Trung Quốc chính thức đưa vào sử dụng dịch vụ định vị vệ tinh của mình, mang tên «Bắc Đẩu» tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bắc Kinh hy vọng với hệ thống riêng này, Trung Quốc sẽ không phụ thuộc vào hệ thống GPS hiện có của Hoa Kỳ và hệ thống Galileo của Châu Âu trong tương lai.
Báo chí Trung Quốc cho biết, hôm qua 27/12/2012 hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu đã bắt đầu vận hành. Hệ thống này dựa vào một mạng lưới 16 vệ tinh đã hoạt động, và bốn đang trong quá trình thử nghiệm.
Báo China Daily dẫn lời người phát ngôn của cơ quan phụ trách định vị vệ tinh Trung Quốc, theo đó các tính năng của hệ thống Bắc Đẩu « có thể sánh với » hệ thống GPS của Hoa Kỳ. Tín hiệu của « Bắc Đẩu » có thể tiếp nhận được tại Úc. Cũng theo giới chức Trung Quốc kể trên, Bắc Kinh đặt ra mục tiêu phóng thêm 40 vệ tinh bổ sung từ nay đến năm 2024, để cho phép hệ thống này phủ khắp toàn cầu vào năm 2020.
Nhật báo Global Times, tờ báo của chính quyền Trung Quốc có xu hướng dân tộc chủ nghĩa, nhấn mạnh : « Có được một hệ thống định vị toàn cầu là điều có tầm quan trọng chiến lược lớn. (…) Trung Quốc là một thị trường lớn và hệ thống Bắc Đẩu có ích cho các hoạt động quân sự và dân sự ».
Bắc Kinh bắt đầu khởi sự chế tạo hệ thống định vị vệ tinh từ năm 2000. Năm ngoái, theo báo chí chính thức, hệ thống này đã từng được thử nghiệm trong phạm vi các khu vực bao quanh quốc gia này.
Thị trường định vị vệ tinh được ước tính trị giá 500 tỉ đô la, từ đây đến năm 2020. Trung Quốc hy vọng sẽ chiếm được từ 70 đến 80% thị trường này. Tuy nhiên, theo một chuyên gia độc lập Úc, ông Morris Jones, Bắc Đẩu khó cạnh tranh được với GPS. Theo ông, hệ thống này mang ý nghĩa trước hết về mặt quân sự đối với Trung Quốc. Trong khi đó, GPS của Mỹ vốn đã là một hệ thống được truy cập tự do và được sử dụng rất phổ biến trên thế giới.
Trọng Thành