Các dân tộc Việt, Hoa, Nhật, Hàn khắp nơi trên thế giới vừa đón chào năm mới, năm Tân Mão nói theo người Việt hay năm con thỏ, Year of the Rabbit, nói theo các dân tộc khác. Báo chí Pháp được dịp nói về Trung Hoa, một nước Tàu đang lên, một chủ nợ giàu có đang xâm lấn trong mọi ngành hoạt động trên hoàn vũ trong đó lẽ dĩ nhiên không chừa nước Pháp.
Nhà cầm quyền và các nhà kinh doanh Trung Hoa tung tiền mua đất đai, lâu đài, đầu tư vào các công ty kỹ nghệ, công nghệ của thế giới. Pháp là một trong những mục tiêu của chính sách bành trướng của Trung Hoa : không những bị lấn chiếm, còn bị đánh cắp tài liệu bí mật kỹ nghệ, công nghệ, các bằng sáng chế …
Mới đây vài tuần, 3 nhân viên cao cấp của công ty xe hơi Renault bị sa thải vì đã đánh cắp tài liệu mật, mà cơ quan đặt hàng có thể là công ty Grid Corporation of China, tương đương với EDF của Pháp. Cho dù không ai xác nhận điều này, chuyên viên ngành tình báo kỹ nghệ của Pháp cho rằng chuyện đó đã gây thiệt hại cho quyền lợi lâu dài của Pháp.
Xí nghiệp Pháp : mồi ngon
Tài liệu của cơ quan này cho biết rằng nước Pháp được người Hoa đặc biệt chiếu cố trên mọi ngành hoạt động kinh tế, đầu tiên là kỹ nghệ. Vào thị trường thế giới chỉ mới 20 năm nay, Trung Hoa cố gắng bắt kịp kỹ thuật của các nước Tây phương.
Năm 2006, Bộ Trưởng Kỹ Nghệ của chính phủ Trung Hoa nhận xét rằng 70 % hàng do Trung Hoa sản xuất là dưới bằng sáng chế của ngoại quốc. Ông ra hạn 15 năm phải lật ngược thế cờ, theo lời một chuyên viên Pháp. Kết luận : Mọi phương thức đều tốt, bất kể hợp pháp hay bất hợp pháp. Ðối với Hoa kiều, làm gián điệp để cung cấp tin tức, tài liệu cho nhà nước là một “nhiệm vụ công dân” theo lời Franck Decloquement, chuyên viên về ngành gián điệp kinh tế.
Theo Trung Ương Tình Báo Quốc Nội (DCRI) của Pháp, 15 % của những vụ xâm nhập vào chương trình điện toán của các công ty Pháp tới từ Trung Hoa. Như vậy, cùng với Hoa Kỳ, Trung Hoa là nước hàng đầu đã nhắm đến mục tiêu là các xí nghiệp Pháp.
Các xí nghiệp Pháp bị chê là « ngây thơ », không biết cách bảo vệ những bí mật của ngành sản xuất. Nhiều khi còn rộng rãi đối với kẻ mà họ cho rằng “đang cầm chìa khoá của một thị trường hằng tỷ người tiêu thụ”. Vì sợ mất phần, xí nghiệp Pháp không tố cáo hành vi bất chính của xí nghiệp Trung Hoa, đa số được nhà cầm quyền Trung Hoa bảo bọc.
Những ví dụ cụ thể
Ðối với những chuyên viên, đây là chính là “tình báo kinh tế”. Khai thác những tin tức qua những nguồn tin công khai, như những trang nhà trên mạng lưới, các tạp chí chuyên môn, các hội chợ, các cuộc hội thảo. Ðể được những tin tức này, người Hoa trông cậy vào sự “ngây thơ” của các xí nghiệp Pháp. « Xí nghiệp Pháp không cho đây là một mối hoạ đối với họ », lời của giám đốc trường Chiến Tranh Kinh Tế tại Paris. “Do đó, các xí nghiệp Pháp rất dễ bị khai thác”. Sau đây là vài sự việc đã xảy ra.
Gọi thầu
Người Hoa mở một cuộc đấu thầu và mở rộng cho thị trường thế giới. “Mục đích, theo một thông tư nội bộ, là để nhử mồi từ các nước đại kỹ nghệ”. Muốn được việc, các đại công ty vội vã nộp hồ sơ tham dự đấu thầu. Họ bị thúc giục, kêu gọi để nói rõ hơn hay tăng tiến về phương diện kỹ thuật. “Công ty nào cũng muốn mình được thầu nên cải thiện hồ sơ, một lần, hai lần, nhiều lần … cho đến khi người Hoa nói : đủ rồi”. Tới lúc đó, họ tuyên bố : chương trình đó đã bị huỷ bỏ.
An ninh thế vận hội
Người Hoa tung tin ra rằng sẽ bỏ ra 500 triệu Euro chi cho vấn đề an ninh của Thế Vận Hội Bắc Kinh để dụ dỗ những chuyên viên trong ngành này. Nhiều công ty Pháp nhanh nhẩu nhào vô. Các công ty này đã có chương trình huấn luyện nhân viên người Hoa. Trong 2 năm, người Hoa chỉ tốn 5 triệu Euro.
Bản sao của TGV ?
Người Hoa tung tin rằng họ sẽ mua TGV của Pháp. Sứ Quán Pháp tại Bắc Kinh trong nhiều tháng thảo luận chương trình huấn luyện kỹ sư người Hoa. Chừng vài tháng sau, công ty người Hoa đưa ra một mẫu tàu siêu tốc mới, góp nhặt từ TGV của Pháp và ICE của Ðức. Chuyện mua TGV coi như dẹp bỏ.
Một công ty mới
Ðể có chân đứng tại Hoa Lục, một số kỹ nghệ gia Pháp hiệp cùng với người Hoa lập công ty hỗn hợp và truyền lại kỹ thuật cho người Hoa. Một thời gian sau, người Pháp thấy có nhiều công ty người Hoa sản xuất sản phẩm y hệt, và lại do chính người Hoa đã hợp tác với người Pháp đứng chủ trương.
Kiện ngược (bằng sáng chế)
Công ty điện Schneider Electric sử dụng một cái móc 5 mm trong máy để cúp điện theo bằng sáng chế có từ năm 1996. Năm 2006, công ty Chint đưa công ty Scheiner Electric ra toà về tội mạo hoá. Toà án Trung Hoa ở Wenzhou buộc Scheiner Electric ngưng hoạt động tại Trung Hoa phạt vạ 330 triệu yuan (33 triệu Euro). Schneider thương thuyết để trả một nửa số tiền phạt và rút lui khỏi thị trường Hoa Lục.
Mua lại xí nghiệp
Mục đích để học lấy kỹ thuật chế tạo. Một khi đã rành rẽ, công ty đóng cửa xí nghiệp đã mua ở Pháp, xây dựng một xí nghiệp y hệt tại Hoa Lục. (lời giải thích của Franck Decloquement, đồng tác giả cuốn Petit traité d’attaque subversive contre les entreprises)
Trường hợp của Rhodia
Bluetar, công ty đã mua phần hoạt động sản xuất silicone của công ty Rhodia, hàng đầu sản xuất chất này trên thế giới. Sau khi mua, công ty giữ hai chi nhánh tại vùng Rhône-Alpes và xây dựng một công ty tại Hoa Lục có mức sản xuất cao bằng tất cả các công ty ở Âu Châu cộng lại.
Người ta có quyền tự hỏi : ngành sản xuất silicon của Âu Châu còn được tới bao giờ ?
Lời khuyên của tình báo Pháp
– Chuyên viên không nên để máy điện toán tiếp tục mở trên chuyến tàu TGV, khi đi ăn chung hay ngồi chung với nhân viên người Hoa trên máy bay đừng có nói nhiều.
– Coi chừng máy ghi âm trong phòng họp. Không nên mời các phái đoàn ngoại quốc trong phòng hội của công ty, vì sau đó, nếu có cuộc hội họp quan trọng, không ai để ý tìm tòi xem thử có bị đặt máy vi âm trong phòng.
Các phương thuật sử dụng
Những phương thuật đã được áp dụng đối với “con mồi” cũng là cổ điển thôi. Ðầu tiên là mỹ nhân kế, sau đó là mua chuộc bằng tiền hay tình cảm.
Khi một chuyên viên người Pháp công tác ở Hoa Lục, cơ quan tình báo Pháp khuyến cáo không nên làm thân với phụ nữ ra tiếp đón. Nếu chuyên viên có gia đình lại càng phải cẩn thận hơn nữa. Vì sau này, những hình ảnh hay cuốn phim ghi lại sẽ rất là tai hại.
Một nhà nghiên cứu trong ngành bào chế thuốc đã bị lâm vào cảnh này. Khi nhận được cuốn video quay đêm hôm trước trong khách sạn, ông cho biết ngay sẵn sàng hợp tác, vô điều kiện.
Nhà nước hay công ty Hoa Lục gởi chuyên viên đi thực tập tại Pháp. Con số từ 20,000 đến 30,000 người. “Không phải tất cả là những điệp viên, nhưng con số nhiều như vậy phải khiến cho chúng ta phải canh phòng”, lời của một chuyên viên trong ngành.
Năm 2009, nhiều nhà nghiên cứu tại Trung Tâm CNRS sửng sốt khi thấy một người Hoa đệ trình một bằng sáng chế về một chất mà họ đã làm việc 15 năm nay. Cuộc điều tra cho biết : 10 chuyên viên người Pháp đã làm việc 10 năm cho bằng sáng chế này cho người Hoa đứng tên !
Tại Paris và vùng phụ cận
Trong Paris và vùng phụ cận, người Hoa trở thành chủ sạp báo ngày càng nhiều, thêm với những hiệu Bar-tabac, PMU (đua ngựa, loto …). Từ vài thập niên trước, Hoa kiều làm chủ nhiều quán ăn, ngành may mặc, ngày nay giới trẻ đã mở rộng ngành hoạt động.
Những người này sẵn sàng trả giá cao hơn để được sang nhượng tiệm bán báo, tiệm bán hàng xén. “Một tiệm giá 550,000 Euro, người Hoa trả 600,000 tiền mặt để mua”, lời một chủ tiệm người Pháp trong thành phố Levallois (theo nhật báo Le Figaro). “Làm sao họ có nhiều tiền mặt như vậy, đó là thắc mắc của cảnh sát”.
Giới thạo tin cho biết rằng người Hoa sẽ tăng cường hoạt động trong ngành khách sạn (cũng đã có nhiều khách sạn của người Hoa rồi) và các tiệm bán hoa. Một số khác đã mua đất quanh Paris để trồng trọt, chăn nuôi. Tương lai, người Pháp không cần phải nhập cảng hoa từ Hoà Lan hay rau trái từ Thái Lan ?
50 xí nghiệp Trung Hoa hoạt động trên phần đất của một trại lính dẹp bỏ tại Chateauroux cuối năm nay. Các công ty này sẽ ráp những bộ phận gởi từ Trung Hoa và sẽ bán ra, thật rẻ, dưới nhãn hiệu « Made In France » từ Chateauroux Business District.
Chắc chắn rồi đây hàng « Made In France » thứ thiệt do người Pháp sản xuất trên đất Pháp không sao cạnh tranh nỗi, lúc đó … nói gì thì cũng muộn ! Chuyện đó đã xảy ra tại Toscane, miền Bắc nước Ý : người Pháp thấy cái lợi trước mắt mà không chịu suy nghiệm.
Từ Nguyên
Paris, C/N 2011/0209
|
||||
|
||||
Hôm 6/1, Pháp khẳng định nước này đã trở thành mục tiêu “chiến tranh kinh tế” mà bằng chứng là vụ rò rỉ thông tin mật của hãng Renault liên quan công nghệ sản xuất ôtô điện, niềm tự hào của ngành sản xuất ôtô của Pháp trong tương lai.
Theo hãng tin AFP, vụ án gián điệp công nghiệp này nghiêm trọng chưa từng thấy ở hãng Renault và được ví giống như một trận động đất. Quá trình vụ án Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Eric Besson cho rằng, thuật ngữ “chiến tranh kinh tế” chưa đủ mạnh để diễn tả sự bất bình của Pháp đối với vụ bê bối tại Renault. Ông đề nghị các công ty nhận tài trợ nghiên cứu và phát triển từ Nhà nước thúc đẩy các biện pháp nhằm tự bảo vệ mình trước những hoạt động gián điệp công nghiệp.
Quốc vụ khanh đặc trách Ngoại thương Pierre Lellouche kêu gọi sớm ban hành luật để bảo vệ bí mật công nghiệp của các công ty.
Trước đó vài ngày, hôm 3/1, sau mấy tháng điều tra, tập đoàn xe hơi Renault của Pháp đã đình chỉ công tác ba nhân viên cao cấp của tập đoàn này, những người bị nghi là đã phát tán những thông tin nhạy cảm ra bên ngoài.
Biện pháp đặc biệt này được thi hành nhằm “bảo vệ những tài sản chiến lược, tri thức và công nghệ” của Renault. Renault không tiết lộ nhiều về vụ bê bối gián điệp tại hãng, song khẳng định các tài sản công nghệ, trí tuệ có tầm quan trọng chiến lược của họ đã bị chọn làm mục tiêu. Phó chủ tịch Renault, ông Christian Husson, cho hay, vụ việc này rất nghiêm trọng, liên quan đến những người giữ các vị trí đặc biệt quan trọng trong công ty. Theo nhật báo Le Parisien, cả ba người kể trên đều nắm giữ những vị trí then chốt của tập đoàn. Người thứ nhất là Michel Balthazar, 56 tuổi, một trong 30 thành viên của ban lãnh đạo tập đoàn. Balthazar tốt nghiệp kỹ sư trường Đại học Lyon, vào Renault năm 1980, từng giữ nhiều vị trí quan trọng trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc phòng thiết kế các dòng xe hơi mới của hãng vào năm 2006. Hai năm sau, ông vào ban lãnh đạo tập đoàn và được coi là người đáng tin cậy của Tổng giám đốc Carlos Ghosn. Người thứ hai là Matthieu Tenenbaum vào Trung tâm công nghệ của tập đoàn từ năm 1997. Hiện nay, ông là Phó giám đốc dự án xe hơi điện. Ông cũng là người quảng cáo xe điện Twizy của Renault tại triển lãm thế giới xe hơi 2011 ở Paris. Cuối cùng là Gérard Rochette, cánh tay mặt của Balthazard, phụ trách phòng nghiên cứu. Ở vị trí này, ông Rochette nắm được những công nghệ mới nhất của tập đoàn. Hiện Renault chưa chính thức làm đơn kiện 3 người nói trên nên họ vẫn chưa bị quản thúc. Theo tờ Le Figaro, số phận của họ sẽ được định đoạt vào ngày 17/1, sau khi làm việc với ban kỷ luật của tập đoàn mà theo dự đoán, họ sẽ bị sa thải. Trong khi chờ đợi, họ bị cắt lương, không được phép vào bất cứ cơ sở nào của tập đoàn. Tờ Le Parisien cho hay, ban giám đốc có đề nghị họ làm đơn xin từ chức nhưng họ đã từ chối. Renault là hãng sản xuất ôtô của Pháp có 15% cổ phần thuộc sở hữu nhà nước. Hãng đang cùng công ty Nissan của Nhật Bản đầu tư đến 4 tỷ euro để phát triển xe điện, trong đó có 1,5 tỷ euro dành riêng cho việc nghiên cứu về pin. Tổng cộng, có đến 1.700 kỹ sư của Renault được huy động cho dự án xe điện. Vụ rò rỉ thông tin mật tại Renault là sự kiện mới nhất trong một loạt “cú sốc” gián điệp công nghiệp trong ngành sản xuất ôtô của Pháp, khu vực có vị trí chiến lược trong nền kinh tế nước này cùng với ngành hàng không vũ trụ, quốc phòng và dược phẩm. Trước đó, hãng sản xuất lốp ôtô Michelin và hãng sản xuất phụ tùng ôtô Valeo cũng đã trở thành mục tiêu của hoạt động gián điệp công nghiệp. Và những nghi ngờ Các nguồn tin nội bộ được Le Figaro trích dẫn cho biết ba nhân viên cao cấp bị cho tạm nghỉ việc có thể đã bán các bằng sáng chế chưa đăng ký bản quyền cho một hoặc nhiều nhà trung gian chuyên về tình báo kinh tế. Về điểm đến cuối cùng của những thông tin này, tập đoàn Renault nghi ngờ là một “thể nhân” Trung Quốc. Đi trước so với đa số các đối thủ, mục tiêu của liên doanh ôtô Renault-Nissan là chiếm vị trí số một thế giới trong lĩnh vực này. Chỉ một mình Renault đã đăng ký 56 bằng sáng chế về xe điện và sắp tới đây sẽ đăng ký thêm 34 bằng khác. Đó là chưa kể còn hơn 100 bằng sáng chế đang chờ được hoàn tất. Trung Quốc cũng đã đề ra một chương trình đầy tham vọng nhằm phát triển xe hơi điện quy tụ 16 công ty nhà nước. Với 1,36 tỷ euro đầu tư vào việc phát triển pin cho xe điện, toàn bộ các hãng sản xuất xe hơi Trung Quốc có thể theo sát Renault trong lĩnh vực này. Tổng cộng, Trung Quốc dự trù sẽ bỏ ra đến 15 tỷ USD trong thời gian 10 năm để phát triển các loại xe “xanh”. Nếu đúng như vậy, đây không phải là lần đầu Trung Quốc bị nghi ngờ ăn cắp bí mật công nghệ xe hơi Pháp. Năm 2007, nữ sinh viên Trung Quốc tại Pháp tên Lệ Lệ, 24 tuổi, từng bị kết án một năm tù về tội ăn cắp bí mật công nghệ khi thực tập tại Công ty thiết bị xe hơi Valeo của Pháp. Vụ gián điệp công nghiệp nhằm vào Renault chẳng có gì là đáng ngạc nhiên bởi lẽ ngành công nghiệp xe hơi vẫn là mục tiêu mà giới tình báo kinh tế nhắm tới chủ yếu. Các hãng xe hơi thường bỏ ra nhiều năm và rất nhiều tiền để nghiên cứu phát triển sản phẩm, nếu chiếm được bí mật công nghiệp này thì tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí. Trả lời trên tờ Le Monde hôm 8/1, Patrick Pélata, nhân vật số 2 của Renault, cho biết, “chúng tôi đã làm việc với các bộ phận kỹ thuật và mọi chuyện đã trở nên rõ ràng: trong gần 200 bằng sáng chế (về xe điện), đã đăng ký hoặc đang làm thủ tục đăng ký, không có cái nào bị rò rỉ”. “Nếu có chăng là thông tin về cấu trúc xe, về chi phí và mô hình kinh tế của chương trình (xe điện)”, ông Pélata nói và khẳng định, “vụ án này sẽ không làm thay đổi chương trình phát triển xe điện của Renault”. Hiện giờ, còn phải chờ kết quả điều tra của cơ quan tình báo Pháp thì mới có thể biết chắc là ai đứng đằng sau vụ gián điệp công nghiệp nhằm vào Renault. Trước mắt, vụ việc này buộc Chính phủ Pháp phải tăng cường bảo vệ bí mật công nghiệp của những công ty mà nhà nước có góp vốn. Cụ thể là các công ty này phải tự bảo vệ chặt chẽ hơn, nếu để lộ bí mật công nghiệp sẽ bị trừng phạt tài chính.
|
||||