Trong ta là núi là rừng,
Là trăm câu hát đã dừng trên môi.
Hoài Khanh
5
Quỳnh Lan rót trà ra 2 tách, rồi nhìn ông Bình:
– Thưa chú, sáng mai Lan sẽ đi với John xuống Springfield để John giới thiệu với cha mẹ và tiện thể thăm mấy di tích lịch sử của tổng thống Lincoln.
– Vậy là việc của Lan sắp xong, chú mừng cho Lan. Một ca sĩ Việt Nam về làm dâu miền đất dựng nghiệp của Lincoln, vị tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. Thật đẹp.
Lan cúi xuống cười che dấu sự e thẹn, rồi hỏi:
– Ông ấy vĩ đại vì cái gì chú?
– Lincoln vĩ đại về hai việc. Thứ nhất là ông đã hủy bỏ chế độ nô lệ người da đen của nước Mỹ. Một việc rất khó, vì tới giữa thế kỷ 19, thời Lincoln, số nô lệ da đen ở những tiểu bang miền Nam đã lên tới 3 triệu trong khi người da trắng chỉ có 6 triệu và chế độ nô lệ đã được ghi trong Hiến Pháp. Thứ nhì là đã cứu được chế độ Liên Bang thống nhất (Union) của Mỹ. Vì sau khi ông đắc cử tổng thống năm 1860, 11 tiểu bang miền Nam muốn duy trì chế độ nô lệ nên đã ly khai, tách ra thành lập một Liên Bang mới gọi là Confederacy. Lincoln cương quyết duy trì sự thống nhất của Liên Bang Union. Từ đó tạo thành cuộc nội chiến giữa Miền Bắc, gồm những tiểu bang tự do không có nô lệ và Miền Nam. Cuộc nội chiến kéo dài 4 năm, từ 1861 đến 1864 với sự chiến thắng của quân đội Miền Bắc – Ông ngừng lại một lúc rồi tiếp: Nhân chuyện này chú nói thêm một điều là chính quyền đảng trị của Việt Nam thường tự xưng là nhà nước của dân, do dân, và vì dân. Tất nhiên chúng ta hiểu là họ đã làm ngược lại với chữ đảng, nhưng cần biết thêm là mấy ông nhà nước Việt Nam đã lấy những chữ đó từ câu kết trong bài diễn văn của Lincoln đọc trong lễ khánh thành nghĩa trang Quân Đội Gettyburg, vùng đất đẫm máu nhất trong trận chiến kết thúc cuộc nội chiến – Ông tới kệ sách lấy một cuốn, nhìn qua mục lục, rồi giở tới một trang: Đây, Lan nghe câu đó như sau: And that this nation, under God, shall have a new birth of freedom and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth.
– Government of the people, by the people, for the people…Nhà nước của dân, do dân, vì dân…, Lincoln hủy bỏ chế độ nô lệ da đen và giữ được sự thống nhất của nước Mỹ – Lan lẩm bẩm như học bài, rồi hỏi: Chú đã tới Springfield lần nào chưa?
Ông gật đầu:
– Chú đã xuống đó một lần để thăm mấy di tích lịch sử của Lincoln, gồm ngôi mộ và ngôi nhà. Ngôi nhà 2 tầng khá lớn với nhiều đồ đạc được giữ nguyên vẹn như giường, bàn ghế và nhiều đồ dùng khác. Springfield là thủ phủ của tiểu bang Illinois, nhưng là thành phố nhỏ. Trên mấy con đường quanh ngôi nhà của Lincoln, ngoài mấy nhà hàng fastfood của Mỹ như Mcdonald, Kentucky, duy nhất có một tiệm ăn Tàu – Ông ngừng lại một lát: Về làm dâu miền đất của Lincoln thì rồi sẽ thành thổ công của Springfield. Nhưng có một điều chú muốn nói là trong vài năm nữa quen đồ ăn Mỹ, Lan sẽ quên nghệ thuật nấu món ăn Việt Nam.
Lan cười:
– Hôm ở hội tết nói chuyện về ăn uống, John bảo là muốn được Việt hóa. Như thế Lan sẽ không biết nấu đồ ăn Mỹ thì đúng hơn.
Ông lắc đầu:
– Đó là nói cho vui, chớ người Mỹ không ăn được những món ăn truyền thống Việt Nam. Chẳng hạn mấy món như canh chua cá catfish, đậu hũ chiên chấm tương bần, cá kho tộ, rau muống sào tỏi mà Lan thường nấu thì ít người đạt được, nhưng về với John thì hết. Vì thế chú tiếc.
Lan cúi xuống có vẻ thẹn:
– Chú quá khen, chớ Lan chỉ nấu bình thường thôi.
– Bình thường được như cô mà mở tiệm ăn thì sẽ hốt hết khách của mấy nhà hàng ở Argyle. Chú thường ăn canh chua ở nhà hàng Thái bình và Ba Miền và chỉ thấy chua chớ không có mùi thơm của canh chua ở Việt Nam. Còn rau muống sào thì dươn và dai chớ không thơm và mềm.
Ông Bình nâng tách trà uống cạn, rồi nói:
– Chú cũng thường nấu canh chua với đủ thứ như me, cà chua, đậu bắp, nhưng chỉ chua chớ không có mùi thơm như canh chua Lan nấu. Bí quyết ở đâu, để lại cho chú rồi hãy về Springfield.
– Chú nói như Lan có bí kíp như truyện Kim Dung… Thật ra thì hơn 20 sống với cha mẹ, Lan đi học, rồi đi làm, đôi lúc phụ mẹ chớ không nấu. Tới khi sắp lấy chồng mẹ mới chỉ cho một số món. Nhưng chưa có ai khen, chỉ có chú, nên Lan sẽ ghi lại cho chú những điều mẹ dạy.
Ông nhìn Lan:
– Chú muốn nói thêm một điều nữa là John không thể quen với nước mắm, tương bần, cá kho và rau muống, nhưng có thể quen với tiếng Việt. Vì thế Lan nên khuyến khích John học tiếng Việt, vợ dạy chồng thì mau thành thạo, để John có thể nghe và biết tiếng hát của vợ mình ra sao. Món ăn Việt rồi sẽ quên, nhưng đừng để mất tiếng hát.
– Cám ơn chú. Không biết nấu ăn và hát có được như chú khen không, nhưng chú đừng lo, vì Elgin về đây có hơn tiếng lái xe, mỗi tháng Lan sẽ về nấu ăn và hát chú nghe – Lan cười nói, rồi đứng dậy đi về phòng.
Ông Bình nhìn lên bức ảnh Biển Động, trầm ngâm về sự hứa hẹn của Lan. Ông không mong Lan thực hiện lời hứa, vì bao nhiêu năm nay ông đã giảm trừ đời sống tới gần số không, sống đơn giản và không giao du để giữ sự yên lặng. Quỳnh Lan đến đã phá vỡ mất sự yên lặng đó. Vì thế ông mong việc kết hôn của Lan mau thành để ông trở về với đời sống cũ. Vô tình qua một lời khen mà Lan lại nói lên một điều ông sợ. Không thể nói ra điều này, nhưng ông hy vọng chỉ trong vài tháng sau kết hôn, việc làm, việc nhà và shopping sẽ nuốt hết thời gian của Lan và lúc đó ông có thể giúp Lan cởi bỏ lời hứa. Ông đứng dậy đi đến chiếc dương cầm… Bàn tay lướt trên bàn phím tìm âm thanh của Ta Với Trời Bơ Vơ, Lá Đổ Muôn Chiều, Chiều Trên Phá Tam Giang, Giọt Nắng Bên Thềm, Có Một Niềm Riêng… Dừng lại trầm ngâm một lúc, rồi trở về Đà Lạt với Đà Lạt Hoàng Hôn… thì Lan ra phòng khách trong chiếc robe ngủ màu hồng, đến bên piano, lấy tay đập nhịp rồi cất tiếng: Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông, hàng cây thắm màu đèn lên phố phường. Giờ đây hơi sương giá buốt, biết ai thương bước cô liêu, một người đi trong sương rơi… Ông Bình ngạc nhiên, vì từ sau tết Lan chỉ ra phòng khách nghe ông đàn, thế mà đêm nay lại hát theo đàn. A! lời hứa, ông mỉm cười… Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly khóc tình đầu dang dở. Đêm xuống Than Thở vang cung hờn, người đi trong bóng cô đơn… Lan bước đến cạnh ông… Gần nhau xa nhau mấy nỗi, hỡi quê hương xứ sương rơi, Đà Lạt ơi, Đà Lạt ơi…
Ông Bình cầm tay Lan cảm động:
– Chưa về Springfield mà đã thực hiện lời hứa rồi. Cám ơn Lan.
6
Ông Bình để ly rượu Martell trên cửa sổ, đứng nhìn sân đầy tuyết. Qua ánh đèn đường, tuyết rơi phơi phới như mưa rào. Những cơn gió thổi tuyết cuộn lên bay ngang như một tấm màn trắng. Tuyết đi với gió và gió hú từng cơn qua đầu hồi nhà.
Lan ra phòng khách, đến bên ông:
– Bão tuyết cả đêm như thế này thì ngày mai tuyết sẽ ngập tới đâu chú?
– Theo dự báo thì trận bão sẽ kéo dài qua đêm và tuyết sẽ dày khoảng 1 feet. Công sở, trường học đóng cửa. Xe rải muối đã chạy suốt từ chiều, nhưng tuyết xuống nhiều quá không biết có kịp tan – Ông chỉ ra sân: Bây giờ tối, chỉ nhìn thấy sân và cây đèn đường, chớ ngày mai Lan sẽ thấy tuyết phủ đầy mái nhà, hè đường, cây cối. Toàn thành phố là một màu trắng. Đẹp thì có đẹp, nhưng đi làm thì rất cực và thành phố tốn rất nhiều tiền, hàng trăm triệu, để xe xúc tuyết chở tuyết ra ngoại ô đổ xuống cánh đồng.
– Xe xúc tuyết cả thành phố, hở chú?
– Xúc tuyết ở những con đường chính và ở những khu quan trọng, còn ở những con đường nhỏ thì có loại xe đẩy tuyết vào hai bên đường. Và nhà hai bên đường có bổn phận xúc tuyết trên lề trong phạm vi nhà mình thành một con đường để người có thể đi lại. Ngày mai khi tuyết ngừng rơi, chú sẽ xúc từ cửa ra tới cổng thành một đường rộng khoảng 1 mét, rồi sẽ xúc một đường phía trước nhà nối với nhà bên phải và bên trái. Con đường giữa hai bờ tuyết cao này sẽ kéo dài một, hai tuần hay lâu hơn cho tới khi có mưa. Được trận mưa lớn chừng 2, 3 tiếng là thành phố sạch như lau, vì tuyết tan chảy sẽ kéo theo rác xuống sông, xuống cống.
– Thế nắng không làm tuyết tan hở chú?
Ông lắc đầu:
– Sau khi tuyết rơi, trời thường rất lạnh nên dù nắng tuyết vẫn đóng băng. Đi phải rất cẩn thận vì dễ té. Theo thống kê, mỗi mùa đông, số người chết vì té rất cao. Dân xứ tuyết mà vẫn chết vì tuyết. Chúng ta là dân xứ nóng lại càng phải cẩn thận. Đi chậm và nhìn kỹ, chỗ nào có băng bóng loáng thì tránh. Mấy trận tuyết trước nhẹ, chỉ kéo dài mấy tiếng, rồi sau đó một, hai ngày là có mưa, tuyết tan nhanh nên cô không thấy tuyết đóng băng trên đường, trên sân nhà. Qua trận bão tuyết này cô sẽ biết rõ xứ tuyết hơn.
Lan nhìn ra sân một lúc, rồi quay lại nói:
– Sân và đường đầy tuyết rồi chú ạ. Ngày mai Lan sẽ ra xúc tuyết với chú.
– Gái mười bảy bẻ gẫy sừng trâu. Mặc ấm rồi thử xúc cho biết – Ông cười rồi cầm ly rượu trở lại ghế salon. Lan xuống bếp uống nước, rồi lên phòng khách ngồi đối diện với ông:
– Đêm nay chú không đàn?
– Đàn chứ. Những đêm bão tuyết như thế này, chú đàn nhiều để khỏa lấp sự trống vắng. Vì những ngày bão tuyết hay mưa bão thì chú cảm thấy ngôi nhà này trống vắng nhiều hơn. Chỉ có tiếng đàn vang vọng, tràn đầy là có thể khỏa lấp sự trống vắng ấy. Có nhiều lần chú đã đàn cho tới khi ngủ gục trên phím đàn. Năm nay có Lan nên đêm tuyết này mới có tiếng người thay cho tiếng đàn – Ông nhìn lên bức ảnh Biển Động, nói nhỏ: Đã bao nhiêu năm…
Lan nhìn ông rồi cúi xuống che dấu sự xúc động, khi ngước lên vẫn thấy ông nhìn bức ảnh, mãi một lúc sau mới cất tiếng:
– Thưa chú.
Ông Bình nhìn Lan, lắng nghe.
– Thưa chú, John đã quyết định làm giấy kết hôn vào thứ hai tuần tới. Và sau đó John sẽ đưa Lan ra Hawai một tuần. Chiều thứ hai hôm đó John sẽ tổ chức một bữa tiệc mời một số bạn thân bên John, còn Lan thì chỉ có chú và gia đình chị Nhung.
– Chú mừng là Lan sẽ có đời sống ổn định sớm ở Mỹ. Còn bữa tiệc thì thì xin miễn cho chú. Vì từ bao lâu nay chú đã tránh tới chỗ tiệc tùng đông người.
Lan nhìn ông một lúc:
– Chú không muốn tới, Lan không dám ép, nhưng Lan xin được phép thưa hai điều: Trước hết là cám ơn chú đã giúp Lan, coi Lan là người thân và thứ nhì là muốn biết về cuộc đời cô độc của chú và bức ảnh Biển Động. Từ chiều đến giờ, nhìn tuyết rơi và nghe từng cơn gió hú, Lan lại nghĩ về đời sống âm thầm của chú trong ngôi nhà này. Trước đây chú nói là rồi sẽ hiểu, nhưng cứ nhìn hai bức ảnh, Lan lại đặt ra những giả thuyết và băn khoăn với nó. Nếu chuyện chẳng có gì bí mật thì xin chú giải sự băn khoăn này cho Lan.
Ông Bình trầm ngâm một lúc:
– Ai cũng có chuyện riêng tư khó nói hay không cần nói, nhưng chúng ta thì có thể nói cho nhau nghe được. Cám ơn Lan đã quan tâm đến đời sống của chú – Ông ngừng lại uống một hớp rượu rồi hỏi:
– Trước kia Lan có lên Đà Lạt vào mùa hoa anh đào bao giờ không?
– Dạ có. Vì làm ở công ty du lịch nên Lan thường lên Đà Lạt, nhưng đáng tiếc là do việc làm lại các hồ lớn, nhỏ như Xuân Hương, Than Thở…, rồi do việc khai phá để xây dựng nhà cửa, nên anh đào trong thành phố còn rất ít. Vì thế hoa anh đào không còn là một cảnh sắc đặc biệt của Đà Lạt. Bây giờ người ta bán ảnh hoa anh đào nhiều hơn. Cái danh “anh đào Đà lạt” đã thành dĩ vãng. Nhưng do thích hát nên Lan biết nhiều bản nhạc viết về Đà Lạt, nhất là hai bản Bài thơ Hoa Đào và Ai Lên Xứ Hoa Đào.
Ông gật đầu:
– Như thế thì tiếc thật. Thời chú sau 75, Đà Lạt tiêu điều đi nhiều, nhưng cảnh sắc thiên nhiên chưa bị phá, nên anh đào vẫn nở tung vào mấy tháng mùa đông trên khắp thành phố, ven hồ và thung lũng. Bản nhạc và ảnh chỉ ghi lại được một số nét nào đó thôi. Còn khi mình đi dưới một rặng anh đào hay nhìn màu hồng anh đào nở tung trên một dốc đồi thì mới thấy và cảm được sự quyến rũ của anh đào trong cái lạnh buổi sáng, buổi chiều của Đà Lạt. Gia đình chú ở Đà Lạt, lại ở trên đường Pasteur, con đường vòng dốc thoai thoải có nhiều biệt thự và anh đào, nên vào cuối đông và đầu xuân, lúc nào hoa anh đào cũng vây bọc quanh mình.
Lan hỏi:
– Sao trong dịp tết người ta không chơi anh đào như mai, như đào thiên thai?
Ông cười:
– Nếu chơi anh đào như mai, như đào thiên thai thì anh đào đâu còn kịp nở. Nhà nào cũng chặt ít cành thì anh đào thành trơ trụi. Có điều nhân câu hỏi, chú mới nghĩ thêm là người ta không chơi hoa anh đào vì đó là hoa ngoài đường, hoa chung của thành phố. Nhưng chú đã dùng hoa anh đào trong đám cưới của chú. Lan thử tưởng tượng khung cảnh từ cổng vào đến hiên nhà đầy màu hồng và lá xanh của mấy chục cành anh đào cao hơn 2 mét.
Lan nói nhanh:
– Đường lên thiên thai, chú ạ.
Ông Bình cười:
– Chú không nghĩ được như Lan mà chỉ nghĩ là cho khách đi qua một vườn anh đào khi vào nhà. Tại sao chú lại nghĩ đến việc dùng anh đào thì sẽ nói sau, còn trước hết chú nói về cô Như Mai – Ông chỉ lên bức ảnh treo trên tường: Gia đình chú và gia đình Như Mai không phải nguyên gốc Đà Lạt mà ở nơi khác đến. Gia đình chú là dân Bắc di cư vào Nam năm 1954, còn gia đình Như Mai gốc Nha Trang, lên Đà Lạt sau gia đình chú vài năm. Nhưng đều là gia đình ngụy quân, ngụy quyền theo ngôn ngữ đánh tráo của đảng cộng Sản Việt Nam, nên chú và Như Mai đã bị chận cửa vào đại học, sau khi học xong trung học. Do đó, mới 18, đôi mươi đã phải nhập vào đời tìm sinh kế. Như Mai có một gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ ở chợ Đà Lạt, còn chú được trời phú cho sự khéo tay, nên đã tự vẽ kiểu và tự sản xuất đồ mỹ nghệ bằng gỗ go, loại thông 3 lá Đà Lạt, rồi đem bỏ mối cho những gian hàng bán đồ mỹ nghệ. Từ việc bỏ mối này mà chú quen biết Như Mai. Có lẽ do nhan sắc, lịch thiệp và khéo nói nên gian hàng của Như Mai rất đông khách và trở thành một trung tâm cung cấp đồ mỹ nghệ cho khách hàng từ Sài Gòn, Nha Trang, Phan Rang… Ông cười: Người làm, người bán, cuối cùng thành người yêu rồi thành vợ chồng – Ông ngừng lại uống mấy hớp rượu, rồi tiếp: Như Mai có giọng ca thiên phú thường hay hát mấy bản Ai Lên Xứ Hoa Đào, Bài Thơ Hoa Đào và Tà Áo Tím, gần giọng Lệ Thanh với thuật luyến láy nũng nịu điêu luyện, còn chú biết đàn guitare nên từ khi thân nhau đến thành vợ chồng chú đã đệm đàn cho Như Mai hát ở mấy đám cưới người thân hay bạn bè. Từ đó Lan biết vì sao chú đã dùng hoa anh đào trong ngày cưới.
Lan cười:
– Chú giàu tưởng tượng, nên Như Mai đã lên thiên thai ở trần thế.
Ông Bình uống hết ly rượu, rồi đi pha ly khác. Trở lại ghế, giọng ông trầm xuống:
– Sau 2 năm kết hôn, chú và Như Mai kiếm được một số vàng kha khá, nên đến năm 84 thì tìm đường vượt biên. Chú và cô đã lên tàu ở một làng cù lao thuộc Cần Thơ. Tàu đi được hơn một ngày thì gặp tàu hải tặc. Chuyện tàu vượt biên đụng tàu hải tặc Thái Lan thì chắc Lan đã đọc hay đã nghe dù sanh sau và khi trưởng thành thì thảm kịch vượt biên đã kết thúc. Bây giờ chú chỉ có thể nói là trên con tàu nhỏ mình hy vọng đưa mình tới một chân trời mới thì lúc đó đã trở thành một thế giới không thể đặt tên. Người ta có thể dùng mấy chữ thế giới súc vật để chỉ cho thế giới ấy, nhưng không trúng, vì con người chưa bao giờ thấy súc vật cười man rợ trước những dòng máu bắn tung tóe và trước những thân người chưa chết bị hất xuống biển. Khoảng ba, bốn chục người đàn ông phải nằm cúi đầu trước vợ, con, em mình trần truồng giữa một bầy thú người tay búa, tay dao. Chúng đập chết người nữ nào dám chống lại chúng. Chúng chém chết người nam nào dám lao lên liều thân – Ông cúi xuống nhắm mắt lại, mấy dòng nước mắt chảy dài xuống hai bên má.
Lan chạy vào phòng lấy chiếc khăn đưa cho ông:
– Lan hiểu chuyện rồi, đừng kể nữa chú ạ.
– Kể hay không thì cũng thế thôi – Ông lau nước mắt, rồi nhìn lên bức ảnh Biển Động – Buổi chiều đó với bầu trời đỏ ối như thế kia, sau khi cướp đoạt vàng, phá máy tàu, chúng bắt theo khoảng hơn chục phụ nữ, trong đó có Như Mai. Khi chúng kéo Như Mai qua gần chỗ chú, Mai nhìn chú với vẻ mặt bình thản lạnh lùng. Sự bình thản tới rợn người. Chú cảm được đó là cái nhìn tuyệt vọng trước sự bất động của chú, trước cái hèn của chú. Khi hải tặc cắt dây tàu, mở máy lướt đi thì chú mới chợt tỉnh là đã quá trễ để ân hận. Tại sao chú không dám liều mạng để chết như những người đã chết? Tại sao khi Như Mai đi ngang trước mặt, chú đã không lao ra kéo Mai nhảy xuống biển? Chú hèn để tìm cái sống, nhưng sống như thế để làm gì? Trên 20 năm qua, câu hỏi “Sống để làm gì” đã là một chứng nhân luôn nói với chú về cái hèn khiếp nhược của mình và chú đã xấu hổ, ân hận về cái hèn này. Từ đó, chú đã không dám nghĩ đến tình ái, đến những cái đẹp, vì nghĩ đến làm gì nữa khi mình không dám sống với nó – Ông nhìn lên bức ảnh Biển Động: Ngày đó, chú đã không dám chết để lỡ một cơ hội cùng chết với Như Mai. Cơ hội đó không còn nữa, nên chú coi như mình đã chết… Như Mai đã đi vào chân trời kia… Chú cầu mong nàng đã chết để thoát nợ đời, nợ nhan sắc và xin nàng tha thứ cho một người đàn ông hèn, chỉ biết nói mà không biết sống…, Biết chết đúng lúc cũng là biết sống.
Ông ngừng lại, uống cạn ly rượu, rồi nói:
– Đó là câu chuyện Lan muốn biết. Thôi khuya rồi, đi ngủ đi.
Nhìn lên bức ảnh Biển Động một lúc, rồi ông đi lại chiếc piano. Hai bàn tay lướt nhẹ tìm âm thanh của Serenade. Nhưng khi âm thanh lên tới độ cao nhất thì ông đập tay vào bàn phím, đứng dậy đi về phòng.
***
Lan đứng nhìn qua cửa sổ. Tấm thảm tuyết phản chiếu ánh đèn đường thành một màu sáng lấp lánh, soi tỏ màn tuyết mờ mịt trong sân. Ngoài phòng khách, dương cầm vang lên khúc Serenade. Nàng đang nhập vào âm thanh để cho lòng dịu lại thì một hợp âm bùng lên phá vỡ âm thanh rồi im bặt. Lan sao động trước vết thương của ông Bình. Từ tuần sau thì nàng sẽ không còn thấy ông ngồi với ly rượu hay ngồi trước chiếc dương cầm. Nghĩ đến thảm kịch của ông nàng ứa nước mắt. Một mình trong ngôi nhà cổ, bên một nghĩa địa, sống với 2 bức ảnh và chiếc dương cầm cho tới chết. Bốn tháng sống chung, nàng thương và sợ sự cô độc của ông, nhưng ông giữ nguyên một cung cách coi nàng như cháu, đôi lúc quá xa cách tới độ nàng cảm thấy như ông không nhìn thấy nàng trong ngôi nhà này. Mấy lần hát cho ông nghe, đứng bên ông, mong ông ngước lên để nhìn mắt nàng lúc đó, nhưng chỉ thấy hai bàn tay ông nhanh, chậm chạy trên bàn phím, và cuối cùng ngước lên cười, cầm tay Lan với mấy lời: Cám ơn Lan. Đã bao lần nàng đã biểu lộ bằng mắt và bằng phục sức cho ông thấy là nàng thương ông và muốn cho ông hết trước khi đi, nhưng ông thản nhiên xa cách với ly rượu hay tiếng đàn. Nàng không hiểu tại sao như thế, vì ông với nàng đâu có bức thành luân lý đạo đức gì để phân cách giữa hai người. Đến đêm nay thì nàng hiểu, thảm kịch nội tâm của ông đã là bức thành ngăn cách ấy. Từ đó, Lan có một ước muốn kéo ông ra khỏi tấn thảm kịch.
Lan ngồi xuống chiếc ghế bành ở cạnh tường, suy nghĩ một lúc rồi đứng dậy đi sang phòng ông. Khi Lan đẩy cửa bước vào, ông nằm trên giường nhìn ra, rồi ngồi dậy:
– Lan còn muốn hỏi điều gì nữa?
Lan đến bên giường, ngồi xuống trước ông:
– Lan không hỏi chú điều gì nữa mà muốn gánh bớt tấn thảm kịch của chú bằng hồn và thân thể của Lan. Đời người ngắn lắm, mươi, mười lăm năm nữa chú thành ông già và Lan cũng bắt đầu đi vào tuổi già. Đã không chết được thì phải sống. Tại sao để phí thời gian của nguồn sống ngắn ngủi ấy – Nàng nhìn vào mắt ông trong ánh đèn ngủ: Chú sống cô độc với 2 bức ảnh và đàn Bài Thơ Hoa Đào để gọi hồn Như Mai chừng đó thời gian là đã quá đủ. Lan sẽ thay Như Mai hát chú nghe, đưa tay đón chú về và khoác tay chú đi trên bờ hồ những ngày lộng gió – Nàng vuốt hai bàn tay vào hai má ông – Những ngày mưa bão, những đêm bão tuyết chú sẽ nghe tiếng Lan hát chớ không chỉ có tiếng dương cầm, sẽ thấy Lan đi lại với tiếng cười chớ không còn sự cô tịch của ngôi nhà cổ với tuyết lạnh bên ngoài, sẽ thấy Lan là người thật với mái tóc dài đứng bên dương cầm chớ không phải là bức ảnh hong tóc vô tri bất động đã chiếm hết cuộc đời của chú – Nàng vòng tay ôm cổ ông – Người ta nói: Thời gian hàn gắn mọi vết thương, nhưng thời gian đã bất lực với chú, vì thế Lan sẽ thay thời gian xóa mờ vết thương cho chú. Lan kính trọng và thương chú – nàng buông cổ ông, nằm bật ra trên nệm trắng – Sao lại phải sống khổ như thế, tỉnh lại đi, thân thể Lan đây – Cùng với lời nói, nàng dướn người kéo váy lên đến tận cổ.
Dưới ánh đèn ngủ, ông Bình nhìn hai đùi trắng mở rộng… mắt mờ dần theo cơn bão đang nổi lên… và Như Mai trong chiếc áo tả tơi vừa bước vừa nhìn ông dưới bầu trời đỏ ối… Ông mở mắt lớn nhìn lên rồi xuống giường, nhìn hai mắt Lan, môi run run: Cám ơn Lan, cám ơn chân tình của Lan, nhưng đã bao nhiêu năm… Không nói được hết lời, ông bước ra khỏi phòng. Chừng 10 phút sau, Lan nghe tiếng dương cầm với Serenade, Clair de Lune, rồi Bài Thơ Hoa Đào, Ai Lên Xứ Hoa Đào… Nàng ngồi dậy nhìn hai đùi mình, rồi để nguyên chiếc váy mỏng quấn quanh cổ, nằm sấp lại, vùi mặt vào gối và cảm được là tiếng đàn đang đưa nàng về một nơi bình an.
***
Ông Bình đang uống trà thì Lan trong chiếc robe màu xanh lợt, tóc xõa phủ vai từ trong phòng bước ra, đến ngồi bên ông:
– Chú, Lan vừa gọi điện thoại báo cho John biết là Lan xin hủy vụ làm giấy tờ kết hôn ngày mai.
Bỏ tách trà xuống bàn, ông Bình ngạc nhiên:
– Tại sao vậy? Mất bao nhiêu thời gian vất vả, rồi bỗng chốc bỏ đi.
Lan nhìn vào mắt ông:
– Lan không thể xa chú, không thể để chú sống một mình trong ngôi nhà này.
– Cám ơn Lan. Còn John nói sao?
– Anh ấy nói là không hiểu tại sao vì trên một năm tìm hiểu, hứa hẹn, rồi tới ngày cuối cùng thì bỏ. Lan trả lời là cám ơn John đã đáp ứng việc Lan đi tìm chồng với tình cảm chân thật. Nhưng sau những đêm tra vấn lại mình, Lan mới nhận rõ là Lan cần một người chồng Việt Nam, và xin John tha thứ cho việc đã làm xúc phạm tình cảm của John – Lan chờ ông lên tiếng, nhưng ông vẫn trầm ngâm, nên nói: Tại sao Lan lại ngớ ngẩn như vậy. Đã tới được một nơi yên ấm để trú ẩn lại còn muốn đi đâu. Lan ở lại đây với tiếng đàn để phá vỡ sự yên lặng của ngôi nhà này. Không đi đâu nữa.
Ông Bình đặt tay vào má Lan:
– Không muốn đi thì ở đây với chú.
Lan choàng tay, gục mặt vào lòng ông, khóc oà. Ông yên lặng nhìn hai bờ vai Lan rung lên từng hồi, rồi nước mắt trào ra, từng giọt nhỏ xuống mái tóc dài phủ kín đôi vai. Khi bờ vai Lan bớt rung, ông lấy tay áo chùi mặt, nhìn ra ngoài trời. Tuyết vẫn đang rơi.
Chu Tấn