dự luật Cải cách Hối đoái hôm 24 tuần trước để đưa ra biểu quyết ở khoáng đại, hôm thứ ba 28/9, Phòng Thương mại Hoa Kỳ và 35 nhóm thương mại Mỹ đã gửi thư can ngăn Quốc hội là đừng gây áp lực kiểu đó vì lợi bất cập hại!
Thứ sáu, Hoa Kỳ đang bị chia đôi về chuyện mậu dịch. Bên đảng Cộng Hòa thì chủ trương tự do ngoại thương và bên Dân Chủ thì đòi bảo hộ mậu dịch để bảo vệ công ăn việc làm bên trong. Phe Cộng Hoà thì đòi gây sức ép với Trung Quốc trên nhiều trận tuyến khác, phe Dân Chủ thì muốn tấn công về mặt mậu dịch. Còn Hành pháp Obama thì vẫn còn e ngại một đòn quá mạnh với Bắc Kinh, vì phải ưu tiên lo cho chuyện khác. Cho nên, trong một hai năm tới nước Mỹ chưa thống nhất đối sách với Trung Quốc như người ta có thể tưởng lầm.
Sở dĩ tôi phải trình bày một vòng bối cảnh như vậy để ta thấy là trong cuộc chơi này có rất nhiều diễn viên với ẩn ý. Khôi hài nhất là ẩn ý của các chính khách Mỹ khi biểu quyết đạo luật này. Họ lo tranh cử hơn là tấn công Trung Quốc.
RFI: Nhưng đạo luật này sẽ gây sức ép với Trung Quốc và hình như Bắc Kinh có thấy như vậy, nên Ngân hàng Trung ương của họ lập tức nói là sẽ điều chỉnh tỉ giá đồng bạc cho linh động hơn. Ông giải thích thế nào về chuyện đó?
NXN: Đạo luật của Hạ viện Mỹ mang mã số H.R. 2378 vẫn chưa là luật mà phải đợi Thượng viện Mỹ cứu xét và biểu quyết. Thượng viện Mỹ không thể làm nổi việc đó trước kỳ bầu cử, và sau bầu cử thì chưa chắc đã đủ túc số thông qua. Ngay cả trong giả thuyết là lưỡng viện cùng thông qua thì chưa chắc đã làm thay đổi tình hình.
Cái tội định giá đồng bạc quá thấp như một hình thức trợ cấp xuất cảng thật ra có quy định rõ ràng và khắt khe của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Cho nên kết cục chỉ dẫn tới những vụ kiện tụng kéo dài nhiều năm mà chưa có kết quả. Nếu các doanh nghiệp Mỹ viện dẫn luật này để đòi Bộ Thương mại Mỹ phải kiện và nâng thuế suất nhập nội của một số mặt hàng Trung Quốc thì mối lợi thu về cũng chẳng là bao nhiêu, có thể chỉ được vài chục triệu đô la mà thôi.
Trong khi ấy, và đây mới là vấn đề, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có cả chục hồ sơ kiện nhau về nhiều mặt hàng khác của cả hai nước. Và thực tế thì khi chấp nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới 10 năm trước, phía Hoa Kỳ đã cài sẵn một điều khoản là các doanh nghiệp Mỹ mà bị thiệt hại trong giao thương với Trung Quốc thì có thể kiện trước tổ chức này, theo những quy định do chính tổ chức này đã đồng ý ngay từ đầu.
Tức là nếu thực tâm muốn tấn công Trung Quốc về tội cạnh tranh bất chính – không kể nhiều tội khác – thì Hoa Kỳ còn nhiều võ khí ác liệt khác về pháp lý mà chưa sử dụng. Bây giờ thì hãy cứ để các chính khách ồn ào phát biểu trong Quốc hội nhằm khỏi mất ghế, mất việc thôi. Trước sự om sòm đó của Quốc hội Mỹ, Bắc Kinh thường khéo ỡm ờ, rằng họ sẽ điều chỉnh. Ngày 19/6, họ cũng tuyên bố như vậy, rồi từ đó đến nay chỉ nâng giá tổng cộng có 2% so với Mỹ kim, trong khi họ biết và các thị trường cũng biết rằng thực giá của đồng Nhân dân tệ phải cao hơn từ 20 đến 40% khi Mỹ kim mất giá vì chính quyền vay mượn quá nhiều!
RFI: Tóm lại là thông báo của Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh chỉ là một đòn ngoại giao ?
NXN: Vâng.
RFI: Xin thành thật cám ơn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa ở California.
Mai Vân / Nguyễn Xuân Nghĩa