Đây cũng là trận đánh lớn nhất thế giới từ sau chiến tranh Triều tiên (1950-53) với lưc lượng tương đương 25 sư đoàn của cả hai miền Nam-Bắc cùng sự tham gia yểm trợ của Hải quân, Không quân Mỹ gồm 4 Hàng không mẫu hạm, 409 máy bay chiến thuật F-4, F-5, 171 pháo đài bay B-52, một Tuần dương hạm lớn, bốn Tuần dương hạm nhỏ, 44 Khu trục hạm.. . đã được đưa tới ngoài khơi VN (2).
Tại đây tôi xin diễn tả trận đánh qua lối nhìn từ phía Mỹ. Có hai nhận định về mục đích của cuộc Tổng tấn công: nhiều người cho là Hà Nội có mục đích chiếm miền Nam chấm dứt chiến tranh, một số người cho là Hà Nội chỉ nhằm mục đích chính trị, giữ thế mạnh tại bàn đàm phán giống như trận Điện Biên Phủ năm 1954 và Hội nghị Geneve.
Bốn tuần sau khi Nixon sang Tầu về (21 tới 28-2-1972) , ngày 30-3-1972 Quân đội Bắc Việt cùng pháo binh và hơn 200 xe tăng vượt khu phi quân sự (DMZ) đánh Quảng Trị, những đơn vị khác từ đường 9 Hạ Lào tiến về Huế. Tại Cao Nguyên họ đánh Kontum, tại Vùng Ba các sư đoàn VC đánh Bình Long. Nay không còn là chiến tranh du kích nhân dân nổi dậy, mà quân chính qui BV công khai xâm lăng miền nam VN bằng chiến tranh qui ước.
Theo lời kể của Kissinger (3) tình báo Mỹ đã biết trước từ 1971 và nhất là từ tháng 1, tháng 2 năm 1972. Giữa năm 1971, Dick Hemls (Giám đốc CIA) tường trình trước Hội đồng an ninh quốc gia nói CSBV chuẩn bị vượt Khu phi quân sự. Kissinger nói họ không muốn mật đàm mà chuẩn bị đánh lớn. Từ 4 tháng 1-1972, khoảng hai tháng trước khi TT Nixon sang Tầu, Tướng Abrams cảnh cáo địch sẽ tấn công miền Nam. Ông đề nghị cho oanh tạc phía bắc Khu phi quân sự, ông cũng cho biết đây là trận quyết định và là sự thử thách Việt Nam hóa chiến tranh. Tòa Bạch Ốc không đồng ý đề nghị của Tướng Abrams cho là nó sẽ ảnh hưởng chuyến đi thăm Bắc Kinh của TT Nixon. Bộ Ngoại giao e ngại nó sẽ phá hỏng đàm phán, phản chiến sẽ làm ầm ĩ.
Bộ trưởng Quốc phòng Laird đề nghị không cho oanh tạc Khu phi quân sự nhưng đặt máy dò tại đây. Kissinger đồng ý hoãn oanh tạc, chờ xem và đề nghị Laird giữ lại nhiều trực thăng để (giúp VNCH) di chuyển, tăng thêm B-52 và Hàng không mẫu hạm. Ngày 2-2 TT Nixon họp Hội đồng an ninh quốc gia “bằng mọi giá phải giúp VNCH chống xâm lược”, ông kêu gọi tăng cường B-52, Hàng không mẫu hạm.
Mỹ vận động ngoại giao với Hà Nội, Moscow, Bắc Kinh để tìm hòa bình, TT Nixon đọc diễn văn ngày 25-1 nói chính phủ bằng mọi giá sẽ đưa quân về nước, hôm sau Kissinger họp báo cho biết: Mỹ có thể ngăn chận cuộc tấn công, sau trận này sẽ có đàm phán giống như những năm 1954, 1968. Nixon và Kissinger tìm cách chấm dứt chiến tranh nhanh, Kissinger cho là ngoại giao phải đi đôi với quân sự (in my view diplomacy and strategy should support each other).
TT Nixon luôn cẩn thận trong đàm phán, ông sợ Hà Nội nhầm lẫn gữa đàm phán và yếu kém về quân sự, hai nhà lãnh đạo Mỹ thừa biết Hà Nội dùng đàm phán để gây áp lực từ phản chiến. Họ liên lạc Moscow và Bắc Kinh nhưng Trung Cộng phủi tay nói không liên hệ với Đông Dương, Nga biện hộ cho họ nói tuy giúp Hà Nội nhưng họ không nhiệt tâm lắm. Mỹ không để Nga-Tầu từ chối, họ cảnh cáo Đại sứ Nga nếu Hà Nội tấn công thì cuộc họp thượng đỉnh Moscow sẽ bị hủy bỏ. Kissinger nói chỉ tham dự đàm phán với Nga nếu họ gây ảnh hưởng với BV. Hà Nội dùng đàm phán để tuyên truyền, họ đồng ý họp mật (đi đêm) ngày 24-4, nhưng từ 27-3 họ đã chuẩn bị tấn công miền nam (4)
BV dùng đàm phán để che đậy cuộc tấn công lớn qui mô, ngày 20-3-72 Phạm Văn Đồng nói chỉ có hòa bình nếu Mỹ loại bỏ Thiệu, Kissinger cho rằng Mỹ chỉ có Hiệp định khi từ bỏ VNCH, rút quân đơn phương. Đó là điều kiện đanh thép của Lê Duẩn trước khi sẩy ra trận Tổng tấn công. Ngày 2-4-1972 (sau khi BV đã mở cuộc Tổng tấn công 30-3-72) Kissinger nói với Nixon nếu ta đánh bại cuộc tấn công của BV có thể ký kết hòa bình, địch dốc toàn lực vào cuộc tấn công, nếu thất bại chúng sẽ phải đàm phán nghiêm chỉnh.
TT Nixon cứng rắn, nói là làm, ngày 4-4 ông ra lệnh oanh tạc bằng máy bay chiến thuật cho tới vĩ tuyên 18, gửi thêm 20 B-52, 4 phi đội máy bay chiến thuật, thêm 8 Khu trục hạm được gửi tới Đông Nam Á, ngày 4-4 Kissinger nói ông Tổng thống cương quyết bẻ gẫy cuộc tấn công của BV.
Trở ngại nhất là thời tiết, máy bay không cất cánh được, ngoài ra chính sách chiến tranh giới hạn (của Johnson 1965, 66, 67…) và 3 năm rút quân (của Nixon 1969, 70, 71…), các nhà lãnh đạo quân sự (theo Kissinger) đã không cứng rắn cần thiết… đã để lại khó khăn. Tướng Abrams trong 3 năm chỉ lo rút quân, nay được giao nhiệm vụ thắng trận
Kissinger và Nixon tiên đoán nếu BV thành công trong chiến dịch tấn công này sẽ không có họp thượng đỉnh với Nga (tháng 5-1972). Kissinger nói cho đại sứ Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc biết cuộc tấn công này sẽ ảnh hưởng quan hệ Mỹ-Hoa. Ngày 4-4 Mỹ nêu đích danh Nga có trách nhiệm với cuộc tấn công BV, và dọa khéo có thể ảnh hưởng tới cuộc họp Thượng đỉnh tại Moscow (mà Nga mong đợi).
Ngày 6-4-72 Kissinger nói chuyện với Đại sứ Nga Dobrynin (tại Mỹ) cho biết tình hình không thể tha thức được như đã cảnh báo ông ta từ tháng giêng năm 1972 nếu BV tấn công Mỹ sẽ đáp trả mạnh mẽ. Ông ta cho phía Nga biết những trở ngại sẽ xấy ra của cuộc họp thượng đỉnh Nga-Mỹ, Kissinger nhấn mạnh sẽ chấm dứt chiến tranh bằng đàm phán, nếu cần bằng vũ lực.
Mỹ chuẩn bị lực lượng ngày 9-4 đưa thêm 28 pháo đài bay B-52 tới đảo Guam, hôm sau một Hàng không mẫu hạm thứ năm được lệnh tới VN, Tuần dương hạm Cruiser New Port cùng một HKMH khác từ Đại tây dương tới Đông Nam Á. Cuối tuần đầu tháng 4 thời tiết thuận lợi cho việc oanh tạc, cuộc tấn công địch được phép lên tới vĩ tuyến 19.
Trong khi ấy phản chiến cho rằng chuẩn bị chiến tranh lớn là một sự liều lĩnh thiếu kiên nhẫn, các viên chức cao cấp dân sự tại Ngũ giác đài nhận xét phản công để giữ VN hóa chiến tranh là tốn kém quá, lực lượng Mỹ hiện có tại VN đã đủ rồi. Sự thực Mỹ đã nghiên cứu việc giúp VNCH, trường hợp phía VN không đương đầu nổi Mỹ sẽ oanh tạc các mục tiêu quân sự tại BV, phong tỏa các hải cảng, kế hoạch được bổ túc ngày 8-5.
Từ cuối tháng 3 kế hoạch bị xếp lại vì còn quá sớm nhưng vào ngày 10-4 nếu VNCH đủ sức thì Mỹ không cần phải hành động, ngược lại nếu địch thắng thế Mỹ sẽ phải yểm trợ cho đồng minh. Mỹ đã cảnh cáo Nga về việc BV tấn công miền nam VN bằng vũ khí Nga, Đại sứ Dobrynin nói ông sẽ chuyển lời phản đối của Kissinger về Moscow. Ngày 10-4 tại Bộ ngoại giao TT Nixon nói với Đại sứ Dobrynin rằng Sô Viết phải chịu trách nhiệm, không được khuyến khích nước khác gây hấn với lân bang, một cách cảnh cáo họ chịu trách nhiệm về cuộc tấn công của Hà Nội. Đại sứ Nga cho thấy cuộc họp Thượng đỉnh dự trù tháng 5-1972 phía Sô Viết vẫn sẵn sàng.
TT Nixon cho mười hai B-52 oanh tạc kho tiếp liệu gần Vinh nằm ở 15 dặm phía bắc Khu phi quân sự, lần đầu tiên ông xử dụng B-52 tại BV (Johnson xử dụng B-52 năm 1967). Cuộc tấn công của BV đã trở thành toàn diện gồm ba mặt trận: Vùng I, Cao Nguyên và An Lộc (Bình Long). Ngày 15-4 BV đề nghị họp mật giữa Thọ-Kissinger ngày 24-4. Hai bên thỏa thuận họp mật (đi đêm) 6 tháng 5, ngày 27-4 họp khoáng đại hai bên, Hà Nội muốn họp sớm vì bị oanh tạc bằng B-52 tại gần Hà Nội, Hải Phòng (ngoại ô). Phía CS muốn họp vào lúc họ thắng lớn để làm nhục Mỹ trong khi Mỹ chỉ muốn họp khi có Nga được đưa vào cuộc.
Hòa đàm phụ thuộc vào trao đổi với Sô Viết, ngày 12-4 Đại sứ Dobrynin muốn thảo luận về cuộc họp Thượng đỉnh gần tới. Mỹ cho phía Nga biết họ đã viện trợ vũ khí nặng cho BV để chúng mở cuộc Tổng tấn công và đe dọa nó có thể ảnh hưởng xấu tới cuộc họp mà Nga mong đợi. Sự thực chính Nixon cũng mong mỏi Thượng đỉnh vì là Tổng thống đầu tiên của Mỹ sang Moscow, đôi lúc ông vờ nói hủy bỏ cuộc họp để hù dọa Nga. Tuy nhiên ông không muốn đi Moscow trong tư thế yếu và cũng nghi ngờ Nga sẽ kéo dài đàm phán tại Moscow để trì hoãn kế hoạch quân sự của Mỹ đánh BV.
Lần đầu tiên Nga lại bàn thảo vấn đề VN ở cấp cao vô điều kiện tại Thượng đỉnh khiến Nga thúc Hà Nội đàm phán (nhận xét của Kissinger). Chuyến đi của Kissinger tại Moscow chuẩn bị cho cuộc họp Nixon-Brezhnev khiến Nga có vẻ như không phản đối sự trả đòn của Mỹ tại VN, họ cũng biết cái giá phải chịu nếu phản ứng lại Mỹ. Ngày 12-4 Nixon nói Kissinger báo cho Đại sứ Nga biết Kissinger sẽ đi Moscow ngày 20-4 và nói muốn gặp Đại sứ BV tại Moscow. Ngày 12-4 Nixon muốn Kissinger thảo luận vấn đề VN tại Moscow và cả cuộc họp Thượng đỉnh, nhưng hôm 15-4 ông cũng lo có thể Brezhnev sẽ diễn văn dài dòng mục đích trói tay Nixon và Kissinger một tuần để họ không đánh BV được.
TT Nixon định hủy bỏ cuộc họp trước nhưng Kissinger cam kết với Nixon dù khi ông ta ở Moscow Mỹ vẫn ném bom BV được trừ Hà Nội, Hải Phòng. Chuyến đi của Kissinger có thể làm xẹp phong trào chống đối tại đất nhà, Nixon đồng ý cho Kissinger đi Nga.
Để cho BV và Nga biết ý định Mỹ, Kissinger đã khuyến khích Nixon cho B-52 oanh tạc kho dầu Hà Nội, Hải Phòng hai ngày, cho tầu chiến bắn vào bờ ngày 15, 16-4. Tướng Abrams phản đối nhưng Bộ trưởng QP Laird ủng hộ, may thay vì ngày 15-4, Hà Nội hủy bỏ phiên họp dự trù 24-4 nhờ đó Mỹ có cơ hội chuẩn bị đánh trả. Lúc này cần phản công táo bạo, Mỹ gửi thông điệp nhấn mạnh với Nga ngày 15-4 rằng nếu chúng tôi đi Moscow họp, các ông có giúp gì cho vấn đề VN không?
Chiều hôm ấy Đại sứ Dobrynin tới gặp Kissinger thảo luận về thông điệp và thúc dục Kissinger đi Moscow, ông ta thân thiện nói chúng ta bỏ vấn đề địa phương (tức VN) để giải quyết vấn đề chính (Nga-Mỹ). Kissinger đáp đây (VN) không chỉ là một vấn đề quốc tế mà là một vấn đề lớn với dư luận Mỹ, chiến tranh phải chấm dứt, chúng tôi sẽ làm cùng các siêu cường khác hay một mình.
Sô viết cố gắng gây ảnh hưởng với BV, cuối ngày 16-4, Nga phản đối Mỹ vì oanh tạc Hải Phòng có làm thiệt mạng vài thủy thủ của họ trên các tầu buôn đậu tại đây, Nga và Trung Cộng chỉ phản đối xuông.
Cuộc Tổng tấn công này trước hết là một nỗ lực rất lớn nhằm mục đích cả quân sự lẫn chính trị, tôi xin phân chia làm hai khía cạnh chính của chiến dịch:
Phương diện quân sự
Ngày 25-1 TT Nixon tuyên bố với quốc dân Kissinger đã họp với CSBV nửa năm, trở ngại là phía Hà Nội ngoan cố khăng khăng đòi Mỹ rút hết quân vô điều kiện, lật đổ chính phủ Thiệu. Nixon kêu gọi dân chúng ủng hộ ông trong việc phản công ngăn chận cuộc tấn công mới của BV.
Ông kể lại diễn tiến cuộc Tổng tấn công, tôi xin sơ lược vài dòng: ngày 30-3, BV mở cuộc tấn công xâm lăng miền nam VN ồ ạt bằng 3 sư đoàn cùng 200 T-54, đại bác 130 ly vượt Khu phi quân sự, một lực lượng phụ khác từ đường số 9 Hạ Lào tiến về Huế. Những đơn vị lớn khác đánh Kontum, Pleiku và 3 sư đoàn khác đánh miền Nam (QK3) y như Bắc Triều Tiên xâm lăng miền Nam năm 1950.
Ngày 2 tháng 4 BV tấn công Sư đoàn 3 VNCH rất dữ dội, bốn căn cứ hỏa lực thất thủ, địch tiến về Huế.
Ngày 5 tháng 4 BV đánh Bình Long, tuần sau ngày 13-4 chúng bao vây An Lộc
Ngày 23-4 BV vào Kontum, Sư đoàn 22 bị đánh bại.
Ngày 27-4 địch tấn công tuyến Bắc (Quảng Trị), 4 ngày sau, Quảng Trị thất thủ (5)
Từ ngày 1-4 TT Nixon ra lệnh oanh tạc BV lên tới vĩ tuyến 20, lệnh cho Ngũ Giác Đài điều động các lực lượng lớn Hải, Không quân về Đông Nam Á, đưa hai Tuần dương hạm, tám Khu trục hạm để hải pháo, 20 B-52, bốn Không đoàn F4 cho oanh tạc BV trở lại.
Từ 1-5 tại Vùng I quân đội VNCH và gia đình rút về Nam, CS pháo kích chết nhiều người chạy loạn trên Quốc lộ 1, TT Thiệu vội cử Tướng Ngô Quang Trưởng thay Tướng Hoàng Xuân Lãm. Tướng Trưởng tổ chức phòng thủ Huế và giữ yên cố đô và cả miền Nam, sau đó trở lại chiếm Quảng Trị, Cộng quân bị đuổi khỏi thành phố ngày 16- 9.
Đợt sau, hai sư đoàn BV đánh Kontum, Tân Cảnh, Dakto, địch thắng thế mấy tuần đầu. Nhờ sự giúp đỡ của Cố vấn John Paulk Vann kêu máy bay oanh tạc gồm B-52 và phi cơ chiến thuật, Đại tá Lý Tòng Bá đã đẩy lui địch.
Đợt ba BV tấn công Bình Long bằng ba sư đoàn VC (5,7,9), địch bao vây nhưng không chiếm được An Lộc, TT Thiệu đã đưa quân tổng trừ bị lên giải cứu An Lộc. Sáng 11-5, không quân Mỹ gồm 30-B-52 oanh tạc dữ dội, Nixon và Kissinger đã hành động nhanh để tránh cho Sài Gòn không bị địch tấn công
Năm 1972 tình hình quân sự và phản chiến tại Mỹ tương đối yên tĩnh, chỉ còn trên 100,000 lính Mỹ tại VN trong đó chỉ còn 20,000 là lính tác chiến. Năm 1971 có 1,380 lính Mỹ tử trận tại VN, con số thấp nhất kể từ 1965 (6)
TT Nixon quyết định dùng vũ lực mạnh đáp trả, cho oanh tạc các đơn vị lớn của Hà Nội và mở lại tấn công miền Bắc và ông cho đó là một quyết định khó. Khi địch mở cuộc tấn công, Nixon dùng hỏa lực khủng để đạt mục tiêu mong đợi, ông cho điều động các tầu chiến thuộc Hạm đội số 7, hơn 400 B-52 và máy bay chiến thuật F-4 đánh phá cả miền Bắc và miền Nam, chỉ giới hạn trong mục tiêu quân sự. Nixon cho oanh tạc giới hạn cách Hà Nội 10 dặm, Hải Phòng 5 dặm, các Tư lệnh chiến trường được phép oanh tạc nhà máy điện, kho đạn, phi trường.. khỏi cần xin phép Tòa Bạch Cung.
Tính tới tháng 11-72 hải quân đã bắn 16,000 tấn đạn gần Khu phi quân sự và oanh tạc 155,000 tấn bom đạn tại BV (7), Nixon nói ông xử dụng ít bom hơn thời Johnson so cùng một khoảng thời gian, vì địch đánh qui ước nên ông đã lệnh cho các Tướng oanh tạc tối đa và đã thành công đánh quỵ BV.
Nói về nguyên nhân BV thảm bại trong cuộc tổng tấn công, TT Nixon nói.
“Nay BV đánh theo lối (qui ước) mà ta đã quá thành thạo” (8)
Thật vậy, Cộng quân đánh du kích hay bán du kích thì thật lợi hại, nhưng đánh qui ước họ sẽ hoàn toàn mất ưu thế vì Mỹ và VNCH đã quá thành thạo và nhiều phương tiện hơn. BV dàn quân đánh công khai mà không có sự yểm trợ của phi cơ là một thiếu sót lớn. Nixon cũng nói nay Hà Nội đánh qui ước với những đại đơn vị nên các sư đoàn, dẫy chiến xa, hệ thống tiếp liệu lớn làm mồi cho không quân Mỹ và VNCH.
Ngoài ra ông cũng nói theo tin tình báo người ta ước lượng mỗi ngày BV cần vài ngàn tấn đạn dược và nhiên liệu, Mỹ cần chận đứng chuyên chở tiếp liệu của địch. Nixon cho lệnh các Tướng lãnh oanh tạc tối đa và đã thành công. Chiến dịch đáng kể là phong tỏa cảng Hải phòng và bờ biển BV, trung bình một năm Hải Phòng nhận 2.1 triệu tấn hàng gồm 85% quân dụng và 100% nhiên liệu, tàu bè không dám ra vào, cuộc tấn công của Hà Nội bị sa lầy.
Davidson (cựu Trung Tướng) ghi nhận ý kiến của một số nhân vật như sau (9)
Kissinger cho là BV thua vì cuộc tấn công tại ba nơi (Quảng Trị, Kontum, Bình Long) không đồng bộ, tiếp liệu khó khăn, phức tạp. Trận đánh tại ba nơi chậm chạp khiến VNCH có nhiều thỉ giờ chuyển quân tiếp cứu. Ngoài ra B-52 và quân trú phòng VNCH đáp trả hữu hiệu, các cấp lãnh đạo quân sự BV chưa có kinh nghiệm chỉ huy các đại đơn vị, bộ binh xe tăng không phối hợp chặt chẽ.
Sử gia Douglas Pike nói Tướng Giáp đánh giá cao BV có khả năng điều khiển cuộc chiến với kỹ thuật cao, đánh giá thấp khả năng phòng thủ của VNCH cũng như ảnh hưởng của không quân Mỹ. Bộ Chính trị BV hy vọng nhiều ớ phong trào phản chiến và tin tưởng Nga-Tầu sẽ chống Mỹ bênh đàn em (BV).
Sir Robert Thompson, nhà chống du kích chiến cho là BV thất bại vì không quân Mỹ và sự chiến đấu của quân đội VNCH, các nhà lãnh đạo quân sự BV nhiều lầm lẫn. Họ mở ba mặt trận thay vì tập trung một mặt trận khiến VNCH đủ thì giờ chuyển quân ứng cứu, họ không biết phối hợp bộ binh và xe tăng, họ hay đánh biển người.
Davidson kết luận: Không lực Mỹ, quân đội VNCH thiện chiến, Tướng Giáp và giới chỉ huy BV sai lầm phân tán làm ba mặt trận, tự tin khả năng tiếp liệu.
Nhưng ông cho rằng yếu tố quan trọng nhất của thắng lợi là quyết dịnh can đảm của TT Nixon cho oanh tạc BV dữ dội, đó là yếu tố chính, thắng lợi là công của Nixon.
Khía cạnh chính trị
Tác giả George Moss thán phục TT Nixon đã liều lĩnh ngăn cản tiếp tế của Nga, Tầu cho BV như phong tỏa cảng Hải Phòng và các bến cảng khác, oanh tạc đường tiếp tế từ biên giới Việt –Hoa… Nixon tin là phải liều để cứu miền nam VN và nhất là để có một Hiệp định chấp nhận được.
Vừa áp lực quân sự cùng với áp lực ngoại giao với Nga mà ông và Kissinger cho là họ có trách nhiệm với cuộc tấn ông qui mô này, chính họ đã giúp nhiều vũ khí tối tân cho BV. Ngày 20-4-1972, Kissinger bí mật gặp Thủ tướng Brezhnev tại Moscow và nhắc cho ông ta biết là phải áp lực BV chấm dứt chiến tranh nếu Nga muốn đàm phán Thượng đỉnh với Mỹ. Brezhnev đồng ý nhưng ông phản đối Kissinger là Nga không thể ảnh hưởng với BV như Mỹ tưởng, ông từ chối kêu gọi BV chấm dứt cuộc tấn công.
Kissinger gặp Thọ tại Paris ngày 2-5, ba tuần trước Thượng đỉnh tại Moscow, BV vẫn đánh mạnh, chiếm Quảng trị, vây hãm Kontum, An Lộc. Thọ đắc chí cho là Sài Gòn gần sụp đổ, tin là hỏa lực không quân Mỹ không cứu vãn nổi tình hình, Thọ từ chối mọi đề nghị của Kissinger, ộng ta tự đắc, hỗn hào, cuộc họp ngắn ngủi chẳng giải quyết được gì (10)
Nixon tức giận vì câu trả lời của Lê Đức Thọ, ông ra lệnh oanh tạc dữ dội hơn, hai nhà lãnh đạo Mỹ đồng ý chỉ có oanh tạc ồ ạt mới trấn áp được sức tiến của địch. Tổng thống Mỹ chơi một canh bạc chính trị khi biết cả Nga lẫn Tầu đều đặt tầm quan trọng cải thiện ngoại giao với Hoa Kỳ hơn là bênh vực cho đàn em.
Ngày 8 tháng 5, TT Nixon lên truyền hình tuyên bố leo thang cật lực như phong tỏa, gài mìn Hải Phòng. Đó cũng là thông điệp gửi cho BV biết Mỹ tiếp tục gài mìn, đánh phá giao thông BV cho tới khi họ chịu thả tù binh (Mỹ) và chịu ký một Hiệp Định chấp nhận được. Hai mươi bẩy tầu hàng, đa số của Nga bị nhốt trong cảng, ba ngày sau, Mỹ phong tỏa các hải cảng khác, kết quả rất rõ rệt, nó cắt nguồn tiếp liệu tới 85%.
BV tức giận vì Moscow, Bắc Kinh chỉ phản đôi xuông khiến Nixon và Kissinger đã thắng ván cờ, họ thành công vì đã cô lập Hà Nội với Nga-Tầu. Hai cường quôc CS không chỉ trích Mỹ và ép BV phải tìm hòa bình. Hà Nội cay đắng khi thấy Thượng đỉnh Nga-Mỹ vẫn tiến hành đúng ngày trong khi trận oanh tạc Linebacker tàn phá BV, hủy hoại lực lượng chiến đấu của họ tại miền nam VN. Thượng đỉnh tốt đẹp, Nixon-Brezhnev ký những Hiệp ước quan trọng gồm cả tài giảm binh bị, mua lúa mì, Hiệp ước Bá Linh.
Nixon bị chống đối nhẹ, Thượng viện ra luật chấm dứt cuộc chiến nhưng không được thông qua vì Nixon không xử dụng bộ binh, số thương vong rất ít nên ông không bị chống đối. Chiến dịch phản công được dân Mỹ ủng hộ vì mặc dù leo thang nhưng không ảnh hưởng cuộc họp Thượng đỉnh, chính sách ngoại giao với Nga-Tầu thành công.
Một số nhà chính khách, sử gia cho là Hà Nội mở cuộc tấn công lớn năm 1972 vì muốn thắng lớn về quân sự hơn là thắng lợi ít ỏi của cuộc hòa đàm Ba Lê. Nay Mỹ đã rút quân gần hết, đây là cơ hội họ có thể dễ thắng về quân sự. Cũng có người cho là mục đích chính của Hà Nội khiêm tốn hơn, họ chỉ mong chiếm được một số tỉnh gây thế mạnh tại bàn hội nghị và lập Thủ đô cho chính phủ Cách mạng lâm thời. Thực ra chiếm hết miền Nam để kết thúc chiến tranh không phải chuyện dễ, quân đội VNCH tuy yếu hơn BV nhưng còn mạnh, tiếp liệu còn đầy đủ, đã quen với lối đánh qui ước, cộng thêm với sự yểm trợ hùng hậu của không lực Mỹ.
TT Nixon nói nay Hà Nội đánh qui ước, một cuộc chiến mà ta đã quá rành, chúng ta có cơ hội để buộc họ phải ký Hiệp định thuận lợi cho ta hơn (We were in a position to force them to settle on our terms, trang 144). Thật vậy, trái với mong đợi của BV, cuộc Tổng tấn công bị không quân Mỹ và bộ binh VNCH đánh phá tơi bời, hàng trăm ngàn cán binh bị giết, đa số xe tăng, đại bác bị phá hủy…Không những thế ngay tại hậu cần miền Bắc cũng bị oanh tạc dữ dội. Giữa tháng 9-1972, khi TQLC cắm cờ trên cổ thành Quảng Trị thì cuộc chiến coi như kết thúc.
Hòa đàm Ba Lê sang một khúc quành mới, BV phải nhượng bộ và từ bỏ nhiều yêu sách quan trọng. Từ khi Kissinger được cử họp mật đàm năm 1969 đến tháng 9-1972, phía CS luôn đòi Mỹ rút quân không điều kiện, loại bỏ chính phủ Thiệu, cắt viện trợ VNCH, lập chính phủ Liên hiệp….Kissinger cho biết yêu sách của Hà Nội y như những lời khắc trong đá không tài nào lay chuyển nổi, họ đòi Mỹ và VNCH đầu hàng không điều kiện. Sở dĩ Hà Nội ngoan cố như vậy vì họ thấy Nixon bị phản chiến chống đối mạnh, CS tin là cuối cùng Mỹ sẽ phải chấp nhận những yêu sách ấy. Họ hy vọng Quốc hội sẽ áp lực Nixon-Kissinger phải sớm ký kết Hiệp định.
Nay bị ăn trận đòn thê thảm, BV đành phải nhượng bộ. Trong phiên họp ngày 9 tháng 10, Lê Đức Thọ đã đề nghị chấp dứt chiến tranh, họ từ bỏ một số điều kiện như loại bỏ Thiệu, cắt viện trợ VNCH, lập chính phủ Liên Hiệp. Hai bên họp tiếp mấy này sau đó và thỏa thuận dần dần, chuẩn bị ký kết cuối tháng 10, duy có điều phía CS không chịu rút về Bắc, họ vẫn còn một số căn cứ tiếp liệu tại phía dưới khu phi quân sự.
Mặc dù Hoa Kỳ và VNCH còn nhiều tranh cãi gay gắt ngay sau đó nhưng CSBV đã nhượng bộ khá nhiều hậu quả do từ cuộc Tổng tấn công thảm bại. Kissinger tin là nhờ áp lực Nga mà ông vận động đã khiến Hà Nội chịu nhượng bộ ngồi vào bàn Hội nghị. Các nhà chính khách, sử gia khác nhận định do thảm bại trên chiến trường thúc đẩy Hà Nội phải ký kết Hiệp định mà Nixon có thể chấp nhận được.
Kết luận
Sử gia Davidson, cựu Trung tướng tình báo trong cuốn sách lớn về Chiến tranh VN thường tỏ ra cảm phục Võ Nguyên Giáp, ông hay nói Tướng Giáp điều binh, Tướng Giáp chủ trương này nọ… làm như ông Đại Tướng này lãnh đạo cuộc chiến. Sự thực không phải như vậy, đây là một sự lầm lẫn của Tây phương. Từ 1965 cho tới giữa thập niên 80, CSVN là một chế độ độc tài theo kiểu Staline. Lê Duẩn nắm quyền gần như tuyệt đối, Cuộc tấn công lớn 1972 do Ba Duẩn chỉ đạo, Võ Nguyên Giáp là kẻ thừa hành.
Trong bài “Tướng Giáp tiết lộ 4 bí mật về chiến tranh Việt Nam” của Trần Khải Thanh Thủy có đoạn nói Tướng Giáp kể lại: Năm 1972, về Trận Quảng Trị, Lê Duẩn bác bỏ chủ trương lấy ít địch nhiều của Tướng Giáp, ông ta đập bàn và quát trong hội nghị, chỉ thị cho VN Giáp phải đánh vỗ mặt thành cổ Quảng Trị
Giáp kể lại 60 ngày đêm tấn công thành cổ ta mất gần một vạn người
Hà Nội mở ba mặt trận tại Quảng Trị, Kontum và Bình Long.
Trận Quảng trị nặng và đẫm máu nhất từ trưa 30-3-1972, kết thức ngày 16-9 khi TQLC tái chiếm cổ thành.
Trận Kontum bắt đầu tháng 4, thực ra gồm hai giai đoạn từ 14-5 tới 17-5 và từ 18-5 tới 1-7, cuối tháng 5 địch rút quân, bỏ lại 3,000 xác chết.
Trận Bình Long gian khổ với 94 ngày bị địch vây hãm từ 5-4 tới 7-7.
TT Nixon tiếc là đã không đánh qua Miên sớm hơn, đáng lý phải oanh tạc BV và phong tỏa Hải phòng từ 1970 hơn là để chúng đem quân qua Miên, Lào, VNCH. Sở dĩ không đánh sớm được vì bị Quốc hội, phản chiến chống phá mạnh. Nixon cho là trong trận này quân đội VNCH chiến đấu một mình không có bộ binh Mỹ, VN hóa chiến tranh đạt tiến bộ, nếu được trang bị đầy đủ, họ có khả năng chống lại những đơn vị tinh nhuệ của BV. Riêng trong trận này ông nhận xét một mình hỏa lực không quân Mỹ không đủ mà phải có sự phối hợp bộ binh (VNCH) dưới đất, VNCH ngăn chận địch, không quân Mỹ nghiền nát chúng (11)
George Moss lại nói quân đội VNCH can đảm, tổng cộng có khoảng 25,000 người thiệt mạng, trận đánh năm 1972 cho thấy không quân VNCH còn thiếu thốn trực thăng, không vận yếu, pháo binh, tình báo…. còn kém. Vận chuyển tiếp liệu vẫn phụ thuộc vào Mỹ (12). Sự thực thì miền nam VN mạnh hay yếu, thiếu thốn hay đầy đủ là do viện trợ của Mỹ, tủy thuộc vào Quốc hội.
Dù không có Mỹ oanh tạc yểm trợ, BV cũng chưa thể chiếm hết miền Nam vì quân đội VNCH còn mạnh, có thể sẽ mất nhiều tỉnh mà không lấy lại được. Mấy năm sau 1972, VNCH đã không được Mỹ yểm trợ B-52 lại bị Quốc hội cắt giảm viện trợ xương tủy nên đã có ngày thảm bại 30-4-1975.
Ông Cao văn Viên nhận xét cuộc tấn công của địch năm 1972 cho thấy kế hoạch Việt Nam hóa yếu kém thê thảm. Nếu không có yểm trợ của oanh tạc cơ và không vận của Mỹ, VNCH khó giữ An Lộc, Kontum, tái chiếm Quảng Trị. Hiệp định Ba Lê được trao vào tay chúng ta như một bản án tử hình vì yểm trợ của không quân Hoa Kỳ sẽ không còn nữa (13)
TT Nixon cho là VN hóa chiến tranh thành công nhưng đa số giới chức quân sự cũng như các sử gia Việt, Mỹ đều cho rằng nó yếu kém vì vẫn phải phụ thuộc vào yểm trợ oanh tạc và chuyển quân của Mỹ. Hiệp định Paris thực ra có thể không ảnh hưởng tới sự tồn vong của VNCH nếu họ được viện trợ quân sự đầy đủ. Vấn đề đặt ra là Hoa Kỳ có còn muốn giữ Đông Dương hay không? thực tế cho thấy họ muốn bỏ mảnh đất xa xôi này, rò ràng là như vậy. Người Mỹ đã không tăng viện trợ quân sự cho VNCH khả dĩ đối phó với quân đội BV hùng mạnh, Quốc hội của họ đã cắt giảm viện trợ từng bước một cho đến khi miền Nam sụp đổ.
Vì thiếu quân, năm 1972 Hà Nội đã phải bắt thêm hàng chục ngàn sinh viên, giáo chức đưa vào tử địa như họ đã thừa nhận (14). Mặc dù CSBV phải trả cái giá quá cao cho cuộc Tổng tấn công năm 1972 bằng xương máu của hàng trăm ngàn thanh niên vô tội, nhưng cuối cùng họ đã phải nhượng bộ tại bàn Hội nghị như đã nói trên.
Quốc hội Mỹ, TT Nixon cho là nhượng bộ của Hà Nội để ký kết một bản Hiệp định có thể chấp nhận được, đối với Mỹ miền nam VN không sụp đổ khi họ ra đi là đẹp mặt rồi.
VNCH đã thấy trước một thảm kịch mà tình thế đã áp đặt lên vai họ
Trọng Đạt
(1) George Donelson Moss: Vietnam, An American Ordeal trang 361
Wikipedia tiếng Việt, Chiến dịch xuân hè 1972
Richard Nixon: No more Vietnams trang 150
Phillip B. Davidson: Vietnam At War, The History 1946-1975, trang 673
Nguyễn Đức Phương trong Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, Chương Mùa Hè Đỏ Lửa (trang 550-598) nói BV bổ sung thêm khoảng 50,000 quân trong trận đánh
(2) Vietnam At War trang 673
(3) Henry Kissinger, White House Years, XXV, Hanoi Throws the Dice: The Vietnam Spring Offensive trang 1097-1123
Richard Nixon, No More Vietnams trang 144-151
(4) White House Years, trang (1102-1108)
(5) No More Vietnams trang 144, 145
(6) Vietnam, An American Ordeal trang 350-357
(7) No More Vietnam trang 149
(8) Nguyên văn: Now, after the North Vietnamese had chosen to fight the kind of war we fought best…” sách kể trên trang 144
(9) Vietnam At War trang 708, 709
(10) Vietnam, An American Ordeal trang 358, 359
(11) No More Vietnams trang 149, 151
(12) Vietnam, An American Ordeal trang 361
(13) Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa (Nguyễn Kỳ Phong dịch) trang 19
(14) Wikipedia tiếng Việt, Chiến dịch xuân hè 1972.