Người Việt ta dường như thích sống bằng những khẩu hiệu, phong trào, hình thức, và làm việc tùy hứng, chứ không có trách nhiệm rõ ràng. Này nhé! chúng ta hô hào ngày an toàn thực phẩm, nhưng chúng ta có lượng người bị ngộ độc thực phẩm cao nhất, nhì thế giới. Thỉnh thoảng, chúng ta lại có những ngày ra quân, làm xanh sạch thành phố (thường ngày chúng ta không giữ gìn, vệ sinh thành phố hay sao?) nhưng môi trường thành phố, kể cả nông thôn của chúng ta bẩn đến mức cơ quan bảo vệ sức khoẻ, môi trường thế giới xếp vào danh sách đặc biệt. Không phải đi đâu xa cho mệt, chúng ta hãy nhìn vào những dòng sông nước đen quánh quanh Hà Nội (có thể nói nước bẩn đen đặc, không chảy nổi) điều đó đã cho thấy tất cả. Chúng ta treo khắp nơi khẩu hiệu “Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật“, nhưng chẳng ai nghiêm chỉnh chấp hành. Đành rằng nạn trộm cướp, ăn cắp của công, tệ nạn xã hội ở nước nào cũng có, nhưng nó không nhiều trở thành đại nạn như ở Việt Nam. Một mặt chúng ta xử lý không nghiêm, các quan chức phạm tội chúng ta thường xử lý nội bộ. Với những thông lệ này, làm cho căn bệnh nhờn thuốc chữa trị ngày càng trầm trọng.
Có một điều kỳ lạ nữa, luật pháp chưa thấy động chạm đến các cấp trưởng, mặc dù cơ quan đó bê bối, trộm cắp, đục khoét tiền bạc, công qũi đủ đường. Vật tế, chỉ là những cấp phó, còn cấp trưởng ngơ ngơ, ngác ngác, cứ như người trên trời rơi xuống, vậy là hoà cả làng. Ở Đức, không bao giờ tôi thấy họ hô hào khẩu hiệu, sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nhưng họ thực sự tôn trọng luật pháp, có thể nói cách khác là họ rất sợ phạm luật. Cho nên người dân nơi đây thường bỏ ra 5, bảy euro mỗi tháng đóng cho công ty luật, (Rechtschutz) để được hướng dẫn, hoặc ra toà, mỗi khi có vụ việc xảy ra.
Chúng ta xem phim Tầu cổ, thường thấy họ nói “Trước pháp luật, vua cũng như người dân “. Không biết ngày xưa ở Tầu họ có thực hiện nghiêm chỉnh lời nói này hay không? chứ ở Đức tôi thấy họ thực thi hoàn toàn đúng với câu nói trên.
Năm 2007, toà án hành chính thành phố Leipzig xử ông đương chức giám đốc sở trật tự, công chính (sở này rất lớn, phụ trách giao thông, trật tự, cấp giấy phép hành nghề, đầu tư, cấp chứng minh thư, hộ chiếu, quản lý người nước ngoài, cấp visa xuất nhập cảnh, và cấp giấy phép lái tầu, xe. Ông này, chỉ đứng sau ông thị trưởng về quyền lực) sáu tháng tù và ba tháng làm lao công quét đường (công việc xã hội). Ông này can tội, hai lần lái xe ôtô chạy quá tốc độ, không có giấy phép lái xe. Nguyên giấy phép lái xe của ông ta đã bị cấp dưới của ông tịch thu, cũng trong một lần ông chạy xe quá tốc độ. Ở đây các tội đều được qui ra ngày tù. Một số tội không thấy cần phải giam giữ, người ta cho nộp tiền phạt, nhưng tiền phạt tính theo thu nhập của người bị phạt. Thí dụ cùng một tội, ngày phạt tù như nhau, nhưng nộp tiền phạt mỗi người trả khác nhau..
Cũng gần đây, toà án München có xử phạt cầu thủ, đội trưởng bóng đá FC-B.München, mười ngày tù, tương đương với 140 ngàn euro (bởi vì lương của cầu thủ này gần 4 triệu euro một năm). Anh này can tội nói bậy, khi bị cảnh sát kiểm tra xe trên đường cao tốc. Sau khi nghe toà tuyên phán, cầu thủ này đã chịu nộp phạt 140 ngàn euro, thay cho 10 ngày ngồi tù. Cũng tội danh này, những người nhận trợ cấp xã hội, hoặc thu nhập thấp, chỉ phải nộp phạt 80 đến 100 euro mà thôi. Quả thật, phạt kiểu này có sức răn đe rất lớn, nhất là những kẻ có thói ngông nghênh, cậy lắm của nhiều tiền làm càn cũng phải dè chừng.
Ở Việt nam ta nói đến địa vị, chức quyền, nhiều người đấu đá tranh giành nhau cho kỳ được, nhưng vì trình độ lãnh đạo, chuyên môn kém, gây ra nhiều lỗi lầm. Khi nói đến trách nhiệm, các vị lẩn tránh hết trơn, hoặc quanh quẩn giải thích tại cái này cái nọ…, vân vân và vân vân, chứ đố thấy ai dám nhận cái sai về mình. Không biết danh dự, tự trọng của kẻ sĩ thời nay đi đâu rồi.
Vụ việc sách giáo khoa của học sinh phổ thông là một thí dụ. Đã gọi là sách giáo khoa, là phải chuẩn mực, rõ ràng và rành mạch. Sách giáo khoa, bán cho học sinh rồi lại bắt các em tự tẩy xoá, sửa chữa, những sai sót của người làm sách. Việc này có lẽ chỉ có xảy ra ở Việt nam, và chỉ có bộ giáo dục Việt Nam mới (đủ dũng khí) làm như vậy. Nếu cứ sử dụng những cuốn sách này, chúng tôi cho rằng, chính trong thâm tâm người học cũng coi thường người viết sách, làm sao mà học tốt có hiệu quả cao được. Thế mà người có trách nhiệm cao ở bộ giáo dục, cho đó là bình thường. Không biết ông này có nghiên cứu gì về giáo dục của nước ngoài hay không? mà ông ta dám nói nhiều nước cũng như vậy. Thật là sự ngụy biện tẩm bậy. Tôi xin hỏi bộ giáo dục, nước nào cũng làm sách giáo khoa sai be bét, sửa chữa đính chính nhiều đến 3 cuốn như ở Việt Nam?.Cũng luận điệu đó, trả lời báo chí, ông viện phó viện giáo dục nói:
– Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các nhà chuyên môn, các nước khác cũng làm vậy, sau đó sửa chữa thành bộ sách tốt nhất.
Thật là buồn cười, các ông là những người ăn lương của nhà nước, mang danh là những nhà nghiên cứu đầu nghành về giáo dục, không độc lập làm nổi một bộ sách giáo khoa cho ra hồn. Sách đã in, đã bán cho học sinh rồi, sau đó các vị mới nói sẽ sửa chữa hoàn chỉnh cho năm sau. Cảm thấy trình độ kém không làm nổi, tại sao các vị không xin ý kiến trước khi in ấn? Không rõ trách nhiệm, và những lãng phí này, ai là người gánh chịu?.
Nói, nhà thơ Trần Mạnh Hảo phải ngửa mặt lên trời mà kêu, mà than, vì những việc làm của ngành giáo dục VN, qủa thực không ngoa chút nào. Theo chúng tôi được biết ở các nước khác, cũng như ở Đức, sách giáo khoa đều do các công ty tư nhân làm, chứ không phải bộ giáo dục. Họ có nhiều bộ sách khác nhau, bang nào cảm thấy bộ nào hay, thích hợp thì họ dùng bộ sách đó. Tất nhiên chương trình giáo dục phổ thông ở Đức không thống nhất, có bang học sinh học 12 năm, có bang học 13 năm mới tốt nghiệp. Nhưng về bằng cấp có giá trị như nhau. (tiểu bang tương đương với khu vực ở VN).
Học sinh ở Đức không phải đóng tiền học phí, sách giáo khoa chỉ phải mua một vài cuốn, còn lại mượn của nhà trường. Ở trong lớp học mỗi học sinh có một hộc tủ, có khoá mở riêng để sách vở, cho nên cặp sách cũng nhẹ nhàng, bài tập về nhà cũng ít chứ không nặng nề, căng thẳng như ở Việt Nam. Do tư nhân làm sách, nên họ làm cẩn thận, chất lượng cao, tuyệt đối không lãng phí. Theo chúng tôi, không nên để con em chúng ta học những cuốn giáo khoa lèm nhèm, cẩu thả đó. Với những cuốn giáo khoa này, không thể làm gương, làm mẫu cho các em noi theo, mà từ đây góp một phần không nhỏ hình thành một thói quen cẩu thả, một nhân cách xấu cho các em. (nói như một số, nhà văn, nhà báo trong nước là phản giáo dục).
Trách nhiệm tập thể, chung chung, không rõ ràng, thường không gắn với luật pháp, cho nên ở các công sở của ta, có khen thưởng thường tranh nhận, có tội lỗi thì trốn tránh, đùn đẩy, và có hàng trăm lý do để biện bạch.Ở các nước, trách nhiệm với công việc cụ thể, được đặt lên hàng đầu.Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trước đây ít năm, nước lũ của dòng sông Elber dâng cao ngập toàn bộ thành phố Grimma, (cách Leipzig thành phố chúng tôi cư ngụ 30 km). Vì nước lũ dâng đột ngột, nhiều gia đình không kip chuyển đồ đạc lên cao nên bị hỏng cả. Sau khi nước rút, những cư dân có đồ đạc bị hỏng kiện cơ quan dự báo thời tiết ra toà về tội, làm việc không hết trách nhiệm, đã thông báo cho dân chúng thành phố quá trễ về tình hình nước lũ, làm cho họ không đủ thời gian di chuyển đồ đạc. Nếu như họ được thông báo sớm hơn, đồ đạc của họ sẽ không bị hỏng, mà việc này cơ quan dự báo thời tiết hoàn toàn có thể làm được. Họ đòi cơ quan này phải bồi thường hoàn toàn thiệt hại. Toà phán quyết cho người dân thắng kiện. Tôi có anh bạn cũng là người Việt sống ở thành phố này, được bồi thường một số tài sản và một chiếc vô tuyến.
Nói người dân Việt Nam nghèo là không đúng, nói người Đức không giầu cũng chẳng sai. Này nhá, hầu như người Việt Nam nào cũng có nhà riêng, nhà nào cũng trị giá tiền tỉ, (vì nhà, đất Việt Nam đắt nhất thế giới). Ai cũng rủng rỉnh tiền trong túi, bia rượu uống vô tư, (theo báo chí trong nước – mức tiêu thụ bia ở VN đang dẫn đầu thế giới, tính theo đầu người ). Người Đức đa số là nhà ở phải thuê. Kiểm tra túi quần, áo ngẫu nhiên bất kỳ người dân Đức, đến 80 phần trăm, không có đến 50 euro trong túi. Nhưng có một điều ai cũng nhận thấy người Đức, hầu như ai làm việc cũng có tinh thần trách nhiệm rất cao. Làm không có hiệu quả, từ người đứng đầu chính phủ đến các cấp thấp khác họ xin từ chức rất nhẹ nhàng. Tính cần cù, tiết kiệm, nhất là lòng tự trọng của họ, người Việt ta nên học tập.
Đỗ Trường
One Comment
Thomas Tran
Người là yếu tố quan trọng nhất trong mọi lãnh vực. Do đó Người/Nhân sự phải đước đào luyện rất cẩn thận và ngay từ nhỏ để hiẻu biết Bổn phận va Trách nhiệm.
Người trên cũng phải làm gương mẫu cho người dưới noi theọ Cấp trên tham nhũng thì làm sao cản ngăn được cấp dưới?
Với cộng sản thì người là cái vốn quan trọng nhất để sinh lợi cho chúng hưởng. Với các nước văn minh tiến bộ thi NGƯỜI là yếu tố quan trọng nhất để làm xã hội, quốc gia tiến bộ, vì thế dân chúng nước Mỹ ….dốt nên họ phải lập không biết bao nhiêu trường học các cấp và trợ cấp cho con em đi học từ nhỏ, v..v..
Kính
T D Tran