Tại Trung Quốc,các biện pháp gia tăng trấn áp từ một tuần qua không khuất phục được người dân nhất là giới trí thức văn nghệ sĩ. Giới tranh đấu cho nhân quyền kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba và cho tất cả tù nhân chính kiến và mở màn dân chủ hóa đất nước. Bức thư được phổ biến vào ngày hôm nay, thứ sáu 15/10/2010, trong bối cảnh Bắc Kinh khai mạc hội nghị Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và một tuần sau khi tác giả Hiến Chương 08 được giải Nobel Hòa Bình.
Tiếng nói đòi dân chủ hóa chế độ tại Trung Quốc càng ngày càng bạo dạn hơn và quy tụ thêm nhiều thành phần trong xã hội.
Trong tuần này, hơn 20 cán bộ nguyên là thành phần cốt cán của đảng Cộng sản ký một kiến nghị với phong cách trực tiếp tố cáo nạn kiểm duyệt thông tin và thiếu tự do ngôn luận tại Trung Quốc. Các cán bộ lão thành này cảnh cáo rằng đảng Cộng sản sẽ chết một cách tự nhiên nếu không cải cách và chuyển hóa.
Hôm nay, một bức thư khác, cũng với những lập luận sắt bén và táo bạo quy tụ hơn một trăm chử ký, thúc giục ban lãnh đạo trả tự do cho giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba và tất cả những người đang bị ngồi tù vì khác biệt chính kiến với đường lối chính thống. Họ cũng kêu gọi « chính quyền tôn trọng Hiến Pháp » nhanh chóng « ban hành các biện pháp chuyển đổi xã hội một cách ôn hòa, để biến Trung Quốc thành một nước dân chủ , một nhà nước pháp trị đúng nghĩa », mọi người đều phải tôn trọng pháp luật.
Bức thư đòi dân chủ này do các nhân vật có tiếng tăm trong giới đại học Trung Quốc soạn thảo và được hơn 100 người gồm giáo sư, luật sư và các nhà hoạt động dân chủ ký tên. AFP cho biết trong số các vị này có ông Từ Hữu Ngư, nguyên là giáo sư triết học chính trị tại Viện Triết học thuộc Hàn Lâm Khoa học xã hội Bắc Kinh, giáo sư Thôi Vệ Bình của Trường Điện ảnh và nhà nghiên cứu Giả Giáp.
Vào lúc chính quyền Trung Quốc tiếp tục biểu lộ cơn thịnh nộ lên án Tây phương « ân thưởng một tên tội đồ » thì các nhà trí thức Trung Quốc thẩm định Lưu Hữu Ba là một ứng viên « lý tưởng » một người « luôn tranh đấu bảo vệ nhân quyền một cách bất bạo động. Mặc dù bị đàn áp ông vẫn không hận thù » những kẻ xâm hại ông. Bức thư yêu cầu thả ông Lưu Hiểu Ba, để ông xum họp với gia đình và đi sang Na Uy lãnh giải thưởng.
Nhắc đến « âm vang tuyệt vời của sự kiện lịch sử tại nước Trung Quốc hiện đại » cũng như thái độ trấn áp của chính quyền chống lại công dân hoan hĩ đón mừng sự kiện này, bức thư yêu cầu « cảnh sát phải chấm dứt ngay các hành động phi pháp và phải thả ngay những người bị bắt ».
Giới trí thức kêu gọi các lãnh đạo Trung Quốc hãy nhìn ra bên ngoài để thấy công luận trong và ngoài nước nồng nhiệt chia vui với sự kiện lịch sử này như thế nào để có thể « hòa hợp vào trào lưu của thế giới, hầu tạo cho đất nước hình ảnh của một cường quốc có tinh thần trách nhiệm ».
Cuối cùng, bức thư của giới trí thức kêu gọi chính quyền thực hiện lời hứa cải cách dân chủ. Họ nhắc lại tại Thẩm Quyến mới đây, thủ tướng Ôn Gia Bão bày tỏ khát vọng đẩy nhanh cải cách dân chủ và giới trí thức cam kết sẵn sàng tham gia vào tiến trình này.
Những lời tuyên bố của thủ tướng Ôn Gia Bão cũng như bức thư của giới trí thức đều bị truyền thông nhà nước kiểm duyệt. Giới báo chí « lề trái » nhấn mạnh là khi kiểm duyệt thông tin và bắt giam các nhà dân chủ chính quyền đã vi phạm điều 35 của bản Hiến Pháp. Điều 35 khẳng định tại Trung Quốc, mọi công dân đều có quyền tự do phát biểu, tự do hội họp và biểu tình.
Tú Anh [RFI]