1. Quân Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên
Vào cuối thế kỷ 19, nước Nga rất muốn bành trướng ảnh hưởng tại miền Tây Bá Lợi Á và châu Á trong khi đó Nhật Bản đang ở vào thời kỳ canh tân, cũng muốn phát huy thế lực sang bán đảo Triều Tiên. Năm 1902, sự liên minh quân sự giữa nước Anh và Nhật Bản càng làm lợi cho nước quân phiệt châu Á này. Sau nhiều bất hòa và xung đột, vào tháng 2 năm 1904, Nhật Bản mở một cuộc tấn công bất ngờ vào hạm đội Nga trú đóng tại Hải Cảng Lữ Thuận (Port Arthur), đã khiến cho bùng nổ cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Nước Triều Tiên khi đó tuyên bố trung lập nhưng khi chiến tranh càng tiếp diễn, quân đội Thiên Hoàng đã tràn vào bán đảo này bằng võ lực. Chính quyền Triều Tiên thời đó không còn cách nào khác là đành chịu đựng việc chiếm đóng trước sức mạnh quân sự của Nhật Bản.
Sự thất trận của nước Nga trước sức mạnh quân sự của Nhật Bản vào năm 1905 đã khiến cho thế giới phải bàng hoàng vì đây là lần đầu tiên, một nước châu Á da vàng đã đánh thắng một quốc gia da trắng. Kết quả của sự thất trận này là việc “bảo hộ” Triều Tiên của Nhật Bản.
Để có được sự chấp nhận bảo hộ chính thức của quốc gia Triều Tiên, Thủ Tướng Nhật Bản thời bấy giờ là Ito Hirobumi đã tới Hán Thành (Seoul) vào ngày 5 tháng 11 năm 1905, khuyến cáo chính quyền Triều Tiên chấp nhận một hiệp ước chuyển giao một phần chủ quyền cho Nhật Bản. Vua Triều Tiên Kojong và nội các của ông đã chống lại đề nghị, nhưng chưa được 2 tuần lễ, Thủ Tướng Hirobumi đã thuyết phục được đa số nội các chấp nhận hiệp ước. Ngày 18 tháng 11, hiệp ước giữa Triều Tiên và Nhật Bản được ký kết, dành chủ quyền ngoại giao của xứ Triều Tiên cho Nhật Bản và quyền hiện diện của một vị Tướng Toàn Quyền Nhật, đóng tại Triều Tiên để điều hành các công việc đối ngoại.
Khi bản hiệp ước được công bố, đã bùng nổ ra các cuộc phản đối của dân chúng Triều Tiên và các đòi hỏi thời bấy giờ là phải trừng trị “5 kẻ phản bội”, những người đã chấp nhận hiệp ước. Quân cảnh Nhật Bản được gọi tới để dẹp tan các đám biểu tình. Nhân vật cố vấn cho Vua Kojong là Min Yong-hwan và Thủ Tướng Cho Pyong-se, cả hai phải tự tử. Sau đó việc điều hành của Tướng Toàn Quyền Nhật Terauchi Masatake đã đi ra ngoài phạm vi của hiệp ước. Ông này có quyền duy trì luật pháp và trật tự, can thiệp vào việc quản trị nội bộ của Triều Tiên, giám sát các nhân viên chính phủ người Nhật Bản cũng như người Triều Tiên và cũng có quyền ra các sắc lệnh.
Vào tháng 6 năm 1907, Vua Kojong gửi một nhóm đặc sứ bí mật tới Hội Nghị Hòa Bình tại Hòa Lan (the Hague Peace Conference) để yêu cầu quốc tế làm áp lực sao cho Nhật Bản phải rút lui khỏi bán đảo Triều Tiên. Nhiệm vụ của nhóm đặc sứ thất bại nên vào tháng 7 năm đó, để tránh sự trả thù của Nhật Bản, nội các của Vua Kojong với sự giật dây bên trong của Nhật Bản, đã bắt buộc nhà Vua phải thoái vị, nhường ngôi cho người con trai ủy mị là Vua Sunjong (trị vì 1907-1910). Ông Vua này sau đó kết hôn với một người vợ Nhật và được cho giòng dõi quý tộc Nhật. Nước Triều Tiên kể từ nay bị hoàn toàn cai trị bởi một vị Tướng Toàn Quyền Nhật, chỉ dưới quyền của Thủ Tướng Nhật.
Như vậy tới năm 1910, Triều Tiên bị “sát nhập” vào Nhật Bản, đất nước Triều Tiên không còn nữa, quê hương này từ nay là sở hữu của người Nhật! Trong nhiều thập kỷ tới, chính quyền quân sự chiếm đóng Nhật Bản đã hành động tàn nhẫn để xóa bỏ hoàn toàn Văn Hóa Triều Tiên. Hai sư đoàn quân Nhật đã được trải rộng, trấn giữ quê hương này và từ đây là thời kỳ ghê sợ nhất trong Lịch Sử Triều Tiên.
Theo lý thuyết, người Triều Tiên đã trở nên thần dân của Hoàng Đế Nhật Bản, được hưởng mọi quyền lợi như người dân Nhật nhưng sự thực, chính quyền đô hộ Nhật bản đã đối xử với dân chúng Triều Tiên như một dân tộc bị chinh phục. Mọi chức vụ quan trọng trong chính quyền đều được giao phó cho các nhân viên thuộc địa Nhật Bản. Hầu như tất cả đất đai trước kia thuộc về Hoàng Gia Triều Tiên, thuộc về chính quyền cũ và về các ngôi chùa Phật Giáo, đều bị tịch thu và bán lại với giá rẻ cho những người di dân Nhật mới qua. Hai triệu nông dân Triều Tiên bị đẩy ra khỏi mảnh đất sinh sống lâu đời của họ.
Triều Tiên là đất nước có 8,600 cây số bờ biển, ngành đánh cá của tư nhân rất phổ thông trước kia, nay đã bị cấm đoán. Tất cả tôm, cua, sò, cá và các hải sản đánh bắt được đã bị quản trị bởi các công ty do Nhật Bản làm chủ và xuất cảng sang Nhật Bản. Trên đất liền, Công Ty Phát Triển Đông Phương (the Oriental Development Company) của Nhật đã chiếm đoạt phần lớn tài sản của xứ Triều Tiên, bao gồm các bất động sản, hầm mỏ và kỹ nghệ. Các tài nguyên thiên nhiên như than đá, vàng, sắt, magnesium… cũng như đồ ăn và các sản vật chế tạo chỉ được vận chuyển qua nước Nhật, để đổi lấy loại hàng hóa rẻ tiền, chế tạo từ Nhật Bản. Người Nhật đã độc quyền kiểm soát không những cách phân phối hàng hóa mà còn tất cả các mặt khác: nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, tài chính, kỹ nghệ, giao thông, hàng hải…
Bên cạnh đời sống kinh tế đã bị góp nghẹt về nhiều mặt, chính quyền chiếm đóng Nhật Bản còn giới hạn và rất hà khắc đối với các quyền lợi tư nhân và xã hội. Nhân quyền hầu như bị gạt bỏ hoàn toàn. Kể từ năm 1910, các trường học tư thục tại Triều Tiên bị kiểm soát chặt chẽ, các trường công lập chỉ được mở ra một cách giới hạn. Sách vở và báo chí viết bằng ngôn ngữ Triều Tiên bị kiểm duyệt kỹ càng. Các nhật báo Triều Tiên được lệnh đóng cửa, nhiều chủ nhiệm và nhà văn bị tống giam. Các nhóm trí thức và chính trị không có quyền thành lập, đồng thời các buổi họp phải xin phép trước và được canh gác bởi quân cảnh Nhật Bản. Mỗi rạp hát đều bị theo dõi đặc biệt làm sao không có tiếng nói tuyên truyền chống Nhật. Mạng lưới công an, cảnh sát Nhật Bản đã tỏa rộng, len lỏi vào mọi sinh hoạt của người dân địa phương. Những kẻ phạm tội bị đánh bằng roi, bị hành hạ thể xác và loại trừng phạt này chỉ áp dụng với người Triều Tiên mà không dùng với người cư trú Nhật Bản. Trong 10 năm đầu kể từ 1910, cách áp bức này được coi là khốc liệt nhất!
Nhật Bản đã đồng hóa Triều Tiên nhưng hai dân tộc này lại không tôn trọng, hòa hợp với nhau. Người Nhật coi người Triều Tiên là hạng thấp hèn về mọi mặt, đáng bị kỳ thị và khinh bỉ. Họ cho rằng những gì thuộc về gốc Triều Tiên phải bị xóa sạch trong khi người Triều Tiên lại coi người Nhật là tàn bạo, man rợ, không có văn minh, là ký sinh trùng của các miền đất chiếm đóng. Người Triều Tiên vẫn tiếp tục chống đối. Một người Triều Tiên yêu nước đã mưu sát Thủ Tướng Nhật Ito Hirobumi vào tháng 10 năm 1909 và các đội quân kháng chiến nhỏ của Triều Tiên đã không thể chống cự nổi sức mạnh áp đảo của quân đội Thiên Hoàng, nên đành phải rút lui sang Mãn Châu. Tướng Toàn Quyền đầu tiên người Nhật là Terauchi Masatake đã áp dụng mọi luật lệ sắt thép để khai thác xứ thuộc địa mới. Bản đảo này với tên cũ là “Choson” được đổi sang thành “Chosen” (Triều Tiên).
Từ năm 1915, chỉ có một phần ba giới trẻ Triều Tiên được tới trường đi học. Các môn học được giảng dạy bằng tiếng Nhật. Người Triều Tiên phải đổi tên cũ, thay bằng tên Nhật. Quốc ngữ Triều Tiên chỉ được dạy vài giờ trong tuần lễ rồi sau này đã bị cấm hẳn vào năm 1938. Để phục vụ cho chủ trương khai thác, bóc lột, người Nhật đã cho mở đường lộ và đường xe lửa, các cơ xưởng và nhà máy thủy điện được xây dựng tại miền bắc trong khi miền nam được cho phép chuyên về nông nghiệp.
2. Tinh thần bất khuất của người dân Triều Tiên
Cách cai trị độc tài, chuyên chế của chính quyền Nhật Bản đã nuôi dưỡng tinh thần bất khuất trong tâm hồn người dân Triều Tiên và tinh thần này chỉ chờ ngày bùng nổ. Vào ngày 01 tháng 3 năm 1919, một nhóm 30 nhận vật danh tiếng người Triều Tiên đã hội họp vào buổi trưa tại một nhà hàng ăn tại Hán Thành (Seoul). Họ đã gửi tới Tướng Toàn Quyền Nhật Bản “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” mà họ đã ký tên. Sau đó, họ đã gọi công an, cảnh sát Nhật, cắt nghĩa rõ ràng những gì họ đã làm và chờ đợi. Khi công an, cảnh sát Nhật tới, đám đông dân chúng Triều Tiên đã đứng tại hai bên đường, hoan hô, cổ võ những người yêu nước khi những nhân vật này bị dẫn đi tống giam.
Sau buổi trưa ngày 01-3-1919, những người thông tin ái quốc đã lớn tiếng đọc “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” tại khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn. Tất cả dân tộc Triều Tiên đều biết rõ những gì đã xẩy ra. Các cuộc biểu tình ôn hòa đã tràn lan khắp mọi nơi.
Thực ra, phong trào Độc Lập ngày mồng 1 tháng 3 (the March First Independence Movement) đã bị ảnh hưởng bởi hai biến cố. Vị Vua Triều Tiên cũ qua đời và lễ an táng được dự trù vào ngày 3 tháng 3. Người dân đồn rằng nhà Vua đã bị người Nhật đầu độc. Sự căm thù sôi động. Đồng thời khi đó, chủ thuyết “Dân Tộc Tự Quyết” (the doctrine of self-determination for conquered nations) dành cho các quốc gia bị trị của Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã có tiếng vang khắp thế giới. Do hy vọng này, một nhóm sinh viên Triều Tiên sống tại thành phố Tokyo đã cho phổ biến vào tháng 2 năm 1919 lời đòi hỏi độc lập dành cho nước Triều Tiên thoát khỏi sự bảo hộ của Nhật Bản. Do đó đã có các chương trình làm tăng cường lời đòi hỏi kể trên tại ngay đất nước Triều Tiên bằng các cuộc biểu tình ôn hòa và bằng cách đưa “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” cho Tướng Toàn Quyền người Nhật.
Cách chống đối bất bạo động này của người dân Triều Tiên đã xẩy ra nhiều năm, trước khi ông Mahatma Gandhi (1869-1948) dẫn đầu các cuộc biểu tình tương tự tại Ấn Độ. Kể từ ngày 01 tháng 3 này, nhiều tờ báo Triều Tiên yêu nước và bí mật, đã xuất hiện. Hàng ngàn người dân mang cờ Triều Tiên đi ngoài đường phố và hô to khẩu hiệu “Triều Tiên Muôn Năm”. Cảnh sát Nhật Bản dẹp được đám biểu tình này, thì tại nhiều nơi khác lại xuất hiện các đám phản đối mới. Trong 7 tuần lễ, các cuộc biểu tình công khai đã diễn ra trên khắp đất nước bị trị này và kết quả là 7,000 người đã bị giết, bị chết vì xô sát, bị đánh đập và hành hạ, hơn 50,000 người bị tống giam, nhiều làng mạc bị triệt tiêu.
Sau biến cố 1919, cách đàn áp Nhật Bản vẫn còn tiếp tục nhưng cũng nhẹ tay hơn. Các nhân viên chính phủ Nhật và các thầy giáo không còn đeo kiếm như trước, số cảnh sát quân đội giảm đi nhưng lại gia tăng số công an chìm và cảnh sát dân sự. Các tờ báo viết bằng tiếng Triều Tiên được cho tái bản nhưng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của người Nhật.
Vào năm 1926 rồi 1928, đã có các cuộc nổi dậy của sinh viên chống Nhật. Năm 1929 đã xẩy ra các cuộc biểu tình toàn quốc. Việc Nhật Bản xua quân đội vào Mãn Châu năm 1931 càng làm chặt chẽ thêm cách kiểm soát dân chúng Triều Tiên. Năm 1936, nhà vô địch chạy đua người Triều Tiên chỉ có thể tham dự Thế Vận Hội bằng tên Nhật Bản và với danh nghĩa đại diện cho Nhật Bản.
Kể từ năm 1937, việc Nhật Bản hóa xứ sở Triều Tiên được thi hành triệt để. Ngôn ngữ và lịch sử Triều Tiên bị cấm hẳn tại trường học. Tiếng Nhật được coi là chính thức tại học đường và các nơi công cộng. 84 phần trăm dân chúng bị bắt buộc đổi sang tên Nhật và mọi người dân phải tới cầu nguyện tại các đền thờ Thần Đạo (Shinto shrines).
Khi chính phủ quân phiệt Nhật Bản cho phát động cuộc Chiến Tranh Hoa Nhật lần thứ hai (the Second Sino-Japanese War, 1937-45), thì chính quyền thuộc địa Nhật Bản đã quyết định động viên toàn thể đất nước Triều Tiên vào chiến tranh. Giới trẻ Triều Tiên bị bắt buộc tham gia vào Quân Đội Thiên Hoàng với tính cách tình nguyện năm 1938, rồi bị đi lính cưỡng bách vào năm 1943 hay làm các lao dịch khổ sai tại các nhà máy và các nông trại, để phục vụ cho bộ máy chiến tranh. Một số rất lớn người dân Triều Tiên cũng bị đưa sang Nhật Bản để làm việc tại các cơ sở sản xuất võ khí, thay thế cho giới thanh niên Nhật bị đưa ra mặt trận.
Korea as part of the Japanese empire, 1939
Kết quả của sự chiếm đóng hà khắc của Nhật Bản là một số rất lớn người dân Triều Tiên đã bỏ xứ sở, chạy ra các nước ngoài. Hơn 100,000 người đã vượt qua miền Tây Bá Lợi Á (Siberia) của Liên Xô. Vào năm 1910 đã có hơn 300,000 người Triều Tiên tị nạn tại Mãn Châu và số may mắn hơn, gồm từ 6,000 tới 7,000 người, đã lánh nạn tại Hawaii hay lục địa Hoa Kỳ. Những cộng đồng tị nạn Triều Tiên này đã là cái nôi của các hoạt động chống Nhật. Họ đã tổ chức các trung tâm văn hóa, các trường học, các báo chí… để khuếch động lòng yêu nước của người dân hải ngoại. Tại hai miền Mãn Châu và Tây Bá Lợi Á, người Triều Tiên đã tổ chức các đội quân du kích kháng chiến, còn tại Hoa Kỳ, một nhóm người cũng định lập ra một lực lượng không quân đồng thời Chính Phủ Lâm Thời Triều Tiên được thành lập tại thành phố Thượng Hải, Trung Hoa. Tất cả các người Triều Tiên yêu nước đã hoạt động tích cực cho đến ngày Đế Quốc Quân Phiệt Nhật Bản đầu hàng vào tháng 9 năm 1945.
Lòng đam mê phục vụ và hi sinh cho quê hương của người Triều Tiên hải ngoại, kể cả các sinh viên đang du học tại Nhật Bản, cộng với tinh thần bất khuất của người dân trong nước, tất cả đã là nguyên do mang lại sự Giải Phóng và nền Tự Do – Độc Lập cho Quê Hương của một Dân Tộc bất khuất.
Phạm Văn Tuấn