Cáo Hủ Lậu Văn
Thương thay! Thuơng thảy! Thương thay!
Ngắn than, dài thở, sự này tại ai?
Người sao trời rộng đất dài,
Ta sao co quắp một nơi thế mà!
Người sao nhẹ thẳng bay xa
Ta sao co kéo xó nhà với nhau?
Người sao làm chủ hoàn cầu,
Ta sao nô lệ cúi đầu làm tôi?
Người sao sáng sủa đầy trời,
Ta sao hôm tối như ngưòi đi đêm!
Lấy gương thử ngắm mà xem,
Ra gì mặt mũi mà đem khoe đời!
Đăng Cổ Tùng Báo
số 808 năm 1907
LỜI DẪN NHẬP TỔNG QUÁT
Đọc thấy chữ “hủ lậu” tất có thể có người không vừa lòng và cho là quá đáng. Nhưng nếu hiểu theo sát nghĩa của chữ này, như được ghi trong từ điển Việt Nam đương thời, thì ”hủ lậu” chỉ là “cũ kỹ chật hẹp, không hợp thời”. Đương nhiên, trước thời đại mới, trên đất nước, nay không còn những cũ kỹ chật hẹp của đầu thế kỷ thứ XX. Nhưng lại có những cũ kỹ chật hẹp của những năm 2000. Theo tác giả những dòng đưới đây, câu chuyện “hủ lậu” của ngươi Việt Nam, ở vào thời điểm đầu thiên niên kỷ thứ ba, cũng cần phải đem ra bàn như đã bàn ở vào đầu thế kỷ trước. Mục Tư Tưởng Chính Trị trên Việt Thức là một “Cáo Hủ Lậu Văn” mới, với một nội dung hoàn toàn mới.
Vì phải thỏa mãn các nhu yếu của cuộc sống mà con người đã phải thường xuyên vận dụng khả năng suy nghĩ để quan sát thiên nhiên và xã hội, để tự hỏi mình về số phận của chính mình cũng như của tập thể. Ai là người được coi là xứng đáng để lãnh đạo xã hội? Những gì có thể cho là lợi ích chung, chính đáng và cao nhất của tập thể? Quyền chỉ huy, quyền chế tài, trong đời sống chung, phải dựa trên nền tảng nào, phải được hành sử trong những giới hạn nào v.v…? Đó là một số trong nhiều câu hỏi khác nữa, luôn luôn phải đặt ra và không thể không đặt ra, để được trả lời và tìm thấy những giải đáp đúng nhất, tốt nhất. Người ta gọi đó là tư tưởng chính trị.
Lịch sử loài người cho thấy từ hàng triệu năm trước đây, tư tưởng chính trị, dưới nhiều hình thức khác nhau, đã xuất hiện cùng với con người. Trên thế giới, ngày nay, tư tưởng chính trị không phải chỉ là những hoạt động thuần cá nhân mà còn được giảng dạy, sản xuất, tàng trữ tại các trư ờng đại học.
Ở Việt Nam, cần tìm hiểu vì sao hiện nay tư tưởng chính trị vẫn chưa tranh thủ được tầm quan trọng đó.
Mục Tư Tưởng Chính Trị trên Việt Thức (TTCT) không tự trao cho nó trách nhiệm học thuật của một giáo trình đại học hay một công trình nghiên cứu thâm sâu, một học thuyết về tư tưởng chính trị. Nó chỉ là những bước đi mở đường cho một cuộc khởi hành mới, tiếp tục cuộc hành trình Duy Tân mà thế kỷ trước, vì bị mất phương hướng. đã bị gián đoạn. Cuộc chia tay với Hù Lậu do đó chưa có cơ thực hiện. Bây giờ, một đoàn người lữ hành mới lại lên đường. Tất yếu sẽ phải có hành trang mới, động cơ mới, sức đẩy mới để, nếu có thể được, tránh lãng phí thời gian, thâu ngắn đoạn đường chót dẫn tới đích là Văn Minh Tiến Bộ.
Trong dụng đích bàn về cuộc hành trình mới này, Mục Tư Tưởng Chính Trị trên Việt Thức phải chọn một cách nhìn vấn đề riêng biệt để một mặt, nhận diện được – một cách tổng quan nhưng chỉ sơ lược – quá trình diễn tiến của TTCT nói chung trên thế giới và, mặt khác, TTCT nói riêng ở Việt Nam. Ngoài ra, TTCT còn phải hợp nhất sự quan sát ở cấp độ lý thuyết với sự quan sát ở cấp độ thực tiễn, để chụp bắt cho đầy đủ tư tưởng chính tri Việt Nam. Đằng khác, Mục Tư Tưởng Chính Trị trên Việt Thức cũng không thể không khép mình vào trong khuôn khổ – dĩ nhiên không phải không có hạn chế – mà Việt Thức đã dành cho nó. Sau cùng, tuy người đọc sẽ dễ dàng nhận thấy rằng tinh thần chủ đạo của Mục Tư Tưởng Chính Trị trên Việt Thức là tự do tư tưởng và đa nguyên, nhưng người viết vẫn phải nhắc lại rằng kiến thức của khoa học nhân văn, khoa học xã hội không thể tuyệt đối khách quan, chính xác như kiến thức của khoa học tự nhiên. Nói như vậy để cảnh báo trước rằng nếu người đọc có thể còn gặp ít nhiều hiện tượng chủ quan, và từ đó, sai lầm, nhất là trong cách chọn lựa góc độ tiếp cận vân đề cũng như trong các nhận định về giá trị, thì người viết xin nhận trách nhiệm hoàn toàn về phần mình.
Tất cả những điều kiện thực tế kể trên đã trực tiếp có ảnh hưởng quyết định đến nội dung của Mục Tư Tưởng Chính Trị trên Việt Thức, tạm thời dự kiến sẽ gồm có 4 phần như sau:
I. Lược sử tư tưởng chính trị trên thế giới
II. Lựơc sử tư tưởng chính trị tại Việt Nam
III. Cuộc chia tay với Hủ Lậu
IV. Chân trời mới của tư tưởng chính trị Việt Nam.
Phần lược sử tư tưởng chính trị trên thế giới sẽ do Trần Thanh Hiệp viết.
Phần lược sử tử tư tưởng chinh trị tại Việt Nam là sáng tác chung của Trần Thanh Hiệp và Đoàn Viết Hoạt, dưới sự sắp xếp của Đoàn Viết Hoạt.
Một số thân hữu trong giới trước tác, nghiên cứu tư tưởng chinh trị sẽ được mời viết cho Mục Tư Tưởng Chính Trị trên Việt Thức.
Hai phần cuối sẽ là một sáng tác của nhiều người.
LS. Trần Thanh Hiệp
Mục Tư Tưởng Chính Trị
Phối Hợp Viên LS. Trần Thanh Hiệp: tranthanhhiep@gmail.com
www.vietthuc.org