Tập đoàn điện lực lớn nhất Trung Quốc State Grid vừa trả 989 triệu USD để mua 7 công ty điện của Brazil.
Theo đó, State Grid sẽ giành quyền vận hành lưới điện của khu vực đông nam Brazil trong 30 năm và có thể được gia hạn 20 năm khi hết hạn. Thông tin trên được hãng thông tấn AFP hôm qua dẫn thông báo của Ủy ban Quản lý tài sản nhà nước thuộc Chính phủ Trung Quốc cho hay.
State Grid xếp thứ 8 trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới năm 2010 do tạp chí Fortune của Mỹ bình chọn. Tập đoàn nhà nước này hiện đang vận hành đường dây điện của 26 trong tổng số 32 tỉnh và vùng của Trung Quốc.
Thương vụ trên tiếp tục giúp các doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập thị trường năng lượng giàu tiềm năng của khu vực Nam Mỹ.
Trước đó, hồi tháng 3-2010, Công ty dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã mua 50% cổ phần của hãng năng lượng Bridas ở Argentina và liên doanh CNOOC – Bridas vừa bỏ ra 7,06 tỉ USD để mua 60% cổ phần của Pan American Energy.
Cũng liên quan tới vấn đề năng lượng, hôm qua, Trung Quốc bắt đầu nâng giá xăng dầu thêm lần lượt 3,8% đến 4%, do giá dầu thế giới tăng, bấp chấp những lo lắng về lạm phát.
Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc, cơ quan hoạch định chính sách kinh tế nước này, công bố quyết định tăng giá xăng dầu lần thứ 2 trong 2 tháng. Quyết định này cũng được đưa ra ngay cả khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của nước này tăng 5,1%, mạnh nhất từ tháng 7-2008.
Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ người nông dân, người đánh cá, làm trong lĩnh vực nông nghiệp và giao thong công cộng. Ủy ban sẽ không nâng giá chi phí giao thông tại khu vực nông thôn và thành thị trong đó bao gồm chi phí đi lại bằng xe bus, tàu và máy bay ngay cả sau khi giá nhiên liệu tăng.
Gần đây, Trung Quốc liên tục đưa ra các biện pháp kiềm chế lạm phát, như kiểm soát giá cả, hạn chế tín dụng, sau khi chi hàng tỷ USD để kích thích tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Việc tăng giá nhiên liệu sẽ đóng góp 0,07% vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2010.
Hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu điều chỉnh lần cuối cho thấy, GDP quý 3 của nước này tăng trưởng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức ước tính 2,5% được công bố lần trước, nhưng thấp hơn kỳ vọng 2,8% của giới phân tích.
Động lực giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn so với dự báo ban đầu là sự cải thiện của lượng hàng tồn kho. Tuy nhiên, đà mở rộng phần nào bị hạn chế bởi sự điều chỉnh tăng của số liệu nhập khẩu.
Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 1,7% trong quý 2 và bứt phá mạnh 3,7% trong quý 1. Các chuyên gia cảnh báo, nếu nền kinh tế không tăng trưởng nhanh hơn, tỷ lệ thất nghiệp 9,8% sẽ không thể suy giảm nhanh, đủ để đem lại việc làm cho hàng triệu người dân Mỹ.
Theo thống kê, có hơn 8 triệu người Mỹ mất việc làm sau cuộc suy thoái vừa qua và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao chưa từng thấy kể từ đầu thập kỷ 1980.
Theo bà Meredith Whitney, nhà phân tích tài chính hàng đầu của Mỹ, hơn 100 thành phố của Mỹ có khả năng phá sản vào năm 2011 do đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ vay với tổng nợ có thể lên đến 2.000 tỷ USD.
“Đây là vấn đề quan trọng nhất và lớn nhất đe dọa đến nền kinh tế Mỹ, sau vấn đề nhà đất. Tôi chắc chắn rằng, chúng ta sẽ chứng kiến một sự vỡ nợ hàng loạt ở các thành phố của Mỹ. Có khoảng 50-100 vụ vỡ nợ lớn, giá trị hàng trăm tỉ USD”, kênh CBS dẫn lời bà Whitney.
Thị trưởng thành phố New Jersey Chris Christie cho biết, nguy cơ vỡ nợ của thành phố này là bởi “chúng ta chi tiêu quá nhiều, chúng ta tiêu tiền mà chúng ta không có và vay tiền một cách điên cuồng”.
Nhiều bang và thành phố của Mỹ đã bội chi, chi vượt 500 triệu USD tiền thuế họ thu được và đang phải đối mặt với lỗ thủng 1.000 tỉ USD trong quỹ trợ cấp của địa phương. Khủng hoảng nợ đang chạm tới tận các cơ quan công quyền địa phương thay vì cấp bang và thành phố như trước đây, kênh truyền hình CBS cho biết.
Xuất khẩu Nhật Bản đã tăng tốc lần đầu tiên trong 9 tháng. Sự cải thiện của nhu cầu toàn cầu đã giúp kinh tế nước này đương đầu với việc đồng Yên leo thang lên mức cao 15 năm.
Theo công bố hôm qua của Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu tháng 11 của nước này tăng 9,1% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức 7,8% trong tháng 10, nhưng thấp hơn dự báo trung bình 10,3% từ 19 nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg.
Nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc và châu Âu là những yếu tố chính, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của Nhật Bản, từ đó làm dịu bớt những lo ngại rằng, xứ sở hoa anh đào đang đánh mất dần động lực phục hồi chính của nền kinh tế.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 của Nhật Bản sang Trung Quốc tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 17,6% trong tháng 10. Kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu cũng tăng 10,1% so với cùng kỳ 2009, hơn hẳn mức giảm 1,9% hồi tháng 10.
Takahide Kiuchi, chuyên gia kinh tế trưởng của Nomura Securities tại Tokyo, nhận định, xuất khẩu của Nhật Bản nhiều khả năng phục hồi trong quý đầu năm tới, nhờ sự cải thiện ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực của đồng Yên mạnh có thể dần biến mất. Xuất khẩu sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào năm tới.
Tuy nhiên, thặng dư thương mại tháng 11 của nước này thu hẹp so với cùng kỳ năm ngoái khi nhập khẩu tăng 14,2%, mạnh hơn đáng kể so với xuất khẩu. Cụ thể, thặng dư thương mại tháng 11 đạt 162,8 tỷ Yên.
Trong khi đó, theo dự báo đưa ra hôm qua của Văn phòng Nội các Nhật Bản, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong năm 2011 sau khi đồng Yên tăng đến 11% so với đồng USD trong năm nay.
Theo dự báo, GDP năm tài khóa 2011 bắt đầu từ ngày 1/4 năm sau có thể tăng 1,5%, thấp hơn một nửa so với mức dự báo cho năm nay là 3,1%. Chính phủ Nhật cũng hạ đánh giá về xuất khẩu do sự leo thang mạnh lên mức cao 15 năm của đồng Yên so với USD.
“Với việc đồng JPY đang đứng ở các mức cao như hiện nay, xuất khẩu rất khó tăng trưởng thậm chí khi nhu cầu tại các quốc gia phát triển, mà chủ yếu là Mỹ, phục hồi”, chuyên gia kinh tế Takuji Okubo tại Societe Generale SA nhận định.
Kaviti [theo VNEconomy]