Vào những ngày cuối của chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà, một số trí thức đã hoàn tất vai trò trong tình thế đầy thử thách và gian nan. Những người như hòa thượng Quảng Đức, nhà văn Nhất Linh và nhiều vị khác đã hi sinh cho chính nghĩa.
Nhưng đã xảy ra chuyện gì sau khi anh em ông Diệm nằm xuống? Giáo sư Lý Chánh Trung viết: “Trong tình trạng đất nước, phải lựa chọn: Hoặc chúng ta đòi hỏi dân chủ, hoặc chúng ta đòi hỏi cách mạng. Sau ngày chính biến 1/11/63, các nhà cầm quyền với nhiều thiện chí, đã nghĩ rằng: Sau chín năm gò bó, tự nhiên phải có tự do, sau chín năm độc tài, tự nhiên phải có dân chủ. Một năm nay, chúng ta đã dân chủ, và tự do như thế nào, chắc không cần phải nhắc lại. Cho nên đòi hỏi dân chủ trong lúc này là đánh lạc mục tiêu tranh đấu của người dân. Người dân cần cách mạng để được có dân chủ. Người dân không cần dân chủ khi chưa có cách mạng.”
Lý Chánh Trung phát biểu hết sức mù mờ khi diễn tả mong mỏi của người dân chỉ bằng hai chữ “cách mạng”, nhưng đã cho thấy biến cố 1/11/1963 không đem lại thay đổi như mong đợi của mọi người. Chẳng những thế, tình thế còn mỗi ngày mỗi bi quan, tuyệt vọng đưa tới tâm trạng chán nản và mất tin tưởng. Một thực cảnh trớ trêu đã hiển hiện là hình như đã có quá nhiều giải pháp đồng thời cũng chẳng có giải pháp nào cho những vấn đề chủ yếu của miền Nam.
Trí thức khuynh tả ra đời trong hoàn cảnh này và có nhiều dạng với một số tên tuổi ở Sài Gòn như Thích Nhất Hạnh, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Thế Nguyên, Phan Khắc Từ, Ngô Bá Thành, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung, Trần Ngọc Liễng… Ở miền Trung, có Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần…
Trong thời kỳ này, báo chí biểu hiện nhiều xu hướng chính trị khác nhau như chống Mỹ, chống chiến tranh, kêu gọi hòa hợp hòa giải, kêu gọi hòa bình, cổ võ giải pháp cách mạng về một xã hội không Cộng sản…và giới trí thức tả khuynh dồn phần lớn nỗ lực vào sinh hoạt báo chí. Rất nhiều tờ báo do những người này chủ trương đã được xuất bản như Quần Chúng, Hành Trình, Đất Nước, Đối Diện, Chọn…
Qua các bài viết, họ bày tỏ nỗi băn khoăn, trăn trở về thời cuộc, về hiện tình đất nước với ý muốn tìm ra những giải pháp và hướng đi cho mình. Họ không còn là những người sống trong tháp ngà, trái lại, đã tích cực dấn thân. Nhưng có lẽ đây là ưu điểm duy nhất của những người được gọi là trí thức tả khuynh tại miền Nam, ưu điểm gói tròn trong tính chất biểu hiện nhiệt tình đóng góp không hơn không kém.
Tờ Hành Trình do Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung chủ trương với sự cộng tác của Nguyễn Ngọc Lan, Đỗ Long Vân, Trần Trọng Phủ, Trịnh Viết Đức, Thế Nguyên,Thế Uyên, Diễm Châu, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Đông Ngạc, Thái Lãng, Trương Đình Hòe… đã phổ biến các bài viết: “Cùng nhau cảm thức về một nỗi buồn nhược tiểu”, “Chiến tranh hay hòa bình?”, “Ai xây hạnh phúc cho toàn dân?”; “Dung hòa chế độ độc tài quân phiệt và một nền dân chủ lành mạnh”, “Cách mạng của người nghèo”, “Độc tài hay dân chủ?”,“Cách mạng và dân chủ”, “Đối thoại giữa người Công giáo và Phật giáo”, “Hoàn cảnh cách mạng hay chiến tranh cách mạng”, “Tìm một hướng đi cụ thể cho cuộc cách mạng ở Việt Nam”…
Tựa đề các bài viết cho thấy không có xu hướng lập thuyết mà chú trọng vào thực tế tình hình, cố tìm lối thoát cho các vấn đề cấp thiết trong đó nổi bật là vấn đề chiến tranh và hòa bình. Đây ũng là điều bắt gặp nơi nhiều nhóm khác, kể cả nhóm Lá Bối của Thích Nhất Hạnh.
Chấm dứt chiến tranh, chấm dứt cảnh bom đạn, chém giết giữa người Việt với người Việt chắc chắn nằm trong khao khát chung của mọi người nên không chỉ là nỗi ưu tư riêng của thành phần trí thức tả khuynh. Kể từ 1964, các phong trào nghệ thuật như Du Ca, Tâm Ca, Da Vàng Ca… đều xoay quanh nguồn đề tài này. Vì thế phân định ranh giới rõ rệt về các nhóm trí thức tả khuynh sau 1964 là điều không dễ làm.
Tuy nhiên chỉ nhìn qua sinh hoạt báo chí thì có thể coi nhóm Hành Trình là nhóm tả khuynh tiêu biểu. Đa số trong nhóm này không tương quan nhiều với các sinh hoạt chung trước 1963 do tuổi tác và hoàn cảnh. Khi quy tụ trên tờ Hành Trình, họ không hẳn là thành viên của một tổ chức hoặc một khối đồng thuận về lý tưởng. Sợi dây nối kết họ chỉ là quan điểm tương đối gần gũi có thể tóm gọn trong mấy chủ điểm sau:
‒ Chống mọi hình thức can thiệp của Mỹ vào Việt Nam.
‒ Chống lại cuộc chiến đang diễn ra, theo họ, là một thứ chiến tranh uỷ nhiệm.
‒ Chống lại các chính quyền miền Nam, theo họ, chỉ là tay sai bản xứ do Mỹ chỉ đạo.
‒ Cổ võ cho quan điểm Cách Mạng Xã Hội Không Cộng Sản được gọi là đường lối thứ ba.
Nhóm Hành Trình gồm đa số người Công Giáo, nhưng với những chủ điểm về lập trường đã tách rời ý hướng chung của cả Hội Đồng Giám Mục lẫn giáo dân Công Giáo vốn luôn khẳng định vị thế đối kháng với Cộng Sản. Hô hào chấm dứt chiến tranh bằng đòi hỏi người Mỹ rời khỏi VN và mô tả các chính quyền miền Nam là công cụ của Mỹ đã tác hại đến nỗ lực chống Cộng Sản đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho miền Bắc, dù những người đòi hỏi luôn nhắc nhở về con đường thứ ba với tên gọi “Cách Mạng Xã Hội không Cộng Sản.”
Nhóm Hành Trình không đơn độc vì đồng thời đã xuất hiện nhiều phong trào đấu tranh chính trị theo đuổi các mục tiêu rất gần với quan điểm của nhóm như Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng, Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết, Uỷ Ban Vận Động Hoà Bình, Phong Trào Bảo Vệ Hoà Bình, Hạnh Phúc Dân Tộc… và cuối cùng là Lực Lượng Hoà Giải Dân Tộc.
Ngay thuở đó, đã có nhận xét Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết, Uỷ Ban Vận Động Hoà Bình, và đặc biệt, Phong Trào Bảo Vệ Hoà Bình, Hạnh Phúc Dân Tộc lãnh đạo bởi thượng toạ Thích Quảng Liên chỉ là các con cờ Cộng Sản. Có thể đã xảy ra trường hợp bị lợi dụng, khai thác do khó tránh bị Cộng Sản xâm nhập và cũng có thể do ảo tưởng thực hiện hoà hợp hoà giải giữa người Việt Nam dù thuộc chiến tuyến nào nên đã hồn nhiên tự nguyện bước vào cạm bẫy.
Dù nhìn cách nào vẫn không thể phủ nhận thái độ tích cực dấn thân của trí thức miền Nam sau năm 1963. Đáng tiếc là thái độ đó lại góp phần đưa đến một thực tế mà trong một cuộc phỏng vấn sau này, cựu thủ tướng Cộng Sản Võ Văn Kiệt đã nêu khi trả lời câu hỏi về các yếu tố giúp miền Bắc đạt thắng lợi 30/4/1975: “Phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay bên ngoài. Không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ‒ Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ… Sự xuất hiện lại trên chính trường của ông Minh, chính là kết quả hoạt động tích cực của lực lượng thứ ba, lực lượng những người đấu tranh với MỹThiệu ngay trong lòng chế độ Sài Gòn.”
Ước nguyện và thiện tâm con người cùng với tiến trình lịch sử thường không thuận hướng chung dòng. Đó là một công lệ và số phận miền Nam nói riêng hay VN nói chung là minh chứng hùng hồn. Trong cơ may ngàn vàng 1945, gần như mọi tầng lớp dân chúng đều sẵn sàng đối đầu với khó nguy trong ước nguyện duy trì cuộc sống tự do vừa giành lại được. Sự dấn thân của giới trí thức thuộc mọi thành phần ở thời điểm đó còn thấm đậm hương hoa quyến rũ của nếp sống lãng mạn tuyệt vời. Kết quả cuối cùng nhận được sau mọi đóng góp, hy sinh là hàng triệu người đã phải từ bỏ quê hương, vứt hết gia tài để chạy trốn vào Nam.
Lịch sử tái diễn ngày 30/4/1975 với miền Nam sau bao nỗi thống khổ và nỗ lực dấn thân của chính tầng lớp trí thức.
Thường vẫn có luận điểm trút hoàn toàn trách nhiệm cho Mỹ về sự sụp đổ của miền Nam. Mỹ vì chủ quan tự tôn viễn kiến đã chi phối quá đáng các chính quyền miền Nam, nhất là đã chọn giải pháp trực tiếp đưa quân tham chiến. Mỹ đã trở cờ phản bội đồng minh, bắt tay kẻ địch để an toàn bỏ cuộc…
Giả dụ chấp nhận tất cả luận điểm đó vẫn không thể rũ bỏ phần lớn trách nhiệm luôn thuộc về người Việt Nam không phân biệt bất kỳ ai và nhược điểm lớn nhất của miền Nam là đã kéo dài tình trạng lạc hướng do không xoá nổi khoảng trống về lãnh đạo. Trước 1963, tổng thống Diệm dù có lúc được đánh giá cao nhưng theo Stanley Karnow, vẫn chưa đáp ứng đủ các yêu cầu tối yếu của người lãnh đạo. Tình trạng càng nặng nề hơn cho miền Nam từ sau 1963.
Có thể nói, suốt 20 năm, 1954‒ 1975, trí thức giới miền Nam thiếu hẳn một gương mặt nổi bật, một hòn đá tảng được đặt đúng chỗ để có thể chuyển hướng dòng sông ‒ theo tinh thần Mounier. Tìm đâu cũng không thấy. Cho nên đã không thể san lấp khoảng trống về lãnh đạo. Qua nhiều thời kỳ, trước nhiều tình huống, nhiều nhân vật đã được dùng như những lá bài khác nhau và cuối cùng vẫn không đạt kết quả. Cụ Phan Khắc Sửu từng là tổng trưởng Canh Nông trong nội các đầu tiên của chính phủ Ngô Đình Diệm. Đến vụ Caravelle, tên Phan Khắc Sửu tái xuất hiện trong danh sách 18 người ở vị thế đối lập để đi tù Côn Đảo. Ngày 8/9/64, Phan Khắc Sửu tham dự Thượng Hội Đồng Quốc Gia rồi trở thành Quốc Trưởng để cùng thủ tướng Phan Huy Quát lãnh đạo miền Nam. Thủ tướng Phan Huy Quát cũng là cái tên quen thuộc trên chính trường ở nhiều cương vị tương tự những cái tên Trần Văn Hương, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền…
Dường như mấy chục năm chỉ có bấy nhiêu nhân vật trong khi tình thế không dậm chân tại chỗ bao giờ.
Khoảng trống lãnh đạo do khan hiếm nhân tài tất nhiên đặt đất nước vào tình thế chao đảo do luôn thiếu hướng đi thích ứng và vì thế khó tránh bị chi phối bởi các thế lực quốc tế. Đây là đặc điểm thứ nhất về vai trò giới trí thức miền Nam.
Đặc điểm trên dễ dàng thúc đẩy thái độ chống đối trong hàng ngũ trí thức ngoài chính quyền. Vì khi ưu tư đến cuộc sống, làm sao có thể an tâm nhìn đất nước bị dắt dẫn vào vùng trời phiêu lưu nguy hiểm. Nhưng chính những người ưu tư này cũng thiếu vốn liếng kinh nghiệm và kiến thức đấu tranh nên một vùng trời phiêu lưu khác lại được mở ra do những hoang tưởng. Những phần tử trí thức tả khuynh nhiệt thành nhất đã hoang tưởng nhiều nhất khi cố dâng cao lá cờ Cách Mạng Xã Hội Không Cộng Sản. Bởi trên một đất nước bị đặt dưới họng súng của hai phe đang nắm giữ quyền lực, thì lời hô xuông sẽ dựa vào căn bản nào để biến thành thực tế, đặc biệt là lại tin rằng có thể hoà hợp hoà giải với Cộng Sản. Nếu bảo giới trí thức tả khuynh đã mở ra một cuộc vận động lơ lửng trên mây cũng không quá đáng. Chính người đứng ngay trong hàng ngũ tả khuynh là Lý Chánh Trung khi trả lời phỏng vấn của một nhà báo Pháp đã phải xác nhận tính chất hoang tưởng này: “Lực lượng (hay thành phần) thứ ba chỉ là một khát vọng hơn là một thực lực thực tế. Tổ chức vỏn vẹn có vài trăm người. Nhóm người đó mở ra mọi phía và đón nhận nhiều ảnh hưởng. Vì thế, họ không có một ý thức hệ chính xác nào.” (76)
Không có gì đáng ngạc nhiên về cảnh rối tung của miền Nam vào thời khoảng trước 30/4/1975. Những giải pháp Trần Văn Hương rồi Dương Văn Minh hiển nhiên không thể gọi là giải pháp mà chỉ là chút hy vọng trong tuyệt vọng.
Dương Văn Minh, tổng thống bốn mươi giờ còn lại của miền Nam chỉ làm công việc bất đắc dĩ là cúi xuống nhặt cái chính quyền Sài Gòn nằm trong đống rác thành phố, lẫn lộn quân trang, quân dụng, lẫn lộn xe tăng, thiết giáp, mũ nón, lẫn lộn hào quang và tủi nhục, với lon chậu, với huân chương do những người bỏ chạy để lại, để rồi giao cái chính quyền ấy cho Cộng Sản.
Câu nói của Mounier lại vẳng lên, “Đôi khi lịch sử cũng ban thưởng cho những kẻ cứng đầu, và một hòn đá, đặt đúng chỗ, có thể chuyển hướng cả một dòng sông.”
Buồn thay, hòn đá có sức chuyển hướng lịch sử đã hoàn toàn vắng thiếu trong hàng ngũ trí thức miền Nam suốt hai mươi năm đối đầu với thời thế bão táp, dù người trí thức không hề vắng mặt trong các công cuộc chung.
Trước 1963, trí thức miền Nam vẫn lên tiếng qua các cao trào đòi hỏi thực thi dân chủ, đòi hỏi công bằng trong tín ngưỡng bên cạnh các đóng góp về phát triển xã hội, giáo dục. Sau 1963, trí thức miền Nam, đặc biệt là trí thức Phật giáo, đã đưa ra giải pháp hòa giải, hòa hợp dân tộc, chấm dứt chiến tranh giữa hai miền để tiến tới hòa bình. Thành phần trí thức thiên tả hay thành phần thứ ba thì nêu giải pháp thực hiện một cuộc Cách Mạng Xã Hội Không Cộng Sản.
Khoảng trống về lãnh đạo khiến nỗ lực đóng góp của giới trí thức không đem lại thành quả tốt đẹp mong muốn mà còn góp phần đẩy đất nước vào vòng tai ương. Bằng cách nhìn nào thì cũng không thể phủ nhận thủ đoạn lợi dụng của Cộng Sản biến tiếng nói cùng hoạt động đấu tranh của trí thức miền Nam qua mọi phong trào thành những ngọn đòn công phá sức mạnh và uy tín của chính miền Nam để đi đến kết quả chung cuộc là ngày 30/4/1975. Vì thế trách nhiệm về sự sụp đổ của miền Nam không thể trút bỏ hoàn toàn cho Mỹ mà cần phải thành thực nhìn nhận phần lớn thuộc về sự lạc hướng trong đấu tranh của người miền Nam, đặc biệt là giới trí thức ở mọi thế đứng.
Cần khẳng định mọi cách nhìn về lịch sử đều vô nghĩa nếu chỉ nhắm đi đến một kết luận mang tính định công luận tội. Bởi công hay tội dù với tầm mức nào đều là chuyện đã xong trong khi đòi hỏi trước mắt luôn là nỗ lực định hướng giữ gìn và thăng hoa cuộc sống. Cái nhìn cần thiết nhất về lịch sử chỉ là nhận diện chính xác hướng đi nào sẽ đem lại điều kiện xây dựng cuộc sống an hoà và hướng đi nào sẽ dẫn xuống vực thẳm bi thương.
Trên căn bản này, phải công bằng và thẳng thắn nhìn nhận các giá trị bất biến và cần thiết cho đất nước Việt Nam qua những đòi hỏi mà giới trí thức miền Nam đã đưa ra suốt hai mươi năm 1954‒ 1975.
Tiếng nói và những vận động của trí thức miền Nam qua các cao trào đấu tranh đòi hỏi tự do bình đẳng, đòi hỏi cởi bỏ xích xiềng áp chế và chấm dứt bạo lực phi nhân…, có thể đã góp phần dẫn tới thất bại của miền Nam, nhưng đang rất cần trỗi lên vào thời điểm hiện nay.
Nguyễn Văn Lục