Cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton ký sách Hard Choices.
Trong tập hồi ký vừa mới xuất bản tựa đề Lựa Chọn Khó Khăn (Hard Choices), cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton nhận xét, “Trung Quốc đã đi quá đà ở Châu Á” qua những hành động ngày càng hung hăng đối với các nước láng giềng, trong lúc Bắc Kinh cho rằng Hoa Kỳ đang vắng bóng ở Châu Á vì còn bị chi phối bởi hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan.
Bà Hillary Clinton còn nhắc lại tại cuộc họp của khối ASEAN ở Hà Nội năm 2010, bà đã nhấn mạnh vấn đề tự do hàng hải là “lợi ích quốc gia” của Hoa Kỳ để đối lại với “lợi ích cốt lõi” mà Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Ðông. Lời phát biểu mạnh mẽ của bà làm Ngoại Trưởng Bắc Kinh Dương Khiết Trì, nay là Ủy Viên Quốc Vụ Viện “giận tái người.” Bà nói ông ta “nhìn chằm chằm vào mặt tôi, gạt đi những xung đột ở Biển Ðông và cảnh cáo sự can thiệp của bên ngoài.”
Tình trạng gây cấn lúc đó khác với bây giờ, nó trở nên trầm trọng hơn, đe dọa an ninh và hòa bình trong khu vực nhiều hơn. Trung Quốc lấn lướt, đi từng bước, ngày càng “quá đà,” với những khiêu khích từ sự nhận dạng phòng không, đến giàn khoan HD-981, và mới đây thêm 4 giàn khoan khác nữa, Nam Hải số 2, 4. 5, 9. Tương lai Bắc Kinh sẽ còn những hành động nào tiếp nối để thách thức phản ứng của Mỹ, Nhật và đồng minh với mục đích xác định chủ quyền của mình trên cái lưỡi bò phi pháp? Nếu các cường quốc không tỏ thái độ quyết liệt ngăn cản thì điều đó có nghĩa là chấp nhận Biển Ðông sẽ là ao nhà của Trung Quốc. Chắc chắn thực tế sẽ không dễ dàng như thế. Bởi vì quyền lợi kinh tế và chính trị của nhiều nước không cho phép Trung Quốc “đi quá đà.”
Con đường di chuyển hàng hải trên Biển Ðông là huyết mạch sống còn của Nhật Bản. Gần 95% nhu cầu về nhiên liệu của Nhật phải nhập cảng và được vận chuyển ngang qua Biển Ðông. Hầu hết 99% hàng hóa xuất-nhập khẩu của Nhật, mua bán sang các thị trường Châu Âu, Ðông Nam Á đều phải vận chuyển qua Biển Ðông. Theo sự ước tính của các chuyên gia, nếu hàng hóa của Nhật phải đi vòng sang phía Ðông Philippines thì giá thành của các sản phẩm chế tạo tại Nhật Bản tăng 25%. Do đó Nhật sẽ không bao giờ chấp nhận việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép,” đó là lời tuyên bố của Thủ Tướng Shinzo Abe qua cuộc phỏng vấn ngày 23 tháng 5, 2014 dành cho tờ Wall Street Journal khi ông chỉ trích việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ông nói rằng hoạt động khoan dù đơn phương của Trung Quốc làm cho căng thẳng leo thang.
Ðối với Mỹ Biển Ðông là khu vực hoạt động chính của Hạm Ðội 7 có trách niệm bảo vệ sự di chuyển tự do trên tuyến đường hàng hải có 90% hàng hóa của Mỹ và đồng minh chuyên chở qua lại hàng ngày. Biển Ðông là đường giao thông nhộn nhịp đứng hạng thứ nhì trên thế giới, sau Ðịa Trung Hải, với khoảng 300 tàu từ 5000 tấn trở lên di chuyển thường xuyên. Vì thế Trung Quốc không thể độc quyền chiếm cứ vì tuyến đường Biển Ðông là “lợi ích quốc gia” về kinh tế và quân sự chính trị của nhiều cường quốc khác.
Những lời tuyên bố và hành động thách thức của Bắc Kinh chỉ nhằm mục đích hù dọa để củng cố những gì Trung Quốc đã cướp được của Việt Nam mà thôi. Một sự thách đố có tính chiến lược lâu dài. Một hành động có tính toán kỹ, không cần phải lớn tiếng xác định chủ quyền lãnh hải của mình mà ngang nhiên thực hiện lịch trình chiến lược bằng cách áp đặt các giàn khoan tạo thành một thực tế, để chứng minh chủ quyền, dù là phi pháp, nhưng khó có thể đảo ngược. Và Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động như vậy trừ phi Hoa Kỳ và đồng minh ở Châu Á và Các nơi khác có phản ứng gắn bó, tích cực hơn.
Dư luận còn nhớ Chủ Tịch Tập Cận bình đã từng xác định với Tổng Thống Obama là Thái Bình Dương đủ rộng cho hai quốc gia cùng hoạt động và ông cũng bảo đảm việc tự do giao thông hàng hải trên Biển Ðông.
Dù vậy đối với cộng sản Tàu, Nga, hay Việt, sự tráo trở lật lọng là chuyện thường tình. Nên Mỹ-Nhật và đồng minh đang siết chặt vòng đai bao vây Trung Quốc phòng khi bất trắc. Thiếu Tướng Richard Simcock, tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại vùng Thái Bình Dương, ngày 18 tháng 6, 2014, kêu gọi Australia bố trí các tàu chiến đổ bộ lớn, mới nhất, tới Biển Ðông và biển Hoa Ðông để giúp làm giảm sự bất ổn và bảo đảm an ninh trong vùng vì Trung Quốc đang hung hăng gây hấn. Hôm Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014 chánh Văn Phòng Nội Các Nhật Bản, ông Yoshihide tuyên bố trong cuộc họp báo về vụ giàn khoan HD-981 nói rằng, “đây là hành động cực kỳ nguy hiểm có thể đe dọa đến sinh mạng con người.” Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, ông Itsunori Onodera cũng cho báo chí biết “vụ việc nghiêm trọng này” làm cho mọi người cảm thấy bất an. Nhật Bản cũng đã tặng cho Philippines 10 chiếc tàu tuần duyên và đang điều đình trợ giúp tương tự cho Việt Nam.
Ngày 19 tháng 6, 2014 ông Osius, người được đề cử làm Ðại Sứ Mỹ ở Việt Nam phát biểu tại buổi điều trần trước Quốc Hội rằng, “Ðã đến lúc Washington nên cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm bán và chuyển giao vũ khí sát thương cho Việt Nam.” Ông còn nói thêm, “Tôi muốn gợi ý rằng điều tốt nhứt mà chúng ta có thể thực hiện nhằm phát đi một thông điệp ở khu vực, đó là tiếp tục xây dựng một quan hệ đối tác mạnh mẽ với ASEAN và Việt Nam.” Ông Osius đã từng giữ chức tùy viên chính trị tại Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn và tại Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nôi. Phải chăng Mỹ thừa cơ hội Hà Nội và Bắc Kinh đang gặp mâu thuẫn trầm trọng vì sự tranh chấp biển đảo, nên Washington muốn khuyến dụ Việt Nam thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc? Thượng Nghị Sĩ Cardin, người mới tới Hà Nội hồi tháng 5, 2014 nhận định rằng Hà Nội thật sự muốn phát triển quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ.
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng Mỹ sẽ không vì Việt Nam mà tham chiến. Tuy nhiên ông Ernest Z Bower, nhà phân tích cao cấp về Ðông Nam Á tại trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định với tờ Want China Times: “Trung Quốc không nên nghĩ rằng Mỹ sẽ không sử dụng vũ lực để bảo vệ Việt Nam trước hành động hung hăng vô lý của Bắc Kinh. Ông Bower khẳng định tùy theo tình hình, Mỹ sẽ cân nhắc hỗ trợ quân sự cho Việt Nam, do đó Bắc Kinh không nên coi thường vấn đề nầy. Ông không công bố chắc chắn trong hoàn cảnh nào Mỹ sẽ điều động quân, nhưng nếu nghĩ rằng Mỹ sẽ để Trung Quốc tự do tung hoành là một đánh giá sai lầm.
Tình hình đang biến chuyển có lợi cho Việt Nam vì Trung Quốc tỏ ra quá coi thường luật pháp quốc tế và theo ông Bower Bắc Kinh chủ quan đánh giá sai lầm về quyền lợi và phản ứng của Hoa Kỳ và đồng minh. Vấn đề đặt ra là Bộ Chính Trị cộng sản Hà Nội có dám thừa cơ từ bỏ người láng giềng “khốn nạn,” cướp đất toàn viện, lấn biển lâu dài, thôn tính tương lai hay không? Ðể dựa vào Mỹ chống giặc phương Bắc, hay là nghe theo lời kêu gọi của Trung Quốc “trở về với gia đình” và thuận theo ý của Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh rằng, Tranh chấp Việt-Trung là “mâu thuẫn của gia đình!”
Võ Long Triều