Tại Trung Quốc, hàng trăm ngàn người xuống đường phản đối vật giá leo thang theo tốc độ phi mã, nạn tham nhũng của quan chức chính phủ, hố ngăn cách giầu nghèo gia tăng. Nếu những sự kiện nói trên xẩy ra, thì đó là một kịch bản theo kiểu ngày tận thế đối với đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hàng trăm ngàn người xuống đường phản đối vật giá leo thang theo tốc độ phi mã – đặc biệt là lương thực và thực phẩm, giá thuê, mua nhà cao chót vót- nạn tham nhũng của quan chức chính phủ, hố ngăn cách giầu nghèo gia tăng v.v. Nếu những sự kiện nói trên xẩy ra, thì đó là một kịch bản theo kiểu ngày tận thế đối với đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo giới phân tích, chính điều này giải thích vì sao chỉ vài ngày sau khi các số liệu kinh tế cơ bản được công bố, theo đó, chỉ số giá cả tiêu dùng trong tháng 10/2010 đã tăng 4,4%, chính phủ Trung Quốc đã phải nhanh chóng thông báo sẽ đưa ra một loạt các biện pháp chống lạm phát, kiểm soát giá cả. Theo một cuộc điều tra đầu tháng 11 này, tại 36 thành phố, giá cả 18 loại rau quả đã tăng 62,4% trong một năm qua.
Mức độ lo ngại của Bắc Kinh thể hiện rõ qua phát biểu của thủ tướng Ôn Gia Bảo, ngày 11/11 : Chính phủ đang soạn thảo các biện pháp để cắt giảm giá cả tăng vọt và ông kêu gọi lãnh đạo các địa phương cố gắng bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa, tăng cường giám sát và duy trì ổn định trên thị trường bởi vì những việc này liên quan đến các lợi ích cơ bản của người dân.
Như vậy, có thể Bắc Kinh sẽ tạm thời áp dụng chính sách kiểm soát giá cả một số mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm. Theo ông Stephen Joske, phụ trách nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit China, được báo trên mạng The Australian trích dẫn, thì chắc chắn Bắc Kinh phải làm một số việc nào đó để làm dịu những lo lắng về lạm phát. Còn chuyên gia Ben Simpfendorfer, thuộc Royal Bank of Scotland nhận định : « Lạm phát là điểm yếu của Trung Quốc ».
Theo các kinh tế gia, mặc dù kịch bản ngày tận thế khó có thể xẩy ra nhưng tình hình có thể sẽ diễn ra như sau : Nếu chính phủ không thành công trong việc ngăn chặn giá cả leo thang, lạm phát sẽ tiếp tục tăng, buộc Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất cho vay, dồn hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực tư nhân vào chân tường, nạn thất nghiệp sẽ lan tràn và tác động đến cuộc sống của hàng trăm triệu dân nghèo ở thành thị và nông thôn.
Trong khi đó, mục tiêu hàng đầu của chính quyền Trung Quốc là ổn định xã hội.
Một số kinh tế gia tại Bắc Kinh không loại trừ khả năng là Trung Quốc có thể phải đối mặt với nạn lạm phát nghiêm trọng nhất kể từ năm 1989. Vào thời điểm đó, lạm phát tại Trung Quốc tăng ở mức hai con số, trên 10% và đây là một trong những yếu tố dẫn đến những bạo loạn xã hội mà đỉnh điểm là trấn áp, tàn sát mùa xuân năm 1989.
Bà Lưu Tiểu Huyền, Viện Kinh tế Trung Quốc, cho biết, « Lạm phát đã ở trong tình trạng tồi tệ nhất vào cuối những năm 80 khi Trung Quốc chuyển từ hệ thống giá cả theo nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tôi không dự báo là sẽ có một làn sóng nổi dậy khác, bởi vì từ đó đến nay, khả năng của người dân đối phó với lạm phát lớn hơn thời đó nhiều, thu nhập của nông dân cao hơn, và hầu hết những người dân ở thành thị đều có bảo hiểm xã hội ».
Kể từ cuối tháng chín, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp cung ứng hàng hóa. Bộ Thương nghiệp Trung Quốc đã rút từ kho dự trữ 62 400 tấn thịt lợn, 210 000 tấn đường tung ra thị trường để kìm giữ giá cả. Thế nhưng, đây chỉ là những giải pháp tình thế, mang tính đối phó. Một khi giá cả tương đối ổn định thì cần xem xét, giải quyết cội nguồn của vấn đề : nạn dư thừa phương tiện thanh toán trong nền kinh tế Trung Quốc.
Theo giới chuyên gia quốc tế, nguyên nhân chính của tình trạng này là do xuất siêu và cán cân tư bản luôn luôn nghiêng về phía Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh cần giảm bớt những chệnh lệch này, đồng thời tăng giá đồng nhân dân tệ.
Còn theo kinh tế gia Trung Quốc Lưu Tiểu Huyền thì các nhóm lợi ích đang chi phối mạnh mẽ việc hoạch định chính sách của chính phủ, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước.
Nếu tình hình này không được sửa đổi thì lạm phát còn nghiêm trọng hơn. Theo bà, việc chính phủ kiểm soát quá nhiều, các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không có hiệu quả nhưng lại độc quyền về điện, nước, khí đốt, dầu lửa, phân bón, tất cả những yếu tố này đã thúc đẩy giá cả tăng lên.
Sau vài thập niên đẩy mạnh tư nhân hóa, trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc lại được hỗ trợ phát triển mạnh và được cấp nhiều tín dụng nhất trong kế hoạch kích thích kinh tế hàng trăm tỷ nhân dân tệ của chính phủ để đối phó với tác động của khủng hoảng toàn cầu.
Năm ngoái, tổng khối lượng tín dụng đã tăng gấp đôi, đạt mức 9600 tỷ nhân dân tệ, gây ra nạn đầu cơ và bong bóng trong lĩnh vực bất động sản. Bắc Kinh đề ra mục tiêu giảm khối lượng tín dụng trong năm nay xuống còn 7500 tỷ nhân dân tệ, thế nhưng trong 10 tháng đầu năm nay, số lượng tiền cho vay đã lên tới 6890 tỷ, tương đương 92% mục tiêu của năm 2010.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12, 2010 – 2015, đảng cộng sản Trung Quốc đề ra đường hướng giảm bớt đầu tư, nâng cao mức tiêu dùng nội địa, đi kèm một số biện pháp để giảm bớt tốc độ tăng trưởng. Theo giới quan sát, ở Trung Quốc, dường như tồn tại một khế ước xã hội bất thành văn là đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ có thể tồn tại và giữ vai trò lãnh đạo chừng nào mà họ tiếp tục duy trì được sự phồn thịnh về kinh tế. Nói một cách khác, đảng Cộng sản Trung Quốc đấu tranh chống lạm phát, thực ra là để tự cứu mình.
Đức Tâm [Nguồn RFI]