Quang cảnh Ðại Hội Ðảng Cộng Sản Trung Quốc và màn ảnh truyền hình
cho thấy ông Hồ Cẩm Ðào đọc diễn văn. (Hình: Feng Li/Getty Images)
Sản lượng kinh tế năm đó của Trung Quốc được ước lượng là một ngàn 450 tỷ Mỹ kim, ngang ngửa với nước Anh. Quan trọng nhất, xứ này đã có 10 năm tương đối ổn định sau vụ khủng hoảng Thiên An Môn năm 1989 và sau quyết định tiếp tục cải cách kinh tế của Ðặng Tiểu Bình vào năm 1992 trước khi họ Ðặng về hưu làm Thái thượng hoàng cho đến khi tạ thế vào năm 1997. Ngày nay, 10 năm sau, Trung Quốc đã vượt qua Anh, Ðức rồi Nhật về kinh tế, đứng hàng thứ nhì sau Hoa Kỳ, với sản lượng khoảng bảy ngàn 400 tỷ đô la và một khối dự trữ ngoại tệ là ba ngàn ba trăm tỷ, trong đó có một phần ba là cho Hoa Kỳ vay, dưới hình thức công khố phiếu.
Vậy mà từ hai năm nay, lần lượt Ôn Gia Bảo rồi Hồ Cẩm Ðào đều nói đến nhược điểm của nền kinh tế là thiếu công bằng, thiếu ổn định, thiếu phối hợp và không bền vững. Trước đại hội hôm mùng tám, trong báo cáo chính trị do Tập Cận Bình là trưởng ban soạn thảo, Hồ Cẩm Ðào còn cảnh báo rằng tham nhũng có thể làm đảng và nhà nước sụp đổ.
Khi ấy, người ta mới nhớ lại là sau vụ thanh trừng bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai và trước khoáng đại Quốc Hội vào Tháng Tư, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã gián tiếp đả kích phương pháp làm việc của họ Bạc và nói đến yêu cầu “chính đảng”, một yêu cầu thường trực đã có từ thời Mao.
Việc cải cách kinh tế và chuyển hướng xã hội để chú ý đến phẩm hơn lượng đã được thế hệ thứ tư nhắc tới nhiều lần mà sau cùng vẫn không thành. Họ đành trao lại cho thế hệ thứ năm. Vì sao như vậy?
***
Chiến lược phát triển do Ðặng Tiểu Bình tiến hành từ 1979 đã tạo ra sự kỳ diệu kinh tế làm thế giới ngợi ca với tốc độ tăng trưởng mấp mé 9-10% một năm trong ba chục năm liền. Học từ các nước Ðông Á đi trước, chiến lược ấy lấy xuất cảng làm lực đẩy và mở bung tiềm năng của các tỉnh miền Ðông, ở vùng duyên hải, vốn dĩ có điều kiện địa dư thuận lợi cho canh tác và giao thông và dễ tiếp cận với thị trường quốc tế. Nhưng chiến lược đó đã đào sâu dị biệt giữa các tỉnh, với những địa phương nghèo bị tụt hậu. Và trên toàn quốc, tiến trình công nghiệp hóa dẫn tới hiện tượng đô thị hóa hoang dại, gây thêm bất công xã hội.
Thế hệ thứ ba là Giang Trạch Dân cùng Tổng Lý Chu Dung Cơ đã muốn điều chỉnh với kế hoạch “Phát triển địa khu Tây bộ” nhằm gia tăng đầu tư vào sáu tỉnh và năm khu tự trị hành chánh bị khóa trong lục địa ở miền Tây mà không thành. Khi lên tiếp nhận di sản này, thế hệ thứ tư cũng đòi khôi phục ba tỉnh Ðông Bắc và một phần của Nội Mông (“Chấn Hưng Ðông Bắc Lão Công Nghiệp Cơ Ðịa”) rồi sáu tỉnh thuộc khu vực Trung bộ (“Trung Bộ Quật Khởi Kế Hoạch”) mà không xong.
Từ địa dư hình thể quái đản khiến một quốc gia có ba khu vực và ba nền kinh tế quá khác biệt – với duy nhất là miền Ðông còn trù phú – hệ thống chính trị Trung Quốc không giải quyết nổi việc phân bố tài nguyên để tiến tới “xã hội hài hòa” và xây dựng “nông thôn xã hội chủ nghĩa” như Hồ Cẩm Ðào chủ trương. Nếu tiếp tục theo chiều hướng bất công và không cân đối, xã hội Trung Quốc sẽ vỡ đôi vì hố sâu giàu nghèo, thuộc loại cao nhất trong các nước tân hưng. Nếu muốn cải tổ thì phải chỉnh đảng, cải cách chính trị, thì đảng có thể vỡ đôi.
Lý do là thế hệ Hồ-Ôn muốn tập trung quyền lực vào trung ương để tái phân phương tiện và lợi tức thì gặp sự cưỡng chống của các đảng bộ địa phương. Trung Quốc chưa có thể chế liên bang như các quốc gia có lãnh thổ quá rộng với quá nhiều dị biệt. Bên trên, hệ thống tuyển chọn lãnh đạo các địa phương lại tiến hành theo chiều dọc, từ trên xuống: Các đảng viên được thượng cấp cất nhắc căn cứ trên thành tích ở dưới mà không chịu trách nhiệm với thuộc cấp hay quần chúng.
Họ thi đua lập thành tích tăng trưởng và báo cáo lên trên để lập công với một “hệ số tô hồng” làm thống kê trở thành lệch lạc, khó tin. Ở trên cùng, trung ương không thể điều động hay phối hợp được. Tức là quyền tự do phát triển của từng địa phương càng đẩy mạnh sự khác biệt về lợi tức và nhận thức.
Ðã vậy, sau những khủng hoảng vì mưu thuật chính trị Mao Trạch Ðông để toàn quyền lãnh đạo và từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 vì những mâu thuẫn quan điểm trên thượng tầng, Ðặng Tiểu Bình và các lãnh tụ kế tiếp đều chủ trương đường lối cai trị của một tập thể theo nguyên tắc đồng thuận. Ðường lối đó kéo dài được hai chục năm với sự chuyển quyền ổn định hơn, từ Ðặng qua Giang qua Hồ và nay đến Tập Cận Bình, đã được tuyển chọn từ năm 2002.
Nhưng đường lối đó cũng là sự tê liệt khi lãnh đạo cần cải tổ cơ chế và chuyển hướng qua một chiến lược khác.
Lý do là Bộ Chính Trị rồi Thường vụ Bộ Chính Trị là một tập hợp của nhiều phe nhóm có quyền lợi khác biệt. Khi phải quyết định thì cần sự tương nhượng và đổi chác trong tinh thần đồng thuận. Nếu không nổi thì cho chìm xuồng và đánh bùn sang ao. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc có tính chất “đa nguyên” của các tổ chức Mafia, với “ngũ đại gia” cùng phân vùng cai trị và sống chung trong tinh thần đồng thuận. Bên dưới là từng vùng tham nhũng tự do.
Năm 2007, Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo thấy ra nguy cơ động loạn lan rộng. Dân chúng bất mãn về đủ loại vấn đề, như bất công, tham nhũng, rút ruột dự án gây tai nạn chết người, ô nhiễm môi sinh vi tăng trưởng bất kể tới phẩm chất, như lạm phát, cường hào ác bá cướp đất của dân, v.v… Họ biểu tình ngày một đông hơn, dưới nhiều hình thức bạo động hơn. Vì thế, việc chuyển hướng kinh tế và cải cách chính trị đã được Hồ đề ra và Ôn kêu gọi nhiều lần mà không thành.
Bên trong là vì sự cản trở và phá hoại của nhiều đảng bộ địa phương. Bên ngoài là hiệu ứng của tổng suy trầm 2008-2009 trên toàn thế giới khiến xuất cảng có thể giảm, thất nghiệp tăng và xã hội càng thêm loạn. Vì vậy, từ cuối năm 2008, lãnh đạo Trung Quốc ào ạt tăng chi và bơm thêm tín dụng, tổng cộng bằng 40% tổng sản lượng. Kết quả là đà tăng trưởng ngoạn mục để vượt qua Nhật Bản năm 2010. Nhưng những vấn đề trong cơ cấu thì vẫn nguyên vẹn.
Mà tình trạng đình đọng kinh tế của thế giới, từ Hoa Kỳ qua Âu Châu đến Nhật Bản vẫn chưa dứt, với rủi ro là nếu tăng trưởng thấp hơn 8% thì sẽ bị thất nghiệp và loạn to. Nếu kinh tế Trung Quốc hạ cánh nặng nề thì khủng hoảng kinh tế sẽ dội lên thành khủng hoảng xã hội. Và chính trị. Chúng ta hiểu ra lời cảnh báo của Hồ Cẩm Ðào!
***
Nhìn trong trường kỳ, tình trạng bế tắc này xảy ra từ đã lâu và là gánh nặng cho lớp người sẽ lãnh đạo Trung Quốc trong 10 năm tới. Người ta thường nói đến di sản kinh tế do thế hệ trước để lại cho thế hệ sau, với những con số linh tinh. Di sản thật là một hệ thống chính trị không có khả năng chuyển hướng!
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Thử thách cho lãnh đạo mới tại Trung Quốc
Trong khi cả thế giới chú ý vào kết quả tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ thì Đại hội khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức khai mạc vào ngày 08 tháng 11 này.
AFP photo
Quảng trường Thiên An Môn, nơi diễn ra Đại hội khóa 18 của ĐCS Trung Quốc khai mạc vào ngày 08 tháng 11 năm 2012
Sau Đại hội, một thế hệ lãnh đạo thứ năm sẽ nhận lãnh di sản do thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo để lại. Di sản này có quá nhiều nan đề lưu cữu từ đã lâu nên sẽ là những thách đố cho lớp lãnh đạo mới. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về những nan đề này qua phần trao đổi sau đây của Vũ Hoàng với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thế hệ thứ năm
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, sau nhiều năm chuẩn bị và nhiều lần đình hoãn, và sau Hội nghị kỳ bảy của Ban chấp hành Trung ương khóa 17 vừa kết thúc tuần qua, Đại hội khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ chính thức nhóm họp ở Bắc Kinh vào mùng tám này. Đây là một biến cố quan trọng vì 10 năm mới có một lần, là khi đảng sẽ đưa ra một lớp người lãnh đạo mới lên thay thế những người đã được đề cử từ Đại hội khóa 16 vào năm 2002.
Người ta ưa gọi lớp người mới này là “Thế hệ thứ năm” sau các thế hệ của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Được tuyển chọn từ cả chục năm trước, hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ là tiêu biểu cho thế hệ đó trong vai trò Tổng bí thư đảng và Thủ tướng. Kỳ này chúng ta tìm hiểu xem là họ thừa hưởng di sản gì và xoay trở ra sao với quá nhiều vấn đề ngổn ngang của Trung Quốc. Trước hết và như mọi khi, xin ông trình bày cho quý thính giả của chúng ta bối cảnh của những vấn đề mà ông đã theo dõi từ lâu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa ông, hai người mà ông vừa nêu tên, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, là khuôn mặt tiêu biểu của thế hệ lãnh đạo thứ năm. Họ sẽ lên lãnh đạo đảng, nhà nước rồi quân đội Trung Quốc trong cả chục năm tới, nếu như không có sự biến nào khác. Họ sẽ lãnh đạo trong một cơ chế tối cao của Bộ Chính trị là Thường vụ Bộ Chính trị gồm năm người khác, nếu như số Ủy viên trong Thường vụ được giảm từ chín xuống bảy người theo nhiều tin đồn vào giờ chót. Sự việc cơ chế tối cao này có bao nhiêu người và gồm những ai lại chưa được xác định có cho thấy một chi tiết là sau mấy năm chuẩn bị và nhiều cuộc vận động ngầm ở bên trong từ mấy tháng nay, lãnh đạo đảng Cộng sản vẫn chưa đạt dược sự đồng thuận. Đấy là một vấn đề.
Chuyện thứ hai, di sản mà thế hệ thứ năm nhận lãnh từ thế hệ trước có nhiều vấn đề mới, loại vấn đề mà thế hệ Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo không gặp. Nhưng chìm sâu bên dưới lại có những nan đề có thể nói là muôn thuở mà tầng lớp Hồ-Ôn giải quyết không nổi sau 10 năm lãnh đạo. Các vấn đề nan giải này còn trở thành trầm trọng hơn và đấy mới là thách đố cho thế hệ mới. Chi tiết đáng chú ý nhất là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đều đã nói đến yêu cầu cải tổ và chuyển hướng mà sau cùng họ gây thất vọng và nay đang trút sự thất vọng đó cho lớp người sẽ lên.
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ lần lượt đi vào từng chi tiết của các vấn đề này. Đầu tiên, xin ông trình bày lại cho thính giả của chúng ta rõ về tình hình Trung Quốc khi họ có một lớp lãnh đạo mới từ Đại hội 16, từ 10 năm trước.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Mười năm về trước, Trung Quốc có vẻ trưởng thành hơn sau kế hoạch cải cách của Đặng Tiểu Bình thời 1979 và sau quyết định của họ Đặng từ chuyến “Nam tuần”, thăm thú các tỉnh miền Nam vào năm 1992 sau vụ thảm sát Thiên an môn năm 1989. Năm đó, Đặng Tiểu Bình đã vượt qua khủng hoảng chính trị từ vụ Thiên an môn và quyết định là tiếp tục cải cách về kinh tế cho cởi mở hơn, nhưng cũng kiểm soát về chính trị cho chặt chẽ hơn.
Từ 1992 đến 2002, dưới sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ, Trung Quốc tiếp tục đổi mới và còn được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Năm 2002 đó, Tổng sản lượng kinh tế xứ này ở quãng một ngàn 450 tỷ Mỹ kim và lợi tức bình quân một đầu người đã vượt cái ngưỡng trung bình của ngàn Mỹ kim. Đấy là di sản mà thế hệ Hồ-Ôn tiếp nhận được từ thế hệ trước. Và từ trình độ kinh tế của nước Anh, họ vượt qua nước Đức rồi nước Nhật và trở thành nền kinh tế hạng nhì thế giới kể từ năm 2010 với Tổng sản lượng tăng gấp năm lần, nay đã vượt bẩy ngàn 250 tỷ đô la.
Nhưng trong di sản họ tiếp nhận, các khó khăn kế thừa từ địa dư hình thể và từ chiến lược phát triển theo kiểu Đông Á – chủ yếu là lấy xuất khẩu làm đầu máy tăng trưởng – đã ngày càng tỏ lộ.
Từ địa dư hình thể, tình trạng “nhất quốc tam kinh”, một quốc gia có ba nền kinh tế, đã đặt ra bài toán phát triển cân đối cả ba khu vực địa dư. Đó là 1) vùng duyên hải, 2) các tỉnh lạc hậu bị khóa trong lục địa và 3) cả khu vực hoang vu bát ngát trong vùng biên trấn. Thế hệ Giang-Chu có phát động kế hoạch “Tây Bộ Đại Khai Phát” để đầu tư vào sáu tỉnh và năm đặc khu tự trị ở bên trong mà không thành. Thế hệ Hồ-Ôn càng thấy ra mối nguy của chiến lược hướng ngoại để xuất khẩu kiểu Đông Á mà họ tiếp nhận từ Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân. Chỉ vì các tỉnh duyên hải mở ra buôn bán với bên ngoài càng bỏ xa các tỉnh lạc hậu bên trong.
Thế hệ trước để lại gì
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì một mặt, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong 10 năm qua và vượt xa các cường quốc kinh tế đi trước như Anh, Đức, Nhật. Mặt khác, họ càng phát triển lại càng đào sâu những dị biệt bên trong xuất phát từ địa dư hình thể lẫn chiến lược phát triển hướng ra ngoài. Thế hệ Hồ-Ôn đã làm những gì và có thành công không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ năm 2003, họ chủ trương tập trung quyền lực kinh tế và chính trị về trung ương để tái phân bố lại phương tiện cho các tỉnh nghèo thay vì để các đảng bộ địa phương có quá nhiều quyền hành và sáng kiến và gây ra tình trạng phát triển bất công và không cân đối.
Một cách cụ thể thì có hai kế hoạch. Họ tính khôi phục vùng Đông Bắc với ngành công nghiệp nặng bị tàn tạ mà họ gọi là “Chấn Hưng Đông Bắc Lão Công Nghiệp Cơ Địa” gồm ba tỉnh của khu vực xưa gọi là Mãn Châu và một phần của Nội Mông. Tham vọng kia là phát triển sáu tỉnh trung bộ mà họ gọi là “Kế Hoạch Quật Khởi Trung Bộ”. Hai kế hoạch này đi cùng yêu cầu phát triển hài hòa và tái phân lợi tức là những chủ điểm của chiều hướng cải cách trong tinh thần chuyển lượng thành phẩm mà Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo muốn tiến hành. Rốt cuộc thì cũng không xong và gánh họa đó đang được trao cho thế hệ mới.
Vũ Hoàng: Theo như ông nhận xét thì vì sao lại không xong?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, dưới cái vẻ tập trung quyền lực vào một tập thể và lấy quyết định theo tinh thần đồng thuận thì tập thể đó không đồng nhất vì chỉ là một tập hợp của nhiều phe nhóm quyền lợi khác nhau. Họ chỉ đồng thuận ở mẫu số chung nhỏ nhất, là thay đổi những gì không xâm phạm vào quyền lợi riêng. Những gì có thể đi ngược quyền lợi thì bị cản trở hay phá ngay từ bên trong. Đấy là nguyên nhân cốt lõi nhất nằm trong bản chất chính trị của chế độ.
Thứ hai, sau khi củng cố được quyền lực từ Đại hội 16 để dám đưa ra những yêu cầu lớn lao hơn sau Đại hội 17 vào năm 2007 thì họ lại gặp mối họa ngoại nhập. Đó là vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 và nạn Tổng suy trầm toàn cầu 2008-2009. Khi đó, bài toán mà Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đưa ra là hãy tạm hãm đà tăng trưởng để cải cách cơ chế, bài toán đó trở thành bất khả vì đà tăng trưởng có thể sụt giảm nặng hơn dự tính. Kết quả thì thay vì nhắm vào phẩm chất của tăng trưởng, họ lại trở về mục tiêu nguyên thủy là tăng trường bằng mọi giá. Cuối năm 2008, lãnh đạo Trung Quốc ào ạt tăng chi và bơm tím dụng để kích thích kinh tế hầu bù đắp vào sự thiếu hụt của xuất khẩu vì tình trạng đình trệ đồng loạt của các thị trường Âu-Mỹ-Nhật.
Một chỉ tiêu cải cách mà họ đề ra là nâng cao khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa để bớt lệ thuộc vào thị trường quốc tế và nhất là cho cuộc sống của người dân được dễ thở hơn, chỉ tiêu đó không thành. Trong khi ấy, thế giới lại trầm trồ ngợi khen đà tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế Trung Quốc khi các nước công nghiệp tiên tiến đều suy trầm và Trung Quốc vượt qua Nhật Bản! Đây là một nghịch lý che giấu những vấn đề chúng ta có thể gọi là mới.
Vũ Hoàng: Hậu quả là thế hệ lãnh đạo mới ngày nay lại cùng lúc gặp các vấn đề muôn thuở lẫn những vấn đề mà ông gọi là mới. Đó là loại vấn đề gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, dị biệt về lợi lức và nhất là về nhận thức giữa các thành phần dân chúng tại thôn quê và thành thị lẫn các địa phương bên trong và bên ngoài tiếp tục đào sâu. Trong khi ấy, đa số dân chúng đã thấy ra và bất mãn vì tình trạng bất công và tệ nạn tham nhũng. Họ biểu tình phản đối ngày một đông làm lãnh đạo e sợ nguy cơ động loạn. So với tình hình của 10 năm trước thì nguy cơ này đã thành trầm trọng hơn. Huống hồ, nhu cầu kích thích kinh tế bằng công chi và tín dụng lại thổi lên bong bóng đầu cơ và chất thêm một núi nợ cao tới chừng nào và bên trong bị ung thối ra sao thì chưa ai biết.
Cùng vấn đề xã hội có đặc tính bất công đó còn có mâu thuẫn chính trị giữa hai quan điểm. Một số lãnh đạo và đảng bộ các địa phương có giao tiếp với bên ngoài thì muốn Trung Quốc phải tăng trưởng mạnh và tiếp tục hội nhập vào môi trường quốc tế để có thể cạnh tranh thắng lợi với các quốc gia đã công nghiệp hóa. Một số lãnh đạo khác lại chủ trương là phải ưu tiên cải cách để thăng tiến nông thôn và các tỉnh nghèo, và tài nguyên thu thập được từ các tỉnh hướng ngoại và các thành phố phải được san xẻ để có được mạng lưới an sinh xã hội cho dân nghèo, nếu không thì loạn to.
Nhiều vấn đề nan giải
Vũ Hoàng: Như vậy, có phải là hai quan điểm đối nghịch đó trên thượng tầng và những bất ổn ở bên dưới đang là thách thức mới cho thế hệ lãnh đạo thứ năm hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng ngoài yếu tố thuộc về cá tính và tội ác trong gia đình của viên Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai, vụ khủng hoảng chính trị này ít nhiều là biểu hiện của mâu thuẫn về quan điểm và chiến lược trên thượng tầng lãnh đạo. Đáng chú ý hơn cả là vụ khủng hoảng lại là cơ hội tranh đoạt quyền bính giữa các phe phái để cài người vào trong Bộ Chính trị và đưa người vào Thường vụ. Đằng sau, các thái thượng hoàng tiếp tục tác động vào khả năng xoay chuyển của thế hệ lãnh đạo đang lên mà không dứt khoát nổi về chiến lược đối phó với tình trạng nguy ngập mà cả Hồ Cẩm Đào lẫn Ôn Gia Bảo cùng xác nhận từ năm ngoái. Đó là kinh tế gặp tình trạng bất công, bất ổn, thiếu cân đối và không bền vững.
Chính là trong bối cảnh chính trị bất trắc đó ở bên trong, người ta còn thấy ra một vấn đề khác từ bên ngoài. Đó là khối kinh tế công nghiệp hóa là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản sẽ còn mất nhiều năm sa sút để giải quyết các vấn đề nội tại. Nghĩa là nguy sơ tổng suy trầm lại có thể tái diễn, chứ tình trạng chung không được sáng sủa như mấy năm trước.
Vũ Hoàng: Như vậy, quả là di sản kinh tế mà thế hệ thứ năm đang nhận lãnh có quá nhiều vấn đề nan giải, có phải vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra di sản mà Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đang nhận lãnh là một hệ thống chính trị không có khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế của một quốc gia quá phức tạp. Và vì môi trường quốc tế không còn thuận lợi, các vấn đề kinh tế này càng trở thành trầm trọng hơn vào những năm tới. Trong hoàn cảnh đó việc cải tổ và chuyển hướng để thoát cơn khủng hoảng do thế hệ trước để lại quả là cái gân khó nhá.
Vũ Hoàng: Xin trân trọng cảm tạ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2012-11-07