Đó là điều làm nhiều giới, nhiều quốc gia lo ngại sau khi xem các không ảnh chụp quần đảo Trường Sa, vừa được Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) của Hoa Kỳ công bố.
Một trong những không ảnh được công bố hôm 15 tháng 1 cho thấy phi đạo mà Trung Quốc xây dựng trên bãi đá Xu Bi coi như đã hoàn tất. (Hình: CSIS)
Những không ảnh trong loạt không ảnh này cho thấy, việc xây dựng hai phi trường trên bãi đá Vành Khăn ((Mischief Reef) và bãi đá Xu Bi (Subi Reef) của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa gần như đã hoàn tất. Phi đạo trên bãi đá Vành Khăn có chiều dài khoảng 2,600 mét. Còn phi đạo trên bãi đá Xu Bi dài khoảng 3,200 mét.
Trung Quốc từng bồi đắp bảy bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, sau đó hối hả xây dựng hàng loạt công trình trên những đảo nhân tạo này. Khi Trung Quốc vừa bắt đầu công việc bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo, nhiều chuyên gia-an ninh quốc phòng đã cảnh báo về khả năng Trung Quốc thiết lập một chuỗi căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa, nhằm gia tăng năng lực hoạt động của lực lượng hải quân và không quân, khống chế toàn bộ biển Đông.
Tuy nhiên cả các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Đông lẫn cộng đồng quốc tế chỉ đề nghị, khuyến cáo, phản đối rồi… thôi.
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã điều động các phi cơ dân sự thử hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập. Phi đạo của phi trường đó dài khoảng 3,000 mét. Chiều dài của ba phi đạo trên Chữ Thập, Vành Khăn, Xu Bi đủ cho các loại chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, vận tải cơ quân sự cất và hạ cánh.
Ngay khi xảy ra sự kiện Trung Quốc điều động động các phi cơ dân sự thử hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập, nhiều chuyên gia an ninh-quốc phòng khẳng định, Trung Quốc sẽ sớm thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông.
Ông Leszek Buszynski, một chuyên gia làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Phòng và Chiến Lược thuộc Đại Học Quốc Gia Úc, sau các chuyến bay thử nghiệm, Trung Quốc sẽ đưa các phi cơ quân sự tới quần đảo Trường Sa. ADIZ sẽ xuất hiện khi Trung Quốc hoàn tất việc củng cố không quân.
Ông Ian Storey, phân tích gia tại Viện Nghiên Cứu chiến lược Châu Á của Singapore, cho rằng, dù chưa tuyên bố thiết lập ADIZ, chắc chắn Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều động tác nhằm bảo vệ các công trình hạ tầng trên chuỗi đảo nhân tạo. Cảnh báo đối với các phi cơ cả quân sự lẫn dân sự bay qua khu vực biển Đông sẽ được phát thường xuyên hơn. Chúng sẽ là tiền đề để Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ, hoặc tạo ra một ADIZ có tính mặc định.
Cũng theo những chuyên gia này, chuỗi hành động của Trung Quốc tại biển Đông cho thấy, Trung Quốc đã tuần tự tiến hành kế hoạch kiểm soát toàn bộ biển Đông. Chuỗi căn cứ quân sự với đầy đủ quân cảng, phi trường, kho tiếp liệu, công sự trú phòng sẽ hậu thuẫn cho ADIZ và cuối cùng là hỗ trợ cho yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông.
G.Đ–Người Việt online