Cái răng cái tóc
Tôi không nhớ rõ là mình tới Hoà-lan lần này là lần thứ mấy. Chỉ nhớ mang máng là được năm lần: ba lần từ Anh, một lần từ Mĩ và lần này là từ Úc. Cuộc hành trình đứt đoạn trải dài hai chục năm tròn. Lần nào đến cũng là vì có bạn mà đến, nhớ bạn mà tới. Thăm người là chính, vãn cảnh là phụ. Một kiểu du lịch tốn ít, lợi nhiều, rất Việt Nam, nhất là ở vào những giai đoạn đầu của cuộc sống tị nạn. Nhưng tới Amsterdam lần này, ngoài chuyện thăm bạn, viếng cảnh, tôi còn có một chuyện khác chắc chắn là lợi nhiều: chuyện về nha, về răng. Chuyện cuả một người bệnh đi tìm thầy thuốc, được đi nằm bệnh viện ‘tư’ chữa trị hai tuần miễn phí.
Ôn lại lai lịch hàm răng cuả tôi kể từ ngày mới lớn, thì ở tuổi mười ba, tuổi cập kê, ở cái tuổi mà cô cậu nào cũng thèm soi gương, thích làm dáng, làm đỏm. Với tôi, ở tuổi này, ngoài chuyện o bế chải cái đầu, cái tóc bằng ‘brillantine’ bóng láng, tôi còn thích nhe hàm răng cười duyên mỗi khi soi gương. “Ôi, cái đẹp làm sao là đôi hàm răng!” Nó trắng, nó tươi mát tuyệt vời! Chỉ có điều là răng hàm trên cuả tôi có hai chiếc răng cửa là răng bàn cuốc, to bản, nằm chềnh ềnh trên đó. Ðã thế, chúng lại không chịu nằm khít bên nhau, mà lại để lộ một khe hở bằng bề dầy cuả một que tăm. Ông cụ thân sinh ra tôi, vốn là nhà tử vi tướng số tài tử, bảo rằng hở răng như thế là tướng cuả người đại lãn, người làm biếng. Cũng may là chuyện hở răng cuả tôi chỉ kéo dài đâu chừng đôi ba năm thì rồi ‘răng hở lại liền’.
Cá nằm trên thớt
Văn Ba lôi ra phòng mạch vào một ngày ‘weekend’, nghỉ làm việc, chụp năm tấm hình phim quang tuyến răng để xem trước bằng máy móc tối tân, hiện đại, hiệu Siemens. Sáng Chủ Nhật ‘tennis’, chiều lên ‘ghế điện’. Văn Ba, với Dung làm phụ (assistant), cả cha lẫn con gái đều là Nha sĩ, sau khi đã chích cho vài mũi thuốc tê, hơi đau, nhưng năm phút sau thì lợi tê cứng. Ðốc-tờ Văn Ba đã trám năm lỗ (holes) cuả năm cái răng hàm dưới bên phải. Phải nói là khi ngồi vào chiếc ghế nha-y, bệnh nhân coi như là ‘phó mặc’ thân phận cho đốc-tờ răng, thấy mình ‘vulnerable’, mặc cảm chới với, vô phương chống đỡ, nhất là khi chiếc ghế hạ thấp phần đầu xuống, nâng cao phần chân, chân chổng lêntrời, thân mình cũng uốn tới, nhướn lên theo, đồng thời lại bị tá hoả tam tinh vì đèn chiếu sáng dọi vào mặt… Bệnh nhân, hơn ai hết, lúc này í thức rõ thân phận ‘cá nằm trên thớt’ của mình.
Tưởng là chỉ trám xong là dứt điểm công tác trong ngày, nào ngờ thừa thắng xông lên, và với sự đồng í cuả bệnh nhân, nha sĩ gà nhà liền chích thêm ‘ba’ mũi thuốc tê, mà nói là ‘một’ cho bệnh nhân đỡ sợ, để nhổ một cái răng hàm trên trong cùng bên trái, vì răng đã bị sâu không hi vọng cứu vãn. Sợ để lâu có thể sẽ bị nhiễm trùng và làm cho mặt bị sưng. Văn Ba rất mừng, còn cho là may mắn, khi nhổ chiếc răng hàm ra nguyên vẹn không bị gẫy hay chân răng bị kẹt lại ở trong. Vì như vậy sẽ phải mổ, mất nhiều công hơn, và sẽ đau đớn nhiều hơn. Công việc hoàn tất tốt đẹp. Chiếc răng mới nhổ được gói lại, đựng trong hộp nhựa màu đỏ hồng để làm kỉ niệm.
Chiếc răng hàm nhổ đã hết chảy máu khoảng một giờ sau khi nhổ, nên không cần phải thay bông gòn thấm máu. Ðể phòng khi hết thuốc tê có thể bị đau, Văn Ba đã chỉ cần cho uống có một viên thuốc giảm đau thôi. Gần nửa đêm nha sĩ gọi dậy cho ăn bún cà-ri bò, do bà xã, cũng còn là nha tá, đã nấu sẵn. Ðồ ăn mềm, nên dễ nuốt.
Còn bốn chiếc răng hàm trên, rụng đối xứng nhau, trong đó có hai răng nanh, thì rồi sẽ được trồng bằng cách làm khung (frame), tức là có móc bằng kim loại thứ tốt. Nghe nói làm khung bảo đảm hơn làm bắc cầu (etching bridge) vì khi làm ‘bắc cầu’ mà những chiếc răng kế cạnh không còn đủ chắc để kìm chiếc răng giả vào chỗ trống, thì toàn bộ răng chỗ đó không giữ được lâu. Riêng còn một chiếc răng cửa hàm dưới, thì có thể làm ‘bắc cầu’ dùng kim loại được. Chiếc răng này, trước đây một năm đã được một nha sĩ ở Sydney làm dính lại với hai răng nằm kế bên bằng chất dẻo ‘resin’ dính cứng, thì mới đây vì cắn phải xương gà, đã bị gẫy rụng. Văn Ba cũng đã đánh sạch răng, và mài mỏng bớt hai chiếc răngcửa hàm dưới kế cạnh chiếc răng đã rụng để khi làm ‘bridge’, kim loại sẽ bám dính hơn.
Mềm trước cứng sau
Phòng mạch cuả nha sĩ (tiếng Hoà-lan: ‘nha sĩ’ là ‘tandarts’) có hai ghế, thì hai cha con thay phiên nhau làm. Ðốc-tờ Văn Ba làm cả ngày những ngày Thứ ba, tư, năm, còn những ngày khác làm buổi sáng, nửa buổi, tới Phòng Nha sĩ công chữa cho học sinh trong trường học. Một buổi chiều theo nha sĩ vào phòng mạch lấy mẫu hàm răng (tiếng Hoà-lan kêu bằng ‘lepel‘, nghiã là ‘cái muỗng’) — tạm gọi là mẫu lõm — cả hai hàm, dùng chất dẻo ‘alginate impression material’. Gọi là chất dẻo là chỉ dẻo, chỉ mềm lúc đầu thôi, nhưng sau khi đưa vào miệng để lấy mẫu hàm răng bằng cách lấy bàn tay ấn, miết vào răng để răng in hình lõm trên đó, thì trong vòng chưa đầy một phút chất dẻo sẽ cứng lại.
Sau đó, Văn Ba cho lên xe nhà loại BMW, đưa tới ‘Amsterdams Dental Laboratory’ cách đó chừng mười phút lái xe để cho nó làm hai việc: một là đo màu (colour) răng, hai là đo khuôn (mould) làm dụng cụ lấy mẫu chính xác hơn cho lần lấy mẫu răng kế tiếp. Việc này thôngthường nha sĩ đâu có ‘thân chinh’ đưa bệnh nhân đi ‘Labo’ như vậy, nhưng đây là bệnh nhân đặc biệt nên được dành ưu tiên, được cho đi biết đó biết đây. Ðược gặp đốc-tờ răng người Hoà-lan dáng cao, tóc đã ngả màu muối tiêu, nói ‘xi-xô’ tiếng Hoà-lan với đốc-tờ gà nhà một lát. Sau đó, bệnh nhân được đưa vào một phòng có ghế nha-y ngồi đợi chưa đầy một phút thì có một cô Á-đông mặt sáng như gương, đeo kính, mặc áo ‘white uniform’ trắng phau, nhanh nhẩu, lịch sự nói ‘bí bô’ tiếng Hoà-lan làm bệnh nhân nghe cứ như ‘vịt nghe sấm’. Có cảm tưởng cô nói rất hay, rất chuẩn. Sau được biết cô là người gốc ‘Indo’ và chắc là sinh đẻ ở nơi này. Nam Dương trước đây là thuộc địa cuả Hoà-lan mà! Nghe loáng thoáng hiểu được đôi chút là cô nói: “Nếu là người Việt Nam thì cùng chung một gốc là từ vùng Châu Á đến”. Cô là nhân viên Phòng Thí nghiệm tới đo màu răng.
Ra phòng mạch lúc 1 giờ trưa để cho nha sĩ lấy mẫu hàm răng lần thứ hai sau khi ‘Labo‘ đã làm xong mẫu răng hai hàm — tạm gọi là mẫu lồi bằng thạch cao. Giá trị cuả mẫu lồi này là để từ đó ‘Labo’ làm hai khuôn hình vòng cung bán nguyệt để chụp lên hàm răng. Nay có thể hiểu được là cái khuôn hình cong bán nguyệt tiếng Hoà-lan ‘lepel‘ có nghĩa là ‘cái muỗng, cái thìa’? Từ khuôn hình bán nguyệt đó nha sĩ có thể dùng chất dẻo ‘alginate impression material‘ để lấy mẫurăng hoàn chỉnh hơn. Trong lúc thi hành phận sự, đốc-tờ Văn Ba luônluôn có cô phụ tá người bản xứ tóc vàng, tuổi độ đôi mươi có lẻ, loay hoay làm việc này việc nọ, nói líu la líu lo. Nghe tiếng Hoà-lan trao đổi qua lại giữa nha tá và nha sĩ vèo vèo bên tai, bệnh nhân gốc Mít bèn nói xiá vô, ráng gò đúng giọng Hoà-lan, hỏi thăm xem cô đầm ‘cao lớn đẫy đà’ người Nước Lỗ (Holland) có biết anh Pieter van den Hoogenband và chị Inge de Bruijn là ai không? Với nụ cười đầy sảng khoái, cô nha tá nói lập lại cho đúng tên cuả hai lực sĩ bơi lội Hoà-lan, nổi tiếng được nhiều huy chương vàng ở Sydney Olympics 2000.
Tiến trình lấy mẫu lần thứ hai gồm có: đặt chất dẻo trong khuôn, rồi nhét khuôn vào miệng, lấy bàn tay ấn vừa đủ mạnh vào hàm, miết chặt chất dẻo xuống theo từng chiếc răng để lấy một mẫu lõm. Lần này khuôn hình vòng cung mới lấy từ ‘Labo’ đem đưa vào hàm thì nó sẽ ăn khớp khít khao hơn, tránh được trường hợp ban đầu có thể bị cấn vào lợi, vào nướu làm đau nếu vòng cung hẹp quá, hay nếu vòng cung rộng quá thì việc lấy mẫu sẽ không được chính xác. Lần này chất dẻo dùng cho hàm trên bằng màu hồng, là loại khi đóng cứng khó lấy ra hơn. Ðiều này rất đúng, vì có lúc nha sĩ gà nhà tháo mẫu màu hồng này ra, đã có cảm tưởng cả hàm răng trên cuả mình bị lôi theo luôn. Còn chất dẻo dùng cho hàm dưới là chất dẻo màu xanh rêu, nghe nói là chất cao-su đàn hồi, nên khi chất dẻo đóng cứng rồi, muốn tháo khuôn ra cũng dễ, và làm mẫu lồi bằng thạch cao cũng chính xác hơn.
Còn ai trồng khoai đất này?
Một chuyến du lịch tốn ít, lợi nhiều đã đưa tôi sang chữa răng tại Hoà-lan hai tuần bằng ‘tình cho không biếu không’. Tổn phí trả cho ‘Labo‘ cho hàm răng trên của tôi tính ra tương đương với hơn 100 bữa ăn ‘MacDonalds Big Mac’ có thêm ‘French Fries‘ và một ly ‘Coke‘ bự. Tiền này là tiền tôi lãnh trọn gói, chứ thử hỏi “Còn ai trồng khoai đất này?”
TS. Trịnh Nhật