Chủ nghĩa văn học lãng mạn (romanticism) phát xuất đầu tiên ở Anh và Đức vào cuối thế kỷ thứ 18, sau đó lan sang Pháp và những nước khác. Tuy nhiên, trào lưu văn học nghệ thuật lãng mạn đã được phát triển trước nhất ở Anh quốc.
Trong văn chương Anh, chủ nghĩa lãng mạn được thể hiện qua thi ca của William Blake (1), William Wordsworth (2), Samuel Taylor Coleridge (3), Lord Byron (4), Percy Bysshe Shelley (5) và John Keats (6). Những vần thi ca mơ mộng của Blake không phải lúc nào cũng dễ hiểu vì nhà thơ sáng tạo ra những huyền thoại riêng để diễn tả tư tưởng của mình. Thơ ông biểu lộ sự tưởng tượng đầy nghệ thuật dạt dào sức sống. Byron là thi sĩ nhiều màu sắc nhất của trào lưu văn chương lãng mạn Anh. Thơ Byron có lúc dữ dội, có khi lại mềm mại nhưng luôn luôn nhấn mạnh đến chủ điểm là con người phải được tư do lựa chọn lối sống của mình. Shelley không chỉ là một thi sĩ lãng mạn mà còn là nhà thơ tình vĩ đại của văn học Anh. Keats, với nhiều lối thi ca khác nhau, hướng vào sự vui thích, sung sướng trước cái đẹp của nhân loại, buồn rầu với những đau khổ không thể tránh được xảy đến cho con người. Thơ ông là nhịp cầu giữa thế giới sụp đổ với thế giới vĩnh cửu. Coleridge cùng Wordsworth mở đầu trào lưu văn chương lãng mạn ở Anh và cũng là của thế giới bằng thi tập Lyrical Ballads xuất bản năm 1798. Thi phẩm này gồm đa số thơ của Wordsworth nhưng trong đó có bài thơ bất hủ The Rime of the Ancient Mariner của Coleridge là một thành tựu lớn nhất của nền văn chương Anh.
Chủ nghĩa lãng mạn đòi hỏi tự do cá nhân triệt để, nhờ thế từ lúc khởi hứng tới khi sáng tác người làm văn học nghệ thuật có những say sưa, thích thú, tâm hồn với lửa đam mê bay bổng nảy sinh ra từ và ý đột khởi độc đáo tạo nên những tác phẩm bất hủ để đời.
CHỦ NGHĨA VĂN HỌC LÃNG MẠN
Chủ nghĩa văn học lãng mạn (romanticism) đề cao cá nhân, tự do sáng tạo, chủ trương phóng túng, không để tâm hồn bị ràng buộc vào khuôn khổ cũ. Trong tiến trình sáng tác thơ văn, sự tưởng tượng và tri giác được đề cao và ngự trị bởi cá thể. Tác gia văn học trở thành trung tâm điểm trong việc sáng tác. Các nguyên tắc về khuôn mẫu và kiến trúc đã có từ trước của thi ca bị vất bỏ để thỏa mãn nhu cầu cần thiết của bản năng tự nhiên. Ngôn ngữ thơ được viết tự do và tự nhiên không còn bị gò bó trong thể luật. Chủ nghĩa duy lý (rationalism) bị chán ghét, trong khi ngữ căn và khát vọng tiềm thức được thăng tiến trong văn chương lãng mạn. Tác phẩm là tiếng lòng được thể hiện toàn vẹn, triệt để và vô hạn bằng sự tưởng tượng và xúc động không che dấu, không bị trói buộc bởi những ước lệ luân lý của xã hội.
SỰ HÌNH THÀNH TRÀO LƯU LÃNG MẠN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM
Năm 1932 đánh dấu sự thay đổi đột biến của nền văn học Việt Nam, thi văn chưa bao giờ có một thời kỳ phong phú như giai đoạn 1932-1945. Chỉ trong thời gian hơn một thập niên văn học Việt Nam nhảy vọt từ tình trạng ấu trĩ sang phát triển bằng đôi hia bảy dậm, không thua sút những nền văn học Tây phương. Trước đó tuy có một số nhỏ sáng tác mang tính lãng mạn nhưng còn tản mác, rời rạc chưa tạo được một phong trào. Từ 1931 đã có sự xuất hiện vài bài thơ lãng mạn của Lan Sơn (7), Lưu Trọng Lư (8), Thế Lữ (9). Tác phẩm lãng mạn xuất bản trước 1932 có tập thơ Khối Tình Con của Tản Đà (10), Linh Phượng Ký của Đông Hồ (11) và hai quyển gây được ảnh hưởng một thời gian là Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách (12) và Giọt Lệ Thu của Tương Phố (13), nhưng phải chờ tới khi Nhất Linh (14) du học ở Pháp về chủ trương tuần báo Phong Hóa, thành lập Tự Lực Văn Đoàn (15) hô hào thay cũ đổi mới, và dấy lên phong trào thơ mới thì trào lưu văn chương lãng mạn mới thực sự có mặt trong dòng văn học Việt Nam. Cùng lúc với Phong Hóa, phải kể đến Phụ Nữ Tân Văn là tờ báo đã góp công vào việc giúp cho phong trào thơ mới nở rộ bằng những bài thơ lãng mạn của các nhà thơ không cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
NGUYÊN NHÂN ĐƯA ĐẾN TRÀO LƯU VĂN HỌC LÃNG MẠN VIỆT NAM
Sau ngày17/06/1930, Nguyễn Thái Học (16) và12 yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Đảng (17) lên đoạn đầu đài ở Yên Bái, Pháp đẩy mạnh việc đàn áp, khủng bố, bắt bớ, tù đày các nhà ái quốc nhằm dập tắt các cuộc khởi nghĩa từ trong trứng nước để củng cố nền đô hộ. Các phong trào tạm thời lắng xuống, các tổ chức ái quốc bị dao động mạnh buộc phải tạm ngưng các hoạt động rút vào bóng tối nhằm bảo toàn tổ chức và nhân sự. Cuộc khủng bố qui mô toàn quốc những năm 1930 đã gây một không khí hoang mang, lo sợ trong tầng lớp thanh niên và trí thức. Chỉ trong hai năm 1930 và 1931 riêng ở Bắc Kỳ, chính phủ bảo hộ Pháp đã mở 21 phiên tòa đặc biệt gọi là Hội Đồng Đề Hình xét xử tất cả 1094 vụ án chính trị, trong đó có 164 bản án tử hình, 114 khổ sai chung thân, 420 lưu đày biệt xứ. Đây là thời kỳ thoái trào của các hoạt động cách mạng chống Pháp dành độc lập cho đất nước.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 từ Pháp tràn về Đông Dương thuộc địa như một thiên tai khiến cuộc sống xã hội trở nên khó khăn. Hàng hoá rẻ mạt nhưng lại không kiếm ra tiền, các xí nghiệp kinh doanh thi nhau phá sản, sa thải nhân công. Ngân quĩ nhà nước bảo hộ thất thâu không đủ khả năng tuyển dụng thêm công chức, nạn trí thức thất nghiệp là mối lo âu chung của những người được Pháp đào tạo. Trộm cướp, thuốc phiện, bài bạc, đĩ điếm trở thành những vấn đề nan giải. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới càng tăng thêm bi quan cho bàu không khí u ám, buồn thảm vốn đang căng thẳng, ngột ngạt.
Trong khung cảnh đó những người trí thức ấp ủ tinh thần dân tộc mang tâm trạng tiêu cực muốn thoát ly khỏi những vấn đề bức xúc của cuộc tranh đấu dành độc lập. Họ có thái độ chán nản, xa lánh chính trị. Thái độ này được củng cố trên cơ sở mối bất hòa tuyệt vọng giữa họ và hoàn cảnh xã hội đương thời. Sự ra đời của trào lưu văn chương lãng mạn giải quyết được bế tắc, đáp ứng được nhu cầu cho giới trí thức trong bối cảnh xã hội bi quan đó. Con đường làm văn học nghệ thuật bằng chủ nghĩa lãng mạn là lốt thoát trong sạch, nơi trú ẩn tinh thần tương đối an toàn có thể gửi gấm tâm sự, và cũng là phương cách bày tỏ lòng yêu nước (18).
Chủ nghĩa lãng mạn đề cao tự do cá nhân đã đáp ứng được khát vọng giải phóng bản ngã, khát vọng tự do yêu đương cho hạnh phúc cá nhân, cho quyền sống cá nhân. Điều này giải thích được quan điểm mỹ học “nghệ thuật vị nghệ thuật” của những người trong trào lưu văn chương lãng mạn thuộc giai đoạn 1932-1945 của văn học Việt Nam.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRÀO LƯU VĂN HỌC LÃNG MẠN VIỆT NAM
Tất nhiên để có một trào lưu văn học thì bao giờ cũng cần có một hay nhiều người khởi xướng với sự tham gia tích cực của văn giới, và được đón nhận đông đảo của độc giả. Từ 1932 đến 1935 đã nổ ra hàng loạt các cuộc tranh luận văn học sôi nổi được tham gia của nhiều tờ báo và các nhà văn, nhà thơ: tranh luận về thơ mới thơ cũ, tranh luận về bỏ cũ theo mới, tranh luận về hôn nhân và gia đình, tranh luận về nghệ thuật phục vụ cái gì. Các cuộc tranh luận này phản ảnh cuộc đấu tranh giữa lễ giáo phong kiến với tự do cá nhân, giữa khuôn sáo và tư tưởng gò bó với cảm xúc cá nhân được tự do bày tỏ. Hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay do Nhất Linh và nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ trương là cơ quan ngôn luận cổ võ mạnh mẽ cho sự thay cũ đổi mới, và là nơi qui tụ văn chương của các nhà văn, nhà thơ trong trào lưu văn học lãng mạn gồm có Nhất Linh, Khái Hưng (19), Thế Lữ, Huy Cận (20), Thạch Lam (21), Xuân Diệu (22), Thanh Tịnh (23), Vũ Đình Liên (24), Đoàn Phú Tứ (25).
Sự thành công của trào lưu văn chương lãng mạn cũng phải kể đến các tờ Hà Nội Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Tao Đàn, Thanh Nghị với sự tham gia của các tác giả như Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên (26), Hàn Mặc Tử (27), Phạm Huy Thông (28), Bích Khê (29), Nguyễn Tuân (30), Vũ Hoàng Chương (31), Nguyễn Xuân Sanh, v.v. Sự toàn thắng của phong trào thơ mới cũng là tiếng trống khải hoàn cho trào lưu văn học lãng mạn, chấm dứt hoàn toàn lối thơ văn cũ từ thời Nam Phong và Đông Dương Tạp Chí trở về trước.
ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN CHUƠNG LÃNG MẠN THỜI KỲ 1932-1945
Văn chương lãng mạn đánh dấu một cuộc cách mạng trong văn học Việt Nam đã thay đổi hệ thống tư tưởng thời phong kiến bằng cách thay thế “cái ta” trong văn chương lịch triều sang “cái tôi” của văn học hiện đại. Cái tôi không còn là cái đáng ghét nữa (32). Trước kia, cái tôi cá nhân không có địa vị trong văn học và xã hội. Cá nhân được sử dụng như một hình ảnh tượng trưng và bị hòa tan trong cái chung. Trong nền văn chương lịch triều tính cách “phi ngã” ngự trị hầu hết tác phẩm văn học Việt Nam. Ngay cả những nhà thơ lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến cũng chỉ nói đến cái tôi một cách sơ sài, mờ nhạt, ước lệ.
Chủ nghĩa lãng mạn thực sự đã thỏa mãn được nhu cầu tự do sáng tác và phát huy bản ngã của người làm văn học nghệ thuật. “Sự xuất hiện ý thức về cái tôi cá nhân là một bước tiến quan trọng trong hành trình tư tưởng và nghệ thuật của nhân loại. Bởi vì sáng tạo nghệ thuật mang tính đặc thù, đó là sự sáng tạo của một cá nhân… Cho nên sự giải phóng bản ngã, giải phóng cái tôi của chủ thể sáng tạo sẽ phát huy khả năng sáng tạo của nghệ sĩ, làm xuất hiện nhiều phong cách cá nhân” (33). Nhờ thế, trong giai đoạn văn chương lãng mạn 1932-1945 với 13 năm ngắn ngủi, văn học Việt Nam đã sản xuất được nhiều phong cách cá nhân độc đáo (34). Về thi ca có Thế Lữ với hồn thơ rộng mở, Lưu Trọng Lư mơ màng, Huy Thông hùng tráng, Nguyễn Nhược Pháp trong sáng, Huy Cận ảo não, Nguyễn Bính quê mùa, Chế Lan Viên huyền bí, và một Xuân Diệu tha thiết, rạo rực, băn khoăn. Trong văn xuôi, cái tôi khinh bạc, giang hồ lãng tử thể hiện trong Tùy Bút của Nguyễn Tuân, cái tôi người hùng có mặt trong hầu hết các tiểu thuyết của Lê Văn Trương như Một Người, Tôi Là Mẹ, Chồng Chúng Ta. Đòi hỏi giải phóng cá nhân ra khỏi những ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến được phản ảnh qua tác phẩm Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng, Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Đôi Bạn của Nhất Linh, Làm Lẽ của Mạnh Phú Tứ.
KẾT LUẬN VỀ TRÀO LƯU VĂN HỌC LÃNG MẠN THỜI KỲ 1932-1945
Chỉ trong thời gian 13 năm 1932-1945, văn học Việt Nam đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng của tổng hợp hơn 100 năm văn học Pháp từ trường phái lãng mạn hồi đầu thế kỷ thứ 19 như Hugo (35), Lamartine (36), Chateaubriand (37), Musset (38), Vigny (39), đến nhóm thi sơn (Parnasse) (40) với Gautier (41), Leconte de Lisle, Sully Prud’homme, qua trường phái tượng trưng (symbolism) với Rimbaud (42), Verlaine (43), Mallarmé (44).
Victor Hugo là người dẫn đạo trào lưu văn học lãng mạn ở Pháp. Thơ cũng như văn của ông biểu lộ tình yêu tự do, công lý và lòng thương người. Cái chết của người yêu đã là nguồn cảm hứng bất tận cho Lamartine qua những vần thơ muôn thuở trong thi tập Poetic Meditations xuất bản năm 1820. Chính thi phẩm này đã đóng vai trò chính yếu cho sự phát triển trào lưu văn chương lãng mạn Pháp. Musset cho rằng người làm văn chương phải thực sự trải qua khổ đau thì mới sáng tạo được những áng thơ văn tuyệt tác, làm rung động lòng người. Đề tài chính trong thơ văn của Vigny là sự cô đơn của con người. Còn Gautier thì lại nhấn mạnh, qua thi phẩm Enamels and Cameos, thơ văn muốn hay thì phải cảm nhận qua sự nhìn thấy, không thể chỉ thuần túy có trong ý tưởng hoặc cảm giác. Trong tác phẩm Art (Nghệ Thuật) xuất bản năm 1857 Gautier khai triển lý thuyết nghệ thuật là sáng tạo cái đẹp theo đúng tiêu chuẩn mà không lệ thuộc vào luân lý, trí thức, hay những giá trị tình cảm. Những bài thơ giàu tưởng tượng tạo nên tên tuổi của Rimbaud chính là những bài được sáng tác trong thời niên thiếu xáo trộn khi ông mất niềm tin vào cuộc sống. Mallarmé, người dẫn đạo trường phái tượng trưng, cho rằng nhà thơ không được quyền mô tả sự vật mà phải dẫn ý. Thi sĩ phải dụng tâm tạo những hình ảnh thơ thật mơ hồ, thực tế chói gắt phải trình bày trong bàu không khí huyền bí.
Chúng ta không thể nào phủ nhận được sự kiện văn chương Việt Nam giai đoạn 1932-1945 chịu ảnh hưởng nặng nề văn chương thế kỷ thứ 19 của Pháp, nhưng thơ văn Việt đã không có tính cách ngoại lai, vẫn mang bản sắc riêng chứa đựng hồn Việt. Tuy nhiên, vì tiếp thu quá nhanh trong gian đoạn quá ngắn ngủi nên trào lưu lãng mạn văn học Việt Nam chưa đủ thời gian, cơ hội để phát triển bề sâu như Anh, Pháp, và tất nhiên, đặc tính dễ chuyển biến là điều tất nhiên phải xảy ra trong tiến trình phát triển thuộc mọi lãnh vực, văn học cũng không phải là một biệt lệ.
Trên bình diện tư tưởng, những sáng tác vào thời gian đầu của trào lưu văn chương lãng mạn đã đáp ứng được khát vọng đương thời về nhu cầu giải phóng tư tưởng, giải phóng cá nhân. Tiếc thay, vào cuối trào lưu một số tác gia đã rơi vào chủ nghĩa cá nhân cực đoan ca ngợi tình yêu xác thịt, đề cao khoái lạc, triết lý sức mạnh nông nổi, trụy lạc và trác táng, điển hình là tác phẩm Thanh Đức của Khái Hưng, Trường Đời, Tôi Thầu Khoán của Lê Văn Trương, Tàn Đèn Dầu Lạc của Nguyễn Tuân, Thơ Say, Mây của Vũ Hoàng Chương.
Với những thành tựu văn học to lớn của thời kỳ 1932-1945, Tự Lực Văn Đoàn và những người làm văn học nghệ thuật cùng thời đã tạo được trào lưu văn chương lãng mạn có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam. Việc thay đổi quan niệm phong kiến cũ, điển hình là mối quan hệ giữa cá nhân và đại gia đình, đã hẳn là một thành công về phương diện xã hội, nhưng đối với lịch sử văn học Việt Nam thì trào lưu văn chương lãng mạn đã có công đem lại sự thay đổi bộ mặt của các thể loại văn học, làm cho ngôn ngữ Việt gọn gàng, trong sáng và phong phú hơn rất nhiều.
TRẦN BÍCH SAN
CHÚ THÍCH
1. William Blake (1757-1827): sinh tại Luân Đôn, nhà thơ và họa sĩ sáng chói. Hai bài thơ nổi tiếng của Blake, The Lamb (Con Cừu) và The Tiger (Con Hổ), được ông gọi là ‘’hai trạng thái đối nghịch của tâm hồn con người’’ (the two contrary states of the human soul). Tác phẩm: Songs of Innocence (1789), Songs of Experience (1794).
2. William Wordsworth (1770-1850): sinh tại Cockemouth (bây giờ là quận Cumbria), mẹ chết khi lên 8, năm 13 tuổi cha chết, họ hàng giúp cho học. 1787 vào đại học Cambridge và bắt đầu làm thơ. Hè 1790 sang chơi Pháp nhưng gặp sự xáo trộn gây ra bởi cuộc cách mạng Pháp. 1791: sau khi tốt nghiệp Cambridge, trở lại Pháp và trở thành người hổ trợ cho cách mạng. Tháng 12, 1792: trở về Anh. 1795: gặp Coleridge, 3 năm sau 1798 tập Lyrical Ballads ra đời trong có bài thơ nổi tiếng “Tintern Abbey”. Những bài thơ nổi tiếng khác: Michael, Lucy, The Solitary Reaper, Resolution and Independence. Tác phẩm: Lyrical Ballads (1798, viết chung với Coleridge), The Prelude: Growth of a Poet’s Mind (viết giữa 1798 và 1805, in năm 1850), The Excursion (1814).
3. Samuel Taylor Coleridge (1772-1834): thi sĩ và nhà phê bình triết học của trào lưu văn chương lãng mạn Anh. Những bài phê bình văn học của ông hầu như ảnh hưởng đến tất cả các nhà phê bình sau này. Sinh tại Devonshire, con út trong gia đình có 14 người con mà cha là thư ký. Học đại học Cambridge, tại đây năm 1794 gặp Robert Southey, cả hai nhà thơ đều thích các nguyên tắc của cuộc cách mạng Pháp và hợp soạn môt bi kịch chống lại chế độ phong kiến. 1795: gặp Wordsworth và trở thành bạn tâm giao. 1798: cùng Wordsworth xuất bản tập Lyrical Ballads, trong đó có bài thơ nổi tiếng “The Rime of the Ancient Mariner”. Cùng năm sang chơi Đức, sự thấm nhuần tư tưởng các triết gia Đức đã ảnh hưởng đến lý thuyết văn chương của ông. Trở về Anh, dịch 2 kịch bản của tác gia Đức Friedrich Schiller. 1800: sức khỏe suy sụp, bắt đầu dùng nha phiến để làm dịu cơn đau của bệnh phong thấp. Không được hạnh phúc trong hôn nhân, Coleridge càng thêm đau buồn khi yêu nàng Sara Hutchinson, em họ Wordsworth. Ông diễn thuyết ở Luân Đôn một loạt bài về nguyên tắc thi ca, đến 1813 lại diễn thuyết một loạt bài khác và đưa ra kịch bản Remorse với sự trợ giúp của Lord Byron. Ông sống những năm cuối cùng dưới sự chăm sóc của bác sĩ, phần lớn nhằm kiểm soát bệnh nghện thuốc phiện của ông. Tác phẩm: Lyrical Ballads (1798, chung với William Wordsworth), Biographia Literaria (1817, phê bình văn học).
4. Lord Byron (1788-1824): tên thật George Gordon Byron, có cuộc sống đầy phiêu lưu mạo hiểm. Thơ Byron thú vị như cuộc đời giang hồ của tác giả, phản ảnh cuộc sống và niềm tin của ông. Sinh ở Luân Đôn nhưng sống với mẹ gần 10 năm ở Tô Cách Lan. Cha Byron bỏa rơi vợ và chết lúc Byron mới 3 tuổi. Sau khi người chú họ từ trần, Byron được thừa kế danh hiệu Lord Byron lúc 10 tuổi. Sau đó Byron trở về Anh theo học trường Harrow và đại học Cambridge. Tập thơ đầu Hours of Idleness (1807) bị Edinbugh Review, một tạp chí văn học ở Anh chỉ trích nặng nề. Byron trả lời bằng một bài thơ châm biếm trên English Bards and Scotch Reviewers (1809) tấn công hầu hết các bộ mặt văn chương sáng giá hồi đó. Từ 1809 đến 1811: Byron chu du các nước miền nam châu Âu và gần phương Đông. 1812: xuất bản 2 phần (cantos/sections) đầu của Childe Harold’s Pilgrimage và tạo được tên tuổi ngay. Hai tập thơ về viễn Đông The Bride of Abydos (1813) và The Corsair (1814) được quần chúng chú ý. 1815: cưới Isabella Milbanke. Cuộc sống lứa đôi ngắn ngủi, không hạnh phúc chấm dứt vì lời đồn Byron đã loạn luân với cô Augusta Leigh, người em cùng mẹ khác cha. 1816: Byron rời Anh và không bao giờ trở lại. Nhà thơ định cư tại Ý và có mối tình thật lâu dài với Bá Tước phu nhân Teresa Guiccioli, đưa đến tham gia vào cuộc cách mạng chính trị ở Ý. Byron tiếp tục viết và xuất bản các thi phẩn Manfred (1817), Cain (1821). Tác phẩm cuối cùng rất dài, chưa hoàn tất là Don Juan. 1823: trong khi đang viết dở Don Juan, Byron quyết định tham gia vào cuộc chiến dành độc lập ở Hy Lạp, nhưng ông không sống để thấy sự thành công của cuộc cách mạng, Byron mất sau một cơn bệnh ngắn tai Greece ngày 19 tháng 4, 1824. Tác phẩm: Hours of Idleness (1807), Childe Harold’s Pilgrimage (1812), The Bride of Abydos (1813), The Corsair (1814), Manfred (1817), Cain (1821).
5. Percy Bysshe Shelly (1792-1822): thử nghiệm nhiều văn phong và đã ảnh hưởng lâu dài đến những nhà văn sau này, đặc biệt là với Robert Browning, Algernon Charles Swinburne, William Butler Yeats, George Bernard Shaw, và Thomas Hardy. Sinh ngày 04 tháng 08, 1792 ở Sussex trong một gia đình giàu có và quyền thế. Ông có một đời sống sóng gió tại Đại Học Eton và Oxford, và bị đuổi khỏi Oxford năm 1811 vì viết bài luận ngắn The Necessity of Atheism. Tháng 8, 1811 Shelly với Harriet Westbrook, con gái một chủ tiệm cà phê mới 16 tuổi, rủ nhau đi trốn. 1814: Shelly bỏ rơi cô bé chạy theo Mary Wollstonecraft Godwin. Tuy cả hai cùng tuyên bố không tin vào hôn nhân, nhưng họ đã lấy nhau năm 1816 sau khi Harriet tự dìm mình cho chết đuối. Shelly tin rằng Ái Nhĩ Lan bị người Anh áp chế, ông kích thích họ nổi dậy chống Anh quốc. Ông viết Queen Mab (1812-1813) tập thơ cách mạng tấn công chính thể bạo quyền chuyên chế. 1816: Shelly và vợ làm bạn thân với thi sĩ Lord Byron ở Geneva, Thụy Sĩ. Sau tháng 3, 1818, Shelly lưu xứ vĩnh viễn ở Ý, tại đây ông sáng tác nhiều thơ quan trọng gồm các tập Prometheus Unbound (1818-1819), The Witch of Atlas (1820), Epipsychidion (1821), Hellas (1821). Cái chết của người quen, nhà thơ Anh John Keats, đã gợi hứng cho Shelly tạo nên tác phẩm quan trọng Adonais (1821). Ngày 08 tháng 07, 1822, nhà thơ chết chìm trong cơn bão tố khi thuyền của ông gần Leghorn, Ý. Tác phẩm: Mont Blanc (1816), Ode to the West Wind (1819), Prometheus Unbound (trường thơ, 1818-1819), The Witch of Atlas (1920), Epipsychidion (1921), Hellas (1921), Adonnais (1821)
6. John Keats (1795-1821): Bằng nhiều lối thi ca khác nhau, thơ ông là thể hiện sự vui sướng trong cái đẹp của thế giới, nỗi thống khổ không thể tránh được trước mặt, và sự cố gắng tìm nhịp cầu giữa thế giới có thể bị diệt vong với thế giới vĩnh cửu. Keats đã sử dụng những hình ảnh chói sáng diễn tả những cảm giác sâu đậm của ông. Sinh ở Luân Đôn ngày 31 tháng 10, 1795, học trường Clark ở Enfield, ngoài Luân Đôn, sau học y khoa, tốt nghiệp nhưng không hành nghề y sĩ vì quyết định trở thành nhà thơ.1817: xuất bản tập thơ Poems. 1818: xuất bản Endymion (phần 2 của Poems) bị báo Tory rất có thế lực chế diễu. Ông đã bị tờ Tory hủy diệt tên tuổi, không có cơ may sống như một nhà thơ và không thể cưới được Fanny Brawne, người mà ông yêu say đắm. Nhưng Keats vẫn tiếp tục sáng tác. 1820: những bài thơ cuối và hay nhất của ông xuất hiện, nhưng đồng thời nhà thơ mắc bệnh lao phổi. Ông sang Ý với hy vọng thời tiết ấm áp có thể phục hồi sức khỏe. Nhưng đã quá trễ, ông mất ở Rome chưa một lần kết hôn. Tác phẩm: Poems (1817), Endymion (1818).
7. Lan Sơn (1912-1954): tên thật Nguyễn Đức Phong, sinh quán Hải Phòng, chánh quán phủ Anh Sơn, Nghệ An. Học trường Hải Phòng, Tourane và trường Bưởi Hà Nội. Công chức sở Công Chánh, Hải Phòng. Viết cho các báo Phong Hóa, Ngày Nay, Tinh Hoa. Tác phẩm: Anh với Em (1934).
8. Lưu Trọng Lư (1911-1991): kiện tướng của phong trào thơ mới, quê làng Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, sau cư ngụ ở Huế và Hà Nội, thuộc gia đình Nho học. Học trường Quốc Học Huế sau bỏ dở học, cộng tác với các báo Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn), Sông Hương (Huế), Phụ Nữ Thời Đàm, Tiến Hóa, Tân Thiếu Niên, Tao Đàn, Hà Nội Báo (Hà Nội). 1933 chủ trương Ngân Sơn Tùng Thư ở Huế. Từ 1955 làm việc ở Bộ Văn Hóa Hà Nội, từng giữ chức Tổng Thư Ký Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu VN, Ủy Viên Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn VN. Tác phẩm: Tiếng Thu (1939), Khói Lam Chiều (1941), Chiếc Cáng Xanh (1941), Tỏa Sáng Đôi Bờ (1959), Mùa Thu Lớn (1978), Nửa Đêm Sực Tỉnh (1989).
9. Thế Lữ (1907-1989): thành viên TLVĐ, cây bút cột trụ của Phong Hoá và Ngày Nay, tên thật Nguyễn Thứ Lễ, sinh tại Thái Hà Ấp, Hà Nội, nguyên quán làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Học ở Hải Phòng, bỏ học năm thứ 3 trung học, lên Hà Nội dự thính trường Cao Đẳng Mỹ Thuật một năm. Từng giữ các chức vụ: Ủy Viên Thường Vụ Hội Văn Nghệ VN, Chủ Tịch Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu VN. Tác phẩm: Mấy Vần Thơ (1935), Vàng và Máu (1934), Ba Hồi Kinh Dị (1936), Bên Đường Thiên Lôi (1936), Đòn Hẹn (1939), Gói Thuốc Lá (1940), Gió Trăng Ngàn (1941), Trại Bồ Tùng Linh (1941), Mấy Vần Thơ, tập mới (1941), Dương Quí Phi (1942), Thoa (1942).
10. Tản Đà (1888-1939): tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, quê làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Ba Vì ngoại thành Hà Nội), con Án Sát Nguyễn Danh Kế. Thi mãi không đỗ, hướng về làm báo, sáng tác văn chương. Tác giả bài “Tình già”, bài thơ mới đầu tiên ở VN, Chủ bút báo Hữu Thanh, chủ nhiệm An Nam Tạp Chí, viết cho Tiểu Thuyết Tuần San, Đông Pháp Thời Báo ở trong Nam. Tác phẩm: Khối Tình Con I & II (1916, 1918), Giấc Mộng Con I & II (1916, 1917), Thề Non Nước, Tản Đà Tùng Văn (1922), Trần Ai Tri Kỷ (1924), Tản Đà Xuân Sắc (1934),
11. Đông Hồ (1906-1969): tên thật Lâm Tấn Phác, quê làng Mĩ Đức, tỉnh Hà Tiên (nay thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), xuất thân là nhà giáo, sau bỏ dạy viết cho Nam Phong Tạp Chí, Phụ Nữ Tân Văn, Đông Pháp Thời Báo, Việt Dân, Mai, Tri Tân, Bách Khoa, Tân Văn, Tin Văn, Văn Hóa Nguyệt San. 1950 lập nhà xuất bản Bốn Phương. 1953 chủ trương tạp chí Nhân Loại. Tác phẩm: Thơ Đông Hồ (1932), Lời Hoa (1934), Linh Phượng (1934), Cô Gái Xuân (1934), Bội Lan Hành (1969).
12. Song An (1896-1973): nhà văn lãng mạn tiên phong, tên thật Hoàng Ngọc Phách, quê làng Đức Phong, xã Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương, viết văn và dạy học nhiều nơi. Nổi tiếng ngay sau tác phẩm Tố Tâm. 1945-1951 giám đốc học khu Bắc Ninh. 1947-1948 giám đốc giáo dục khu XII. 1951 giám đốc trường Cao Đẳng Sư Phạm Trung Ương. Từ 1952 làm tại Ban Tu Thư Bộ Giáo Dục. Tác phẩm: Tố Tâm (1925), Thời Thế với Văn Chương (1941), Đâu là Chân Lý (1941), Chuyện Trường Bưởi (1989).
13. Tương Phố (1898 – 1973): nhà thơ lãng mạn tiên phong, tên thật Đỗ Thị Đàm, quê làng Bối Khê, tổng Cẩm Khê, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, học trường Nữ Hộ Sinh sau bỏ học, thi vào học trường Sư Phạm Hà Nội. Vào làng văn từ 1927, nổi tiếng qua Giọt Lệ Thu đăng trên Nam Phong số 131 (07/1928). Tác phẩm: Giọt Lệ Thu (1929), Mưa Gió Sông Tương, Tình quê, Chia Phôi.
14. Nhất Linh (1905-1963): tên thật Nguyễn Tường Tam, gốc ở Cẩm Phô, tỉnh Quảng Nam, sinh ở Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. 1926 học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội. Du học Pháp đỗ Cử Nhân Khoa Học (1930) và nghiên cứu thêm về báo chí, xuất bản. 1931 về nước dạy tư thục Thăng Long. 1932 chủ trương tuần báo Phong Hóa rồi thành lập Tự Lực Văn Đoàn. 1936 báo bị đình bản, ông ra tờ Ngày Nay. 1946 giữ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ liên hiệp, trưởng phái đoàn Hội Nghị Đà Lạt đàm phán với Pháp. 1958 chủ trương tập san Văn Hóa Ngày Nay. 1963 uống thuốc độc tự vẫn để phản đối việc chính phủ Ngô Đình Diệm đem ông ra toà xét xử. Tác phẩm: Nho Phong (1926), Hai Chị Em (1927), Người Quay Tơ (1927), Đoạn Tuyệt (1936), Lạnh Lùng (1937), Hai Buổi Chiều Vàng (1937), Nắng Thu (1938), Đôi Bạn (1938), Bướm Trắng (1941), Xóm Cầu Mới (1960), Dòng Sông Thanh Thủy (1961), Mối Tình Chân (1961). Viết chung với Khái Hưng: Gánh Hàng Hoa (1934), Anh Phải Sống (1937).
15. Tự Lực Văn Đoàn có 7 thành viên: Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, và Xuân Diệu (căn cứ trên dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” đề dưới tên tác giả của tác phẩm thì TLVĐ gồm 6 người, riêng Xuân Diệu được căn cứ trên bút tích của Nhất Linh).
16. Nguyễn Thái Học (1901-1930): đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng, quê làng Phổ Tang, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, học trường Cao Đẳng Sư Phạm và Cao Đẳng Thương Mại Đông Dương. 1927 thành lập VNQDĐ. Khởi nghĩa ngày 20/02/1930, bị bắt cùng ngày tại làng Cổ Vịt, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương, bị Pháp xử tử hình cùng 12 đồng chí ngày 17/06/1930 ở Yên Bái.
17. 12 liệt sĩ VNQDĐ gồm có: Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn, Đào Văn Nhật, Nguyễn Văn Tiềm, Hà Văn Lao, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Văn A, Bùi Văn Cửu, Nguyễn Như Liên, Ngô Văn Du, và Đỗ Văn Tú.
18. Đôi Bạn, Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng là những tác phẩm được dùng để gửi gấm tâm sự tác giả, có khuynh hướng yêu nước.
19. Khái Hưng (1896-1947): thành viên TLVĐ, cây bút nòng cốt của Phong Hóa, Ngày Nay, tên thật Trần Khánh Giư, quê làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Bị Việt Minh thủ tiêu. Tác phẩm: Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), Nửa Chừng Xuân (1934), Trống Mái (1936), Dọc Đường Gió Bụi (1936), Thoát Ly (1940), Hạnh (1940), Đẹp (1940), Những Ngày Vui (1941), Đồng Bệnh (1942), Đội Mũ Lệch (1942), Tiếng Suối Reo (1936), Tục Lụy (1937), Gia Đình (1938), Đợi Chờ (1939), Cái Ấm Đất (1940), Thanh Đức (1943), Cái Ve (1944). Viết chung với Nhất Linh: Anh Phải Sống (1934), Đời Mưa Gió (1934).
20. Huy Cận (1919-2005): tên thật Cù Huy Cận, sinh ngày 31 tháng 5, 1919, quê làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, thở nhỏ học ở Hà tĩnh, lớn lên học trường Quốc Học Huế, đậu Tú Tài Pháp Việt, ra Hà Nội học trường Cao Đẳng Nông Lâm. Viết cho các báo Ngày Nay, Tràng An, Sông Hương. Thanh Niên…1945: cùng Trần Huy Liệu và Nguyễn Lương Bằng vào Huế nhận chiếu thoái vị của Vua Bảo Đại. Giử chức Bộ Trưởng Canh Nông và Thanh Tra Đặc Biệt trong chính phủ lâm thời. 1946: Thứ Trưởng Nội Vụ. Sau ngày 19 tháng 12, 1946: Thứ Trưởng Canh Nông. 1946-1947: Thứ Trưởng Kinh Tế. 1949-1955: Tổng Thư Ký Hội Đồng Chính Phủ, rồi Thứ Trưởng Văn Hóa. 1956-1984: Bộ Trưởng đặc trách công tác Văn Hóa, Thông Tin tại văn phòng Hội Đồng Bộ Trưởng, kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Văn Học Nghệt Thuật Việt Nam. 2004: Phó Chủ Tịch Ủy Ban Toàn Quốc Liên Hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam. Mất ngày 19 tháng 02, 2005 tại Hà Nội. Tác phẩm: Lửa Thiêng (thơ, 1940), Kinh Cầu Tự (văn, 1942), Vũ Trụ Ca (1942), Trời Mỗi Ngày Lại Sáng (thơ, 1958), Tính chất Dân Tộc trong Văn Nghệ (1958), Đất Nở Hoa (1960), Bài Thơ Cuộc Đời (1963), Hai Bàn Tay Em (1967), Phù Đổng thiên Vương (1968), Những Năm Sáu Mươi (1968), Cô Gái Mèo (1972), Những Người Mẹ, Những Người vợ (1974), Ngày Hằng Sống, Ngày Hằng Thơ (1975), Ngôi Nhà Giữa Nắng (1978), Sơn Tinh, Thủy Tinh (1986), Tuyển Tập Thơ (1986), Hạt Lại Gieo (1984), Nước Thủy Triều Đông (1994), Hồi Kí Song Đôi (1997).
21. Thạch Lam (1910-1942): thành viên TLVĐ, viết cho Phong Hoá, Ngày Nay, tên thật Nguyễn Tường Lân, em Nhất Linh, sinh ngày 07/07/1910 tại Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, mồ côi cha năm lên 7, đậu bằng Thành Chung năm 17 tuổi (1927). Cùng với nhóm TLVĐ khởi xướng đoàn Ánh Sáng với mục đích cải tạo nếp sống tối tăm, bùn lầy nước đọng của tầng lớp những người nghèo khổ. Mất ngày 27 tháng 06, 1942 vì bệnh lao phổi. Tác phẩm: Gió Đầu Mùa (1937), Nắng Trong Vườn (1938), Ngày Mới (1939), Theo Giòng (1941), Hà Nội 36 Phố Phường (1942).
22. Xuân Diệu (1916-1985): thành viên TLVĐ, kiện tướng đưa phong trào thơ mới tới thành công, tên thật Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 01/02/1916, quán làng Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, công chức sở Thương Chánh. Đại Biểu Quốc Hội Khoá I (1946-1960), ủy viên trung ương Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật, ủy viên trung ương Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật. Mất ngày 18/12/1985. Tác phẩm: Phấn Thông Vàng (1939), Thơ Thơ (1938), Gửi Hương Cho Gió (1945), Trường Ca (1945), Thanh Niên với Quốc Văn (1945), Miền Nam Nước Việt (1945), Triều Lên (1958), Những Bước Đường Tư Tưởng Của Tôi (1958), Riêng Chung (1960), Thơ Văn Nguyễn Khuyến (1960), Riêng chung (1960), Hồ Xuân Hương (1960), Mũi Cà Mau (1962), Hai Đợt Sóng (1967), Tôi Giàu Đôi Mắt (1970), Cây Đời Mãi Mãi Xanh Tươi (1971), Hồn Tôi Đôi Cánh (1976), Các Nhà Thơ Cổ Điển Việt Nam (1981), Thanh Ca (1982),
23. Thanh Tịnh (1911-1988): tên thật Trần Thanh Tịnh, quê làng Dương Nổ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc ngoại ô thành phố Huế), học trường Đông Ba, Pellerin Huế, đậu bằng Thành Chung, dạy các trường tư ở Huế. Cộng tác với các báo Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội Báo, Tinh Hoa, Tiểu Thuyết Thứ Năm. Sau 1946 phụ trách đoàn kịch quân đội Liên Khu IV. Sau 1954 chủ nhiệm tạp chí Văn Nghệ Quân Đội một thời gian. Mất ngày 17/07/1988. Tác phẩm: Hận Chiến Trường (1937), Quê Mẹ (1941), Chị và Em (1942), Ngậm Ngải Tìm Trầm (1943), Xuân và Sinh (1944), Những Giọt Mưa Biển (1956), Đi Giữa Một Mùa Sen (1973)., Thanh Tịnh và Đời Văn (1996).
24. Vũ Đình Liên (1913-1996): nổi tiếng với bài thơ Ông Đồ, quê làng Châu Khê, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, học trường Hàng Vôi, trường Bưởi, Đại Học Luật Hà Nội, dạy trường Thăng Long, làm Tham Tá Thương Chánh ở Hà Nội. Cộng tác với các báo Phong Hóa, Phụ Nữ Thời Đàm, Thanh Nghị, Loa, Tinh Hoa. Từ 1954 dạy Đại Học Sư Phạm Hà Nội. Mất ngày 18/01/1996.
25. Đoàn Phú Tứ (1910-1989): sinh ngày 10/09/1910 tại Hà Nội, quê làng Tử Nê, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, đỗ bằng Tú Tài Pháp, dạy học, gia nhập làng báo từ 1925, cộng tác với các báo Đông Tây, Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội Báo, Tinh Hoa, Thanh Nghị. Làm thơ và viết kịch. Trưởng nhóm thi phái Xuân Thu Nhã Tập. 1946: Dân Biểu Quốc Hội. Sau 1946 công tác trong Đoàn Sân Khấu Việt Nam chuyên viết và diễn kịch. Tác phẩm (trước 1945): Ngã Ba, Mơ Hoa, Sau Đêm Khiêu Vũ, Hai Vợ Chồng, Người Đàn Ông, Ghen.
26. Chế Lan Viên (1920-1989): tên thật Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 14/01/1920 tại thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, học trường Quốc Học Qui Nhơn, đậu bằng Thành Chung, ra hà Nội học Tú Tài, sau đó vào Sài Gòn làm báo, rồi vế dạy học ở Thanh Hóa. Từ 1946: Đại Biểu Quốc Hội, Ủy Viên thường trực Hội Nhà Văn, Tác phẩm: Điêu Tàn (thơ, 1937), Vàng Sao (văn, 1942), Gửi Các Anh (1954), Ánh Sáng và Phù Sa (1960), Nói Chuyện Văn Thơ (1960), Vào Nghề (1962), Phê Bình Văn Học (1962), Hoa Ngày Thường, Chim Báo Bão (1967), Hái Theo Mùa (1977), Suy Nghĩ và Bình Luận (1971), Nghĩ Cạnh Dòng Thơ (1971), Hoa Trên Đá (1985), Tuyển Tập Chế Lan Viên (1985), Di Cảo I, II, III (1995).
27. Hàn Mặc Tử (1912-1940): mắc bệnh phong (cùi), sinh ngày 22/09/1912 tại Lệ Mỹ (Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình. 1932: làm ở sở Đạc Điền, Qui Nhơn. 1935: xin nghỉ việc vào Sài Gòn giữ trang văn chương cho các báo Sài Gòn, Công Luận, Tân Thời, Trong Khuê Phòng. Được một năm trở về Qui Nhơn rồi mắc bệnh phong, bị cưỡng bức vào nhà thương, ít lâu sau thì mất ngày 11/11/1940. Tác phẩm: Gái Quê (1936), Thơ Hàn Mặc Tử (1957).
28. Phạm Huy Thông (1916-1988): quê làng Đào Xá, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, tốt nghiệp Tiến Sĩ Văn Chương và Thạc Sĩ Sử Học ở Pháp. Làm thơ, viết kịch. Mất ngày 23/06/1988. Tác phẩm: Anh Nga (1934), Tần Ngọc (1937), Huyền Trân, Tiếng Địch Sông Ô (1945),
29. Bích Khê (1916-1946): tên thật Lê Quang Lương, thân phụ mất sớm năm mới lên 7, quê xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Mở trường tư ở Phan Thiết. Có thơ đăng các báo Tiếng Dân, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Ngày Mới. Tác phẩm: Tinh Huyết (1939), Tinh Hoa, Mấy Dòng Thơ Cũ.
30. Nguyễn Tuân (1910-1097): sinh ngày 10/07/1910, quê xã Nhân Mục, huyện Từ Liêm, Hà Nội, nguyên quán Thanh Hóa, học ở Thanh hóa. 1937: sống bằng nghề viết, cộng tác với các báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tao Đàn, Hà Nội Tân Văn, Trung Bắc Chủ Nhật, Thanh Nghị. Sau 1946 Tổng Thư Ký Hội Văn Nghệ Việt Nam, Ủy Viên Trung ương Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam, Ủy Viên Thường Trực, Cố Vấn Hội Nhà Văn Việt Nam. Mất ngày 28/07/1987. Tác Phẩm: Ngọn Đèn Dầu Lạc (1939), Nhà Bác Nguyễn (1940), Vang Bóng Một Thời (1940), Một Chuyến Đi (1941), Tùy Bút I & II (1941 & 1943), Tàn Đèn Dầu Lạc (1941), Chiếc Lư Đồng Mắt Cua (1941), Thiếu Quê Hương (1943), Quê Hương (1943), Tóc Chị Hoài (1943), Chùa Đàn (1944), Nguyễn (1945), Thằng Càn (1953), Đường Vui (1949), Tình Chiến Dịch (1950), Tùy Bút Kháng Chiến (1955), Truyện Một Cái Thuyền Đất (1958), Sông Đà (1960), Chuyên Nghề (1976).
31. Vũ Hoàng Chương (1916-1976): quê ở Nam Định, học trường Albert Sarraut, bỏ dở trường Luật Hà Nội đi làm ở sở Hỏa Xa Bắc Kỳ. 1941: thôi việc đi dạy học tư. 1954 di cư vào Nam, dạy học ở Sài Gòn. Sau khi Miền Nam thất thủ năm 1975 bị bắt đi học tập cải tạo, chết trong trại tù của Việt Cộng. Tác phẩm: Thơ Say (1940), Mây (1943), Thơ Lửa (1947), Rừng Phong (1954), Hoa Đăng (1959), Cảm Thông (1960), Tâm Sự Kẻ Sang Tần (1961), Tâm Tình Người Đẹp (1961), Trời Một Phương (1962), Lửa Từ Bi (1963), Thi Tuyển (1963), Bút Nở Hoa Đàm (1967), Ánh Trăng Đạo (1966), Cành Mai Trắng Mộng (1968), Loạn Trung Bút (1970), Ta Đợi Em Từ 30 Năm (1971), Ta Đã Làm Chi đời Ta (1973).
32. Ernest Fisher: chủ nghĩa lãng mạn thể hiện cái tôi (le moi) chống lại tất cả cái gì không phải là cái tôi (le non-moi).
33. Phan Cự Đệ, “Trào Lưu Văn Học Lãng Mạn Chủ Nghĩa”, (Văn học Việt Nam Thế Kỷ XX, trang 28.
34. Hoài Thanh và Hoài Chân, “Một Thời Đại Trong Thi Ca” (Thi Nhân Việt Nam, trang 29).
35. Victor Marie Hugo (1802-1885): dẫn đạo trào lưu lãng mạn ở Pháp. Các tác phẩm của ông biểu hiện tình yêu tự do, công lý và sót xa với sự khổ đau của thế nhân. Sinh tại Besancon, ông là con của một sĩ quan trong quân đội Hoàng Đế Napoleon I. Ông theo cha sống 10 năm đầu ở Corsica (Ý), và Tây Ban Nha, nhửng năm tháng này đã ảnh hưởng đến văn chương của ông sau này. 1822: Hugo lấy người yêu hồi mới lớn, cô Adele Foucher. Cùng thời gian đó ông quyết định trở thành nhà văn, ông làm thơ, viết kịch bản, sáng tác tiểu thuyết. Hugo là một chính trị gia bảo thủ hồi trẻ nhưng dần dà trở thành một kiện tướng của tự do. Sau cuộc cách mạng 1848 thiết lập nền Đệ Nhị Cộng Hòa Pháp, ông được bàu vào Quốc Hội mới. Lúc đầu Hugo ủng hộ Louis Napoleon, nhưng sau chống đối vì ông thấy tân Tổng Thống là một người chuyên quyền. Tháng 12, 1851, Louis Napoleon lật đổ nền Cộng Hòa, và trở thành Hoàng Đế Napoleon III. Vì chống đối ông phải lưu xứ gần 20 năm, trước tiên ở Bỉ, sau trên đảo Jersey ở Anh, và từ 1885-1870 ở đảo Guernsey. 1859: Hugo từ chối lời mời trở lại Pháp của chính quyền, ông tuyên bố chỉ về khi nào Pháp có tự do. Ông trở thành biểu tượng tự do của người Pháp trong những năm ông lưu xứ. Sau khi Napoleon bị hạ bệ năm 1870 trong cuộc chiến tranh với Nga, Hugo trở lại Pháp trong chiến thắng. Ông sống những năm còn lại trong sự tôn kính của dân chúng. Tác phẩm: The Orientals (Đông Phương, thơ, 1929), Leaves of Autumn (Lá Thu, thơ, 1931), The Hunchback of Notre Dame (Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà, 1831, tiểu thuyết), The Contemplations (Trầm Tư, thơ, 1856), The Legend of the Centuries (Huyền Thoại Thế Kỷ, thơ, 1869) Les Misérables (Những Kẻ Khốn Cùng, 1862, tiểu thguyết).
36. Alphonse de Lamartine (1790-1869): sinh ở Macon, giữ chức vụ nguyên thủ quốc gia một thời gian rất ngắn sau cuộc cách mạng 1848 của Pháp, mất ảnh hưởng và nợ nần chồng chất trước khi chết. Tác phẩm của Lamartine chứa đựng nỗi buồn mơ hồ, khát khao quá khứ, sự an ủi trong niềm tin tôn giáo, mối hy vọng bất tử, và những kỷ niệm của một mối tình lý tưởng. Ông đã bắt đầu phần lớn những tác phẩm có tính cách tượng trương diễn tả sự phấn đấu của con người để được đến gần thượng đế qua sự khổ đau và chộc tội. Tác phẩm: Poetic Meditations (1820), Jocelyn (1836), The Fall of an Angel (1838).
37. Francois-René de Chateaubriand (1768-1848): tác gia quan trọng trong trào lưu văn học lãng mạn Pháp. Tiểu thuyết Atala diễn tả cuộc tình bi thảm giữa hai người da đỏ ỡ Mỹ là một thí dụ về tính lãng mạn say mê ở Âu Châu với con người trong trạng thái ban sơ và đối tượng xa xăm. The Spirit of Christianity ca tụng đạo Thiên Chúa như một nền văn hóa vĩ đại, và là sức mạnh đạo đức. Rene, một phần của tác phẩm, là câu chuyện vế một người trẻ đa sầu có cảm giác mơ hồ tuyệt vọng đã tạo cho anh ta là một người hùng điển hình của lãng mạn. Tác phẩm: Atala (tiểu thuyết, 1801), The Spirit of Christianity (tiểu thuyết, 1802), Memoirs from Beyond the Grave (hồi ký, 1848).
38. Alfred de Musset (1810-1857): sinh ở Pháp, thi sĩ, nhà văn, kịch tác gia, người tình của nữ sĩ George Sand. Tác phẩm: Tales of Spain and Italy (thơ, 1829), Comédies et Proverbes (kịch, 1840).
39. Alfred de Vigny (1797-1863): sinh ở Loches, Một trong những người khởi xướng trào lưu lãng mạn Pháp. Hầu như suốt đời sồng cách biệt với mọi người. Chuyện tình nhiều đau buồn với một nữ diễn viên và sự thất bại trong việc mưu tìm chức vụ chính trị đã tăng thêm sự cô độc của ông. Tác phẩm: Poèmes Antiques et Modernes (thơ, 1826), Cinq-Mars (tiểu thuyết, 1826), Chatterton (kịch, 1835), Military Service and Greatness (tập truyện, 1835), Les Destinées (thơ, 1864).
40. Phái Thi Sơn (Parnasse): Parnasse là tên một đỉnh núi ở Hy Lạp nơi ngự trị của thần Apollo, vị thần của cái đẹp, mang ý nghĩa không phải ai cũng đạt được cái đẹp, phải nỗ lực mới đạt được tới cái đẹp.
41. Théophile Gautier (1811-1872): sinh ở Tarbes, Gascony, thi sĩ, nhà văn, phê bình gia. Lúc đầu thơ ông mô phỏng theo kỹ thuật và đề tài của các thi sĩ lãng mạn khác, nhưng ngay sau đó ông đổi ra lối miêu tả và khách quan, nhấn mạnh vào “cảm quan nhìn thấy” hơn là chỉ đơn thuần ý tưởng hay cảm nhận. Tác phẩm về thơ: Enames and Cameos (1852), Art (1857). Tiểu thuyết: Mademoiselle de Maupin (1835), The Novel of the Mummy (1858), Captain Fracasse (1863).
42. Arthur Rimbaud (1854-1891): bạn thân của Verlaine. Những bài thơ nổi tiếng của Rimbaud được sáng tác trong 5 năm xáo trộn tuổi trẻ từ 15 đến 20 tuổi. Le Bateau Ivre (Con Tàu Say, 1871), bài thơ đầu tiên khiến Rimbaud được chú ý tới, tượng trưng cho những khát vọng của con người về một thế giới mới. Nhìn chiếc tàu giả trong công viên, ông dùng sự tưởng tượng phong phú đưa con tàu căng buồm phiêu du qua những đại dương với cảnh sắc chói sáng. Tác phẩm: Les Illuminations (1886), Une Saison en Enfer (1873).
43. Paul Verlaine (1844-1896): bạn thân với Rimbaud. Những năm đầu thập niên 1870 Verlaine du lịch qua Anh, Hòa Lan, và Bỉ cùng với chàng thiếu niên Rimbaud, người bạn thơ của ông. Tình bạn của hai người chấm dứt năm 1874 khi Verlaine bắn Rimbaud bị thương trong một cuộc tranh luận. Sau khi ở tù một thời gian ngắn, ông cho ra đời thi tập Sagesse (1881). Tác phẩm: Fêtes Galantes (1869), Art Poétique (1871-1873), Romances sans Paroles (1874).
44. Stéphane Mallarmé (1842-1898): sinh ở Paris, thi sĩ, phê bình gia, nổi tiếng với tập thơ đầy mơ mộng L’Après Midi d’un Faune (The Afternoon of a Faun, 1865). Ngoài mỗi tuần họp mặt với các bạn thơ văn và các nghệ sĩ ở Paris, ông sống tách rời khỏi xã hội. Ông được coi như người dẫn đạo phái Tượng Trưng (symbolism). Bài thơ cuối cùng của ông ‘’ Un coup de dés jamais n’abolira le hasard ‘’ (1897) diễn tả sự đối đầu giữa sự hỗn loạn của vũ trụ (le hazards) và ước muốn của con người tự tạo cho mình một định mệnh (le coup de des).
Tài Liệu Tham Khảo
– Jean Claude Tadié, Introduction à la Vie Littéraire du 19è Siècle, nxb Bordas, Paris, France 1984.
– Jennifer Bothamley, Dictionary of Theories, nxb Gale Research International, Ltd, United Kingdom, 1993.
– Hoài Thanh & Hoài Chân, Thi Nhân Viêt Nam, nxb Nguyễn Đức Phiên, Hànội, VN, 1943.
– Lê Văn Siêu, Văn Học Sử Thời Kháng Pháp 1858-1945, nxb Trí Đăng, Sàigòn, VN, 12/1974.
– Một số tác giả (Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức), Văn Học Việt Nam 1900-1945, nxb Giáo Dục, Hànội, VN, 05/1999.
– Nguyễn Q. Thắng, Từ Điển Tác Gia Việt Nam, nxb Văn Hóa, Hànội, VN, 09/1999.
– Phạm Thế Ngũ, Viêt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, Quyển 3, Văn Học Hiện Đại 1862-1945, nxb Anh Phương, Sàigòn, VN, 1965.
– Phan Cự Đệ, Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX, nxb Giáo Dục, Hànội, VN, 11/2005.
– Phan Quang Định, Lịch Sử Văn Học Pháp, nxb Văn Hóa Thông Tin, Hànội, VN, 1997.
– Terry Eagleton, Literary Theory, Second Edition, nxb The University of Minnesota Press, Minneapolis, MN, USA, 1996.
– Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, nxb Tân Dân, Hànội, 1942, nxb Thăng Long tái bản, Sàigòn, VN, 1960.
– Xavier Darcos, Littérature Francaise, nxb Hachette, Paris, France, 1992.
One Comment
Uyên Phương Minh Nguyệt
Cám ơn Dr Trần gia Thái nhiều lắm đã viết một bài biên khảo thật giá trị, lời văn trong sáng ngắn gọn với đầy đủ những kiến thức , những tin tức ,những chi tiết cặn kẽ về trào lưu lãng mạn trong nền văn học Việt Nam. Chỉ cần đọc bài biên khảo này là coi như đã bao gồm hầu hết những gì đã thật sự xảy ra và nhũng biến chuyển cho nền văn học VN vào thời đó. Học giả Trần Bích San đã viết một câu thật hay giúp cho độc giả dễ hiểu và dễ nhớ,đó là : ” Văn chương lãng mạn đánh dấu một cuộc cách mạng trong văn học Việt Nam đã thay đổi hệ thống tư tưởng thời phong kiến bằng cách thay thế “cái ta” trong văn chương lịch triều sang “cái tôi” của văn học hiện đại” . Thêm vào đó, cũng chỉ một bài biên khảo ngắn gọn mà chú thích hết nhửng tiểu sử của những nhà thơ nhà văn vào thời đó , giúp cho độc giả khỏi mất thì giờ đi tìm kiếm ở nơi khác .
Cám ơn Dr Thái đã để lại cho đời những bài biên khảo quý giá .
Quý mến ,
UPMN
Quý mến