Đây là một biến cố chính trị lớn trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, nó đã lôi cuốn xứ Chùa Tháp vào cuộc chiến tranh đẫm máu, năm năm sau đưa tới tấn thảm kịch diệt chủng hàng triệu sinh linh. Cuộc đảo chính cũng đã gây ảnh hưởng lớn tới sự phân hóa trầm trọng giữa lòng nước Mỹ. Sự kiện này cũng ít được nhắc đến, trong số các sách vở đề cập tới biến cố, Kissinger kể lại chi tiết hơn các tác giả khác trong hồi ký của ông (1) . Tôi dựa theo lời Kissinger và có tham khảo thêm các dữ kiện trong hồi ký của Tổng thống Nixon và vài tác giả khác.
Norodom Sihanouk lên ngôi năm 1941
Gần 30 năm nay chính trị xứ Căm Bốt (tiếng Anh Cambodia, Pháp Cambodge) đồng nghĩa với cá tính của ông Hoàng Sihanouk. Ông lên ngôi năm 1941 khi 18 tuổi, thoái vị năm 1955 (2), làm Thủ tướng tháng 6-1960, được Quốc Hội Miên bầu làm Quốc trưởng. Sihanouk đã lãnh đạo vương quốc Cao Miên giành dộc lập từ tay người Pháp năm 1953. Ông là nhà lãnh đạo khéo léo đánh đu giữa Đông và Tây, giữa Nga-Tầu, giữa CS Bắc Việt và Việt Nam Cộng Hòa, giữa tả khuynh và hữu khuynh trong nước. Ông giữ cho xứ Chùa Tháp được hòa binh trong khi Đông Dương bị sâu xé vì cuộc chiến tranh khốc liệt.
Số là ngày 7-1-1970 ông Hoàng cùng gia đình sang Pháp nghỉ hè và cũng để chữa bệnh béo phì. Đứng đầu chính phủ là Thủ Tướng Lon Nol, người được ông cử lên giữ chức vụ này tháng 8-1969 là người tín cẩn nhất cùng với Đệ nhất Phó thủ tướng Sirik Matak. Sihanouk có nhiểu khuyết điểm như không đuổi được CSBV chiếm biên giới phía đông, tham nhũng. Tháng 7-1969 Mỹ tái lập bang giao với Căm Bốt sau khi bị đoạn giao từ tháng 5-1965. Hà Nội đã dùng đất Miên để đánh Mỹ và VNCH bất chấp luật quốc tế công pháp. Sihanouk khuyến khích Mỹ oanh tạc các căn cứ CSVN tại biên giới. Ngày 30-7-1969 TT Nixon gặp TT Thiệu tại Sài Gòn, Nixon hỏi ý kiến Thiệu về Sihanouk, ông Thiệu cho biết hiện nay Sihanouk không tốt, chúng ta không muốn tình hình xấu hơn, theo ông hoặc Quân đội Miên (Lon Nol) hoặc Cộng Sản có thể lật đổ Sihanouk, Miên rất yếu có thể CS sẽ chiếm xứ này.
Nixon và Kissinger đồng ý với Thiệu, bi kịch Căm Bốt do căng thẳng nội bộ, nó đã đảo lộn sự cân bằng mà ông Hoàng đã gìn giữ. CSBV đóng quân tại Miên khiến người dân thù ghét người VN chiếm cứ đất nước họ. Đất Sài Gòn cũng là đất Miên bị VN chiếm từ thế kỷ thứ 19, nếu quân Pháp không tới (Đông Dương) có thể toàn cõi xứ Chùa Tháp đã bị người Việt chiếm rồi (3) Người Miên ghét người Việt có từ xưa nên Sihanouk không đuổi được CSVN ra khỏi đất Miên khiến người dân bất mãn, ông mất uy tín nhiều.
Ông Hoàng công khai phản đối CSBV xâm phạm chủ quyền. Tháng 6-1969 (tức 3 tháng sau khi Nixon cho oanh tạc B-52 tại căn cứ địch biên giới), trong một cuộc họp báo ông nói tỉnh Ratanakiri nay là đất của BV và VC, họ đã xâm nhập tỉnh Svay Rieng. Tháng 10-1969 báo Sangkum của Sihanouk phản đối BV và VC đóng quân tại biên giới Việt-Miên. Tháng 12-1969 Sihanouk ca ngợi vai trò của Mỹ tại miền Nam VN, sự hiện diện của Mỹ khiến các nước nhỏ như Cam Bốt được người Âu châu và CS Á châu nể trọng.
Ngày 15-12-1969 Sihanouk lên tiếng chửi CS gây thiệt hại cho Căm Bốt, ông nói nếu đoạn giao với Mỹ thì cũng phải đoạn giao với CS và ông quyết định không đoạn giao với Mỹ như có người đề nghị. Ngày 22-2-1970 nghỉ hè xong, ông cho biết tháng 3 khi trở về Căm Bốt sẽ ghé thăm Nga và Trung Cộng để nhờ họ giúp loại bỏ sự hiện diện của CSVN tại Miên. Ngày 8-3-1970 dân làng thuộc tỉnh Svay Rieng biểu tình chống CSBV chiêm đóng Cao Miên , ngày 14-3 hai chục nghìn thanh niên Miên biểu tình trước tòa đại sứ CSBV và VC tại Nam Vang (chắc do chính phủ giúp tổ chức). Quốc Hội Miên nhóm họp xác định đất nước họ trung lập và bảo vệ đất đai. Họ đòi tăng cường quân đội mà ông Hoàng để yếu vì ông sợ phản.
Từ Paris Sihanouk điện tín cho bà Mẫu hậu tại Nam Vang nói “một số nhân vật trong chính phủ muốn giao đất nước vào tay Đế quốc tư bản” và ông sẽ về Nam Vang ngay để hỏi ý kiến dân quân quyết định. Tại Paris ông Hoàng trả lời phỏng vấn nói BV, VC hoặc tôn trọng nền trung lập của Căm Bốt hay để đất nước này rơi vào tay một chính phủ thân Mỹ. Ngày 12-3, Phó Thủ tướng Sirik Matak tuyên bố bãi bỏ giao thương với VC và sẽ cho tăng quân đội thêm lên mười ngàn người.
Dân Nam Vang biểu tình bài người Việt Nam, họ tấn công các nhà thờ, cửa hàng VN. Ngày 13-3 Bộ ngoại giao Miên yêu cầu tòa Đại sứ BV, VC phải cho rút hết lực lượng của họ khỏi lãnh thổ xứ Chùa Tháp ngày 15-3-1970. Cùng ngày (13-3) Sihanouk rời Paris qua Nga mà trước đây ông muốn về Nam Vang ngay, mặc dù Chủ tịch Nga Podgorny khuyên ông nên về nước hôm sau nhưng ông lại ở Nga năm ngày để xin viện trợ quân sự. Sau đó ông lại không về Nam Vang mà đi Bắc Kinh và cho biết (trong hồi ký) Lon Nol và Sirik Matak không cho ông về, tới 18-3 Quốc hội mới truất phế ông , phi trường Nam Vang đóng cửa. Ông được hung tin do Thủ tướng Nga Kosygin báo khi trên đường ra phi trường Moscow. Nhóm tùy viên của ông không dám nói cho biết tin sét đánh này, 92% các vị dân cử Miên đã bỏ phiếu truất phế ông.
Khi tới Bắc Kinh ông Hoàng được Chu Ân Lai đón tiếp, ôm tại phi trường như không có gì sẩy ra, Chu cam kết vẫn coi ông như Quốc trưởng Cam Bốt. Đây không phải là cuộc đảo chính quân sự mà là một chính phủ Sihanouk không có Sihanouk. Sau này Sainteny (chính trị gia Pháp) cho biết nếu Sihanouk về Nam Vang sớm ít ngày thì sẽ không bị lật đổ, ông quá tự tin chẳng lẽ những cận thần trung thành lại lật đổ ông. Nhưng sau này theo như ông kể lại, bà Mẫu hận ở Nam Vang điện tín cho ông biết nếu trở về Nam Vang sẽ bị nguy hiểm.
Động cơ thúc đẩy Căm Bốt vào cuộc chiến đẫm máu bắt đầu từ chỗ này: Lon Nol và Sirik Matak đe dọa dùng quân sự chống lại kẻ địch mạnh là BV, VC. Ngoài ra cũng tại Sihanouk do dự không trở lại Nam Vang, ông được phía Nga khuyên về, Mỹ cũng muốn vậy và tin rằng nếu ông về lại thì tình hình sẽ lắng dịu có lợi cho cả mọi phía. Từ 20-3 người ta không thể kiểm soát nổi tình thế.
Về vai trò của Mỹ, họ không có mục đích gì trong chuyện này, theo lời Kissinger Mỹ không can thiệp vào nội bộ Căm Bốt vì bận giải quyến tình hình Lào những tháng đầu năm 1970 và thực ra không có nhân viên tình báo Mỹ ở Nam Vang. Mỹ không biết gì về tình hình Miên, không khuyến khích đảo chính hay biết trước tí nào, thực ra Mỹ không chú ý tới Miên nhiều.
Kissinger trình văn thư lên Nixon nói: có thể Sihanouk giả vờ tạo đảo chính giả để xin Nga, Trung Cộng đòi BV, VC rút khỏi đất Miên nếu không ông sẽ bị loại bằng một chính phủ hữu khuynh thân Mỹ. Mục đích để áp lực Nga, Trung Cộng, có thể họ (ông Hoàng, Lon Nol) thông đồng với nhau trong lá bài.
Ngày 19-3, Kissinger trình văn thư lên Tổng thống, ông cho là có thể Sihanouk sẽ về lại Nam Vang sắp xếp mọi việc. Có thể sẽ sẩy ra một trong ba trường hợp
-Lon Nol và Sirik Matak sẽ nắm chính quyền do quân đội ủng hộ.
-Hoặc Sihanouk sẽ trở về làm Quốc trưởng nhưng ít quyền hơn.
-Sihanouk thắng, quân đội chống Lon Nol.
Ngày 20-3, Kissinger và Nixon bàn về cuộc họp báo nay mai, Kissinger khuyên Tổng thống cần tôn trọng nền trung lập của Căm Bốt, Nixon đồng ý nói có thể ông Hoàng sẽ trở về lại Nam Vang nắm quyền như xưa. Trong cuộc họp báo ngày 21-3, Nixon nói không thể lường trước biến cố tại Miên và hy vọng BV tôn trọng nền trung lập của xứ này, ông hy vọng Sihanouk sẽ trở lại Nam Vang.
“Nay chúng ta tạm thiết lập liên hệ với chính phủ lâm thời do Quốc hội lập lên và ta dè dặt vì Sihanouk có thể trở về lại”
Buổi họp WSAG (Nhóm hành đông đặc biệt Hoa Thịnh Đốn) ngày 19-3 (tại Bạch Ốc) chú trọng Lào nhiều, ít chú trọng vào Miên. Ngày 17-3 Kissinger báo cáo cho Nixon biết Lon Nol muốn tăng quân thêm mười ngàn người, Tổng thống nói ta hãy giúp họ.
Tại Bắc Kinh hôm 20-3 (sau đảo chinh hai ngày) Shihanouk lên án Quốc hội đã truất phế ông bất hợp pháp, tố cáo CIA thông đồng với bọn phản bội và bênh vực CSBV ở Miên chống Đế quốc. Hôm sau ông tuyên bố sẽ chống chính phủ phản bội tới hơi thở cuối cùng. Bây giờ nếu ông Hoàng trở về không phải để tái lập chính sách trung lập mà là rước quan thầy CS (Nga, Trung Cộng) về.
Ngày 21-3 Quốc hội Miên bỏ phiếu thuận sẽ bắt Sihanouk nếu ông trở về, báo chí tại Nam Vang chỉ trích và lên án ông. Ngày 22-3 CSBV kết án chính phủ Cam Bốt mới (Lon Nol) thân Mỹ, tố cáo Mỹ giúp lật đổ Sihanouk và tuyên bố “dân tộc ta ủng hộ triệt để cuộc cuộc đấu tranh của nhân dân Cam Bốt”. Ngày 23-3 Sihanouk tuyên bố sẽ thành lập quân giải phóng, ca ngợi CS Việt Nam, Miên, Lào chống Mỹ. Đầu tháng 4-1970 BV, VC rời căn cứ tiến về Nam Vang để lật đổ chính phủ Lon Nol, ngày 3-4 chúng tấn công Svay Rieng và thành lập “Mặt trận Quôc gia thống nhất”, Sihanouk bắt tay với CS.
Ngày 4-4 tại Hòa đàm Paris, Lê Đức Thọ lên án Mỹ giúp Lon Nol lật đổ Sihanouk, Kissinger bác bỏ, ông nói không có người lính Mỹ nào tại Miên trong khi tại Lào quân Pathet nói tiếng Việt (tức lính CS), tại Miên cũng vậy. Kissinger bàn về việc trung lập hóa Miên trở lại nhưng Thọ phản đối, ông ta nói ba dân tộc Việt-Miên-Lào sẽ đoàn kết chống thực dân, đế quốc, Thọ cũng nói phải lật đổ Lon Nol, Matak. Ngày 6-4, ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant tuyên bố công nhận chính phủ Lon Nol. Hà Nội không chịu thương thuyết về Căm Bốt trái lại họ mở rộng cuộc chiến xâm lăng, họ chỉ muốn nắm quyền.
Mấy tuần trước, Mỹ chỉ muốn cho Sihanouk tại vị, nay nếu ông ta trở về lại do Hà Nội sắp đặt thì Căm Bốt sẽ trở thành căn cứ hậu cần nguy hiểm của địch. Đường tiếp vận của BV qua cảng Sihanouville sẽ nguy hiểm gấp đôi, Mỹ sợ hãi một chính phủ CS Sihanouk sẽ thành một căn cứ địa và hậu cần cho CSBV và VC.
Lon Nol
Chính phủ Lon Nol lần đầu tiên xin Mỹ giúp khi Mỹ biết Miên không thể trở thành trung lập được nữa. Ngày 9-4, Tổng tư lệnh và Tổng trấn Nam Vang (em Lon Nol) đề nghị họp với một viên chức tòa Đại sứ Mỹ.Ông nói về việc tăng quân từ 35 ngàn người lên 60 ngàn người (gấp đôi), cần ngay từ 100 ngàn tới 150 ngàn vũ khí và sau cùng từ 200 tới 250 ngàn vũ khí cả đạn dược. Xử lý thường vụ Lloyd Rives thấy con số quá lớn nên ông về Mỹ và khuyên cần giúp qua trung gian tránh can thiệp trực tiếp, nên gửi vũ khí âm thầm lén lút và đặt giới hạn số lượng để tránh cho BV có cớ đánh lớn.
Mỹ quyết định nhờ Pháp giúp Miên, lấy những súng AK tịch thu được của VC tại VNCH để giúp trang bị quân đội Căm Bốt, không hề có súng Mỹ. Rives cho Bộ giao Miên biết Pháp sẽ cung cấp vũ khí, Mỹ bất đắc dĩ phải can thiệp, Chính Phủ Miên cần tiếp xúc rất ít với Tòa Đại sứ Mỹ.
Ngày 13-4 căn cứ tiền đồn tỉnh Kampot gần biên giới Việt-Miên bị VC chiếm, chúng đánh nhiều tỉnh trong mấy ngày liền để cắt đường liên lạc với Nam Vang và để làm cho chính phủ mới sụp đổ. Lon Nol tuyên bố tình trạng đất nước lâm nguy và xin các nước ngoài giúp vô điều kiện.
Kissinger báo cáo với Nixon, ông nói ta không thể để Chính phủ Lon Nol sụp đổ. Ông ta cho triệu tập buổi họp WSAG (Nhóm hành động đặc biệt Washington), mọi người đề nghị gửi 3,000 khẩu AK lấy được của BV, VC tại VNCH do miền Nam gửi cho Miên. Chỉ vài tuần sau khi BV, VC tấn công chiếm Miên, xứ này sẽ thành căn cứ địa CS, chương trình VN hóa chiến tranh và việc rút quân của Mỹ sẽ gặp khó khăn. Mỹ cần phải giúp ngay chính phủ Lon Nol. Ngày 4-4 Thọ từ chối bàn về ngưng bắn tại Đông Dương, trung lập Miên.
Căm Bốt đang hấp hối, CSVN nhất định chiếm hết xứ Chùa Tháp, Sihanouk nay kết bạn với kẻ thù (CS) trong khi Mỹ đang rút quân, nay Hành pháp không còn quyền lực để kiểm soát các biến cố
Trước khi đánh tiếp ván bài mới (tấn công căn cứ BV tại Miên), Mỹ phải ngừng một tí là lúc quyết định rút quân.
Kết Luận
Đa số các nhà nghiên cứu và chính khách Mỹ không có thiện cảm khi nhận xét về Sihanouk, tác giả George Donelson Moss nói ông ta luôn đánh đu giữa Trung Cộng, CSVN và Mỹ, VNCH, ông ta cho BV lập căn cứ dọc biên giới Việt-Miên, cho BV xử dụng cảng Sihanoukville chở vũ khí đạn dược để đổi lại BV làm ngơ cho ông tiêu diệt Khmer đỏ (4)
Tướng Davidson (5) nói Sihanouk đu giấy giữa Trung Cộng, CSBV và Mỹ, cho BV đóng quân tại biên giới và xử dụng cảng Sihanoukville, rồi khuyến khích Mỹ oanh tạc các căn cứ BV tại biên giới với điều kiện giữ bí mật. Từ thập niên 60 tới 70, ông ngả về Trung Cộng và xa BV, những năm đầu 1970 dân Căm Bốt ghét Sihanouk, biến cố lật đổ ông Hoàng thay đổi cuộc chiến.
Phía CSBV tuyên truyền Mỹ giật dây Lon Nol lật đổ Sihanouk, một số người không thiện cảm với Mỹ cũng nghĩ như CS, sự thực không phải như vậy, đây là một biến cố hoàn toàn tự phát.
George Donelson Moss nói (trang 333) đây là một biến cố bất ngờ đối với cả Hà Nội, Hoa Thịnh Đốn.Tổng thống Nixon nói:
“Cuộc đảo chính diễn ra khiến ta vô cùng ngạc nhiên, chúng ta không khuyến khích cũng chẳng biết trước tí gì về biến cố. Những kẻ cho rằng CIA kích động cuộc đảo chính cần biết rằng Mỹ không hề có một nhân viên tình báo nào tại Miên khi đó. Thật ra chúng tôi nghĩ có thể có cuộc đảo chính khi Sihanouk đi nghỉ mát” (6)
Tác giả John Prados (7) nói trong các hồi ký và hồ sơ giải mật không thấy một dấu hiệu có sự thông đồng (của Mỹ) và cho thấy Washington lấy làm ngạc nhiên khi cuộc đảo chính sấy ra.
CSBV thừa biết là Hành pháp Mỹ không muốn và không đủ khả năng giật dây cuộc đảo chính nhưng họ cứ la làng tố cáo Mỹ khích động để chúng có cớ tấn công chính phủ mới, chiếm Cam Pu Chia làm căn cứ địa.
Hành pháp Nixon không muốn làm như vậy vì họ đang lo rút quân khỏi Đông dương. Họ cũng không đủ khả năng làm đảo chính vì đang bị Quốc hội, phản chiến, truyền thông chống đối mạnh nhất là không có ngân khoản để giúp chính phủ mới. Nixon lúc này bị Quốc hội giới hạn cấp ngân khoản chiến tranh, họ muốn Mỹ phải rút bỏ Đông Dương.
Cuộc đảo chính ông Hoàng đưa Xứ Chùa Tháp tới cuộc chiến đẫm máu, những bi kịch kéo dài tới mười năm sau, kết thúc bằng cuộc diệt chủng núi xương sống máu. Nó lôi kéo CSBV, Hoa Kỳ và VNCH vào cuộc chiến lớn đưa tới phân hóa trầm trọng nội tình nước Mỹ, chưa bao giờ đất nước này bị chia rẽ đến thế.
Đầu thập niên 1960, dưới thời ông Diệm, Sihanouk thân Cộng hiềm khích với VNCH đã có lần cho tấn công tàn sát mấy ngàn người Việt tại biên giới. Chính phủ mới Lon Nol thù ghét CSVN cũng lại tiếp tục tàn sát, cáp zuồn người Việt tại Miên kinh hoàng hơn trước. Mấy năm sau, Khmer đỏ cũng lại tiếp tục tàn sát người Việt như Sihanouk và Lon Nol trước đây.
Cao Miên lấy đạo Phật làm quốc giáo thì họ phải hiểu rõ hơn ai hết ý nghĩa của thuyết nhân quả, gieo nhân nào thì hái quả nấy, hễ ai gieo gió thì người ấy gặt bão, hậu quả là Xứ Chùa Tháp đã bị chìm đắm trong địa ngục của Quỉ đỏ một thời gian dài.
Trọng Đạt
(1) Henry Kissinger: White House Years chương XII The War Widens, trang 457- 475 The Overthrow of Sihanouk.
(2) Có thể xem thêm tiểu sử Sihanouk trong Wikipedia tiếng Anh, tiếng Việt
(3) Đây là lời kể của Kissinger, ông này nói không đúng, chưa có sử liệu nào xác định rõ miền Nam VN xưa là đất Miên.
(4) George Donelson Moss: Vietnam, An American Ordeal trang 333
(5) Phillip B. Davidson: Vietnam At War, The History 1946-1975 trang 624
(6) Richard Nixon: No More Vietnams trang 117-118
(7) John Prados: Viet Nam, The History of An Unwinnnable War 1945-1975, trang 363