Mỹ đang tiến hành xây dựng để biến căn cứ hiện có tại đảo Guam thành một siêu căn cứ quân sự như là “tiền đồn chống Trung Quốc” tại Thái Bình Dương. Dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi yên và cuộc chạy đua vũ trang này có lặp lại điều đã từng xảy ra tại Liên Xô và dẫn đến sự tan rã của “Liên bang Trung Quốc” cùng thể chế hiện hành hay không?
“Liên bang” của những mầm mống tan rã
Liên Xô tan rã chủ yếu là do các nguyên nhân bên trong và tổng thống thứ 40 của Mỹ, ông Ronald Reagean, được xem là người thúc đẩy cho sự tự hủy diệt của Liên Xô. Từ khi nhậm chức tổng thống, ông Reagan đã buộc Liên Xô phải căng sức chạy theo Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trang với các chương trình chế bom trung hoà tử hay nỗ lực đưa chiến tranh lên các vì sao. Bởi vậy, sau khi Ronald Reagan tạ thế vào tháng Sáu năm 2004, tạp chí The Economist tại Anh đã đăng hình ông lên trang bìa với dòng chữ: Người chiến thắng chủ nghĩa cộng sản. Nhiều nhà bình luận đã đưa ra nhận định tương tự, cho rằng ông là người chiến thắng Chiến tranh Lạnh và tiêu diệt Liên Xô.
Cuộc chạy đua vũ trang trong những năm 1980 là một trong những nguyên nhân chính làm Liên Xô phá sản. Ông Bob Dole, nguyên là lãnh tụ của Cộng Hoà tại Thượng viện Mỹ, từng là ứng cử viên tổng thống, tuyên bố trên tờ the New York Times: “Bằng cách tăng cường lực lượng phòng vệ chứ không phải tấn công, Reagan đã làm cho Liên Xô sụp đổ.” Tài liệu giải mật về biên bản các cuộc họp của Bộ Chính trị Liên Xô ghi nhận nỗi lo lắng về việc xây dựng hoả tiển phòng vệ trong chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao”, lo lắng về sự cách biệt ngày càng gia tăng về quân sự và kỹ thuật giữa Mỹ với Liên Xô.
Ông ta đẩy nhanh tốc độ cải cách và chương trình cải tổ và “công khai hoá” và càng cải tổ, càng công khai hoá, Liên Xô càng không còn có lý do nào để tồn tại. Sau cú hích Đông Âu thì đến sự tan rã của Liên Xô.
Liên Xô đã từng cạnh trạnh với Mỹ trong mưu toan làm bá chủ hoàn cầu và đã tan rã vì tham vọng đó không kham nổi những yếu kém và bất cập trong cơ chế chính trị – kinh tế và xã hội của mình.
Trung quốc cũng tương tự như vậy. Nó đang nuôi tham vọng trở thành siêu cường số một nhưng tự thân nó thì chứa đầy những mầm mống tan rã.
Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa không mang danh xưng liên bang nhưng lại là tập hợp của các sắc tộc bị xâm lược chung quanh nước chủ nhà Đại Hán. Nó không có các “cộng hoà tự trị” nhưng có các “khu tự trị” luôn sục sôi sự bất mãn như có thể thấy qua tình hình tại Tây Tạng và Tân Cương. Một khi chính quyền trung ương yếu đi thì phong trào ly khai sẽ nổi lên, từ Tây Tạng, Tân Cường cho đến Mãn Châu.
Trong khi đó thì thể chế chính trị của nó chỉ phục vụ một thiểu số đặc quyền và cái chính quyền xưng là “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” chẳng dính dáng chút nào đến nhân dân Trung Hoa. Chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời và Đảng cộng sản Trung Quốc đang bám vào tinh thần ái quốc kiểu Đại Hán. Nhà nước Trung Quốc cấm mọi cuộc biểu tình, trừ các cuộc biểu tình thể hiện tinh thần Đại Hán, có thể thấy qua phản ứng của thanh nhiên nước này sau các vụ va chạm với Nhật tại hòn đảo tranh chấp Điếu Ngư.
Hệ thống truyền thông nhà nước làm mọi cách để nuôi dưỡng tinh thần Đại Hán đó, tuy nhiên những thông điệp khác hơn đã được phổ biến trên mạng Internet, đưa ra một cái nhìn ngoài lề. Trong số đó có nhà bất đồng chính kiến tên Hàn Hàn, 28 tuổi, là blogger có lượng độc giả nhiều nhất ở Trung Quốc. Từ khi ra mắt vào tháng 11 năm 2006 cho đến nay, blog của Hàn Hàn đã thu hút hơn 421 triệu lượt ghé thăm và do đó có thể thấy được ảnh hưởng của cái nhìn ngoài lề này.
Ngày 18.9.2010, nhân kỷ niệm Nhật xâm lăng những tỉnh lỵ phía đông bắc Trung Quốc vào năm 1931, Hàn Hàn đã bình luận một cách sắc bén trước những cuộc biểu tình phản đối Nhật sau vụ bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc ngoài khơi Điếu Ngư ngày 8.9.2010, xem đó chỉ là những con chó đi sủa cho chủ một cách ngu đần. Với số lượng đông đảo người đọc như đã nói ở trên nên chính quyền Trung Quốc ngại những phản ứng của công chúng, không dám cấm blog của Hàn Hàn nhưng đã xóa đi bài viết này chỉ 50 phút sau khi anh đăng nó lên. Tuy nhiên, chỉ với 50 phút cũng đủ cho nó lan truyền và thu hút mạnh độc giả và từ đó nó đã lan truyền đi khắp thế giới.
“Trên sân khấu Trung Quốc ngày nay có ba vai diễn: chủ, tớ, và chó. Đa số chúng ta hoán đổi vị trí giữa hai trong ba vai này. (Hai vai nào? Thế này nhé, bạn khó có thể tự xem mình là ông chủ, có đúng không nào?) Thông thường điều ông chủ muốn từ những tay đầy tớ là tính dễ bảo yếu hèn, nhưng hiện tại ông chủ đang cần một số chó biết sủa. Dễ thôi! Bởi vì trong tâm trí con chó, không cần biết ông chủ đối xử với mình như thế nào, hễ bất cứ khi nào có người lạ mặt xuất hiện thì nhiệm vụ của bạn là phải bảo vệ lấy căn nhà… Trong thâm tâm, những lãnh tụ của chúng ta không thực sự giận dữ. Họ chỉ cảm thấy như bị thiến. Do vậy, theo quan điểm của họ, chúng ta đáng ra cũng phải cảm thấy bị thiến như họ. Nhưng có ai từng xuống đường biểu tình mà hô vang “Ta đã bị thiến!” bao giờ chưa? Điều đó chỉ làm tình trạng thêm tồi tệ. Những lúc thể diện của lãnh tụ không có gì suy suyển, thì họ vả vào mồm ta; khi họ bị mất mặt, ta buộc phải gỡ thể diện cho họ. Chúng ta tiếp nhận điều này như thế nào? Đừng có bảo tôi rằng quý vị và tôi đều bị thương tổn như nhau bởi những vấn đề “đất mẹ” này […] Ở đất nước chúng ta, thường dân không có một tấc đất để cắm dùi; tất cả đất đai, như quý vị đã biết, đều là thuê mướn của quý vị mà thôi. Cho nên từ vị trí của tôi, vấn đề này giống như một sự xích mích giữa gã địa chủ với người hàng xóm của tôi về miếng ngói nằm trên mặt đất. Tôi biết miếng ngói đó bị thổi bay từ nóc nhà của địa chủ trong một cơn gió mạnh, đồng thời tôi cũng biết gã địa chủ e ngại không muốn đánh nhau với hàng xóm, và chưa từng dám đi nhặt lại miếng ngói đó. Nhưng mà chuyện đó có ăn nhậu gì tới thằng tá điền là tôi? Hà cớ gì một kẻ không có một tấc đất cắm dùi lại đi đánh nhau để tranh đoạt lại đất đai cho kẻ khác? Hà cớ gì một tên tá điền chẳng có nhân phẩm lại đi đánh nhau vì nhân phẩm của địa chủ? Những người như thế giá trị đáng được bao nhiêu, nếu cân bằng ký? Bao nhiêu mới gom cho đủ một ký đây?”
Căn cứ Guam và căn cứ Diego Garcia
Đây sẽ là nơi ở mới của lực lượng Thủy quân lục chiến 19,000 quân nhân của Mỹ, sẽ chuyển về từ các căn cứ trên đảo Okinawa của Nhật. Căn cứ còn là bến đổ và tiếp vận một hàng không mẫu hạm chạy bằng nguyên tử năng, có một hệ thống hỏa tiển phòng thủ, căn cứ huấn luyện tác xạ. Ngoài ra căn cứ không quân với các phi đoàn B-52 hiện có trên hòn đảo này sẽ được mở rộng. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông, trong có các tuyến giao thông liên lạc quan trọng nhất. Sự mạnh bạo của Trung Quốc dẫn đến căng thẳng gia tăng với Việt Nam và ảnh hưởng tới các quyền lợi chiến lược và thương mại của Mỹ.
Không chỉ là Biển Đông, Trung Quốc còn tỏ tham vọng xây dựng sức mạnh trên tuyến đường hàng hải dọc Ấn Độ Dương, bảo về hải trình của đường vận chuyển dầu lửa. Tính tới năm 2035 thì Trung Quốc phải nhập cảng đến 80 phần trăm số nhiên liệu cần thiết và nguồn dầu này chỉ có thể mua từ Trung Đông.
Một năm sau, tháng Giêng năm 2008 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tường trình trước Ủy Ban Quân Sự của Thượng nghị viện rằng những lĩnh vực đáng lo ngại nhất là chiến tranh chống vệ tinh và tin học, các loại vũ khí phòng không và chống tàu thuỷ, tầu ngầm và hoả tiễn đạn đạo. Ông nhấn mạnh “Việc (Trung Quốc tiến hành) hiện đại hóa trong những lĩnh vực này có thể đe dọa các phương tiện cơ bản của Mỹ trong việc triển khai sức mạnh và giúp đỡ các đồng minh tại Thái Bình Dương: đó là những căn cứ của chúng ta, những cơ sở không quân và hải quân và mạng lưới hỗ trợ những căn cứ này”. Ngay sau đó, tháng Hai năm 2008, quân đội Mỹ dùng hoả tiễn phá hủy một vệ tinh do thám đã bị hư hỏng của mình trong không gian và cho thấy một hành động chạy đua do Trung Quốc khởi xướng.
Dĩ nhiên là Mỹ lấy làm lo ngại và ông Bruce W. MacDonald, trong bản Báo Cáo Đặc Biệt của Hội Đồng (Đối Ngoại Mỹ), vào tháng chín 2008, đã nhấn mạnh rằng lợi thế của Mỹ trong lĩnh vực không gian chắc chắn sẽ giảm đi khi Trung Quốc tăng cường khả năng của mình trong lĩnh vực không gian trong vòng 10 hoặc 20 năm tới. Theo ông thì là Mỹ phải đi đầu trong lĩnh vực không gian nhấn mạnh đến sự răn đe, cũng như cân nhắc đến các sáng kiến ngoại giao mới nhằm ngăn cản việc biến không gian thành một vùng xung đột tiềm tàng.
Kiệt sức do chạy đua
Về quân sự, hầu hết giới phân tích chiến lược đều cho rằng Trung Quốc hiện không có khả năng thách đố tính ưu thế của Mỹ trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Theo đó thì Trung Quốc còn phải mất nhiều thập niên nữa thì mới có thể thách thức được ưu thế quân sự của Mỹ. Lực lượng trên bộ của Trung Quốc được trang bị với kho vũ khí cũ kỹ của những năm 1980 và thiếu hụt đáng kể về khả năng chỉ huy và kiểm soát, phòng không, tiếp liệu và thông tin liên lạc. Không quân của Trung Quốc cũng vậy, lạc hậu so với không quân của các cường quốc Tây Âu, cho dù Trung Quốc có khoảng 100 tiêm kích mới nhất Su – 27 của Nga và đã ký hợp đồng mua máy bay Su – 33s, có thể tác chiến từ hàng không mẫu hạm.
Dù Trung Quốc hiện có gối đệm tài chánh lớn hàng ngàn tỉ Mỹ kim dự trữ nhưng vẫn chưa đủ. Lại nữa, các chi tiêu quân sự khổng lồ sẽ tạo cảnh rối ren nội bộ về chiến lược vì không phải giới cầm quyền Trung Quốc đều là diều hâu cả. Hiện hai phe vẫn đang ngấm ngầm tranh chấp với con đường tiếp tục phát triển vũ trang mạnh mẽ để thực hiện nhanh giấc mộng bá chủ thế giới hay tập trung tài nguyên để phát triển thành một cường quốc kinh tế.
Những toan tính chiến lược của Ngũ Giác Đài đã gác bỏ mọi quan ngại về xã hội và môi sinh. Sự phát triển căn cứ này sẽ khiến dân số Guam sẽ tăng 50 phần trăm so với mức 173,000 như hiện nay. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (US’s EPA) thì nhu cầu sinh hoạt và vận hành guồng máy quân sự sẽ gây nên nạn thiếu nước trầm trọng. Ngoài ra, việc nạo vét cảng để cho hàng không mẫu hạm vào được bến cảng sẽ làm tổn hại khu biển san hô ngầm rộng 71 mẫu Anh. Phúc trình của EPA nhận định rằng việc xây siêu căn cứ quân sự này “làm cho điều kiện môi trường vốn không đạt yêu cầu ở Guam sẽ trở nên trầm trọng hơn.”
Tuy nhiên, mối nguy Trung Quốc đáng kể hơn những quan ngại môi sinh này. Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh hải quân một cách đáng kể và càng ngày càng tỏ giọng kẻ cả khi tranh giành Biển Đông, vùng có tiềm năng dầu lửa và là tuyến đường hàng hải quan trọng trên thế giói.
Sợ rằng Mỹ sẽ chặn yếu hầu dầu lửa này nếu xung đột Mỹ -Trung xảy ra, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng các căn cứ hay trạm radar dọc theo hải trình Ấn Đô Dưong với trạm radar trên hòn đảo Coco của Miến trên vịnh Bengal, tiện nghi hải quân ở Sri Lanka và Gwadar ở Pakistan. Ngoài ra. Trung Quốc đang phát triển một hải quân có khả năng viễn dương.
Đáp lại hành động của Trung Quốc, Mỹ cũng đang đầu tư hơn 200 triệu Mỹ kim để nâng cấp căn cứ tại quần đảo Diego Garcia. Đây là một đảo sanhô thuộc Anh nằm giữa Ấn Độ Dương và đã đóng vài trò xuất phát điểm cho những cuộc không tập của các phi đoàn B-52 trong các chiến dịch tại Iraq và Afghanistan. Hiện căn cứ này là nơi trú ngụ của một phần ba của lực lượng mang tên “Afloat Prepositioned Force” bao gồm tiện nghi, thiết bị luôn trong tình trạng ứng chiến để yểm trợ cho quân đội Mỹ bất cứ nơi nào trên thế giới. Chương trình nâng cấp này sẽ hoàn tất vào năm 2013 và sẽ có thêm các trạm bảo trì và sửa chữa tàu ngầm hạt nhân trang bị dàn phóng hoả tiễn dẫn hướng với sức chứa 154 hỏa tiển.
Trung Quốc rõ ràng đang có ý qua mặt Mỹ. Trung Quốc đã mua nhiều tàu ngầm và khu trục hạm do Nga chế tạo. Trung Quốc tự tay đóng tàu ngầm chạy bằng nguyên tử năng đời mới cũng như hàng không mẫu hạm. Trung Quốc đang có dự định thử nghiệm loại hoả tiễn diệt mẫu hạm mang tên Dong Feng 21D, với mục tiêu vô hiệu hoá khả năng phòng thủ của hàng không mẫu hạm Mỹ.
Chạy đua chiến tranh không gian
Tháng giêng năm 2007, Trung Quốc dấy lên những phản ứng mạnh mẽ trên thế giới khi phóng tên lửa đạn đạo lên không gian để phá hủy một trong số các vệ tinh của họ. Việc này sẽ tạo ra nhiều rác thải không gian, gây nguy hiểm cho các vệ tinh khác và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Dẫu sao việc bắn thử phá hủy vệ tinh chứng minh khả năng ngày càng cao của Trung Quốc trong khoa học không gian và làm Mỹ quan ngại về ý đồ thực sự của việc trên.
Không chỉ gây hấn trên không gian vũ trụ, Trung Quốc đã gây hấn với cuộc chiến tin tặc trong không giang mạng (cyperspace). Đầu năm nay Mỹ đã tố cáo tin tặc Trung Quốc tấn công hệ thống điện toàn của các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, Thương mại và Quốc phòng. Trung Quốc còn bị cho là có các hoạt động tình báo điện tử nhắm vào các công ty Anh cũng như các cơ quan chính phủ tại Pháp, Đức, Nam Hàn và Đài Loan.
Trong bản phúc trình soạn thảo tháng 11 năm 2008 gửi Quốc hội, Ủy Ban Theo Dõi An Ninh và Kinh Tế Mỹ-Trung ghi nhận là không gian điện tử tin học (cyberspace) là điểm rất dễ bị tổn thương nghiêm trọng của chính phủ và nền kinh tế Mỹ. Văn bản này khuyến cáo: “Trung Quốc đang ra sức nâng cao năng lực tiến hành một cuộc chiến tin học, có thể tạo cho Trung Quốc một ưu thế không cân xứng, chống lại Mỹ. Trong bối cảnh một cuộc xung đột, lợi thế này có thể làm suy giảm ưu thế sức mạnh quân sự thông thường của Mỹ.” Nghĩa là Trung Quốc gây hấn trên đủ phương diễn và lĩnh vực, do đó sẽ phải chạy đua, dốc hết tài nguyên ra để chạy đua trên.
Lâu nay, giới diều hâu đã thắng thế sau khi nhấn mạnh đến tấm gương của Nhật: là cường quốc kinh tế, Nhật phải trông cậy vào ô dù quân sự của Mỹ. Trung Quốc thì không thể trông cậy vào ai và sức mạnh kinh tế phải đi đôi với sức mạnh quân sự. Thế nhưng cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ có nguy cơ phá tan sự cân bằng và gánh nặng quân sự sẽ trở nên quá tải với tiềm lực kinh tế, cho dù Trung Quốc.
Chưa nói là áp lực bên ngoài. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc dựa vào thị trường thế giới. Nhưng hiện chính cuộc chạy đua vũ trang và thái độ bá quyền của nó đã khiến một phần lớn của thế giới là ASEAN, Nam Hàn, Nhật, Mỹ và Úc liên hiệp lại nhau với nhau.
Đến lúc đó thì nước Trung Quốc kiệt quệ và mất cân bằng có còn là Trung Quốc “ổn định” bằng dùi cui, lựu đạn cay và còng số tám của hôm nay? Chúng ta có thể nhìn ra bao nhiêu là mối xung đột ngấm ngầm của nó. Xung đột giữa những “ông chủ giới lãnh tụ với nhau về trách nhiệm của thất bại vài đường lối phát triển trước mặt. Xung đột giữa “ông chủ” với các “thầy tớ” người Hán. Xung đột giữa ông chủ người Hán với các thầy tớ người Tân Cương, Tây Tạng.
Phạm Đức Hải Đường
[1] Dẫn theo bản tiếng Việt do Hồ Kim Sơn chuyển ngữ, trên mạng talawas