Với 9 % đất trồng trọt của thế giới, Trung Quốc phải nuôi hơn 20% dân số địa cầu và giải quyết việc làm cho 40% nông dân trên toàn thế giới. Đó là động cơ khiến Bắc Kinh xem việc đưa nông nghiệp “vươn ra bên ngoài” là một ưu tiên. Sau đây là cuộc phỏng vấn nhà nông học Hubert Cochet, AgroParisTech.
Từ năm 2007, đặc biệt với hiện tượng giá nông phẩm gia tăng, các vụ thuê mua đất canh tác ngoài lãnh thổ quốc gia càng thêm phổ biến. Đối với một số chính quyền-đứng đầu là Trung Quốc- tìm kiếm những mảnh đất màu mỡ để phát triển nông nghiệp ở hải ngoại đã trở thành ưu tiên hàng đầu, một chiến lược phát triển lâu dài.
Đây là điều dễ hiểu khi Trung Quốc chỉ làm chủ 9 % đất trồng trọt, mà lại phải nuôi đến hơn 20% dân số địa cầu và phải giải quyết vấn đề việc làm cho 40% nông dân trên toàn thế giới.
Đến nay, hơn 40 tập đoàn nông nghiệp của Trung Quốc đã chen chân vào hơn 30 quốc gia ở năm châu. Từ năm 2007 đến nay, chính quyền Bắc Kinh đã tung ra một tỷ rưỡi đô la để mua đất canh tác của châu Phi, châu Mỹ La Tinh và cả ở Đông Nam Á với mục tiêu chính là cung cấp những mặt hàng mà Trung Quốc không sản xuất đủ để cung ứng nhu cầu nội địa như là gạo, đậu nành hay bắp.
Theo GRAIN, một tổ chức quốc tế bảo vệ nông dân, từ sau các cuộc bạo động chống giá thực phẩm leo thang vào hồi tháng ba năm ngoái, Trung Quốc đã đẩy mạnh chính sách ngoại giao để tìm kiếm những nông trại mới ở hải ngoại đặc biệt là ở Brazil, Cam Bốt, Soudan …
Sự bành trướng của ngành nông nghiệp Trung Quốc
Kazakhstan đã nhượng quyền khai thác 400 km vuông đất cho Trung Quốc. Bộ trưởng nông nghiệp nước này còn tuyên bố hãy còn nhiều khoảng đất rộng gấp rưỡi diện tích của Israel đang chờ các nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với Nga Bắc Kinh đã mua lại hơn 80 ngàn hecta với cái giá chưa đầy 22 triệu đô la. Trên thực tế từ lâu nay, Bắc Kinh đã coi nhiều vùng đất sát biên giới hai nước là « một tỉnh miền Bắc » của Trung Quốc.
Tại châu Á từ năm 2000 nhiều tập đoàn nông nghiệp của Trung Quốc đã đẩy mạnh nhiều chương trình hợp tác tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Miến Điện, Cam Bốt và Việt Nam.
Riêng đối với Philippines, chính sách thuê mua đất của Trung Quốc đi xa hơn hết : Bắc Kinh và Manila đã ký nhiều thỏa thuận cho phép các tập đoàn của Trung Quốc sử dụng đến 1,24 triệu hecta đất của Philippines.
Tại châu Phi, nhiều tập đoàn nông nghiệp Trung Quốc đã coi Mozambique, Zambie là « sân nhà » và Bắc Kinh đang có kế hoạch đưa khoảng 100 triệu nhân công, từ nông dân đến các nhà nghiên cứu Trung Quốc sang châu lục này từ nay đến cuối 2010.
Ưu tiên phát triển của Trung Quốc
Trong một văn bản được coi là quan trọng vào bậc nhất, ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2007 đã nhấn mạnh đến sự cần thiết đưa nông nghiệp nước đông dân nhất địa nhanh chóng « vươn ra bên ngoài ».
Theo quan điểm của Bắc Kinh đây không chỉ là chiến lược xuất khẩu nông phẩm của Trung Quốc mà còn phải bao gồm nhiều khoản đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở nhiều nơi trên thế giới.
Mục tiêu hàng đầu theo đuổi trong các cuộc mạo hiểm ngoài lãnh thổ này là để bảo đảm cho 1,2 tỷ dân Trung Quốc nguồn cung cấp chắc chắn về lương thực.
Tiếp theo đó, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay, nhiều nhà nông học e rằng hơn bao giờ hết giới đầu tư quay lưng lại với thị trường tài chính còn khá bấp bênh để “hướng” về ruộng, đất.
Chiến lược bành trướng của Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp của Bắc Kinh không phải là vô cớ : với 9% diện tích đất canh tác trên thế giới, Trung Quốc phải nuôi đến 1,2 tỷ miệng ăn, tức hơn 20% dân số địa cầu.
Xét về phương tiện, với khoản dự trữ ngoại tệ đến hơn 2000 tỷ đô la Trung Quốc thừa khả năng để mua lại hàng triệu ha đất của rất nhiều quốc gia, hay ít ra là để thuê mượn đất của các « nước bạn » mà không cần do dự.
Nhìn rộng ra hơn
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất « mượn » đất ở nơi khác để phục vụ cho cái bao tử của người dân : Hàn Quốc đã mua lại đất của Achentina để chăn nuôi. Nhật Bản « quan tâm » đến đến Ai Cập, nguồn ung cấp dầu thực vật và đường quý giá. Ấn Độ “nhòm ngó” đến vựa dàu cọ của Malaysia.
Theo viện nghiên cứu của Mỹ, Institut for Food Policy Reseach trụ sở tại Washington, tính từ năm 2006 đã có khoảng từ 15 đến 20 triệu hecta đất canh tác của các nước nghèo do ngoại quốc làm chủ. Chỉ riêng Trung Quốc, Hàn Quốc Ả rập Séut và Liên Hiệp các Tiểu Vương Quốc Ả rập hiện đang làm chủ 8 triệu ha ruộng đất ở hải ngoại.
Theo nhận xét của nhà nông học Marc Dufumier thuộc trường AgroParisTech, các hình thức thuê mua đất trồng trọt của các nước nghèo đã có từ lâu nay. Nhưng đó thường là các khoản hợp đồng dài hạn có hiệu lực trong vòng 99 năm và các vụ thuê mua đó liên quan đến những phần đất rộng không quá một chục ngàn hecta.
Từ vài ba năm trở lại đây, với hiện tượng toàn cầu hóa, các khoản chuyển nhượng như trên liên quan đế hàng triệu ha đất canh tác.
Hậu quả
Đối với những người ủng hộ các dự án thuê mua đất của những nước chậm phát triển thì đây là một tính toán khôn ngoan mà đôi bên cùng có lợi : một bên thì dùng đồng tiền để mua đất, mang lại kinh nghiệm và kỹ thuật cho nông dân ở các nước nghèo, tạo công việc làm cho người dân địa phương. Bên kia thì có vốn để mở mang những vùng đất coi như bị tăng trưởng kinh tế toàn cầu « lãng quên ».
Thế nhưng trong mắt của giới nông học việc thuê mua kể trên hoàn toàn bất lợi cho những nước mang bán đất. Giáo sư Hubert Cochet giảng dậy tại truờng Nông học Paris AgroParisTech nghi ngờ về hứa hẹn mang lại công việc làm cho nông dân của các nước nghèo :
« Trước hết giới đầu tư- cho dù là chính phủ hay tư nhân- đều nhắm vào các phần đất mầu mỡ nhất của quốc gia muốn bán hay cho thuê đất canh tác. Đấy là những vùng đất đông dân cư.
Hậu quả trước tiên là nông dân sống tại đây bị đuổi đi hoặc bị dời đi nơi khác. Họ không còn đất sống. Phía mang vốn vào đầu tư nói là để tạo công ăn việc làm cho dân địa phương. Nhưng thường thì số công việc mới tạo thêm không đủ để đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình bị mất đất canh tác.
Trong trường hợp một quốc gia mang cả đội ngũ nông dân đến định cư tại một vùng đất mà họ mới mua lại, thì tình trạng còn tệ hại hơn rất nhiều. Có thể coi đấy là một hình thức « đô hộ kiểu mới », không mang lại một chút lợi lộc nào cho người dân địa phương. Đó là kịch bản đen tối nhất có thể xảy ra trong các vụ mua bán đất đai để phát triển nông nghiệp ».
Hiện tượng cho thuê hay bán đất canh tác trên thực tế là một tai họa đối với ngành nông nghiệp quốc gia và nhất là đe dọa trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực một phần nhân loại. Nhà nông học Hubert Cochet phân tích về sai lầm trong tính toán của những chính quyền chủ trương bán đất cho nước ngoài :
« Thông thường thì hình thức mang vốn đầu tư ồ ạt vào một vùng đất làm thay đổi hẳn mô hình nông nghiệp ở quốc gia nhận vốn. Ngành nông nghiệp truyền thống hoạt động theo kiểu ‘gia đình’ được thay thế bằng hệ thống khai thác quy mô với nhiều phương tiện tối tân để nâng cao năng suất.
Nói cách khác cảnh « chồng cày, vợ cấy » trên những mảnh đất với diện tích nhỏ, với những phương tiện cổ lỗ được thay thế bằng những chiếc máy cày tối tân được cho hoạt động trên những thửa ruộng thẳng cánh cò bay.
Theo tính toán của các chính phủ đem đất của mình đi bán hay cho thuê thì đây là giải pháp hay nhất để nâng cao năng suất, để sản xuất nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực của toàn dân.
Theo tôi đây là một sai lầm nghiêm trọng. Vì ở bất cứ nơi nào trên địa cầu, tính đa dạng của mô hình nông nghiệp truyền thống cũng như sự cần mẫn của nông dân trong quá khứ từng chứng minh rằng đấy là cách tốt nhất để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, với điều kiện là nông dân cần được giúp đỡ để có phương tiện sản xuất.
Nhưng chính quyền bán hay cho thuê đất canh tác đều muốn chọn giải pháp dễ dàng. Tức là trao một phần « nồi cơm » của họ cho kẻ khác thay vì tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân.
Điểm thứ nhì nữa : do có nhiều phương tiện tài chính và vật chất, các nhà đầu tư ngoại quốc huy động rất nhiều vốn để khai thác, nhưng thu hoạch tính theo diện tích thực ra không có lợi bao nhiêu. Và tệ hơn nữa là khi các nhà đầu tư quyết định chỉ trồng một thứ ngũ cốc, một loại nông phẩm trên hàng chục, hàng trăm ha đất thì hậu quả đối với môi trường rất đáng quan ngại. Hình thức khai thác này làm hư hại đất màu.
Đó là chưa kể khi nhà đầu tư chỉ nhắm đến mục tiêu ngắn hạn : sau 10 năm khai thác, họ trả lại đất cho nông dân. Mục tiêu của tất cả mọi nhà đầu tư là thu về lời nhuận tối đa.
Điều đó không có nghĩa là người ta muốn nâng cao tối đa năng suất thu hoạch. Họ bỏ ra một số vốn và muốn thu vốn về càng nhanh càng tốt. Đồng thời với số vốn bỏ ra đó, kiếm được lời nhiều chừng nào tốt chừng đó.
Có nhiều khả năng, chỉ 10 năm sau họ thu được vốn về họ đã có lãi nhiều trong việc thuê mướn đất ở một xứ lạ và khi đó thì họ trả lại đất cho nông dân. Khi trả lại đất như vậy, nông dân thực sự « trắng tay » vì đất canh tác đã bị khai thác quá độ, và môi trường bị hủy hoại ».
Một câu hỏi cũng cần được nêu lên đó là trong trường hợp cụ thể của Trung Quốc, khi sang châu Phi canh tác, những tấn gạo trồng ra trên đất châu Phi liệu sẽ được dùng để nuôi sống người dân nơi này, hay hàng trăm ngàn người dân cư tại đây vẫn bị đói ? Mà họ sẽ chỉ được nhìn thấy những contener lương thực được mang xuống tàu chở về Trung Quốc .
An ninh lương thực và chủ quyền quốc gia
Đối với các quốc gia mang đất đi bán hay ít ra là cho thuê, ngoài đe dọa về an ninh lương thực khi trao cả vựa lúa cho nước ngoài, còn đặt ra vấn đề chủ quyền quốc gia.
Ngày càng có nhiều tiếng nói ở Nga cũng như Kazakhstan chỉ trích chính quyền mang những « mảnh đất của tổ tiên để lại » dâng cho Trung Quốc để từ từ biến mình thành một thuộc địa của Bắc Kinh.
Thanh Hà [Nguồn: RFI]