Chủ tịch Trung Quốc chính thức thăm viếng Hoa Kỳ trong chuyến đi được Tổng thống Mỹ mô tả là quan trọng nhất từ 30 năm nay, kể từ chuyển đi lịch sử của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình thăm nước Mỹ.
Hiển nhiên vấn đề kinh tế là một vấn đề quan trọng trong lịch trình thăm viếng của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Việt-Long tìm hiểu về hồ sơ này cuộc trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong cuộc họp báo chung tại Phòng Đông của Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 19 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO / Saul Loeb
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chính thức thăm viếng Hoa Kỳ trong bốn ngày. Khác với lần trước vào năm 2006, lần này, có lẽ ông được đón rước trọng thể hơn, nhưng quan hệ giữa hai quốc gia lại có nhiều vấn đề khá gay gắt, trong đó tất nhiên là có hồ sơ kinh tế. Để dễ theo dõi diễn biến của chuyến thăm viếng và những mâu thuẫn trong hồ sơ kinh tế, chúng tôi đề nghị ông trình bày về bối cảnh của vấn đề.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói về bối cảnh, tôi xin trình bày sự thể khách quan trước, sau đó sẽ nói về các vấn đề riêng của từng nước, rồi mình mới đề cập tới hồ sơ kinh tế giữa hai quốc gia.
Việt Long: Thưa ông, như vậy, khách quan mà nói thì Hoa Kỳ là siêu cường toàn cầu và coi châu Á là khu vực chiến lược. Trung Quốc là cường quốc mới nổi và đòi có cái thế xứng đáng với cái lực kinh tế của mình, trước tiên là tại Á châu. Thế rồi, quan hệ đôi bên xoay chuyển ra sao mà sau khi giải tỏa cho Trung Quốc mở ra ngoài từ năm 1972, và cho xứ này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO 10 năm về trước, Hoa Kỳ lại thấy Trung Quốc là vấn đề?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Lý do thì có rất nhiều. Lãnh đạo Trung Quốc cho là mình có cái thế kinh tế và cái quyền chính đáng sau khi xứ sở bị lụn bại trong hơn một thế kỷ và bị liệt cường sâu xé. Tinh thần “tự kỷ ám thị” truyền thống khiến họ cho rằng các nước khác – nhất là Mỹ – có ý đồ thù nghịch khi đòi họ phải tuân thủ những nguyên tắc hành xử có thể thu hẹp khả năng của họ.
Lãnh đạo Mỹ thuộc cả hai đảng thì trông đợi Trung Quốc là cường quốc biết điều và cùng thế giới tham gia giải quyết các vấn đề lớn của địa cầu nên muốn hợp tác trong tinh thần tích cực đó. Từ mấy năm nay, họ thấy sự thể lại không tốt đẹp như vậy, nhất là khi Hoa Kỳ còn mắc bận vào trận chiến chống khủng bố thì Trung Quốc trở thành ngang ngược hơn.
Quốc hội Mỹ có nêu vấn đề, như Bắc Kinh thiếu thiện chí hợp tác trong nhiều hồ sơ của thế giới, từ việc giải trừ nguy cơ nhiệt hoá địa cầu tới việc can gián các chế độ gây bất ổn, như Iran tại Trung Đông và Bắc Hàn tại Đông Bắc Á hay nguy cơ nội chiến tại Sudan. Đã chẳng hợp tác, Bắc Kinh còn tìm lợi thế riêng khi khai thác sự bất ổn do các chế độ ấy gây ra, lẫn lợi dụng diễn đàn quốc tế, kể cả Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, để cản trở cộng đồng thế giới. Bên trong, Bắc Kinh chà đạp nhân quyền và đàn áp các khu vực như Tân Cương, Tây Tạng. Bên ngoài, Bắc Kinh bành trướng thế lực quân sự để uy hiếp các nước Á châu và còn trực tiếp đe dọa quyền lợi Mỹ bằng các nghiệp vụ tình báo, phá hoại mạng lưới điện toán, tuyên truyền và xuyên tạc.
Loại vấn đề ấy khiến quan hệ đôi bên căng thẳng và thượng đỉnh bị trở ngại cho tới khi lãnh đạo hai nước đồng ý là phải gặp gỡ, dù để nói ra chuyện bất đồng. Lần này người ta cho rằng có ít ra năm đề mục then chốt sẽ phải được thảo luận. Thứ nhất là nhân quyền, thứ nhì là Bắc Hàn, thứ ba là Iran, thứ tư là đối thoại về quân sự và thứ năm mới là hồ sơ kinh tế.
Việt Long: Bây giờ, bước qua hồ sơ kinh tế và tiến vào loại vấn đề chủ quan của hai nước, thưa ông, mâu thuẫn ở đây là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết là vấn đề ngoại hối, nhưng không chỉ có chuyện ấy. Kinh tế Hoa Kỳ có sức tiêu thụ trị giá hơn 10.000 tỷ đô la một năm và là thị trường nhập khẩu số một của thế giới. Trung Quốc là nước xuất khẩu số một và bán cho Mỹ hơn 290 tỷ đô la hàng hóa mà chỉ mua có hơn 70 tỷ, nhờ đó đạt xuất siêu mạnh với Hoa Kỳ và càng ngày càng nhiều.
Từ năm năm nay, Hoa Kỳ thấy đó là vấn đề và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt việc neo giá đồng bạc của họ vào Mỹ kim theo tỷ giá quá thấp làm hàng Trung Quốc thành quá rẻ nên thực tế là cạnh tranh bất chính. Vì bị áp lực, Bắc Kinh có điều chỉnh tỷ giá đồng bạc, mà chỉ được vài năm và lên chừng 20% thì kinh tế thế giới bị Tổng suy trầm 2008-2009 nên lại trở về nếp cũ là định giá đồng Nguyên rất thấp để xuất khẩu dễ hơn hầu kinh tế của họ khỏi suy sụp. Do đó, Quốc hội Mỹ mới gây áp lực suốt năm ngoái và lần này, vấn đề ngoại hối sẽ lại được đặt ra.
Sau nhiều năm xuất siêu và gom vào dự trữ ngoại tệ nay đã lên tới 2.850 tỷ đô la, Trung Quốc quả là cho Mỹ vay tiền và nắm trong tay hơn 900 tỷ đô la Công khố phiếu Hoa Kỳ, chưa kể hơn 450 tỷ đầu tư vào hai doanh nghiệp bán công là Fannie May và Freddie Mac. Vì vậy, lãnh đạo xứ này nghĩ là ta nắm dao đằng chuôi và trên thế mạnh đó có thể gây áp lực về nhiều chuyện khác. Kể cả đòi triệt hạ Mỹ kim và đưa đồng Nhân dân tệ lên loại ngoại tệ dự trữ. Nhưng sự thật nó lại rắc rối hơn vậy, vì cái thế của Trung Quốc chưa thể bằng cái lực của Mỹ!
Thật ra, nếu đầu tư cách khác mà an toàn và có lời hơn thì Bắc Kinh đã chẳng mua Công khố phiếu Mỹ. Khốn nỗi, thị trường trái phiếu Mỹ có mức lưu hoạt và có độ sâu và rộng nhất so với các thị trường khác, kể cả thị trường lớn hơn mà kém giá trị là Nhật Bản. Vì vậy Bắc Kinh cho Mỹ vay thì vẫn an toàn hơn cả, nhưng vẫn gây ấn tượng, tức là làm ra vẻ, cứu giúp nước Mỹ.
Đồng tiền mạnh
Việt Long: Vậy theo ông thì mối tranh chấp đó là gì khi mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vừa trả lời báo Washington Post và New York Times đại kháo rằng thời đại mà đồng mỹ kim thống trị nền tài chính thế giới bây giờ đã chấm dứt?
[Nguồn: RFA]