Trống Đồng đã được nói đến trong sử sách, trong thi ca hơn hai ngàn năm nay. Nó cũng được giới khoa học hiện đại, bắt đầu với các học giả Tây phương và với những trống tìm thấy tại đồng bằng sông Hồng, sông Mã trên đất Việt, khởi công nghiên cứu hơn 100 năm trước đây.
Ngay từ khi mới phát hiện, các học giả phương Tây đã bị choáng ngộp về dáng vẻ hoành tráng của Trống Đồng, về kỹ thuật chế tác cũng như về hoa văn thần kỳ trên mặt trống, tang trống. Họ hiểu ra ngay đây là sản phẩm của một nền văn minh cổ cao độ. Nhưng thưở ấy nước Việt là một xứ nghèo nàn, lạc hậu; dân Việt còn sống nép mình dưới sự bảo hộ của người Pháp nên các nhà khảo cổ tiền phong này đã bị bối rối về nơi phát tích ra loại di vật cao quí này cũng như về ai là chủ nhân ông thực sự của nó. Bởi họ không thể tin tổ tiên của những người dân tầm thường kia (Việt) lại có thể là người phát minh ra được loại trống kỳ diệu này ! Do đó đã nảy sinh những giả thiết kỳ quặc, ngạo mạn mà ta sẽ có dịp bàn đến sau. Đến khi Trung Hoa và miền Bắc Việt Nam rơi vào tay các chế độ Cộng sản, các chính quyền sở tại đã tự tổ chức những cuộc khai quật, thám sát các di chỉ khảo cổ trên đất mình (từ thập niên 1950), thì cũng là lúc khởi đầu cuộc tranh chấp chủ quyền về nguồn gốc trống đồng giữa học giả hai nước. Cuộc tranh chấp này từ bấy đến nay, có lúc gay gắt, thô bạo, có lúc nhẹ nhàng, hòa nhã, tùy theo tình hữu nghị giữa hai chính phủ vẫn tự nhận vừa là đồng chí vừa là anh em, nhưng chưa bao giờ chấm dứt. Đến nay, cuộc tranh luận đã được tạm xếp sang một bên, nhưng như nhận xét của Xiaorong Han, một giáo sư tại Đại học Hawaii, mỗi bên vẫn giữ lập trường của mình, không bên nào thuyết phục được bên nào (1), tuy khoa học ngày nay đã phát triển đến độ những mê lầm không còn lý do tồn tại. Khổ một nỗi là cuộc tranh chấp này đã cuốn hút hầu hết tinh lực của những nhà nghiên cứu khiến việc tìm hiểu trống đồng về nhiều phương diện, nhất là về ý nghĩa của các hoa văn mà tiên tổ muốn gửi gấm lại cho đời sau nên đến nay nhiều khía cạnh vẫn chưa có câu giải đáp thỏa đáng. Có thể có nhiều lý do giải thích cho hiện tượng ấy, nhưng một lý do dễ thấy nhất là người ta đã bị thiên kiến che mờ, và chỉ để ý đến những tiểu tiết cần thiết có thể hổ trợ cho mục đích của mình mà không có cái nhìn tổng thể toàn diện ngõ hầu có thể thấy hết sự quan trọng của vấn đề và tiếp cận được với triết lý tư tưởng mà người xưa muốn gửi lại cho lớp chúng ta.
Bài viết này có mục đích góp một phần bổ túc khiếm khuyết trên và sẽ được tìm hiểu dưới năm đề mục sau :
I. Trống đồng trong lịch sử và trống đồng dưới nhãn quan khoa học hiện đại.
II. Sự tranh luận trong việc giành tác quyền trống đồng giữa Việt Nam và Trung Hoa.
III. Sự quan trọïng của trống đồng.
IV. Tìm hiểu ý nghĩa của trống đồng.
V. Bài học nào có thể rút ra từ trống đồng cho Việt Nam và cho nhân loại hôm nay.
I. TRỐNG ĐỒNG TRONG LỊCH SỬ VÀ TRỐNG ĐỒNG DƯỚI NHÃN QUAN KHOA HỌC NGÀY NAY
Tại Trung Hoa, trống đồng đã được nói đến trong các cổ thư từ rất xa xưa. Người ta thường nhắc đến chuyện chép trong Hậu Hán Thư, thế kỷ thứ 5 sau Kỷ Nguyên về việc Mã Viện, sau khi dẹp yên cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, ngoài việc tàn sát dân Việt, ông ta đã làm một cuộc tàn phá đến tận gốc rễ văn hóa Việt bằng cách thâu gom hết trống đồng ở Giao Chỉ (tiêu biểu văn minh Việt tộc) để đúc thành ngựa chiến (tiêu biểu văn minh Hán tộc). (2) Nhưng Hậu Hán Thư không phải là sách cổ nhất viết về trống đồng. Người ta nói đến quyển sáchán Hán Han viết từ thế kỷ thứ 3 trước Kỷ Nguyên hay sớm hơn nữa mang tên Shi Ben. Tuy sách này nay không còn, nhưng đoạn nói về trống đồng có được nhắc lại trong một quyển cổ thư khác mang tên The Tongdian của tác giả Du You (Xiaorong Han).(3) Các sử sách đời sau, từ Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều có nhắc đến trống đồng.(4) Chỉ có điều trước đời Minh, sách sử nói về trống đồng thường với giọng miệt thị, cho là sản phẩm của giống rợ, giống man di. Từ đời Minh trở đi, giọng điệu khinh miệt này mới bớt đi (Wen You),(5) có lẽ cũng nhờ ảnh hưởng của bài thơ Cảm Sự của Trần Lương Trung, sứ giả nhà Nguyên khi sang Việt Nam đời Trần Nhân Tôn (1291) chép trong Sứ Giao Châu Tập, nói đến chuyện chỉ nghe tiếng trống đồng rộn rã, tưởng nhớ đến chiến trận quân Nam đuổi đánh quân Mông Cổ đã khiếp sợ đến nỗi khiến đầu bạc trắng hết!
Nhưng sử sách Trung Hoa cổ xưa chưa bao giờ thừa nhận trống đồng là một di sản của nòi Hoa Hán.(6)
Trong thế giới văn chương, thi phú, ta cũng thấy không thiếu những câu thơ khẳng định trống đồng là của người Man, người phương Nam:
– Đỗ Mục, trong một bài thơ nổi tiếng đã viết :
Đằng các trung xuân ý tịch khai
Thác chi Man cổ ân tình lôi Dịch :
Mùa xuân trải chiếu gấm giữa gác Đằng
Qua lá cành, tiếng trống Man hòa trong tiếng sấm
– Trần Vũ, một nhà thơ đời Đường khác, khi đến quận Kiến Vi (Tứ Xuyên) thuộc khu Bộc Việt cũng viết một bài ca dài “Thành hạ văn dĩ ca” mà hai câu cuối kết như sau :
Thử dạï khả liên giang thượng nguyệt
Di ca đồng cổ bất thăng sầu !
Dịch :
Đêm nay trăng sáng trên sông
Trống đồng hát Rợ cho lòng buồn thương
– Hứa Hồn trong bài thơ “Tiễn khách về Nam” đã viết :
Ngõa bôi lưu hải khách
Đồng cổ trại giang thần
Dịch :
Chén sành lưu khách biển
Trống đồng tế thần sông
– Tôn Quang Hiếu trong bài “Đền Bố Tát của người Man”:
Mộc thiên hoa ánh tùng từ tiễn
Việt cầm thanh lý xuân quang liêu
Đồng cổ chỉ Man ca
Nam nhân kỳ trại đa
Dịch :
Ngôi đền nhỏ trong bụi cây tỏa ánh hoa Mộc thiên
Trong tiếng hót chim Việt thấy ánh sáng ban mai mùa xuân
Trống đồng và bài hát Man
Người Nam cầu cúng nhiều
Ta thấy thi văn của các danh sĩ trên đều xác nhận, một cách không cố ý, như một chuyện tự nhiên, hơn thế nữa, hiển nhiên, rằng trống đồng là của người phương Nam mà họ gọi là của người Man. Có khi họ còn liên hệ trống đồng với nước Sở như hai câu thơ trong bài “Hà độc tái thần” của Ôn Đình Quân sau đây :
Đồng cổ tái thần lai
Sở sơn như họa yêu khai
Đã được dịch là :
Tế thần vẳng tiếng trống đồng
Xa xa nước Sở khói lồng như tranh
Câu thơ trên là một chứng cớ quan trọng bổ túc cho thuyết mà chính Sở Vương Hùng Cừ đã nói : Ta là man di, không cùng hiệu thụy với Trung Quốc (Tư Mã Thiên, Sử Ký, q. 40, Sở thế gia, tờ 3b). Nó chứng tỏ không những dân Sở, sử gọi là dân Bộc Việt thuộc đại tộc Bách Việt, mà còn chứng tỏ nước Sở thời Xuân Thu, Chiến Quốc (770 – 221 trước Kỷ Nguyên) cũng thuộc nền văn minh trống đồng như dân Lạc Việt của nước Văn Lang dưới thời các vua Hùng. Một sử gia đời nay, ông Hứa Văn Tiên cũng khẳng định : Xét người Việt kiến lập được cơ nghiệp ở bán đảo Trung – Ấn là có uyên nguyên chứ không phải việc ngẫu nhiên, bởi vì người Việt Nam là giống cường đại nhất trong Bách Việt “ Nước Sở xuất hiện khoảng mười một thế kỷ trước Kỷ Nguyên là do dân tộc Việt Nam kiến lập.“
Sử Chính Nghĩa viết : “Nam Việt và Âu Lạc đều lập họ. Lại dẫn “Thế Bản” Việt họ Mi cùng tổ với Sở. Sách xưa gọi là đồng tính, đồng tổ tức là cùng một chủng tộc. Vả lại theo sách sử Việt thì cương vực của người Việt ngày xưa, phía Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam tiếp với nước Hồ Tôn (Lâm Áp) thì bỏ Sở đi sao được”. (Hứa Văn Tiên viết ở bài Dịch Giả Tự trong bản dịch quyển An Nam Thông Sử, nguyên tác của sử gia người Nhật tên Nham Thân Thành Doãn – Tân Hoa ấn loát, Cty Hương Cảng ấn hành 1957, trg 34).
Như ta đã thấy, những thơ ca trên nói đến trống đồng, cho là của người Man với lời lẽ thường thiếu tôn trọng, trừ một ngoại lệ khá đặc biệt là bài Cửu Ca của Khuất Nguyên, mà ta sẽ phân tích kỹ hơn trong phần IV sau, khi nói về ý nghĩa của trống đồng.
Về phía cổ thư Việt Nam, những sách trước thời Lê đã bị quân nhà Minh cướp hết, đến nay không còn tìm được dấu tích. Những sách sử sau đó như Việt Điện U Linh (thế kỷ 14), Lĩnh Nam Trích Quái (thế kỷ 14), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (thế kỷ 15), Đại Nam Nhất Thống Chí (thế kỷ 19) đều có đề cập đến trống đồng với lời lẽ hết sức trân trọng, coi như một vật thiêng, một thứ để thờ, để thề trong những trường hợp quan trọng (7) .
B. Nay, xét đến giai đoạn trống đồng được nhìn dưới lăng kính của các nhà khoa học mới theo văn minh Tây phương. Xin kể theo thứ tự thời gian những học giả nghiên cứu về trống đồng và những chiếc trống nổi tiếng phát hiện được để tiện theo dõi sự diễn tiến của lịch sử trống đồng cận, hiện đại.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Tây phương bắt đầu nghiên cứu trống đồng. Những người đầu tiên phải kể đến là F. Hirth (1891), A. B. Meyer & W. Foy (1897), De Grouth (1901), F. Heger (1902). Người đáng ghi nhớ nhất vì để lại một công trình có ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ nghiên cứu sau này là F. Heger. Ông là một học giả người Đức, làm cố vấn cho Hội Nghiên Cứu Viễn Đông Bác Cổ, đã xuất bản tại Leippzig hai quyển sách về trống đồng, trong đó ông phân chia 165 chiếc trống biết được lúc ấy thành 4 loại. Bởi sự phân chia này được hầu hết các học giả uy tín trên thế giới công nhận và còn được tôn trọng đến ngày nay, nên chúng ta cần đặc biệt lưu ý.
Loại I Heger: nhìn nghiêng dáng trống có ba phần rõ rệt : – Tang phình đều – Thân thẳng hoặc choãi – Chân hình nón cụt. Mặt trống thường trang trí bằng nhiều hoa văn đẹp theo những hình tròn đồng tâm. Đây là loại trống lớn nhất, đẹp nhất, cơ bản là trống Đông Sơn. Trên mặt trống Heger I nhóm muộn, ta bắt đầu thấy xuất hiện tượng cóc.
Loại II Heger: Do từ loại I Heger diễn biến ra : – Mặt chồm khỏi tang và có tượng cóc – Tang không phình mà thẳng hay thóp đều – Thân nở và liền với chân, không tách thành hai phần rõ rệt
Loại III Heger: – Mặt chồm khỏi tang, có hình tượng cóc – Tang thon dần – Thân và chân là một hình ống thẳng hoặc hơi loe về phía chân
Loại IV Heger: – Nhỏ hơn các loại trên, có dáng thấp lùn – Mặt liền sát với mép tang – Tang và thân được phân biệt bởi một đường chỉ kép lồi
Căn cứ vào bảng phân loại trên của Heger ta thấy : Trống xuất hiện sớm nhất là trống loại I. Trống lớn nhất cũng là trống loại I. Trống đẹp nhất vì có trang trí hoa văn hình người, hình cầm thú cũng là trống loại I. Những trống thuộc loại I nổi tiếng nhất và đẹp nhất đều tìm thấy ở Việt Nam.
Kết luận có thể rút ra theo sự phân loại Heger là : quê hương của trống đồng chủ yếu là ở trên đất Việt, phần gốc thuộc Bắc phần và Bắc Trung phần Việt Nam, phần nhánh thuộc vùng Hồ Điền ở Vân Nam, Trung Hoa ngày nay. Và, như ta sẽ thấy về sau, đây là đầu mối của mọi sự tranh luận.
Sau Thế Chiến thứ II, cùng với sự thâu hồi lại nền độc lập, Việt Nam cũng thâu hồi lại quyền tự thám quật những di chỉ khảo cổ và cả quyền viết lại lịch sử nước mình, trong đó, điều đáng ngợi khen nhất là sự nhận định về mối liên hệ hữu cơ giữa sự phát minh văn hóa Đông Sơn mà đỉnh cao là trống đồng Đông Sơn với sự thành lập nhà nước Văn Lang. Về phía Trung Hoa, họ cũng vừa trải qua một cuộc nội chiến. Từ sau 1949, Trung Hoa trở thành một nước Cộng sản, đã công bố trả lại căn cước cho các dân tộc thiểu số ở phía Nam Trung Hoa. Họ cho thành lập các khu tự trị, khuyến khích việc khai quật các di chỉ khảo cổ Từ đó bắt đầu có sự tranh chấp giữa học giả hai nước về nguồn gốc trống đồng và chủ quyền phát minh ra loại trống này.
II. SỰ TRANH LUẬN VỀ VIỆC GIÀNH TÁC QUYỀN TRỐNG ĐỒNG
Để vấn đề được đơn giản hóa, ta có thể nhìn sự tranh chấp chủ quyền trống đồng của hai bên học giả Hoa-Việt trong ba giai đoạn: Từ thập niên 1950 đến 1975; Từ 1975 đến 1988; Từ 1988 đến nay.
Xin bắt đầu giai đoạn I từ những năm đầu thập niên 1950. Nói như vậy không có nghĩa là trước năm 1950, chưa có sự bàn luận về trống đồng. Ở Việt Nam, từ đầu thế kỷ 20 đã có những tác giả viết về trống đồng một cách bác học và tác phẩm của họ đã được in một cách công phu với hình trống đẹp nhất, như của Heger, mà đến nay vẫn chưa có sách nào sánh bằng. Ở Trung Hoa, thời phong kiến, tuy trống đồng có được nhắc đến, nhưng với một giọng khinh thị, coi là sản phẩm của dân Man. Ở Thượng Hải mãi đến năm 1936 mới thấy có xuất hiện một quyển sách có nhan đề dịch ra tiếng Anh là A brief introduction to the Bronze Drum của Zhenz Shixu vào năm 1936. Năm 1943 lại thấy xuất hiện quyển The Hundred Yue as a branch of the Chinese race của tác giả Luo Xianglin và Xu Songshi.
Những sách của các tác giả phương Tây tuy viết công phu và khoa học thực, nhưng với trình độ giới hạn của thời đó, hầu hết những học giả này chỉ thấy nền văn minh nào cũng phát xuất từ văn minh Tây phương mà ra.
Từ thập niên 1950, những tác phẩm nghiên cứu nói chung và cuộc tranh luận nói riêng đả mang một sắc thái khác. Trong tác phẩm của Đào Duy Anh, nhà sử học tiền phong của thời độc lập, tuy lập luận của ông vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của các học giả người Tây phương trước kia, nhưng qua những dòng chữ của ông đã thấy cái hồn dân tộc. Ông chủ trương trống đồng của người Lạc Việt với cái nghĩa rõ rệt khẳng định chủ quyền trống đồng là của người Việt, nước Việt Nam ngày nay. Cùng thời với ông, ở Trung Hoa có học giả Wen You cũng khẳng định một cách cương quyết không kém : “Nếu có ai hỏi di vật thuộc nền văn minh cổ xưa nào của những người anh em ruột thịt thiểu số phương Nam của Trung Hoa là quan trọng nhất, chúng ta có thể trả lời không do dự rằng đó chính là Trống Đồng”. Và ông thêm: “Và đó là tài sản chung của toàn thể dân tộc Trung Hoa” (8). Vào thời kỳ đó, Trung Hoa không có trống đồng loại Heger I, nhưng vùng Quảng Tây lại tìm được nhiều trống đồng loại Heger II. Do đó, chiến thuật của các học giả Trung Hoa trong giai đoạn này là công kích vào lối phân loại của Heger và cho rằng trống loại Heger II mới là loại sớm nhất, đã được chế tác ra trước loại Heger I. Họ đưa ra ba tiêu chuẩn chỉ đạo cho sự phân chia của họ là: bề mặt trống càng ngày càng lớn, thân trống giảm dần từ III đến II và hoa văn càng ngày càng phức tạp. Rõ ràng họ muốn nói trống càng lớn, càng đẹp thì càng xuất hiện muộn, như trống Đông Sơn ở Việt Nam chẳng hạn.
Ngoài Wen You (người Sichuan), hai học giả khác tiêu biểu cho giai đoạn này đều là người Quảng Tây, GS. Huang Zenqing và GS. Hong Sheng. Cũng nên nhấn mạnh Bảo Tàng viện Vân Nam đã không theo lối phân chia này mà vẫn tôn trọng sự phân loại của Heger.
Chiến thuật của các học giả Việt Nam là bảo vệ cách phân loại của Heger vì bảo vệ được sự phân loại này cũng là bảo vệ được chủ quyền của trống đồng cho dân tộc mình. Lý luận của họ vì vậy ngược lại với lý luận của các học giả Trung Hoa, cho rằng hoa văn đơn giản là chỉ dấu của một sự suy thoái. Cũng vậy, các trống càng làm trong giai đoạn về sau càng nhỏ, xấu đi, không đẹp, lớn, với hoa văn phức tạp, tráng lệ như trống làm lúc đầu. Ta sẽ chứng minh như trong phần IV về ý nghĩa trống đồng dưới đây, hoa văn không phải chỉ làm cho trống đồng mỹ thuật hơn, mà chính hoa văn, chứ không phải chỉ kỹ thuật đúc trống, mới mang được những tư duy, triết lý của tiền nhân gửi gấm lại cho đời sau. Bởi vậy, Phạm Minh Huyền (1987) đã xếp trống Vạn Gia Bá vào loại IV phụ của trống Đông Sơn cùng loại với trống Thượng Nông ở Vân Nam. Kết luận trống Vạn Gia Bá thuộc loại Heger I trễ nhất chứ không phải sớm nhất như sẽ được phân tích rõ hơn ở giai đoạn II dưới đây là kết luận có cơ sở. Và những học giả Việt Nam ở giai đoạn này từ Lê Văn Lan, Nguyễn Văn Kình, Nguyễn Linh (1963) đến Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Linh, Quang Văn Cậy, Trần Mạnh Phú, Lưu Trần Tiên, Nguyễn Minh Chương, Chữ Văn Tần, Diệp Đình Hoa, Phạm Minh Huyền, Trịnh Sinh … mỗi người thêm một ý, phân chia trống đồng loại Heger I ra làm nhiều phân loại, hoặc căn cứ theo tỷ lệ của đường kính mặt trống và chiều cao của trống, hoặc căn cứ theo hình dáng của trống như thân thẳng hay choãi, hoặc căn cứ theo hoa văn của trống, phức tạp hay đơn giản (9). Họ đã bổ túc sự phân loại của Heger cho phù hợp với những trống đồng mới thu thập được, càng ngày càng nhiều, với những kiểu dáng càng ngày càng phức tạp, bằng cách chia các loại trống Heger ra làm nhiều phân loại tùy theo những điểm đặc biệt của nó. Có người đã đi xa đến độ chia Heger I ra làm 6 phân loại với 24 kiểu dáng khác nhau (10).
Đến giữa thập niên 1970, khảo cổ Trung Hoa phát triển rất mạnh và họ đã tìm được nhiều loại trống Heger 1, quan trọng nhất là trống đồng ở khu Vạn Gia Bá (1975 – 1976). Đó cũng là lúc Cộng sản Việt Nam làm chủ được cả miền Nam, bắt đầu ngả theo Liên Sô mà quay mặt với Trung Hoa. Hình thức các cuộc tranh luận vì vậy cũng mang tính gay gắt, sỗ sàng chứ không trang nhã kiểu đồng chí anh em như trong giai đoạn trước. Học giả Trung Hoa trong giai đoạn này lại quay lại lối phân loại trống đồng của Heger. Những người này thuộc trường phái canh tân, tuy vẫn chủ trương miền Nam Trung Hoa là quê hương của trống đồng nhưng khác trước ở chỗ cho rằng quê hương trống đồng là ở Vân Nam chứ không ở Quảng Tây như chủ trương của các học giả trong giai đoạn I. Trong ba học giả tiêu biểu cho giai đoạn này chỉ hai người là người Vân Nam (Wang Wingsheng và Li Weiging).
Đỉnh cao của sự tranh luận này là Hội nghị Nam Ninh tháng 3 năm 1980 (11). Trung Hoa có hai điểm mạnh, thứ nhất là về số lượng, họ đã thâu gom được nhiều trống đồng hơn phía Việt Nam; (12) thứ hai là họ đã lập được phòng thí nghiệm đo độ phóng xạ Carbon 14, do đó mạnh miệng công bố niên đại của một số trống đồng, điều mà phía Việt Nam chưa có phương tiện thực hiện. (13)
Nhưng dù có tốn rất nhiều công phu, hội nghị cũng không thuyết phục được ý kiến của cộng đồng học giả quốc tế. Ngay các học giả hàng đầu Trung Hoa cũng không ủng hộ thuyết của hội nghị mà giữ lập trường im lặng.
Tiếp Hội nghị Nam Ninh ở Quảng Tây năm 1980, Trung Hoa còn tổ chức thêm một hội nghị nữa ở Côn Minh, thủ phủ Vân Nam cuối năm 1984 để hậu thuẫn cho chủ trương nói quê hương trống đồng là ở Vân Nam, và trống Vạn Gia Bá là trống được phát minh đầu tiên, nguồn gốc của trống đồng mọi nơi. Đến năm 1988, họ cho xuất bản một quyển sách tổng kết về trống đồng ở Trung Hoa mang tên Zhonguo Gudai Tonggu Yawjoiuhui (ZGTY) với một lập luận kẻ cả như sau : “Heger còn có thể được tha thứ vì đã phân loại trống Đông Sơn trong thời chưa tìm đủ bằng chứng, nhưng học giả Việt Nam thì không thể tha thứ vì họ đã có nhiều tư liệu hơn Heger mà vẫn từ chối không chú ý đến những chứng cớ mới này”(14). Cũng cần nói thêm sách này đã được xuất bản một năm sau quyển Trống Đồng Đông Sơn do Việt Nam phát hành năm 1987. Cũng năm 1988 vào tháng 10, có một Hội nghị Quốc tế về trống đồng và văn hóa đồng tại Nam Trung Hoa và Đông Nam Á với mục đích tìm biện pháp giải quyết vấn đề đang được tranh luận. Từ đó, tranh luận giữa hai bên giảm dần. Tuy vấn đề chưa được giải quyết, vì lý luận hai bên không đủ sức thuyết phục đối phương, nhưng hai bên đồng ý xếp qua một bên : Trung Hoa vẫn cho trống Vạn Gia Bá (Vân Nam) là cổ nhất, nguồn gốc của trống mọi nơi kể cả trống đồng ở Việt Nam; Việt Nam vẫn chủ trương Đông Sơn là quê hương của trống đồng.
Ta sẽ trình bày dưới đây lý do tại sao lý luận của hai bên không thuyết phục được nhau. Ở đây xin quay về với lập trường của học giả Việt. Tuy về chi tiết không phải không có những tác giả nói xuôi, nói ngược, nhưng nói chung về chiến lược thì trước sau như một. Học giả Việt Nam đã không thay đổi lập trường như học giả Trung Hoa như đã nói ở trên. Sự thay đổi của học giả Trung Hoa có thể tóm lược trong bảng phân loại sau (15).
TÁC GIẢ GỐC PHÂN LOẠI NĂM
HEGER Áo – Đức I, II, III, IV 1902
BTV Vân Nam Vân Nam I, II, III, IV
Wen You Sichuan II (Western) 1957
(East), III
Huang Zengging Quảng Tây II, III, I, IV 1964
Hong Seng Quảng Tây III, II, I, IV 1974
Wang Ningshong Vân Nam A, B, C, D, F, E 1978
Li Weiging Vân Nam Ia, Ib, Ic, IIa, Iib 1979
IIIa, IIIb
Shi Zhongjan Bắc Kinh 2, 3, 4, 6, 7, 8 , 5 1983
ZGTY Trung Hoa 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 5 1988
Việt Nam Việt Nam I, II, III, IV (theo đúng Heger)
Lập trường của học giả Việt có thể thấy được qua lời phát biểu của GS. Phạm Huy Thông, nguyên Viện Trưởng Viện Khảo Cổ như sau : “Khoa học Việt Nam đã chọn trống loại I Heger, sản phẩm đặc sắc của thời đại, làm hiện vật tiêu biểu biểu trưng cho văn minh cổ xưa của dân tộc. Đó là thứ trống đồng có cơ cấu ba phần : tang phình, thân thon, đế choãi, trống sớm nhất mà cũng là đẹp nhất biết được tới nay, được chế tạo ở thời dựng nước đầu tiên, thời mà thể hiện vật chất chính là văn hóa khảo cổ Đông Sơn. Do đó, chúng ta gọi loại trống đó là “Trống Đông Sơn”. Tên gọi của chúng ta được chấp nhận trên trường quốc tế càng nêu cao văn minh Việt cổ và nêu cao học thuật Việt Nam ngày nay, thì những nhà nghiên cứu Trung Quốc càng hoang mang tìm cách xoá nhòa ý nghĩa trống Đông Sơn của chúng ta. Cách làm vẫn là, một lần nữa, sắp xếp lại các loại trống đồng. Tôi đã có dịp vạch rõ: lần sắp xếp mới này đem kiểu Vạn Gia Bá lên hàng đầu, không đắt hơn lần trước, khi Văn Hựu đem trống loại II Heger lên hàng đầu. Địa bàn phát hiện trống loại II Heger không phải là Hoa Nam như Văn Hựu đã theo các học giả Âu Tây lầm tưởng mà là vùng dân cư Mường ở Vân Nam. Và kiểu trống Vạn Gia Bá thì, với những trống như trống Tùng Lâm, đã được tìm thấy không ít ở Việt Nam, bắt đầu từ đã lâu. Những cố gắng của Trung Quốc trước kia và hiện nay như vậy là đã hoàn toàn hẫng, hẫng vì thực tế cũng như về cơ sở lý luận !” (16). Có thể tóm tắt: đó là lập trường trung thành với lối phân loại của Heger có bổ xung bằng chia các loại ra làm phân loại và nêu ra những liên hệ gốc ngọn giữa trống ở Việt Nam và trống ở phía Nam Trung Hoa.
Việc tranh giành chủ quyền của di vật văn hóa cổ không phải là chuyện chưa từng có trong lịch sử. Nhưng sự tranh luận về chủ quyền trống đồng giữa học giả Việt Nam và Trung Hoa thì lại là chuyện chưa từng có, và làm cho kẻ thức giả phải xót xa, ngậâm ngùi. Sự khác biệt chính yếu ở chỗ, có thể có hai dân tộc khác tranh giành chủ quyền về một di vật văn hóa mà họ cho là tổ tiên họ, chứ không phải tiền nhân của dân tộc đối địch đã sáng chế ra. Ở đây, sự tranh chấp là do học giả hai dân tộc tuy lúc này thuộc hai quốc gia khác nhau, nước Trung Hoa và nước Việt Nam, nhưng nếu đặt trong thời điểm trống đồng được chế tạo, thì, người miền Nam Trung Hoa ngày nay, dù ở Vân Nam hay ở Quảng Tây, lúc đó cũng thuộc cùng một đại tộc với người ở châu thổ sông Hồng, sông Mã và có thể cùng là con dân của các vua Hùng (17).
Danh có chính thì ngôn mới thuận. Bởi vậy, dù không để tình cảm quốc gia lấn áp sự thực, ta cũng không thể không nói đến sự lúng túng của các học giả Trung Hoa, đúng ra học giả hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, trong việc giành chủ quyền trống đồng về cho nước mình. Để vấn đề được đơn giản, dễ hiểu, ta có phân tích lập trường của Trung Hoa qua ba giai đoạn đã trình bày ở trên :
Không biết ông Tôn Dật Tiên, người sáng lập ra Quốc Dân Đảng Trung Hoa, đã tự mình nghĩ ra hay học được ở đâu một châm ngôn vô cùng tai hại cho văn hóa, học thuật nói chung. Đó là: Trung Hoa lập thành do năm chủng tộc: Hán, Mông, Mãn, Hồi, Tạng. Có nghĩa là dân sống trên đất Trung Hoa ngày nay, nếu không thuộc tộc Mông Cổ, Mãn Châu, Hồi Hồi, Tây Tạng thì tất chỉ có thể là người Hán. Vậy phải chăng cả một khối lớn dân tộc từ lưu vực sông Trường Giang về Nam, vì họ không là Mông, Mãn, Hồi, Tạng, tất họ đều là người Hán cả !? Vậy dân của các nước phía Nam Trường Giang (vẫn gọi là Giang Nam), đã có thời quyết tranh làm chủ cả Trung Hoa như các dân Bộc Việt, Liêu Việt, U Việt của các nước Sở, Ngô, Việt, họ đã chết hết rồi sao ? Và người dân ở phía Nam núi Ngũ Lĩnh (vẫn gọi là Lĩnh Nam) như Mân Việt, Nam Việt, Âu Việt (Điền) và bao nhiêu nước nhỏ khác cũng đều chết hết cả sao ? Đã đành chúng ta cũng đã từng thấy những quyển địa dư, kể cả của các tác giả Tây phương, khi vẽ bản đồ cổ Trung Hoa đã bôi trắng cả một giải đất mênh mông phía Nam núi Ngũ Lĩnh làm như vùng này chưa hề có xã hội nào được tổ chức và có loài người sinh sống ! Đã đành chúng ta cũng đã từng đọc những sách sử Trung Hoa, khi đã xâm chiếm dược các nước phía Nam sông Trường Giang thì muốn xóa sạch vết tích của các nước này, xóa sạch nền văn hóa của họ mà cho rằng trước khi người Hán đến xâm chiếm vùng đất này, chỉ toàn giống man di, mọi rợ, ăn lông ở lỗ, chưa có xã hội văn minh. Nhưng phải hiểu đây là lập luận của kẻ thống trị muốn người bị trị hoàn toàn hòa nhập vào với mình. Phải thừa nhận người Hoa Hán đã rất giỏi trong việc thi hành chính sách này. Bằng cớ là cả những sử gia hàng đầu của nòi Đại Việt, đến đầu thế kỷ 20 mà còn viết dân Việt phải nhờ Nhâm Diên dạy cho mới biết trồng lúa gạo mà ăn ! (18) Và bằng cớ là ngay nhà lãnh đạo thành lập Trung Hoa Dân Quốc đến đầu thế kỷ 20 còn nói Trung Hoa chỉ do năm sắc dân hợp thành (19). Có điều việc lầm lẫn này ở các nhân vật có uy tín nói ra thì hậu họa không thể lường được ! Bởi vậy, trống đồng, một di vật văn hóa lớn nhất, có ý nghĩa nhất từ trước khi có chữ viết, có thể lưu truyền lại những tư tưởng của người xưa, không những của riêng người Lạc Việt mà còn của chung của Đông Nam Á và cả những người thuộc văn hóa Đông phương, chỉ vì chính sách bài xích văn hóa phương Nam, cho là thuộc man di, đã bị vùi dập, quên lãng dưới lớp bụi thời gian ! Chỉ khi người Tây phương, đang ở thế đi xâm chiếm thuộc địa, làm bá chủ hoàn cầu, chợt phát hiện được, họ đem ra ánh sáng, hết sức đề cao và đem trưng bày di vật này tại những bảo tàng viện lớn nhất trên thế giới thì học giả hai nước Hoa Việt mới tranh nhau quyền làm chủ. Người Việt muốn giành lấy chủ quyền thì cũng còn có lý do vì muốn giữ lại của gia bảo do tổ tiên để lại. Đến việc học giả người Hoa tranh giành chủ quyền thì thực là khó hiểu. Cứ xem luận điệu của các học giả này qua các thời đại thì đủ rõ : ở thời phong kiến, khi người ta cho trống đồng là di vật của giống man như trên đã nói thì chẳng thấy học giả nào tranh giành chủ quyền. Đến đầu thế kỷ 20, khi trống đồng đã là một di vật văn hóa sáng giá, học giả Trung Hoa mới bắt đầu nhắc tới, nhưng cho đến tận thập niên 1950, Wen You, chắc còn bị ám ảnh bởi quan niệm năm chủng tộc của Tôn Dật Tiên, mới chỉ giành chủ quyền trống đồng với lý do đó là “di vật của anh em ruột thịt miền Nam Trung Hoa” và “tài sản chung của toàn dân Trung Hoa”. Anh em ruột thịt miền Nam đây hẳn vẫn hiểu theo nghĩa người Hán tại phương Nam (20).
Chỉ từ 1949, khi Trung cộng chiếm được toàn cõi Trung Hoa, giải phóng cho dân phương Nam được độc lập với dân Hán lại khuyến khích học giả phương Nam tìm về lý lịch mình, nhất là qua khoa khảo cổ, để biết ảnh hưởng hỗ tương giữa văn hóa Hán và văn hóa của dân thiểu số phương Nam, thì màn mây mù phong kiến phương Bắc cố tình chụp vào lịch sử mới bắt đầu loãng dần và sự mơ hồ về nguồn gốc mình của người Hoa Nam mới bắt đầu được ánh sáng chiếu vào. Nhưng sự thức tỉnh ấy cũng chỉ đến mức muốn chứng minh địa phương mình cũng có gốc văn minh và tộc mình đã đóng góp đáng kể vào nền văn minh chung của Trung Hoa. Họ vẫn sợ mang tiếng là hậu duệ của lớp người Man di, không có văn hóa nên sự giành chủ quyền trống đồng hình như vẫn nằm trong cái khung tư duy mặc cảm, chỉ muốn cho tộc mình, địa phương mình, xứng vai với các tộc khác để tạo dựng ra nền văn minh sáng lạng ở Trung Hoa. Cho đến năm 1983, còn có các tác giả viết : “Trống đồng phản ánh một khía cạnh đặc biệt tiến trình hòa nhập và trao đổi văn hóa giữa các cộng đồng anh em ở Trung Hoa. Nó chứng tỏ một cách đầy đủ rằng những cư dân thiểu số ở phía Nam Trung quốc cùng với những cộng đồng khác ở khắp Trung quốc, đã tạo dựng ra nền văn hóa Trung Hoa vĩ đại”(21). Bởi vậy, ta không lấy làm lạ, các học giả phương Nam, hết lớp này đến lớp khác đã tìm cách chứng minh trống đồng và những hoa văn trên trống là truyền thống trung nguyên. Thí dụ : về hình thuyền trên trống đồng, một số học giả Việt như Đào Duy Anh, có thể chịu ảnh hưởng từ Gouloubew, cho rằng đó là hình ảnh diễn tả một tín ngưỡng truyền thống Việt dùng thuyền để đưa linh hồn người chết về thế giới bên kia mà sau này danh từ Phật giáo gọi là cõi Niết Bàn. Các học giả Trung Hoa không tin như vậy. Họ cho rằng hoa văn đó chỉ là phản ánh phong tục đua thuyền rất phổ biến tại Trung quốc (22) đã có từ rất xa xưa (23). Thậm chí họ còn viện dẫn thơ văn từ thế kỷ thứ 3 trước Kỷ Nguyên như thơ của Qu Yuan đời Chu để bảo vệ luận điểm của mình (24). Một thí dụ khác : Về hình ảnh con chim mỏ dài, chân dài được trang trí ở hầu hết các trống đồng loại I, theo học giả Việt, có người gọi đó là chim Lạc (ĐDA), đa số thì gọi đó là con cò, một biểu trưng của văn minh nông nghiệp, của đồng ruộng Việt Nam. Nó tiêu biểu cho sự cần cù, siêng năng của nông dân Việt (25). Có tác giả còn đi xa hơn, cho hình ảnh của những con chim biển bay trên những thuyền chiến chở chiến binh cho ta cái hình ảnh một dân tộc vùng biển, xây dựng sự chính thống và quyền hành nước mình trên tinh thần sông nước, tự giác và biệt lập, đó là tinh thần của người Việt Nam (26). Học giả Trung Hoa cũng cho các chim trên hình trống đồng là con cò, nhưng phủ nhận đó là biểu trưng của người nông dân Việt cổ. Theo họ, cò là do ảnh hưởng văn minh Trung Hoa mà có. Nó được dùng để trang trí cho các trống ở Trung quốc từ thời nhà Chu. Họ viện dẫn những chứng cớ lấy từ các ngôi mộ cổ thuộc văn hóa Ngưỡng Thiều ở Hà Nam, Hà Bắc dể chứng minh điều đó và dẫn đến kết luận chim trên trống đồng Đông Sơn là bắt chiếc theo mẫu nhà Chu (27).
Cũng cùng một cung cách ấy, họ tìm cách chứng minh những hoa văn khắc trên trống đồng, từ mô hình mặt trời nằm giữa ở hầu hết các trống đến hình tượng cóc, hươu, hổ, báo, thậm chí đến các hoa văn hình học đều có nguồn gốc đâu đó ở Trung quốc, đều đã thấy ở mộ chí A hay B vào thời đại X hoặc Y nào đó từ xa xưa, để đi đến kết luận trống đồng Đông Sơn chỉ là hậu duệ, là hình thức mô phỏng một kiểu thức đã có trước ở Trung Hoa. Lý luận của họ không phải là không có cơ sở. Nhìn sự việc suốt chiều dài lịch sử nhân loại, ta không phủ nhận sự di dân hay nói cho rõ hơn, chiều di chuyển của văn hóa có lúc từ Bắc xuống Nam, có khi ngược lại, từ Nam lên Bắc. Bởi vậy, xét lịch sử có thể xét theo nhiều tầng, nhiều giai đoạn. Thí dụ : ở giai đoạn A, rõ ràng văn hóa miền Nam ảnh hưởng đến văn hóa miền Bắc thì ở giai đoạn B, ngược lại, có chiều hướng văn hóa miền Bắc ảnh hưởng văn hóa miền Nam. Do vậy, muốn có cái nhìn tổng thể, thì phải tìm về uyên nguyên của nó.
Bây giờ xin hãy quay lại thí dụ về thuyền và chim ở trên. Ta hiểu rằng khi đã đem khắc họa vào trống đồng, hình trong hoa văn hẳn phải có tính biểu trưng rất cao cho nền văn minh chủ nhân của trống đó. Vậy hãy tạm quên đi những lý luận của hai bên học giả Hoa, Việt, căn cứ vào những dấu chứng khách quan, thử đặt câu hỏi : vậy thuyền và chim nên coi là biểu trưng của nền văn minh nào? Văn minh Hoa Hán phương Bắc ? Hay văn minh Bách Việt phương Nam ? Để trả lời cho câu hỏi này, ta có thể đứng trên hai bình diện: bình diện lịch sử và bình diện khoa học.
TRÊN BÌNH DIỆN LỊCH SỬ
Ta biết rằng vùng Tây Bắc Trung Hoa ngày nay, cụ thể là ba tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây và Bắc Hà Nam vốn là quê hương của người Hoa Hán. Họ vốn là dân du mục, chuyên sống bằng nghề săn bắn. Thực phẩm chính của họ, ngoài thịt thú hoang, là lúa tắc hay lúa mì, nghĩa là giống lúa trồng trên ruộng khô. Cho đến nay, thực phẩm chính của họ vẫn là mì. Vậy ăn mì và di chuyển bằng ngựa là hai đặc tính chính của dân Hoa Hán. Tại miền Nam và Đông Trung Hoa ngày nay, trên một giải đất mênh mông, đồng bằng của nhiều con sông lớn như Hoàng Hà, Dương Tử, Tây Giang và vô vàn những con sông nhỏ, lưng lại dựa vào biển Đông, là quê hương của nhiều tộc, tuy sau này chịu ảnh hưởng của môi trường, họ càng ngày càng phân hóa thành những cộng đồng nhỏ tách biệt, nhưng khởi thủy họ thuộc cùng một đại tộc, có một ngôn ngữ chung. Sử gọi họ là đại tộc Bách Việt. Sau này, họ chia thành nhiều nước nhỏ khác nhau, nhưng vẫn có chung những truyền thống văn hóa mà nhà sử học thiên tài, Joseph Needham, trong tác phẩm vĩ đại trên mười ngàn trang, đã tóm lược vào 25 điểm như sau :
1. Văn hóa biển và sông nước
2. Kỹ thuật đóng tầu dài
3. Đặc điểm nhà làng để cho dân tụ tập sinh hoạt
4. Tục đua thuyền
5. Huyền thoại con rồng
6. Thờ phụng loài rắn
7. Tục linh thiêng hóa ngọn núi
8. Đặc thù về giống chó
9. Văn minh trống đồng
10. Thuật dùng nỏ bắn bằng tên
11. Phép làm quần áo bằng vỏ cây
12. Tục xâm mình
13. Đốt rừng làm rẫy
14. Hội về mùa xuân và mùa thu cho trai gái vui chơi để tự do lựa vợ kén chồng
15. Văn minh trồng lúa nước
16. Thuật đào mương dẫn nước
17. Thuật làm nương rẫy
18. Phép thuần hóa trâu để cầy
19. Tục thờ cúng ông bà
20. Tục giết heo để cúng bái
21. Tục cầu tự
22. Thuật làm khí giới có chất độc
23. Thuật trồng cây tre và sử dụng dụng cụ bằng tre
24. Kỹ thuật đúc sắt 25. Kỹ thuật làm sơn mài
(Science and Civilization in China – Introduction) (28)
Xin chỉ nhấn mạnh vào 4 điểm của các tộc phương Nam :điểm 1 – văn hóa biển và sông nước;
điểm 2 – kỹ thuật đóng tàu dài;
điểm 3 – tục đua thuyền;
điểm 4 – văn minh trồng lúa nước.
Gần đây trong một tác phẩm mới được đưa lên mạng internet nhưng chưa xuất bản, nhà sử học Jeffrey Barlow cũng nhắc đến ý kiến của các học giả Trung Hoa hiện đại nói về đặc trưng của văn hóa Bách Việt. Yu Tianjin và đồng nghiệp nêu 9 đặc trưng của văn hóa Bách Việt là :
1. Tục cắt tóc ngắn và xâm mình
2. Kỹ thuật làm nhà sàn
3. Tục mặc quần ngắn hay váy ngắn, đội khăn
4. Sử dụng trai, sò và các động vật lưỡng tính (vừa ở trên cạn vừa ở dưới nước) làm thực phẩm chính
5. Nhổ răng (?)
6. Truyền thống đàn ông tham dự vào tiến trình sinh nở và săn sóc hài nhi để đàn bà được sớm ra làm đồng
7. Đúc trống đồng và sử dụng trống trong những dịp cúng tế
8. Tục bói bằng xương, đặc biệt xương gà
9. Tín ngưỡng vật tổ, đặc biệt đối với chim, rắn .
GS. Chen Guoqiang và đồng nghiệp thêm vào bảng trên 4 đặc trưng văn hóa sau :
1. Tục mai táng theo thế bó gối
2. Chuyên sử dụng thuyền bè và giỏi hải chiến
3. Sản xuất gốm và sứ theo dạng hình học
4. Có kỹ thuật dệt vải phát triển (29)
Căn cứ vào những đặc trưng văn hóa trong các bảng liệt kê kể trên và phối hợp với những kiến thức thông thường trong lịch sử cũng như trong thực tế, ta có thể kết luận : dân Việt là dân sớm định canh, định cư, trồng lúa nước nên gạo là thực phẩm chính; ở gần và giỏi về sông nước nên di chuyển bằng thuyền là chính. Chúng ta lại biết cò là loài gắn liền với ruộng lúa nước. Vậy tưởng có thể kết luận mà không sợ sai lầm là cò và thuyền biểu trưng cho văn hóa Bách Việt hơn là cho văn hóa Hoa Hán vì người Hoa Hán vốn trồng lúa tắc, lúa mì trên ruộng khô và phương tiện di chuyển chính là ngựa. Cũng cùng một lối nhìn như vậy, ta có thể chứng minh các hoa văn hình cóc, hình người giã gạo, hình mặt trời trên hầu hết trống đồng là đặc trưng của văn hóa phương Nam.
Đến đây, một câu hỏi cần có câu giải đáp là: vậy những hoa văn trên trống đồng, nhất là trên trống Heger I, là biểu trưng của văn hóa phương Nam; hơn nữa, những bảng liệt kê của Joseph Needham cũng như của các học giả Trung Hoa đều nói rằng trống đồng do người Bách Việt chế tạo ra, đã đủ để kết luận tổ tiên người Việt Nam ngày nay là chủ nhân ông của trống đồng chưa ? Tưởng đến đây câu trả lời mới chỉ là : trống đồng là sản phẩm của Đại tộc Bách Việt, chưa thể biết chắc nó phát xuất từ đâu trước, đồng bằng sông Hồng (Việt Nam), hay sông Tây Giang (Quảng Tây), hay quanh Hồ Điền (Vân Nam) ?
Muốn xác định rõ hơn chi tiết, cần tìm thêm bằng chứng trong khoa học.
TRÊN BÌNH DIỆN KHOA HỌC
Có nhiều ngành như dân tộc học, ngôn ngữ học, thẩm mỹ học, phong tục học, có thể giúp ta biết được văn hóa và đời sống của con người thời tối cổ. Ở đây, ta chỉ chọn ba ngành có liên quan mật thiết đến đề tài để giúp tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên.
KHẢO CỔ HỌC
Môn học này gần đây rất phát triển ở vùng Hoa Nam, đặc biệt trong giai đoạn đồ đá. Trước Thế Chiến thứ II, Trung Hoa mới chỉ có một trung tâm khảo cổ phát triển. Đó là Ngưỡng Thiều ở vùng Hà Nam, Anyang. Vì vậy, trong một thời gian khá dài, khoa tân sử học và khảo cổ học Trung Hoa vẫn cho Hoa Bắc là cái nôi duy nhất của văn minh Trung Hoa, và nguồn gốc của người Trung Hoa. Sau Thế Chiến II, nhất là từ thập niên 1950, khi Trung Cộng đã làm chủ toàn cõi Trung Hoa, giải phóng các dân thiểu số phương Nam độc lập với người Hán, khuyến khích khoa học khảo cổ phát triển, người ta mới khám phá ra rằng tại Hoa Nam đã có những nền văn minh cổ hơn Hoa Bắc rất nhiều. Ở các di chỉ vùng Quảng Tây (Bạch Liên Động, C14 = 19910 ± BC), Quảng Đông (Độc Thạch Tử, C14 = 14260 ± 130BP), phóng xạ C14 đã cho thấy dấu vết sinh sống của loài người cả gần 20.000 năm trước Kỷ Nguyên, nghĩa là có trước vùng Ngưỡng Thiều rất xa ! Chứng tích này so với dấu vết ở di chỉ Thẩm Khương (C14 = 3300 ± 2500BC), Thẩm Khuyên (C14 = 32100 ± 150BC) miền Bắc Việt Nam thì muộn hơn khoảng 10.000 năm. Càng lên miền Bắc Trung Hoa ngày nay thì càng có dấu tích loài người sinh sống muộn hơn. Ở các di chỉ này, người ta tìm thấy những di vật bằng đá giống nhau như rìu có vai, rìu có nấc, mũi khoan đá… Khảo cổ học gọi đó là Văn Hóa Hòa Bình. Căn cứ vào những chứng tích khảo cổ này, người ta đã phỏng đoán loài người tập trung đâu đó miền biên giới Hoa Việt ngày nay rồi từ đó phân tán đi các nơi khác mà chủ yếu là lên phía Bắc, phần đất nay là nước Trung Hoa.
Bước đến giai đoạn hai, thời kỳ đồng thau, người ta cũng lại thấy một hiện tượng tương tự, nhưng khoảng niên đại cách nhau gần hơn : đồ đồng đầu tiên người ta tìm thấy ở di chỉ Gò Bông thuộc Văn Hóa Phùng Nguyên có niên đại C14 = 1850 ± 60BC. Kế đến là đồ đồng ở Đồng Đậu, Gò Mun, rồi đến Đông Sơn, C14 = 850 ± 120BC là phát triển nhất. Về kỹ thuật hợp kim cũng lần lần hoàn chỉnh hơn theo các nền văn minh này :
– Ở Phùng Nguyên, hợp kim đồng chỉ có hai chất: đồng + thiếc
– Ở Đồng Đậu và Gò Mun, có thêm antimoin: đồng + thiếc + antimoin
– Ở Đông Sơn có thêm chì: đồng + thiếc + chì
Phải nói ngay rằng việc cho chì vào đồng và thiếc là một phát minh vĩ đại, vô tiền khoáng hậu của các nhà khoa học kỹ thuật Đông Sơn. Nhờ vậy, đồng có độ bền dai vô cùng, có thể dát mỏng làm mặt trống mà tha hồ đánh không thủng. Nói vô tiền vì trước đó chưa đâu làm được. Nói khoáng hậu vì cho đến ngày nay, người ta cũng không tìm được một hợp kim nào bền dai như vậy. Bằng cớ là ngày nay người ta làm giả trống đồng bằng những phương pháp hợp kim mới nhất, nhưng chưa bao giờ chế được trống đồng giống và tốt như thời Đông Sơn ! (30). Cần nhấn mạnh hợp kim đồng ở Thái Lan, Cambodia rất cao cấp nhưng không có chì. Cũng cần nói thêm một yếu tố nữa có thể hậu thuẫn cho giả thuyết trống đồng có ở phần đất nay là Việt Nam sớm hơn các nơi khác là vì đây là quê hương của các mỏ đồng, chì, thiếc. Cổ thư Trung Hoa như Hoa Dương Quốc Chí đời Tấn, Man Thư đời Đường, Thiên Công Khai Quốc đời Minh đều nhấn mạnh các mỏ kim loại về đồng, thiếc, chì thường thấy ở phía Tây Nam chứ miền Đông Bắc Trung Hoa không có. Thiên Công Khai Quốc còn ghi rõ mỏ này ở phía Tây Nam thuộc nước Đại Việt. Gần đây, vài tác giả Nhật cho rằng tại Hồ Nam có mỏ đồng và thiếc (31), và đó là điểm tựa để học giả Trương Quang Trực phản bác thuyết thời cổ đại Trung Hoa không có kỹ nghệ đồ đồng. Tuy nhiên, nhận xét của học giả Nhật không có nghĩa là cổ thư Trung Hoa đã sai lầm mà có thể chỉ bởi với kỹ thuật ngày xưa, mỏ đó chưa được khám phá hay chưa có thể khai thác thực tế. Ngay mỏ đồng căn bản cho kỹ nghệ đồng Vân Nam thuộc phủ Khai Hóa có tên Na Ngọ cũng chỉ mới được Pháp nhường cho Trung Hoa để đổi lấy việc quân Mãn Thanh không can thiệp vào việc người Pháp đánh chiếm Việt Nam mới hơn 100 năm trước đây. Theo sử gia Lê Quý Đôn, mỏ này trước kia có tên là Tụ Long thuộc châu Vị Xuyên, tỉnh Tuyên Quang nước ta, mà ngày ấy mỗi năm đã sản xuất được 225 tấn (32).
Vậy căn cứ vào khảo cổ học, ta có thể kết luận mà không sợ sai lầm là đã có sự liên hệ hữu cơ giữa văn hóa sông Hồng và văn hóa Hoa Nam mà nhiều dấu hiệu cho thấy là sự phát tích có thể từ trung tâm sông Hồng. Mặt khác, sự liên hệ giữa văn hóa Hoa Nam với văn hóa Ngưỡng Thiều chỉ đến rất muộn sau này.
DI TRUYỀN HỌC
Đây là môn học rất mới, nhưng trong liên ngành, kết quả của nó thường nói tiếng nói quyết định. Và kỳ diệu thay, cũng chính học giả Hoa Nam, GS. J. Y. Chu và đồng nghiệp của ông tại Đại học Vân Nam, hợp tác với các GS. ở Hoa Kỳ, đã chứng minh được rằng con người ở Trung Hoa không phải là phát sinh tại chỗ, mà theo di truyền học DNA, họ từ Đông Nam Á di lên. Người ở Đông Nam Á đây, vì còn thiếu những khảo cứu về con người trên phần đất Việt Nam, nên chưa thể khẳng định có phải nguồn gốc là từ Hòa Bình, tổ tiên của người Việt không ? Nhưng ít ra đến đây cũng có thể rút ra hai kết luận :
– Một: con người khởi thủy đã di cư từ Nam lên Bắc chứ không phải từ Bắc xuống Nam.
– Hai : người Hoa Nam với người Việt Nam ngày nay theo di truyền học là cùng một gốc. Trái lại, người Hoa Nam với người Hoa Bắc (Hoa Hán), khác nhau một tầng nữa vì người Hoa Nam lai giống với người Altaic từ phương Bắc di đến (khoảng 15.000 năm trước đây) mà thành người Hoa Hán (33).
HẢI DƯƠNG HỌC
Phát minh mới nhất chúng tôi muốn đề cập đến là phát minh của GS. Stephen Oppenheimer trong tác phẩm Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia (Thiên Đàng ở phương Đông: Lục địa bị chìm đắm ở Đông Nam Á) (ttt). Có ba điều mà lý thuyết của S. Oppenheimer đã bổ khuyết và làm cho rõ hơn những khám phá có trước đó :
– Một : Cuộc biển tiến mà người ta nói đến trước đây không phải tiến một cách đều đặn mỗi năm 10mm mà đã có ba cuộc đột biến. Cuộc đột biến cuối cùng xẩy ra cách đây 8.000 năm đã nhận chìm nền văn minh Đông Nam Á bao gồm cả hai đại lục Sundaland (lưu vực sông Mekong đến Nam Dương ngày nay) và đại lục Nanhailand) lưu vực sông Hồng đến đảo Hải Nam ngày nay).
– Hai : Cuộc biển tiến đột ngột 8.000 năm trước đây chính là trận Đại hồng thủy đã được nói đến trong Kinh thánh và đã đưa những người sống sót của nền văn minh đầu tiên của nhân loại ở đồng bằng hai con sông nay gọi là sông Cửu Long và sông Hồng này đi đến các nơi khác xây dựng các nền văn minh khác trên thế giới : Trung Hoa, Ấn Độ, Trung Đông
– Ba : Những sáng chế quan trọng nhất như trồng lúa, hàng hải, xây cất đô thị
đã từ nền văn minh cổ nhất này theo chân những người di tản đi các nơi khác.
Lý thuyết của S. Oppenhaimer tuy chưa được chấp nhận là lý thuyết cổ điển có tính hàn lâm, nhưng cho đến nay cũng chưa có học giả nào phản bác. Hầu hết đều khen ngợi, có học giả còn cho tác phẩm của ông là quan trọng nhất trong ngành Đông Nam Á học (34).
Khảo cổ học tuy chưa chứng minh được những người cổ thuộc trung tâm văn hóa Sundaland, Nanhailand này đã nắm vững được kỹ thuật đồng thau trước khi có nạn Đại hồng thủy, nhưng có bằng cớ họ đã thủ đắc kỹ thuật trồng lúa nước, kỹ thuật hàng hải, thiên văn và nhiều kỹ thuật văn minh khác trước khi vì biển tiến họ phải di tản đi nơi khác. Tưởng cũng có thể suy đoán ra, vì là nguồn gốc văn minh sớm vào bậc nhất của nhân loại, họ cũng có thể là những người đã biết đến kỹ thuật đúc kim loại sớm nhất. Nếu kỹ thuật đồng thau được hậu duệ của họ, những người ở châu thổ sông Hồng phát huy sớm nhất thì cũng là điều hợp lý có thể hiểu được.
Cuộc tranh luận của hai bên để giành chủ quyền trống đồng đã biến bầu không khí tiền sử ở vùng này trở thành u ám như nhận xét của Charles Higham (35) khiến người ta không còn chú ý đến sự thực là tộc thiểu số ở Quảng Tây, chủ yếu là người Nùng – Zhuang (Nam Việt), hay tộc thiểu số ở Vân Nam – chủ yếu là người Choang (Pu – Âu Việt) và người Việt ở Việt Nam – chủ yếu gốc Lạc Việt, đều thuộc chung một đại tộc mà sử thường gọi là Bách Việt (The Hundred Yue) (32). Trống đồng hay rõ hơn, tư tưởng, kỹ thuật trống đồng, di sản của tổ tiên chung của cả ba tộc Việt này và nhiều tộc Việt khác nữa ở miền Đông Trung Hoa, ở hải đảo Thái Bình Dương. Ba trung tâm lớn nhất của trống đồng là ở Đông Sơn, (châu thổ sông Mã, sông Hồng), Vạn Gia Bá (Hồ Điền, Vân Nam) và Bắc Lưu (Quảng Tây). Tùy theo hoàn cảnh, theo môi trường (mỏ đồng), theo tài khéo của nghệ nhân, nơi này có thể làm sớm hơn, to hơn, đẹp hơn nơi khác một chút. Nhưng nói chung, đó đều là sản phẩm của nền văn minh Bách Việt. Trong tất cả các giống Việt này, may mắn nhất là giống Lạc Việt, giống duy nhất còn giữ được nhà nước độc lập, không bị đồng hóa với văn minh Hoa Hán. Tất nhiên trong sự nghiệp vĩ dại và thần kỳ đó, hẳn phải có sự tiếp tay, thường là của những thủ lãnh tài ba, can trường nhất của tộc Bộc Việt ở miền Kinh Sở, tộc Liêu Việt ở miền Hồ Quảng, tộc U Việt ở miền Triết Giang, tộc Mân Việt ở vùng Phúc Kiến, và tất nhiên sự đóng góp của tộc Nam Việt ở vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây), Âu Việt ở vùngVân Nam là quan trọng và nhiều hơn cả. Đất nước độc lập đó ngày nay có tên là Việt Nam. Vô hình chung, Việt Nam là cái nôi, là đất tổ của tất cả các tộc Bách Việt. Nhiệm vụ phải giữ gìn cái nôi văn minh này, vùng đất hương hỏa này, nền văn minh kỳ diệu này của đại tộc Bách Việt, tưởng phải là nhiệm vụ chung. Vả lại, một bộ phận của đại tộc Bách Việt, nay nếu không may trở thành dân một nước khác, mang quốc tịch khác, đâu còn tư cách để tranh giành chủ quyền những di vật văn hóa, những vật thiêng tiêu biểu của văn minh đại tộc, với chính người anh em đang có nhiệm vụ giữ gìn hương hỏa và làm sống lại nền văn minh tổ tiên truyền lại ?!
Bây giờ ta hãy thử tìm hiểu lý do tại sao lại có sự tranh giành chủ quyền trống đồng một cách dai dẳng như vậy giữa hai phía học giả Hoa – Việt.
XÉT VỀ PHÍA HOA
Đã có lý thuyết cho rằng sở dĩ các học giả người Hoa phải cố tranh đấu để giành chủ quyền trống đồng vì e phía Việt Nam viện lý do là chủ nhân ông của văn minh trống đồng mà đòi lại đất miền Hoa Nam vốn cũng thuộc văn minh này (36). Ta đã biết văn thơ cũng như sách sử Trung Hoa đã biết đến trống đồng từ lâu nhưng trước kia vẫn cho đó là sản phẩm của người Man, của phương Nam. Sự tranh cãi chủ quyền chỉ xẩy ra từ sau Thế Chiến II. Bảo rằng Trung Hoa sợ Việt Nam nhân được công nhận là chủ nhân ông của trống đồng mà đòi lại phần đất phía Nam Trung Hoa vốn thuộc văn minh trống đồng thì cũng không phải là không có cơ sở, nhưng chưa có tính thuyết phục. Bởi Việt Nam đang ở thế phải nhờ vả Trung Hoa, ở thế yếu, chưa phải ở thế có thể đòi đất. Vả đa số những học giả Trung Hoa tham dự vào cuộc tranh luận này chỉ là học giả phương Nam, cụ thể là học giả hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Có thể đây chỉ là việc phải làm, chưa chắc đã là việc muốn làm, ít ra là trong thời gian hiện tại, khi khoa học đã phơi bày khá rõ và khá đủ những di chứng cổ xưa, nhất là đối với các tác giả vốn gốc Bách Việt.
XÉT VỀ PHÍA HỌC GIẢ VIỆT
Có thể khi tham gia vào cuộc tranh luận này, các học giả Việt đã quan niệm họ vừa làm nhiệm vụ của nhà khoa học, tranh đấu cho sự thực được sáng tỏ, vừa làm nhiệm vụ của một con dân phải bảo vệ gia bảo của tổ tiên để lại. Đến đây, một câu hỏi người viết muốn đặt ra là : phải chăng trống đồng chỉ là một gia bảo như những gia bảo khác mà tổ tiên người Việt đã để lại; và bảo vệ nó là muốn chứng tỏ người Việt cũng đã từng là dân tộc văn minh trong thời tối cổ chứ không phải dân ăn lông ở lỗ như các thế lực thù nghịch vẫn từng nhục mạ ? Hay có thể trống đồng là một gia bảo đặc biệt, ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc, và đến một thời điểm thuận tiện nào đó, có thể cho thấy hết ý nghĩa của nó phát huy được tinh hoa của giống nòi, góp phần đem được vinh quang về cho dân tộc ?
Muốn trả lời câu hỏi này được thỏa đáng, ta phải giải mã được các hoa văn và nói lên được hết ý nghĩa bí truyền của trống đồng. Người viết bài này có lòng tin vào giả thiết thứ hai này. Và sẽ xin cố gắng biểu lộ lòng tin này vào việc trình bầy ý nghĩa của trống đồng trong đoạn IV dưới đây. Bây giờ chỉ xin phép được ôn lại giai đoạn Mã Viện chôn cột đồng với lời nguyền : “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”.
Chuyện kể như sau : Vào năm 40 sau Kỷ Nguyên, Hai Bà Trưng quê ở Châu Phong, vùng Việt Trì ngày nay, giận quân Đông Hán tham tàn và muốn nối lại nghiệp Vua Hùng, đã nổi lên đánh đuổi quân thù giành lại độc lập. Sử chép : “Hô một tiếng mà các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành trì ở Lĩnh Nam đều hưởng ứng. Việc xưng vương dễ như trở bàn tay” (Lê Văn Hưu, ĐVSKTT, trg 146). Tóm lại, Hai Bà không những đã đuổi quân Hán ra khỏi phần đất nay là Bắc Việt và Bắc Trung Việt, mà còn lấy lại được những phần đất nay thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, đảo Hải Nam, Quý Châu, Hồ Nam, Giang Tây, Phúc Kiến, những đất tiếp giáp với bờ Nam sông Dương Tử. Có thể phần lãnh thổ dưới quyền cai trị của Hai Bà tương đương với cương vực nước Văn Lang của Vua Hùng thời trước. Vua Hán đã sai Mã Viện phản công. Và không biết bằng thủ đoạn nào, Mã Viện đã gây chia rẽ được các tộc Bách Việt để cuối cùng đánh thắng, khiến Hai Bà phải trầm mình ở sông Hát. Một cuộc trả thù đã diễn ra nhằm diệt chủng dân Việt. Để bảo tồn nòi giống, những biện pháp ẩn mình khôn ngoan đã được áp dụng.
Những câu ca dao như:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Hay :
Người trồng cây Phúc người chơi
Ta trồng cây Hạnh để đời về sau
Tương truyền đã được lưu hành trong dân gian từ thời này.
Muốn tìm hiểu cuộc diệt chủng này tàn khốc đến mức nào thì cứ xem việc Đức Quốc xã thủ tiêu hàng loạt người Do Thái trong Thế Chiến thứ II vừa qua thì đủ rõ. Chính trong bối cảnh đó đã lưu truyền chuyện Đồng trụ kể trên. Vì sợ cột đồng bị mất, người dân Việt ai đi qua cũng lấy một nắm đất ném vào chân cột. Chuyện kể là lâu dần cột đồng bị đất đè kín, đến nay không biết dấu vết ở đâu. Nhưng nếu theo đúng lời nguyền, cột đồng đã mất, Giao Chỉ cũng không còn ! Và phải trở thành một tỉnh, quận nào đó của Hán, như Quảng Đông, Quảng Tây … Đằng này Giao Chỉ vẫn còn. Không những còn mà đời nọ kế tiếp đời kia, vẫn anh dũng nổi lên đánh đuổi quân Bắc, cuối cùng giành được độc lập, lại mở mang bờ cõi, trở thành nước duy nhất của đại tộc Bách Việt cho đến ngày nay. Giao Chỉ còn thì đồng trụ theo định lý đảo của lời nguyền kể trên cũng phải còn, vậy nay nó ở đâu ?
Bây giờ quay lại quan sát một trống đồng, ta thấy nó giống hệt một thân cây bị cắt ngang. Mặt trống có nhiều vòng đồng tâm bao quanh một cái lõi chẳng khác mặt cắt của một thân cây. Vòng trong cùng là lõi biểu trưng cho thân cây mới mọc, mỗi vòng bao bên ngoài biểu trưng cho một thời kỳ tăng trưởng khi cây lớn dần lên. Vậy đồng trụ phải chăng muốn ám chỉ trống đồng ? Đã có lý thuyết cho rằng trống đồng là một “Cây vũ trụ”. Tìm hiểu trống đồng chính là tìm hiểu cây vũ trụ. Biết ý nghĩa của trống đồng có thể biết được ý nghĩa sự hình thành vũ trụ và con người (37).
Ta lại quay về truyền thuyết đồng trụ kể trên. Câu chuyện này chỉ có lợi chứ không có hại gì cho dân Việt. Nó cảnh tỉnh dân ta rằng phải cố giữ lấy đồng trụ, lấy trống đồng bằng mọi giá, bởi nó là bảo vật, là linh hồn của quốc gia. Mất nó là mất nước. Một câu chuyện có ý nghĩa cao quí như vậy chẳng lẽ lại do kẻ thù của dân tộc là Mã Viện đặt ra ? Tôi ngờ rằng chuyện đó do chính tổ tiên ta truyền lại để dặn dò con cháu cái phép thiêng giữ lấy giống nòi. Nhưng để che mắt quân thù, các Ngài đã khéo che đậy bằng câu chuyện Mã Viện trồng đồng trụ. Và nếu giả thiết này có thể được tạm thời chấp nhận, thì việc tìm biết sự quan trọng của trống đồng như một bí kíp lưu truyền cho con cháu nòi Việt để hiểu những bài học mà trống đồng muốn truyền gửi lại đời sau mới là điều quan trọng, điều cần phải làm nhất.
CUNG ĐÌNH THANH
CHÚ THÍCH
1. Xiaorong Han, The Present Echoes of the Ancient Bronze Drums : Nationalism and Archaeology in Modern Vietnam and China, University of Hawaii – West Oahu. (Những phát biểu của các học giả Trung Hoa trong bài phần lớn trích theo tham luận này).
2. Lịch Sử Việt Nam, nhiều tác giả, Tập I, nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp 1985, trg 20. Phạm Việp, Hậu Hán Thư. “Viện được trống Lạc Việt ở Giao Chỉ, bèn đúc thành ngựa”.
3. Xiaorong Han, tài liệu đã dẫn, trg 1.
4. La Hương Lâm, Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa, Đài Loan, Trung Hoa thư cục xuất bản, 1955, trg 128 – 136 đề cập đến Hậu Hán thư, Quảng Châu ký, Tấn thư, Thái Bình Ngự lãm, Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử, Minh sử, Hoán Vũ ký, Thục Trung Quảng ký, Lão Học Am bút ký, Kiềm Miêu đồ thuyết, Đồng Khê tiềm chí, Quế Hải Ngu Hành chí, Chí Lãm, Lãnh Biểu lục dị, Lĩnh Biểu kỷ nam, Lĩnh Ngoại đại đáp, Dũng Chàng tiểu phẩm.
5. Wen You, Collected Pictures of the Ancient Bronze Drums, Beijing : Zhongguo gudian yishu Press, 1957 Preface.
6. La Hương Lâm trong Bách Việt Lưu giữ văn hóa – Đài Loan, Trung Hoa Thư cục, 1955, trg 98, khẳng định : “Di ca đồng cổ là đặc trưng văn hóa của Việt tộc mà người Tây Khương và người Hán không có “; Lăng Thuần Thanh trong “Ký bản hiện nhị đồng cổ kiêm luận đồng cổ dính khởi nguyên cập kỳ phân bố” đăng trong Đài Loan Đại học Văn sử Triết học báo, Đệ nhất kỳ, 1950, chủ trương: “Kỹ thuật trống đồng không chịu ảnh hưởng của người Hán, mà do giống Bộc Việt hoặc Lão Việt, sinh sống từ trung du Trường Giang về phía Nam làm ra”.
7. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Q. II, nxb Khoa học Xã hội Hà Nội 1983, trg 255 : “Phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng nước để tứ thời cúng tế và làm lễ thề”.
8. Wen You – Xiaorong Han, tlđd, trg 12.
9. Tạp chí Khảo Cổ Học 1974/13.10. Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên và Trịnh Sinh – Trống Đông Sơn – nxb Khoa học Xã hội Hà Nội 1987.
11. Hội nghị Nam Ninh tháng 3/1980 về trống đồng. Mục đích để phủ nhận trống đồng Đông Sơn do người Việt tạo ra, chứng minh trống Vạn Gia Bá (Tây Trung bộ Vân Nam) là sớm nhất. Các trống đồng khác từ trống này mà ra. Cũng có người cho trống Bắc Lưu (Quảng Tây) cũng cùng thời với trống Vạn Gia Bá. Nhóm Vạn Gia Bá cho trống đồng bắt nguồn từ nồi đồng, giống P. Lev (tạp chí Dân VN 1948, Hà Nội).12. Report 1980 : Trung Hoa có được 1460 trống đồng (tp : The Ancient Bronze Drums of China – Beijing : Wenwu Press, 1988,8 – ZGTY : Zhongguo Gudai Tonggu Yanjuihui). Chia ra : Quảng Tây : 560, Quảng Đông : 230, Thượng Hải : 230, Vân Nam : 160, Quế Châu (Guizhou) : 88, Bắc Kinh : 84, Sichuan : 51, Hồ Nam : 27, Shandong : 8, Hồ Bắc : 6, Triết Giang (Zhejiung) : 6, Liaoning : 4.
13. Niên đại C14 do Viện Nghiên Cứu Khảo Cổ Trung Hoa : 2405 ± 80 năm; Phòng Xét nghiệm Đại học Bách khoa : 2640 ± 80.
14. Xiaorong Han, sđd trg 4 .
15. Bảng phân loại theo ZGTY, tlđd.
16. Phạm Huy Thông, “Điểm thời sự’, KCH số 1/1985, trg 1 – 6, Tạp chí Cộng Sản số 5/1984).
17. LSVN, nhiều tác giả, Tập I, sđd * Tiền Hán Thư (q. 64, Liệt truyện) chép lời tâu của Gian Quyên Chi xin bãi bỏ quận Chu Nhai trên đảo Hải Nam, trong đó có đoạn nói cư dân ở đấy là “Người Lạc Việt”. * Theo Du Dịa Quảng Ký (q.37) Hoàng Châu (thuộc Quảng Tây) thời Xuân Thu (770 – 475 trước Kỷ Nguyên), Chiến Quốc (475 – 221 trước KN) là “đất Lạc Việt” và Quý Châu là đất Tây Âu, Lạc Việt. * Thái Bình Hoàn Vũ Ký cũng chép Quý Châu là “đất Lạc Việt xưa”. * Cựu Đường Thư (q. 41, Địa Lý Chí) huyện Mân Danh ỏ phía Bắc bán đảo Lôi Châu, thuộc Quảng Đông là đất “Tây Âu, Lạc Việt xưa”; huyện Uất Bình (Quý Châu) “xưa là nơi cư trú của Tây Âu, Lạc Việt”; Ung Châu (QuảngTây) “xưa là đất Lạc Việt’ và sông Tường Kha (sông Ôn Thủy) một nhánh của Tây Giang còn gọi là “sông Lạc Việt”. (Lịch sử Việt Nam I, trg 129, phần chú thích, nxb GD & THCN).
18. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, nxb Tân Việt 1958.
19. Luo Xianglin, The Hundred Yue as a Branch of the Chinese Race, Chongqing : Duli Press, 1943, 1 – 2; Xu Songshi 96 – 97, dẫn theo Xiaorong Han, tlđd, trg 11.
20.Wen You, tlđd.
21. Li Weiqing & Xi Keding, An Inquiry into the Ethnic Affiliations of the Bronze Drums of Southern China – Chengdu : Sichuan Minzu Press, 1983,427 (Xiaorong Han, tlđd).
22, 23, 24. Dẫn theo Xiaorong Han, tlđd.
25. Đào Tự Khải , Chim Lạc hay con cò? Ngôi sao hay Mặt Trời?, KCH 1974/14, trg 27…
26.Taylor Keith Weller, The Birth of Vietnam, Berkeley, Uni of Cali Press 1983, 313. 27 – Xiaorong Han tlđd.
28. Cung Đình Thanh, “Khái niệm về biển tiến ở Việt Nam”, Tập San Tư Tưởng số 3, ngày 15/7/1999, trg 11 – 16. Joseph Needham, Science and Civilization in China – Tome I : Introduction – Cambridge, England, 1956.
29.Jeffrey Barlow, The Zhuang: Ethnogenesis, Pacific University, http://mcel.pacificuedu /as/resources/zhaung/zhuangintrohtm
30. Trịnh Sinh, Trống đồng giả cổ, KCH 1997/4, trg 58.
31. Cung Đình Thanh, “Văn Hóa Đông Sơn”, Tập San Tư Tưởng số 4, ngày 39/9/1999, trg 13 – 26.
32. Tập San Tư Tưởng số 4, tlđd.
33. Nguyễn Đức Hiệp, “Khám phá mới di truyền học về nguồn gốc con người ở Đông Á (Theo Báo cáo khoa học của GS, J. Y. Chu)”, Tập San Tư Tưởng số 7, tháng 4/2000, trg 9 – 13. J.Y. Chu et al, Genetic relationship of populations in China, Proc. Natl. Acad. Sci., USA 1995, 11763 – 11768 (1998).
34. Nguyễn Văn Tuấn, “Nhân đọc Eden in The East : Đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam”, Tập San Tư Tưởng số 15, tháng 8/2002, trg 10 – 15. Stephen Oppenheimer, Eden in the East : the Drowned Continent of Southeast Asia, nxb Phoenix (London), 1998.
35. Higham Charles, The Bronze Age of Southeast Asia, Cambridge : Cambridge University Press, 1996, 134.
36. Nguyễn Duy Hinh, “Trống đồng tại Việt Nam” (Bronze Drums in Vietnam) Tạp chí KHXH, UBKHXH, 1985/3, trg 59 – 72; Lê thị Nhâm Tuyết, “Hội làng trong xã hội cổ truyền Việt Nam” (Village Festivals in Traditional Vietnamese Sosiety), Tạp chí KHXH, UBKHXH, 1985/4, trg – 51. Dẫn theo sách The Zhuang: Ethnogenesis, Pacific University, (sách chưa xuất bản).
37. N. J. Niculin, GS. Tiến Sĩ Viện Văn học Thế giới Moscow, Trống đồng Đông Sơn và quan niệm cây thế giới, bản dịch Phương Phương, tạp chí Khoa học Xã hội 1992/12 – II, Viện KHXH Việt Nam, trg 60 – 68.
One Comment
nhatnguyen
Hoa văn trên mặt trống đồng đã được giải mã , mời mọi người xem theo đường dẫn : http://www.huvu.tk
thân.