1. Hành động của Trung Quốc dưới góc nhìn tác giả “Thế giới phẳng
Theo tác giả của “Thế giới phẳng”, khi trạng thái kết nối của thế giới đang chuyển thành siêu kết nối, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia sẽ khiến các hành động gây chiến tranh phải trả giá lớn hơn và sớm hơn rất nhiều.
“Toàn cầu hóa không có nghĩa là không có chiến tranh, mà điều chúng ta cần nhấn mạnh là gây chiến tranh trong thế giới siêu kết nối ngày hôm nay sẽ phải trả giá lớn hơn và sớm hơn rất nhiều”.
Thomas L. Friedman, tác giả cuốn sách nổi tiếng về toàn cầu hóa “Thế giới phẳng” quay trở lại Hà Nội lần thứ 2 sau 20 năm, đúng vào thời điểm khá nhạy cảm trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc khi nước này điều giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Vì vậy, dù buổi hội thảo với chủ đề liên quan nhiều đến quản trị “Những thay đổi lớn của thế giới – Cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới” do Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) thuộc Đại học FPT tổ chức, thì thính giả vẫn dành khá nhiều câu hỏi liên quan tới vấn đề này.
Nhà báo từng 3 lần đạt giải Pulitzer, chủ bút mục đối ngoại của tờ The New York Times hóm hỉnh nói, có lẽ ông là người duy nhất trên thế giới thăm cả Kiev và Hà Nội chỉ trong 10 ngày và khi tới Việt Nam, ông nhận ra một điều thú vị về sự tương quan giữa Ukraina và Việt Nam.
“Ukraina là nước có dân số trung bình và là láng giềng của “con gấu” rất lớn là Nga. Việt Nam cũng là một nước có quy mô trung bình nhưng ở cạnh một “con hổ” rất lớn là Trung Quốc. Tôi đang nghiên cứu và tìm hiểu xem Việt Nam và Ukraina phải xử lý quan hệ như thế nào với những nước láng giềng lớn như thế”, Friedman ví von, theo đúng thứ ngôn ngữ không số hóa, không một công thức kinh tế mà ông đã sử dụng khi viết “Thế giới phẳng”.
Nhắc đến mối quan hệ Nga – Ukraina, Trung Quốc – Việt Nam, một thính giả đặt câu hỏi cho Friedman liên quan đến “Lý thuyết những vòng cung vàng ngăn ngừa xung đột” (Golden arches theory of conflict prevention). Quy tắc này cho rằng hai quốc gia cùng có tiệm McDonald’s sẽ không gây chiến chống nhau, được đề cập trong một quyển sách nổi tiếng khác cũng của Friedman – “Chiếc Lexus và cây ô liu”.
Nhà bình luận nổi tiếng thừa nhận, quy tắc này đang bị cũ đi. “Trong thế giới toàn cầu hóa ngày hôm nay, McDonald’s là đại diện toàn cầu hóa. Nhưng toàn cầu hóa không có nghĩa là không có chiến tranh mà điều chúng ta cần nhấn mạnh là gây chiến tranh trong thế giới siêu kết nối ngày hôm nay sẽ phải trả giá lớn hơn và sớm hơn rất nhiều”.
Ông lấy ngay Nga làm ví dụ. “Tổng thống Nga Putin muốn lấy lại bán đảo Crimea và ông Putin đã làm được điều đó. Khi đó Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt 25 quan chức của Nga, số lượng cá nhân rất nhỏ nhưng tác động thì như thế nào? 60 tỷ USD đã chảy khỏi Nga trong quý I/2014, lớn hơn so với dòng vốn của cả năm 2013”.
Chính vì vậy, nhà bình luận quốc tế nổi tiếng cho rằng, Trung Quốc nếu có hành động điên rồ ở biển Đông thì cái giá mà Trung Quốc phải trả sẽ lớn hơn và nhanh hơn rất nhiều.
2. Thế giới phẳng
Thế giới phẳng (The world is flat) là một tác phẩm của Thomas Friedman – một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times có những tác phẩm và công trình nghiên cứu về vấn đề toàn cầu hoá rất thành công. Năm 2005,cuốn sách này được trao giải thưởng CUỐN SÁCH HAY NHẤT trong năm do Financial Times và Goldman Sachs Business bình chọn và Thomas Friedman cũng được bình chọn là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất Hoa kỳ.
Hiện nay “thế giới phẳng” đã trở thành thuật ngữ quen thuộc chỉ sự phát triển toàn cầu hóa từ những năm đầu của thế kỷ 21 khi mười nhân tố lớn liên quan đến kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới cùng nhau tác động, khiến cho các mô hình xã hội, chính trị và xã hội đã bị thay đổi và thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn trước.
3. Thế giới rất rất phẳng
“Nhìn lại những gì tôi viết trong cuốn ‘Thế giới phẳng’ đã không còn đúng. Hiện nay, thế giới của chúng ta không phải là ‘thế giới phẳng’ mà là ‘thế giới rất rất phẳng!’ So với thời điểm tôi viết cuốn sách đó, thế giới hiện nay đã ‘phẳng’ hơn rất nhiều.”
Ông Thomas Friedman – tác giả của tập sách đã chia sẻ như vậy trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 5/6 tại Hà Nội. Chương trình do Học viện Ngoại giao tổ chức. Theo nhà báo Thomas Friedman, trong bối cảnh chung đó, động lực để phát triển, chìa khóa của thành công là sự sáng tạo.
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Thomas Friedman cho rằng, muốn kích thích sự sáng tạo, các nhà quản lý phải tạo được niềm tin. “Cùng với đó, niềm tin chỉ có thể được tạo ra trên cơ sở quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ một cách nghiêm ngặt”, tác giả của“Thế giới phẳng” nói.
Cũng trong buổi sáng, nhà báo Thomas Friedman cũng đã chia sẻ một số thông tin, kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Theo ông, có 5 hiệu ứng cơ bản thường thấy mà một tác phẩm báo chí đưa tới cho độc giả.
Hiệu ứng thứ nhất, tác phẩm báo chí đưa tới cho người đọc những thông tin mới, cập nhật.
Hiệu ứng thứ hai, nó đưa ra cách nhìn mới cho độc giả về một vấn đề đã biết, đã được đề cập tới trước đó.
Hiệu ứng thứ ba mà bài báo tác động tới độc giả là, khi đọc, người đọc cảm thấy những gì được viết trong đó đúng với những gì họ nghĩ (nhưng họ không biết cách thể hiện như thế nào).
Hiệu ứng thứ năm, “Loại hiệu ứng thứ năm (ít gặp hơn) là việc độc giả cảm thấy phẫn nộ tới mức muốn giết tác giả, thậm chí là cả người thân của tác giả bởi những thông tin được đưa ra trong bài viết”, nhà báo Thomas Friedman cho hay. Kiểu hiệu ứng thứ năm là tác phẩm báo chí đó khiến người đọc phải khóc hoặc cười. Theo tác giả từng ba lần đoạt giải Pulitzer này, đây là một yêu cầu khó, một thách thức lớn đối với tất cả những người cầm bút.
Với kinh nghiệm của bản thân, Thomas Friedman chia sẻ, bên cạnh những hiệu ứng trên, ở mức độ khó hơn, hiệu ứng mà tác phẩm báo chí có thể đưa tới cho độc giả là: những lập luận, thông tin được đưa ra trong đó thách thức suy nghĩ của người đọc, buộc họ phải tiếp tục tìm hiểu về vấn đề mà tác giả đề cập tới. Và một hiệu ứng rất xấu mà tác phẩm báo chí có thể tạo ra nơi người đọc là: chưa đọc đã biết nội dung được đề cập tới. Đây là một điều tồi tệ mà những người làm báo cần tránh,” ông Thomas Friedman bày tỏ.
Nhà báo Thomas Friedman làm việc tại The New York Times. Ông đã ba lần đoạt giả Pulitzer. Thomas Friedman là tác giả của nhiều đầu sách nổi tiếng thế giới như “Chiếc Lexus và cây ôliu”, “Thế giới phẳng”, “Nóng, Phẳng, Chật”, “Từ Beirut đến Jerusalem”,“Từng là bá chủ”.
4. Thế giới ngày càng phẳng hơn và cơ hội cho người trẻ
Nhà báo nổi tiếng người Mỹ tự thú nhận, vào thời điểm ông viết “Thế giới phẳng”, nếu trung thực hơn thì ông phải đặt tên cuốn sách “Thế giới đang được làm phẳng”. Nhưng chính sự “thiếu trung thực” này, ông đã bán được 5 triệu cuốn sách tại 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
“Tuy nhiên điều tôi dự đoán đã trở thành sự thật”. Công nghệ đã thay đổi rất nhiều so với 10 năm trước đó. Những thứ chưa từng xuất hiện trong cuốn sách của ông giờ đã trở nên phổ biến và công nghệ đang tiếp tục làm thay đổi thế giới.
Chỉ với thời lượng ngắn ngủi 10 phút trong phần trình bày, Thomas Friedman nhấn mạnh thế giới ngày càng phẳng hơn so với thời điểm ông viết cuốn sách này vào năm 2004. Bước ngoặt lớn nhất là sự ra đời các mạng xã hội như Facebook, Twitter đã thay đổi hoàn toàn diện mạo Internet.
“Điều quan trọng nhất xảy ra đầu thế kỷ 21 chính là sự hợp nhất giữa toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ thông tin, chứ không phải việc Trung Quốc trỗi dậy, đại suy thoái toàn cầu, vụ khủng bố 11/9 hay cuộc hôn nhân hoàng gia Anh giữa hoàng tử William và công nương Kate”.
“Thế giới đang chuyển từ trạng thái kết nối sang siêu kết nối và từ liên kết nối lẫn nhau sang phụ thuộc lẫn nhau. Điều này ảnh hưởng tới công việc chúng ta đang làm, mọi trường học, sự lựa chọn nghề nghiệp… và đưa chúng lên tầm cao mới”.
Vì vậy, điều cuối cùng trong bài trình bày của mình, Friedman chia sẻ, trở thành người tiêu dùng hay nhà sáng tạo trong thế giới hiện đại là điều rất tuyệt vời. Lý do ông đưa ra là bất cứ ai cũng có thể lên các trang mạng mua mọi thứ với một mức giá và chất lượng rất cạnh tranh hay thành lập một công ty mang tầm cỡ toàn cầu.
Tuy nhiên, là người công nhân hay người lao động trong thế giới hiện đại thực sự khó khăn. Bởi vì, Friedman cho rằng, trong thế giới hiện đại, khả năng trung bình, năng lực trung bình không còn cơ hội phát triển.
Bất kỳ ông chủ nào cũng có khả năng và hoàn toàn có thể thuê được những người máy làm được những công việc trung bình mà ngày xưa con người đảm nhận. “Gần đây có bài báo về nông trường bò sữa tại New York thì người ta đã dùng rô bốt để vắt sữa bò. Đây là câu chuyện nghe có vẻ buồn cười nhưng nó đã xảy ra”, theo Friedman.
Nhà báo người Mỹ 61 tuổi chia sẻ câu chuyện ông đã nói với 2 người con gái của mình: “Tôi nói với con gái mình rằng ngày xưa sau khi tốt nghiệp đại học, bố sẽ đi tìm việc làm, còn ngày nay các con không phải tìm việc làm, mà là sáng tạo ra việc làm. Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa thời đại của bố và thời đại ngày nay”.
“Tất nhiên các bạn có thể kiếm được ai đó thuê các bạn, nhưng để tồn tại, để phát triển và để được trọng dụng thì các bạn phải không ngừng sáng tạo, tái sáng tạo và tạo ra các giá trị gia tăng. Tôi cho rằng giá trị trung bình không còn nữa vì các ông chủ không cần cái bạn có trong đầu mà cái bạn có thể làm”.
Thomas Friedman