Trung Quốc Không Tỏ Dấu Hiệu Có Thay Đổi Về Tranh Chấp Lãnh Hải
Các vụ tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng dự trù sẽ đứng đầu nghị trình thảo luận khi các nhà lãnh đạo khu vực, trong đó có các nguyên thủ quốc gia của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và các nước khác họp tại Campuchia trong những ngày sắp tới.
Trong số 10 quốc gia ASEAN dự định họp vào ngày chủ nhật tới, 4 nước đang có bất đồng với Trung Quốc về lãnh hải trong vùng biển nằm về phía Nam Trung Quốc.
Một vấn đề chủ chốt được đưa ra trong các cuộc họp sắp tới là liệu ASEAN có đồng ý về cái được gọi là bộ quy tắc ứng xử nhằm ngăn tránh các xung đột về các khẳng định đòi chủ quyền chồng chéo nhau hay không.
Bắc Kinh đã vận động chống lại bộ quy tắc này, và muốn giải quyết các tranh chấp trên căn bản từng nước với nhau. Hôm thứ sáu, phát ngôn viên bộ ngoại giao Bắc Kinh không tỏ dấu cho thấy giới hữu trách Trung Quốc thay đổi lập trường.Ông Ðỗ Kế Phong, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc được chính phủ hậu thuẫn nói rằng đó không phải là điều lạ, ngay cả với một ban lãnh đạo mới sắp lên nắm quyền. Ông nói:“Mặc dù đã thay đổi lãnh đạo, quan điểm vẫn chưa thay đổi. Các nước ASEAN nằm một vai trò rất quan trọng trong quan hệ ngoại giao của Trung Quốc, do đó sẽ không có thay đổi lớn trong lập trường của Trung Quốc.”
Hoa Kỳ đã kêu gọi các nước chấp nhận bộ quy tắc ứng xử để tránh các hành động thù nghịch. Nhưng giới truyền thông Trung Quốc vẫn hoài nghi về các ý định của Hoa Kỳ trong khu vực, và lên án chính quyền của ông Obama là tìm cách can thiệp vào nội bộ châu Á.Tuần này Hoàn cầu Thời báo đăng một bài xã luận lên án Hoa kỳ là mang đầu óc thời Chiến tranh Lạnh.
Vùng nước nằm giữa đường ven biển phía đông nam Trung Quốc và Malaysia, Philippines, Việt Nam, Brunei và Ðài Loan đang bị tranh chấp gay gắt một phần vì các tài nguyên dồi dào và cho đến giờ này chưa được khai thác nằm bên dưới. Các vùng này còn là con đường thương mại thiết yếu cho tàu bè quốc tế.
Giáo sư Ðỗ Kế Phong nói ông tin rằng bất chấp những cảnh báo của Hoa Kỳ về cái được gọi là trục xoáy Thái Bình Dương, điều đó không có nghĩa là Washington dự định can thiệp vào các tranh chấp lãnh hải cụ thể. Ông nói:“Hoa Kỳ có quyền lợi lớn về an ninh trong khu vực nhưng đồng thời lập trường chính thức của họ là duy trì tính trung lập trong các vụ tranh chấp và cũng để giải quyết các vấn đề một cách êm thắm.”
Trung Quốc nói Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ đại diện Bắc Kinh tại Hội nghị Thượng đỉnh Ðông Á tại Phnom Penh vào tuần tới.
Nguồn VOA
ASEAN sẽ đề nghị lập đường dây điện thoại nóng với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông
Hôm nay, 17/11/2012, các Ngoại trưởng hiệp hội ASEAN đã họp tại Phnom Penh, thủ đô Cam Bốt, với một trong những chủ đề chính là giải quyết tranh chấp lãnh hải Biển Đông với Trung Quốc. Cuộc họp hôm nay cũng nhằm mở đường cho cuộc họp thượng đỉnh ASEAN ngày mai, với trọng tâm là thúc đẩy trao đổi mậu dịch và nhân quyền.
Theo hãng tin AFP, ông Surin Pitsuwan, tổng thư ký ASEAN, vừa tuyên bố với các phóng viên rằng trong cuộc họp hôm nay, các Ngoại trưởng Đông Nam đã quyết định sẽ đề nghị lập một đường dây điện thoại nóng với Trung Quốc để giải toả những căng thẳng do tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Ngày mai, trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ ký thông qua bản Tuyên ngôn Nhân quyền đầu tiên của khối này. Tuy nhiên, bản dự thảo Tuyên ngôn đã gặp rất nhiều chỉ trích. Hơn 60 tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch và Ân xá Quốc tế, hôm thứ năm vừa qua đã ra tuyên bố kêu gọi ASEAN sửa đổi bản dự thảo đó.
Trên nguyên tắc, các nước thành viên ASEAN cũng sẽ khởi động các cuộc đàm phán về việc thành lập một vùng tự do mậu dịch khổng lồ, bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Vùng tự do mậu dịch này sẽ chiếm khoảng phân nữa dân số toàn cầu và một phần ba tổng sản phẩm nội địa toàn thế giới.
Sau cuộc họp thượng đỉnh của riêng khối ASEAN sẽ là họp thượng đỉnh Đông Á trong hai ngày 19 và 20/11, với sự tham dự của tổng thống Mỹ Barack Obama và thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.
Thanh Phương — RFI