Trí thức, theo tôi, là người học rộng hiểu nhiều. Tôi chắc mình sẽ không sai là bao khi nói rằng: “trí” là “trí tuệ, óc thông minh, sáng suốt”; “thức” là “kiến thức, hiểu biết, có thể nhìn xa trông rộng”. Người trí thức không nhất thiết phải là người có bằng cấp, khoa bảng. Khoa bảng có thể là điều kiện “cần”, chứ không phải là điều kiện “đủ”. Song, không có điều kiện “cần” là khoa bảng, người ta cũng có thể có điều kiện “đủ” để trở thành trí thức, miễn là người đó hiểu rộng biết nhiều.
Để có thể là người biết rộng hiểu nhiều, người trí thức thời đại phải luôn luôn trau dồi kiến thức trong càng nhiều phạm vi học thuật chừng nào tốt chừng ấy. Và với óc thông minh, trí nhớ nhạy bén sẵn có, công việc thâu thập, tiêu hoá, thưởng ngoạn được những sáng tác văn học nghệ thuật, những phát minh khoa học kỹ thuật … sẽ không phải là công việc ngoài tầm tay đối với họ. Với khả năng nhìn xa trông rộng, công việc phân tích, tổng hợp những điều tai nghe mắt thấy sẽ là món hành trang cần thiết cho hành vi, hành động cư xử, ứng xử cuả họ với người khác trong xã hội, tại quốc gia, trên thế giới mà họ đang sống.
Người trí thức có nhiệm vụ cần đóng góp kiến thức của mình cho xã hội, nhân loại để xã hội, nhân loại có thể thăng tiến, sống hài hoà, không chiến tranh, không tàn sát lẫn nhau, không rơi vào tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”. Người trí thức nên có thái độ “tự tôn” “và “khiêm tốn”. Nghe thì như có cái gì mâu thuẫn trong phương châm hành xử, nhưng “không”. Thái độ “tự tôn” là thái độ đối với “người trên”, những kẻ quyền thế, ngạo mạn, không tư cách, để tránh cái mặc cảm “tự ti”, là mặc cảm không nên có. Thái độ “khiêm tốn” là thái độ đối với “người dưới”, những người thấp cổ bé miệng, những người đã biết mình biết người, đã kính trọng, mến phục mình rồi, thì không việc gì phải hù doạ, dùng “đao to buá lớn” với họ mỗi khi có dịp giao tiếp.
Người trí thức phải thức tỉnh, phải có khả năng tự suy ngẫm và xét lại những gì mình đang nghĩ, đang tin là đúng để cho mình có thể thích ứng với hoàn cảnh mới, thực tế mới, không bị lạc hậu. Tất nhiên, ta có thể bảo là người trí thức phải tôn trọng một số nguyên tắc mà họ muốn noi theo, nhưng đâu có mấy nguyên tắc được kể là bất di bất dịch trên đời này. Mình đặt ra, đẻ ra nó thì mình cũng có thể thay đổi, “từ” nó được vậy, miễn là hợp với lương tâm cuả mình. Người trí thức còn phải biết kiềm chế, giữ được tư cách cuả mình trong khi tranh luận. Có thể dùng ngòi bút sắc bén hay giọng nói hùng hồn, nhưng không nhất thiết phải dùng lời lẽ hằn học để mạt sát cá nhân, dùng giọng điệu cha chú, kẻ cả, mỉa mai quá đáng để hạ đối phương. “Hữu xạ tự nhiên hương!”
Trong khuôn khổ cuả một diễn đàn trí thức, lập luận, lí luận, kiến thức dẫn chứng là “xạ”. Một khi “xạ” mà thơm phưng phức thì “hương” tất phải toả ngào ngạt. Lo gì!
Trịnh Nhật
Tháng 5, 2001 [cập nhật Feb 11, 2014]
Sydney, Úc-đại-lợi