Vào ngày 11 tháng 10 năm 2014 “Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn”, “Cộng Đồng Việt Nam Vùng Hoa Thịnh Đốn”, “Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam” và “Hội Quảng Đà” tổ chức tại Trụ Sở Nhà Việt Nam ở Falls Church, Virginia, USA một buổi gặp gỡ cây viết TRẦN KHẢI THANH THỦY và giới thiệu tác phẩm CHẾT NGOÀI KẾ HOẠCH của nhà văn này. LS Ngô Tằng Giao đảm trách phần điểm sách và bài nói chuyện được lược ghi dưới đây.
…Trần Khải Thanh Thủy từng là giáo viên vì tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm và đồng thời cũng làm phóng viên cho báo chí trong nước nên có nhiều dịp tiếp xúc với cả giới cán bộ đầy quyền lực lẫn người dân thấp cổ bé miệng. Vì thấy được bộ mặt thật của chế độ cộng sản nên chị bất đồng chính kiến, vừa can đảm lên tiếng bênh vực dân đen vừa dùng ngòi bút của mình để phản kháng, chống đối, viết hết ra những sự thật của mặt trái xã hội đương thời. Tác giả nói: “…trong lòng Xã Hội Chủ Nghĩa, cái được phép thì nhợt nhạt, vô hồn, chẳng có chút giá trị, ý nghĩa gì, còn cái bị cấm đoán lại trở nên lôi cuốn và hấp dẫn vô cùng…” Chị không chỉ giới hạn phát biểu tư tưởng của mình ở trong nước mà còn phổ biến rộng rãi ra nước ngoài.
Hậu quả tất nhiên là chị đã bị bôi nhọ, bị đàn áp, bị trả thù, trù dập và theo rõi. Rồi bị “bắt nóng bắt nguội”. Có lúc còn bị khoá trái cửa ra vào và đón nhận cả đống phân cùng nước tiểu đổ vào cửa nhà. Tất nhiên chị không tránh khỏi những lúc bị tra tấn, đánh đập và tù tội. Chị bị tù hai lần, một lần 9 tháng 10 ngày và sau đó là 21 tháng tù. Khi còn ở trong tù chị bị đủ thứ bệnh trong người. Nhờ cộng đồng hải ngoại vận động với thế giới, đặc biệt là áp lực từ Mỹ, nên chị được đưa ra khỏi tù để “trục xuất”, và viên chức Bộ Ngoại Giao Mỹ đã đón thẳng sang Mỹ để tỵ nạn và chữa bệnh.
…Tác phẩm CHẾT NGOÀI KẾ HOẠCH của Trần Khải Thanh Thủy gồm 2 tập và ghi lại nhiều chuyện trong hoạt cảnh xã hội đương thời. Tập một có 58 chuyện và tập hai có 48 chuyện. Mỗi tập dày gần 400 trang.
Hơn 100 câu chuyện đề cập đến đủ mọi mặt của xã hội Việt Nam mà tác giả gọi là “những cảnh bi hài, lộn ẩu”. Nào là chuyện trong gia đình giữa vợ chồng đến chuyện con cái. Nào là chuyện ngoài xã hội giữa bà con lối xóm, giữa bạn bè đến các cảnh mua bán gian xảo, níu kéo tại bến xe, lừa đảo tại thành phố, “xin đểu” v.v… Nhưng chuyện chính yếu thời liên quan tới nhà nước với hình ảnh các viên chức lớn nhỏ thi nhau tìm cách trí trá, ăn bớt để rồi ăn nhậu, xây nhà xây cửa lo cho ấm bản thân v.v… Đây quả thật là một chuỗi “Chuyện Cười Xã Hội Chủ Nghĩa” như một tên gọi khác của tác phẩm này.
…Chuyện “Chết Ngoài Kế Hoạch” là một chuyện vui thời bao cấp. Kể rằng nhà có người chết và thân nhân phải đi mua quan tài để chôn cất. Buồn thay hàng cũ đã hết mà hàng mới chưa được phân phối. Chị bán hàng nguây nguẩy nói: “quý ba này chúng cháu chỉ được phép bán 2000 cái, mà đã vượt mức trên 20 cái rồi… Khổ sao bác không chịu khó đến từ tuần trước?” Bây giờ mới chết tức là ngoài kế hoạch bán quan tài mất rồi! Sau đó tất nhiên thân nhân phải chạy ngược chạy xuôi, xin xỏ, đút lót. Rồi giấy khai tử lại đòi ghi lý do chết. Rồi phải thuê xe đám cưới để chở người chết vì tất cả đoàn xe đang tập trung trong mùa cưới. Nghĩa địa nơi chôn lại đòi hộ khẩu của người chết. Cái hòm áo quan mua được thì tử thi phải… nằm nghiêng mới vừa v.v… Ai cũng biết “Sinh hữu hạn, tử vô kỳ”, làm sao biết được cái chết xảy ra lúc nào mà xin mua hòm trước đây? Cả một màn hài kịch. Nhưng sau tiếng cười là một nỗi đau buồn tê tái cho thân phận con người.
Tác giả phải thốt lên rằng đây là: “sự tham lam, quỷ quyệt của các quan đồng chí… ngu dốt đến không thể hiểu nổi.” Sau đó chị còn phê phán thêm: “quan niệm lệch lạc, bảo thủ, trì trệ, dốt nát đui mù của đám lãnh đạo cộng sản…”
…Xin điểm thêm một chuyện nữa. Chuyện “Người Của Thời Đổi Mới.” Chàng con ở nước ngoài về được bố giới thiệu khi gặp một cán bộ quan trọng: “chú Thịnh Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên của tỉnh”. Nhân vật này “diện complê màu cà phê sữa, ca la vát hẳn hoi, phía dưới lùng nhùng một đống bụng, chiếc kính mát to bản che kín mặt…” Chàng con tưởng là ai, hoá ra đó là tên bạn nối khố của mình 10 năm trước và nhớ lại hình ảnh: “cái thằng người gầy guộc nhỏ thó, quanh năm cởi trần trùng trục chạy theo đít trâu…”. “Cái thằng nặng non ba chục ký cả dày dép lẫn quần áo ngày nao…” Thằng bạn nay là cán bộ trí thức cao cấp về giáo dục này cho biết “Đặc điểm của Trung tâm tôi… chuyên đào tạo cỡ thạc sĩ, phó tiến sĩ, tiến sĩ… cỡ Trạng nguyên, bảng nhãn, Thám hoa ngày xưa ấy mà…” Nhưng rồi hắn cũng tiết lộ thêm về giá cả mua bán trong ngành giáo dục nghe thật đáng buồn: “Bằng Thạc sĩ không kém 40 triệu…”
…Nói chung thì trong suốt tác phẩm của mình Trần Khải Thanh Thủy đã khéo léo vẽ lại hình ảnh của những “cán ngố” đương thời với lời châm biếm “dân tình thì thất học, lãnh đạo đại tài thì khinh học”. Chủ tịch huyện ký giấy tờ thì “dòng chữ loằng ngoằng nửa giun nửa dế kiểu bổ túc văn hóa lớp 3.” Kèm lời nói ngọng nông nghiệp thành “lông nghiệp”, làm ăn thành “nàm ăn” và nước ngoài thành “lước ngoài” v.v… Nêu lên tình trạng thất nghiệp “thừa thày thiếu thợ”… “thừa cử nhân, dư bác sĩ, bí công nhân.” Nêu lên tệ nạn hối lộ, tham nhũng muôn năm. Nào là phong bì, phong bao, nâng lương, xét thưởng, móc ngoặc ăn chia công trình nhà nước… Tiền là trên hết: “Một trăm đô bằng một lô lý thuyết, bằng một huyện lời hứa.” Hoặc: “Một trăm nguyên tắc không vững chắc bằng một xấp đô la…”
♣♣
…Trần Khải Thanh Thủy có sở trường về thể loại ký sự, tường thuật, phê bình… với văn phong có phần độc đáo chọc cười thiên hạ. Tác giả ghi lại ngôn từ của đủ mọi hạng người từ cán ngố cấp cao cấp thấp đến dân đen mạt rệp, từ trong gia đình, trong các cơ quan ra đến ngoài xã hội. Chỉ xin trích dẫn một chút tiêu biểu:
Nào là nói lái, nói ngược: đồng lương thành “đường lông”, thư giãn thành “than giữ”, đấu tranh thành “tránh đâu”, quốc sách thành “xách cuốc” và đái lên tường thành “tướng lên đài” v.v…
Khi thì nói chệch đi như thủy lợi thành “thủy lội”, ông tên là Cẩn thành “ông Cẩu”. Rồi thì giáo viên nhân dân thành… “giáo viên nhăn răng”, công đoàn thành “công đùn”, “dự láo” thời tiết và Đảng vĩ đại thiên tài hay “Đảng thật sự là tai họa, tiên tai” v.v… Khi thì cải biên chữ nghĩa. Ông chồng mèo chuột chống chế rằng: “có thực mới vực được… tình.” Mua hàng ở ngoài thì nói “cây nhà lá… chợ” v.v… Chị hứng chí cải biên cả nhạc tình nữa. “Đời tôi cô đơn nên 2 tay nắm 2 cô / Đời tôi lang thang nên ai ai cũng chung tình” v v… Khi thì vào lãnh vực thơ phú. Lúc cho cô nàng tạm rời bạn trai đi vào phòng vệ sinh thì ngâm nga: “Em đây nào phải vô tình / Em đi hút nước trong mình em ra” v v… Và có lẽ để giải tỏa mọi ẩn ức với cái kỷ niệm phân và nước tiểu mà bọn công an cùng lũ đầu gấu và xã hội đen trao tặng thuở nào đôi lúc tác giả phải sỗ sàng thốt ra lời khá tục: “ban ngày là tiên trên trần, ban đêm là tiên ở trần”. Vợ cho ăn ngon thì không nói là cơm nhà quà vợ mà lại nói “cơm nhà bụng vợ.” Có lúc viết: “con trai hiện đại lắm, rời bầu vú mẹ ra là sa ngay vào bầu vú người yêu”. Có lúc khá mạnh miệng với vần thơ: “Chẳng giàu thì phải đẹp giai / Chẳng thông kinh sử phải dài… cái kia”. Hoặc nói: “những tiền mẹ đốt đối đèo được đâu” v.v…
Quả là “vừa nôm na, dân giã, thậm chí có đôi chút suồng sã theo phong cách dân gian.” như chị phát biểu. Phải chăng chị đã từng viết 3 cuốn sách về Hồ Xuân Hương nên bị ảnh hưởng theo vì nữ sĩ Xuân Hương từng tả cảnh đánh đu với hình ảnh khó quên: “cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không”? Nhân đây người ta lại nhớ đến cuốn “Đại Tự Điển của Trung tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam” (1999) Chữ “Miệng” được định nghĩa như thế này: “Bộ phận hình lỗ trên mặt người và động vật, dùng để ăn uống, kêu hót”. Chao ơi! Các tác giả tự điển quả là những tiến sĩ, những đỉnh cao trí tuệ của nước nhà!
Trần Khải Thanh Thủy dùng nhiều từ ngữ mới mà độc giả hải ngoại tạm nghe quen và tạm hiểu như: “Phí bôi trơn”, “bức xúc”, “gây ấn tượng”, “sự cố”, “hoành tráng” v.v…
Nhưng có những lúc nghe khá lạ tai như sinh 2 gái thì nói là vợ ông ta “sinh hai Cách Cách”… Con trai thì nói là “một Tiểu A Ka”. Và câu này thì thật vui khi nói về phụ nữ đã “đổ xi măng mác ngoại cao nhất” thì thưa đó là đã đặt vòng xoắn ngừa thai! v.v… Tác giả cẩn thận ghi phụ chú giải thích một số từ ngữ cho rõ nghĩa như “tò he” là những con vật, cành hoa nặn từ bột nếp pha phẩm màu bán cho rẻ em. Nhưng nhiều chỗ lại không có giải thích.
Tuy có một số ít từ ngữ lạ tai gây khó hiểu nhưng điều này cũng không làm giảm sút tính cách hài hước cay đắng của các câu chuyện trong tác phẩm.
…Chuyện cười bắt nguồn từ những bi hài của xã hội thật ra chỉ là những màn kịch khô khan. Phải qua ngòi bút sắc bén, với văn phong độc đáo của Trần Khải Thanh Thủy nữa mới khởi sắc, mới tạo ra những nụ cười hóm hỉnh, mỉa mai lại đầy chua chát. Có lẽ vì thế chị đã để một nhân vật trong chuyện “Vòng Nguyệt Quế” hé lộ rằng: “Việc đầu tiên tôi mài thật nhọn sắc… đầu lưỡi, chọc vào tận nách mọi người mà cù (!)”
Sau khi “khóc cười thủ thỉ” tác giả thổ lộ rằng tác phẩm của mình là “những bông hoa đời bật lên từ mầm chồi nhầy nhụa, nhớp nháp của cây độc tài Xã Hội Chủ Nghĩa… mọc ra từ bãi rác Xã Hội Chủ Nghĩa… phản ánh những ô trọc bi hài của cây đời Xã Hội Chủ Nghĩa”, của “địa ngục Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.
Tác giả viết: “với tôi hài hước bao giờ cũng là sự khôn ngoan, là phấn hương trên gương mặt trần trụi, ô trọc, thậm trí bẩn thỉu của cuộc đời”. Chị cho rằng: “chế độ đến hồi tan rã mới bày ra những điều lố bịch đáng chế diễu” Chị còn nói thêm một cách mỉa mai: “Nguyễn Công Hoan viềt về đống rác cũ trước ngày cách mạng tháng Tám thì tôi viết về đống rác mới tồn tại ngay trong lòng Xã Hội Chủ Nghĩa do sự lãnh đạo tài tình có một không hai của đảng cộng sản Việt Nam” (sic).
Thật ra trong giới đồng điệu còn có những cây viết khác như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng v.v… Nhớ lại trước kia cũng có chuyện dùng văn phong hài hước trong văn chương, báo chí để vận động cải tạo xã hội như chuyện “Ba Giai Tú Xuất” mà đối tượng chính là các quan lại tham nhũng, các tay trọc phú. Chuyện bông đùa, giễu cợt, đặc biệt là đả kích vào những thói hư, tật xấu và những tiêu cực của con người. Chửi xéo những cảnh lố bịch trong xã hội. Lại còn thêm chuyện “Lý Toét Xã Xệ” nữa. Chuyện vẽ lên những hình ảnh bi hài của thân phận người dân nhược tiểu mất nước, khi đa số dân chúng còn chưa được giáo dục, còn sợ hãi, mê tín và cam chịu tủi nhục dưới ách nô lệ của Pháp. Và ngay cả trong Thiền (Zen) sự hài hước cũng vẫn được đánh giá là “một trong những đặc trưng thú vị nhất của Thiền” (Humor ranks as one of Zen’s most delightful characteristics). “Sự hài hước – giống như Thiền – thấm sâu vào tận trong bản thân.” (Humor – like Zen – emerges deep from within the self.)
Trở lại với Trần Khải Thanh Thủy và tác phẩm “CHẾT NGOÀI KẾ HOẠCH” độc giả thấy tiếng cười của chị “uất nghẹn trong lòng” và “cười ra nước mắt.” Chị có ý nguyện “tiếp tục cầm bút và dấn thân, bập bùng ngọn lửa tranh đấu trong tim…” Chị khẳng định “Một cây độc tài sớm muộn cũng bị người dân và thời cuộc đốn đổ trong nay mai.” Và ngay trong lời mở đầu tác phẩm nói trên tác giả quả quyết: “tôi tin rằng nhà nước cộng sản đang bước vào những ngày cuối cùng của cơ chế cũ, độc tài, quan liêu, bao cấp, giả dối, dốt nát, ngu đần… trước khi nhà nước cộng sản sụp đổ để thay thế bằng một cơ chế mới… hợp lý hơn.”
…Tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm CHẾT NGOÀI KẾ HOẠCH của cây bút Trần Khải Thanh Thủy….
…Chúng ta có lẽ không “vô cảm” và sẽ cùng tiếp tay ủng hộ cho Trần Khải Thanh Thủy để mong có một ngày vui khi chế độ cộng sản tàn lụi và những bông hoa “Dân Chủ, Tự Do, Hạnh Phúc” thực sự bừng nở trên đất nước Việt Nam.
LS Ngô Tằng Giao
(Virginia 11-10-2014)