Nói về tâm trạng buồn, về cảm xúc mênh mang thì mới đây tôi đã tìm gặp được trong truyện cuả Nguyễn Ngọc Tư. Tôi mua tập truyện Cánh đồng bất tận, do Nhà Xuất Bản Trẻ phát hành, khi đi quanh khu bán sách báo, nổi tiếng là rẻ, được đông đảo du khách người Việt chiếu cố ở Phố Nguyễn Xí gần Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Giá bán ghi sau bìa sách là 27.000 đ. (khoảng 2 đô-la Úc), nhưng giá thật còn rẻ hơn thế. Từ lâu tôi đã có dịp đọc lướt qua về những mẩu chuyện viết quanh nhà văn nữ này, nhưng chưa lần nào tôi thật sự đọc văn, đọc truyện của cô.
Truyện “Cánh đồng bất tận” là câu chuyện chính, dài nhất, li kì nhất, sau cùng nhất (trang 154-213), trong tập truyện gồm “những truyện ngắn hay và mới nhất” có tổng số 14 truyện, với đề tựa lần lượt như sau:
(1) Cải ơi! (Hey Cai!): Tiếng kêu vô vọng của người cha bỏ nhà lang thang theo gánh hát dạo đi tìm đứa con riêng của vợ mình;
(2) Thương quá rau răm (Enchanted love): Tình yêu mới chớm trong lòng cô gái nhỏ thì cũng đúng là lúc người cô yêu như đã vô tình “chợt đến rồi đi”’;
(3) Hiu hiu gió bấc (A northerly breeze): “Ngậm bồ hòn làm ngọt” để cho người mình yêu đi lấy chồng, nhưng người đi vẫn nhớ và người ở lại vẫn thương;
(4) Huệ lấy chồng (Hue gets married): Nghèo không phải là cái tội, mà hoá ra lại là cái tội, cái nguyên nhân gây đổ vỡ cho tình, để nàng phải đi lấy chồng, mà tình vẫn còn vương;
(5) Cái nhìn khắc khoải (An anxious look): Cưu mang một phụ nữ bị tình phụ bơ vơ trên bờ sông vắng, người đàn ông goá vợ chỉ có thể thương nàng như thương cô em gái;
(6) Nhà cổ (The old house): Trong căn nhà cổ, hai anh em cùng yêu một cô gái mồ côi chung nhà, người anh lấy cô làm vợ, còn người em bỏ nhà đi xa, để lại mối tình thầm kín cho cô gái nhỏ hàng xóm, cách ngăn chỉ bởi một hàng rậu thưa;
(7) Mối tình năm cũ (Yesteryear love): Chuyện phim tài liệu về đời cuả một liệt sĩ, chỉ thực hiện được vào phút chót, vì người yêu cũ của vị anh hùng kia trước đó không được chồng mình cho hợp tác;
(8) Cuối mùa nhan sắc (Faded beauty): Cô đào đẹp vang bóng một thời vẫn in dấu hình bóng chàng kép đã gây sóng gió cho cô thuở nào, nhưng
sau mấy chục năm khi gặp lại nhau, cả hai đều thất vọng, mỗi người mỗi cách;
(9) Biển người mênh mông (An immense sea of people): Hai tâm hồn cô độc, một già một trẻ, gặp nhau, an ủi lẫn nhau, để rồi sau cùng lại mỗi người mỗi ngả, cô đơn giữa giòng người;
(10) Nhớ sông (Missing the river): Ấn tượng về người mẹ bị chết đuối trên vàm sông đã hằn sâu trong lòng người con gái bé bỏng ngày ấy nỗi nhớ dòng sông, con thuyền mà nàng suốt đời mang theo;
(11) Dòng nhớ (Missing love): Tâm tưởng người chồng luôn hướng về bến sông vì không quên được mối tình đầu dang dở đã tạo ra một trạng thái tâm lí phức tạp cho vợ mình ngay cả sau khi ông mất;
(12) Duyên phận so le (Unmatched destiny): Tình phụ, tình xù và hậu quả xảy đến với người con gái ấy, nếu đem hết ra mà kể, thì nỗi buồn ấy chắc sẽ đoạt chức vô địch chứ chẳng phải chuyện chơi.
(13) Một trái tim khô (A withered heart): Sau khi bị đâm chết hụt, một phụ nữ bị mắc bệnh thần kinh, dửng dưng trước mọi chuyện, nhưng sau khi khỏi bệnh, chuyện không ngờ là người yêu cô rất mực và sẽ lấy cô làm vợ lại chính là kẻ đã gây thương tích cho cô ngày nào;
(14) Cánh đồng bất tận (The endless pasture).
Trước khi nói về câu chuyện “chủ đề” này, tôi xin được nêu một vài nhận xét về tác giả cái đã. Nguyễn Ngọc Tư là một trường hợp tài năng không đợi tuổi. Cô bắt đầu viết truyện ngắn khi mới 16 tuổi. Năm nay cô 30 tuổi, người MiềnNam, ở Cà Mau. Truyện cô viết thường có văn phong nhẹ nhàng, từ ngữ sử dụng rất “Nam Bộ”, lời lẽ bình dị, còn bố cục thì khá lạ, với những chi tiết mới mẻ đan xen, chồng chéo, đa tầng, đột ngột, trong lúc câu chuyện diễn tiến, trải rộng. Truyện cuả cô thường bắt người đọc phải suy ngẫm, suy diễn chứ tác giả không “làm cỗ sẵn” mời độc giả “xơi”. Nếu chưa quen, đọc không kĩ, không tập trung, không chú í thì người đọc có thể thấy hơi khó chịu, hoặc bị lạc đâu đó mà có khi phải đọc lại. Các nhân vật trong truyện có đối thoại linh động, dí dỏm, biểu lộ trong suy nghĩ, trong hành động cho thấy tâm lí cuả họ giản dị đấy mà cũng vô cùng sâu sắc đấy. Có chỗ cô còn nhân cách hóa “con vật cưng chiều” (pet) để tạo nên đối thoại giữa “vật” với “người”. Đa số câu truyện kể được dàn dựng trong những cảnh nghèo với sông nước, cánh đồng, con đò, ghe xuồng, chòi lá, đàn vịt, v…v… và xoay quanh những người nghèo với cuộc tình ngang trái, dang dở, tan tác, chia li, ngậm ngùi…
Riêng truyện Cánh đồng bất tận (The endless pasture), theo tôi, có khả năng trở thành một cuốn phim hay nếu ai đó có tiền, có đạo diễn giỏi, có diễn viên tài. Mỗi nhân vật trong truyện đều có cái độc đáo, cái sắc thái riêng của mình. Cô gái điếm thì sành sỏi, biết mình biết người, sướng đấy, khổ đấy (bị đánh cho nhừ đòn, xong còn bị người ta lấy keo dán sắt bít vào chỗ kín, chỗ ‘kiếm cơm’ cuả cô). Người cha trong gia đình vốn sống nay đây mai đó, nổi trôi sông nước, thì lạnh lùng, tàn nhẫn, phũ phàng như để trả thù đàn bà. Người vợ của ông “nghèo mà ham diện, đỏm dáng”, nàng đã bán thân đổi lấy vải đẹp may áo, và sau cùng tự thấy mình lạc lõng trong chính gia đình mình mà bỏ đi. Hai đứa con nhỏ, một gái một trai, sống âm thầm với cha chúng trên chiếc ghe tạm gọi là nhà, không còn cách nào hơn là tự đùm bọc, chia ngọt xẻ bùi với nhau.
Truyện Cánh đồng bất tận có những “pha” giật gân như cảnh cô gái đĩ bị đánh đòn hội chợ ngất xỉu rồi bị quăng lên khoang thuyền; cảnh “hoan lạc”, kiểu “tiền trao cháo múc”, vụng trộm giữa bà mẹ và người đàn ông lưng đầy nút ruồi mà hai đứa con của nàng vô tình trông thấy. Còn có cảnh cậu con trai mới lớn bị xác thịt dầy vò, đòi hỏi sinh lí mà sinh ra tức khí, giận dỗi đánh đập không nương tay khi thấy hai con chó đang làm tình giữa đường giữa chợ; có cả cảnh ông bố chứng kiến, và cố giải vây cho cô con gái bị hiếp dâm tập thể giữa giòng sông cạn. Những “scènes” như thế, nếu thực hiện được, sẽ bảo đảm nhiều phần trăm là “ăn khách”.
Nhưng Quí Vị, Quí Bạn ơi! Truyện đâu còn đó! Nói nhiều, Quí Vị lại biểu tôi “bị ám ảnh” (obsessed) bởi chuyện “Năm Đinh Hợi”. Bài học Anh ngữ của chúng ta tuần này sẽ được dựng nền trên một bài “tạp ghi” (jottings) “Làm sông” của nhà văn nữ đang được ưa chuộng.
Nguyễn Ngọc Tư tạp ghi về một nữ pháo binh anh hùng (heroic artillery woman), vang bóng một thời, nay được Uỷ ban xã (village committee) cử chị chạy xuồng máy (motor-boat) đưa một anh kí giả và phóng viên chụp ảnh ghi lại chiến tích xa xưa. Khi nghe đến viết phóng sự về nữ anh hùng, chị cười xòa, “Anh hùng gì, mấy ông này cứ đem chuyện cũ nhắc hoài, mắc chán”:
Suốt buổi sáng, người phụ nữ nhỏ nhắn này (this petite woman) làm anh bất ngờ, thán phục, nể sợ khi biết chị đã từng bắn cháy bốn tàu giặc (four enemy ships) trên sông Lớn. Mắt anh níu lấy chi tiết đôi bàn tay gân guốc (her gnarled, veiny hands), một bên vai hơi lệch (one slightly drooped shoulder) như vẫn còn đang chịu sức nặng của những khẩu B40, môi mím lại (tightly-pursed lips), cương nghị, tai không còn thính nhạy (her ears, hard of hearing), thỉnh thoảng chị lại ngơ ngác, “Hả? Chị điếc lắm (I’m very deaf), cậu phải nói lớn chị mới nghe được”.
Chị vẫn sống một mình, vì suốt thời chiến tranh, chắc chị chẳng rảnh rang để hẹn hò (did not have any free time for romance). Chị chạy xuồng máy rất thành thạo, ôm cua ngọt xớt qua những khúc quanh (skilfully negotiating the bends). Khi đến gần vàm (near the mouth of the river) anh mừng hớn hở khi thấy xác tàu Mỹ (the broken hulks of US ships). Anh ra hiệu chị dừng lại, vì anh muốn chụp bức ảnh người nữ pháo binh bên khối sắt thép lạnh lùng kia, chị lại cười, hỏi, “Cậu tính chụp hình bông súng hả? Ừ, khúc sông này mà lên báo chắc đẹp dữ lắm”.
Anh đứng dậy, trùng trình, chênh vênh nơi mũi xuồng (the prow of the boat), sững sờ nhận ra vẻ đẹp của dòng sông (the beauty of the river). Bình dị. An nhiên. Tự tại. Hai bên bờ, dừa nước chảy tràn. Cái dãy màu xanh miết, day diết lên chân trời thi thoảng bị ngắt quãng bởi một cái bến sông…
Cảnh sông nước cây cối đẹp đến độ, theo anh, ống kính máy ảnh (through the camera lens) bất lực, không thể chuyển tải, không thu gọn (unable to capture) được cái đẹp mênh mang, sâu thẳm này trong một vài bức hình. Thế rồi, bỗng dưng anh mơ màng như nghe thấy từ đâu vọng lại câu thơ:
“Sáng nay Bạch Đằng tạm quên mình làm sử để làm sông” (This morning Bach Dang momentarily forgot itself being part of history to serve only as a river).
Con sông Lớn bây giờ cũng không thèm làm sử, hay nó đã thôi làm sử, từ khi hết chiến tranh, nhưng mãi đến giờ con người cũng không cho nó làm sông.
Câu chuyện tiếp nối bằng sự chợt tỉnh của anh, khi phát hiện:
Chị cũng đẹp, cũng dịu dàng, cũng rất phụ nữ (very feminine). Đôi mày cong (curved eyebrows), ánh nhìn trong, đuôi mắt hẳn rất sắc, mái tóc dài bới gọn sau ót chắc đã từng đen buốt đến tận lưng. Chị nhỏ nhắn, mỏng manh đến mức anh nghĩ chỉ cần dang tay ra, sẽ gói gọn chị vào lòng (he would completely envelop her).
Và chuyện kể tiếp:
…Và bỗng dưng anh thấy day dứt cồn cào. Càng nhìn chị anh càng nhói, đuôi mắt kia đã hằn vết chân chim (crow’s-feet), chưa từng được hôn, mái tóc kia giờ chớm bạc, chưa một lần nào, chưa người
đàn ông nào vuốt nó, âu yếm chải nó trong những chiều phai. Và những lúc mỏi mệt (moments of fatigue), cũng không có bờ vai rộng (a broad shoulder) nào cho chị tựa vào (to lean on). Chị thui thủi đi qua tuổi xuân xanh của mình chỉ vì còn lắm người như anh, chỉ nhìn chị như một anh hùng (heroine) mà quên chị là phụ nữ.
Cậu truyện kết thúc bằng lời tác giả nhắn nhủ ai đó đã:
Quên có những con sông chỉ muốn làm sông, bình thường, suốt đời trôi lặng lẽ… (simple and flowing quietly throughout their life).
Tôi đang nghĩ kết luận cho bài “tạp ghi” này thì nhận được tiếng hát “Non, je ne regrette rien” (Không, tôi không tiếc gì hết) của Edith Piaf do nhà thơ/nhà văn trữ tình Đoan Trang Uyên Hạnh từ Đan Mạch gửi cho tôi (và một vài người bạn khác của khoahoc.net nữa chứ!). Tôi đã trân trọng gửi lời cám ơn đến chị bằng tiếng Đan Mạch, và cũng còn cảm ơn chị về bài Larmes de femmes (Nước mắt Phụ nữ) lồng trên màn ảnh với những bông hoa tươi thắm. Qua những lời lẽ viết bằng tiếng Pháp, và lời dịch sang tiếng Việt, trong “Slide Show” này, tôi đã coi như đồng í với chị là đàn bà phụ nữ rất là đa hiệu. Nhưng sao không thấy Thượng Đế nói: “Đàn bà sinh ra là để cho đàn ông “ăn mặn” hoặc ngược lại.” Hay là tự nhiên là phải như thế rồi! Ấy vậy mà, tại sao “mấy thằng ranh con” (tiếng Bắc rặt) thời tôi còn “bé bỏng thơ ngây” ấy cứ ong ỏng hát chọc ghẹo phụ nữ có thể là đã lỡ độ xuân thì:
Em ơi đã mấy xuân rồi
Mà chưa biết “đời” ra sao?
Đời C’est la vie!
Tình C’est l’amour
Tiền C’est l’argent
Chết C’est la mort.
Mấy thằng quỷ này. Thiệt tình!
Trịnh Nhật
Sydney, Mồng 7 Tháng 3, 2007