Khi bàn về sự chuyển hóa dân chủ tại một quốc gia, nhận định quan trọng nhất cần phải có là: chính sự phát triển của nền kinh tế thị trường, chứ không phải nền kinh tế nói chung, mới là tiền đề cho sự phát triển dân chủ và cơ cấu lập hiến.
Sự hiện diện của kinh tế thị trường (KTTT) là một hạn chế bắt buộc đối với quyền hạn của nhà nước và là động lực thúc đẩy ý thức về nhân quyền, bình đẳng và nhu cầu thiết lập một xã hội dân sự. Một hệ thống doanh nghiệp hoạt động trong khung cảnh của một nền KTTT đòi hỏi phải có một nhà nước hiện đại. Dân chủ và cơ cấu hiến định là những đặc tính của nhà nước hiện đại đó.
Nếu nền KTTT của Trung Quốc tiếp tục phát triển thì nhà nước Trung Quốc cũng phải phát triển theo chiểu hướng ấy, nhưng vì hiện tượng này chưa xảy ra cho nên chúng ta phải tìm hiểu những lực cản cho sự phát triển này vì chính chúng tạo nên những sắc thái đặc biệt của nền dân chủ Trung Hoa. Những đoạn viết tiếp theo sẽ đóng góp cho nhu cầu tìm hiểu nói trên.
Sự mất quân bình giữa kinh tế và chính trị
Hiện nay tại Trung Quốc hệ thống chính trị bị tụt hậu so với sự phát triển của hệ thống kinh tế. Sự thật này không ai có thể chối cãi. Vào lúc này chính quyềnTrung Quốc đang phải đối mặt với một quan hệ tam gíác giữa phát triển, cải cách và ổn định, trong đó phát triển là mục tiêu, cải cách là động lực và ổn định là tiền đề.
Nếu phát triển và cải cách ảnh hưởng đến ổn định thì ổn định được đưa lên hàng quan trọng nhất vì nó liên quan đến quyền lực chính trị, và chính trị thì lúc nào cũng giữ vai trò chủ đạo. Người Trung Quốc đã rút ra được bài học này của Liên Xô khi chế độ độc tài độc đảng tại Moscow sụp đổ. Vào thời điểm đó, sự cải cách chính trị của Liên Xô đã tiến nhanh hơn sự phát triển kinh tế của đế quốc cộng sản này.
Vai trò của doanh nhân trong tiến trình dân chủ hóa
Trong lịch sử của Tây Phương giai cấp trung lưu đã xuất hiện như những người đầu tiên đòi hỏi dân chủ và pháp trị cho hệ thống chính quyền. Ngược lại, đối với lịch sử Trung Quốc thì chưa bao giờ có chuyện này và cả ngày nay cũng vậy.
Ngày nay những doanh nhân giàu có thuộc các xí nghiệp quốc doanh tại Hoa Lục là những người được nhà nước bổ nhiệm. Họ là những người của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Còn những doanh nhân thành công trong lãnh vực tư thì số lượng của họ chưa đông. Hơn nữa những kiến thức kinh doanh của họ cũng chưa phát triển sang lãnh vực chính trị mà vẫn còn tồn tại trong lãnh vực doanh thương để phục vụ cho quyền lợi riêng tư. Đối với họ kiếm tiền vào lúc này là cơ hội ngàn năm một thuở.
Xã hội dân sự tại Trung Quốc
Một nhà nước với một quyền lực bao trùm đã xuất hiện từ lâu tại Trung Quốc. Nhà nước này không chỉ nắm trọn vẹn quyền hành chính trị mà còn can thiệp vào cuộc sống riêng tư của từng gia đình, từng cá nhân. Cho nên phải nói rằng tại Trung Quốc chưa bao giờ có xã hội dân sự.
Người ta nhắc nhở rằng vào thời Trung Cổ, tại các quốc gia phương Tây, sự tranh chấp giữa các lãnh chúa và qúy tộc đã đưa đến tình trạng thống nhất và một nền chính trị đa nguyên. Tại Trung Quốc thì ngược lại, sự tranh chấp thuộc loại này đã dẫn đến một tình trạng cát cứ và chiến tranh bất tận giữa các sứ quân độc lập chiếm đóng khắp mọi nơi trên lãnh thổ.
Vào lúc này chưa có một dấu hiệu thuận lợi nào báo động sự xuất hiện của một xã hội dân sự ngoài cái gọi là Diễn Đàn Tham Vấn Chính Trị Của Nhân Dân Trung Quốc (Chinese People´s Political Consultative Conference: CPPCC). Tuy nhiên vẫn còn nghi ngờ rằng đây là khởi điểm của thiện chí dân chủ hóa của chính quyền.
Xã hội truyền thống của Trung Quốc
Xã hội truyền thống của Trung Quốc chưa bao giờ là một xã hội dân chủ và pháp trị. Qua mấy ngàn năm phát triển một vài hình thức pháp trị sơ sài đã xuất hiện nhưng dân chủ thì chưa bao giờ có.
Thông thường, khi một hệ thống pháp trị vận hành trong một chế độ dân chủ què quặt hoặc bệnh hoạn thì điều đó có nghĩa là đất nước đang bị cai trị bởi ý muốn của cá nhân chứ không bởi luật pháp. Một chế độ pháp trị mà không có dân chủ thì không thể là gì khác hơn là một sự nguy hiểm cho cả đất nước lẫn dân tộc.
Gần đây, những hoạt động pháp trị đã trở nên quen thuộc tại Trung Quốc. Khi thế kỷ 20 chấm dứt người ta đã đếm đươc khoảng 150 đạo luật được ban hành, nhưng sau đó thì chính những đạo luật này lại bị thay đổi. Đó là tình trạng không ăn khớp giữa sự thiết lập dân chủ và sự ban hành luật pháp, không ăn khớp giữa lập pháp và hành pháp. Một trong những đặc điểm của xà hội truyền thống Trung Quốc ngày nay là sự thiếu vắng ý thức dân chủ và pháp trị.
Ý thức về chủ nghĩa dân tộc (nationalism)
Trong thời gian mở cửa hai khuynh hướng, một mạnh, một yếu, đã xảy ra cùng một lúc trong hai lãnh vực ý thức về chủ nghĩa dân tộc (nationalism) và chủ nghĩa yêu nước (patriotism). Ngày nay, tại Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc đang mạnh hơn chủ nghĩa yêu nước vì từ chính quyền đến dân chúng ai cũng cảm nhận được sự cần thiết phải củng cố quốc gia Trung Hoa thành một khối thống nhất cụ thể và vững chắc.
Tất cả những trở ngại phản dân chủ truyền thống đều phải gạt bỏ hoặc xét lại, chẳng hạn như quan niệm quá khắt khe về luân lý gia đình, sự tập trung quá nhiều quyền lực vào tay ĐCSTQ, sự lạm dụng quyền thế của giai cấp quan liêu, sự thiếu vắng một hệ thống kiểm soát bao trùm và hữu hiệu. Những loại trở ngại này cần phải thanh toán rứt khoát, không nương tay và không chậm trễ.
Sự phát triển dân chủ và xây dựng một cấu trúc pháp trị là một tiến trình tiệm tiến cần thực hiện với nhiều quyết tâm và can đảm. Tình trạng tiến bộ xã hội Trung Quốc ngày nay không cho phép quay lại thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa nữa. Đó là một điều quan trọng cần ghi nhận. Tuy nhiên, đồng thời cũng phải nhận thức là không cần áp dụng một hình thái dân chủ Tây phương ngay lúc này, vì cấu trúc xã hội Trung Hoa không thể chịu đựng nổi một sự thay đổi quá chớp nhoáng như vậy.
**
Trung Hoa sẽ trở thành cường quốc của thế giới trong thế kỷ 21. Trước viễn cảnh đó, câu hỏi mà cả thế giới quan tâm là: “Trung Quốc liệu có thể trở thành một quốc gia dân chủ ưa chuộng hòa bình hay không?”.
Để trả lời câu hỏi trên, phải nhận định rằng hiện nay Trung Quốc đang đứng trước hai mệnh lệnh cần giải quyết: Mệnh lệnh thứ nhất mang tính chính trị buộc Trung Quốc phải xem lại các vấn đề chủng tộc, chủ quyền, quân bình lực lượng và tình trạng ổn định. Mệnh lệnh thứ hai mang tính kinh tế đòi hỏi phải thực hiện các vấn đề cải cách, mở cửa, hỗ tương phụ thuộc và tự do phóng khoáng.
Tuân hành mệnh lệnh chính trị buộc Bắc Kinh phải giải quyết những đặc tính Trung Hoa cho hợp với thế giới quan thực tại của nhân loại, trong khi để đáp ứng đòi hỏi của mệnh lệnh kinh tế Bắc Kinh phải lo làm sao cho kinh tế được tự do phát triển.
Vào lúc này Bắc Kinh đang dành ưu tiên cho phát triển kinh tế để duy trì cái chủ nghĩa Lenin lỗi thời mà họ vẫn còn đang ấp ủ. Nhưng nếu kinh tế không phát triển được nữa thì việc gì sẽ xảy ra?
Câu trả lời là : việc đó tùy thuộc vào ý muốn và khà năng của ĐCSTQ. Nên nhớ rằng trong hiện tại, việc dân chủ hóa vẫn còn nằm trong tay của đảng này. Nhiều nhân vật có uy tín và ảnh hưởng trong chính quyền Trung Quốc tin rằng sự ổn định không được tạo ra bởi sự đàn áp mà bằng sự cới mở về chính trị và kinh tế. Họ cũng tin rằng tình trạng phát triển kinh tế hiện tại sẽ không tiếp tục lâu dài thêm nhiều nữa.
Kể từ năm 1989, ̣ ĐCSTQ không chấp nhận bất cứ một sự cải tổ chính trị thật sự nào mà hoàn toàn chỉ trông cậy vào mức phát triển kinh tế cao để duy trì quyền cai trị. Một điều vô cùng quan trọng bây giờ là hoặc ĐCSTQ chấp nhận những cải tổ chính trị hoặc bị bắt buộc phải làm như vậy. Thay đổi một hế thống chính trị dần dần bằng một cách thức có kiểm soát lúc nào cũng tốt hơn một cuộc cách mạng hung bạo.
ĐCSTQ có thể giữ nguyên uy tín bằng một sứ mệnh “cải tổ”. Sứ mệnh này có thể thay đổi chế độ chính trị mà vẫn “hạ cánh an toàn”. Nhiều chế độ độc tài đã có được cơ hội làm như thế. ĐCSTQ cũng đang có cơ hội đó, nên nêú để cơ hội “ngàn năm một thuở” đó buột khỏi tầm tay thì thật là đáng tiếc.
Nguyên Cao Quyền