Chúng tôi được cơ duyên trường Đại học Gautam Buddha University mời thuyết giảng với đề tài Đem Chân Thiện Mỹ qua Hình thức Chánh Niệm đến với Giáo viên, Học sinh và Học đường trong Hội nghị quốc tế về “Phật giáo: Các truyền thống, tư tưởng và bất đồng” từ ngày 7-9 tháng 9 năm 2017 tại Đại học Gautam Buddha. Trong dịp này chúng tôi có cơ duyên làm quên với một số Tăng Ni Việt Nam đang du học tại trường Đại học này. Chúng tôi có nhã ý mời quý Thầy Cô đi thăm viếng những thánh tích Phật Giáo nơi này, thế là sau buổi chia sẻ của mình. Chúng tôi được thuận duyên đi thăm Dharamsala, xứ sở của người Tây Tạng tỵ nạn tại Ấn Độ mà Ngài Dalai Lama, người đã định cư ở đây từ năm 1959 khi phải ly hương cố Quốc.
Từ ký túc xá của Đại học Gautam Buddha, Thầy Nhật Hoà thuê một chiếc xe Uber để đến trạm xe Buýt để đi Dharamsala. Chúng tôi được hân hạnh và diễm phúc được đi cùng với Thầy Đồng Lai, Thầy Nhật Hoá, Sư Cô Thích Nữ Phước Tuệ, Sư Cô Thích Nữ Minh Thức và dĩ nhiên là chúng tôi rất tiếc Sư cô Thích Nữ Liên Trúc không thể đi cùng. Chiếc xe Uber từ từ rời ký túc xá; đúng giờ cao điểm, nên bị kẹt xe như những thành phố lớn khác trên thế giới. Tôi tưởng giao thông ở New York và LA kinh hồn rồi, ở đây còn kinh khiếp hơn nữa vì ai nấy chen chúc dành đường mà đi. Nó từa tựa như ở Việt Nam vậy, nhưng thay vì xe honda thì ở Ấn Độ toàn là xe hơi và đủ loại xe cộ khác. Tới nơi thì cũng đã chạm tối, bãi xe đông người chen chúc và dơ bẩn. Chúng tôi cũng tìm đến được chuyến xe Bus luxury theo những tấm vé mà Thầy Nhật Hoà đã mua trên mạng để đi Dharamsala. Trên chiếc xe du lịch cấp cao này, đa phần là khách du lịch thập phương, Đông Tây đầy đủ–có cả một cặp tình nhân đến từ Do Thái.
Từ New Delhi đến Dharamsala tốn khoảng 10 tiếng đồng hồ. Chúng tôi lên xe lúc 6:30 và 7:00 tối thì họ rời bến. Xa dần những đường phố đông đúc và bụi bặm của New Delhi, vừa ra thủ phủ hoàng hôn cũng vừa tắt, nhưng khung cảnh ngoại ô thanh bình và im ả. Đường xá ngoại thành và không gian cũng giống như ở Việt Nam, buồn và tẻ nhạc. Thấp thoáng những quán cóc bên đường. Xe chạy tới tấp qua những làng mạc nhỏ hẻo lánh và chúng tôi cũng thiếp dần trong giấc ngủ. Hơn 3 giờ sau, thì chúng tôi vừa tỉnh giấc để được nghỉ ngơi và dùng cơm tối trước khi tiếp tục. Tự nhiên trong đầu, mình mường tược là sẽ có những cái quán nhỏ như bên Việt Nam vậy; nhưng không, đây là một nơi nghỉ thoáng mát và sang trọng. Xuống xe thì có nhạc Ấn Độ mở to như nhạc Mễ Tây Cơ, tự nhiên cũng hết buồn ngủ luôn. Ở đây, người ta bán quán, quà lưu niệm và thức ăn v.v… như các nước Tây phương. Chúng tôi chọn một nhà hàng yên lặng vào ăn để vơi đi tiếng nhạc. Ở Ấn Độ, đa phần thức ăn là những món chay thuần tuý, ít có thịt như những nơi khác. Nên rất hợp vị, chỉ có điều là họ không có đậu hủ như ở nước ta.
Sau khi buổi cơm chay thanh tịnh và đạm bạc. Chúng tôi chơi với nhau vài trò chơi nhỏ của Gia đình Phật tử trước khi lên xe. Đâu đó pha lẫn tiếng cười trong điệu nhạc phấn khởi ở xứ Ấn. Hành trình 6 tiếng đồng hồ kế tiếp trong đêm khuya nên chúng tôi cũng chập chờn trong giấc ngủ.
Trời đã sáng thì xe cũng đang trên con đèo quanh co. Nhìn xuống là thấy những hố xấu, cảnh vậy xanh um tùm và không khí thì dễ chịu. Mới đó, mà xe cũng đã đến thị trấn DHARAMSALA. Sau đó chúng tôi đến với nơi Ngài Đạt Lai Lạt Ma thường trú, rất tiếc là hôm đó Ngài phải đi Âu Châu để giảng pháp. Ngồi chờ phái đoàn Thầy đi qua là lòng cũng hoan hỷ. Nếu được vào diện kiến Ngài và được Ngài thuyết giảng, tôi tin chắc là Ngài cũng ngắn nhủ cho mình và hàng Phật tử Việt Nam như những lời của anh Tâm Diệu viết trong Bài Pháp Tuyệt Vời Của Đức Đạt Lai Lạt Ma Dành Cho Phật Tử Việt Nam Trên Đỉnh Dharamsala như sau:
Khoảng 12 giờ trưa, Ngài ra trước dinh đón gặp và tự tay trao tặng cho từng người, mỗi người một bức hình tôn trượng đức Phật thờ tại Đại tháp Bồ Đề Đạo Tràng. Sau đó chụp hình chung lưu niệm với từng nhóm trong đoàn do đoàn quá đông, và cuối cùng ngài nói một bài pháp ngắn khoảng năm phút.
Sau lời chào mừng ngắn gọn với đoàn Phật tử Việt Nam, ngài nói ngay rằng: “Đức Phật không phải là đấng tạo hóa (Creator). Ngài là một con người bình thường, đã tu hành và đã giác ngộ viên mãn, và đối với đạo Phật, mọi sự mọi vật đều do nhân duyên sinh khởi, do tác động của định luật nhân quả: “Law of Cause and Effect”. Ngài nói tiếp rằng “muốn đạt được hạnh phúc chân thật thì cần phải có một tinh thần an lạc, và muốn có tinh thần an lạc, cần phải có tình thương và lòng từ bi (love and compassion)[1], làm sao để chúng ta phát triển được tình thương và lòng từ? Chỉ nghĩ đến cũng chưa đủ, chúng ta cần phải làm sao để chuyển hóa tâm niệm và hành động của mình trong đời sống hàng ngày. Chìa khóa cho một thế giới hòa bình, hạnh phúc và an lạc bản thân chính là phát triển tình thương và lòng từ bi.” Ngài cũng nhắc nhở “mỗi người chúng ta đều có Phật tánh và cần nỗ lực thực hành để trờ thành vị giác ngộ như Phật đã thành”. Ngài cũng không quên nhắc nhở Phật tử Việt Nam“nên đọc và thực hành kinh Đại Bát Nhã (Mahà Prajnàpàramità Sùtra), nhất là những phẩm nói về Từ Bi, Trí Tuệ, Ba La Mật Đa (paramitas) và Tánh Không (emptiness)…”
Về với cái nôi của người Tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn Độ, lòng mình chùn xuống và những nói năng hay suy nghĩ mông lung bổng trở thành vô nghĩa. Thôi thì, chúng tôi đã ngồi yên, tĩnh lặng và quán chiếu.
NGỒI ĐÂY ĐẤT TỊNH
Ngồi thiền trên mãnh đất thiêng
Nghe đâu vạt nắng nghiêng nghiêng vô thường
Vai tròn còn đọng hạt sương
Hơi đều thở nhẹ tỏa hương ngát lòng
Để rồi, chúng tôi thấy được rằng, mọi thứ rồi cũng sẽ qua đi. Cái còn lại là gì nhỉ? Thôi thì uống nước, nóng lạnh tự biết vậy. Xin kính mời quý vị, đến DHARAMSALA thăm một lần trong đời cho biết. Chúng tôi xin kết chúc bằng bài thơ này.
KHÔNG KHÔNG – SUNYATA SUNYATA
Tưởng rằng cõi có là không
Cõi không là có có-không bạt ngàn
Bây chừ sông núi rõ ràng
An vui tự tại buộc ràng chi mô!
Kính chúc tất cả chúng ta luôn bình an trong sáu thời, ba cõi. Xin chia sẻ một số ảnh chụp trong khuôn viên tư dinh của Đức Đạt Lai Lạt Mavà thị trấn DHARAMSALA
Bạch Xuân Phẻ — Tâm Thường Định
Tham khảo / Reference:
1. Tâm Diệu, (2015). Bài Pháp Tuyệt Vời Của Đức Đạt Lai Lạt Ma Dành Cho Phật Tử Việt Nam Trên Đỉnh Dharamsala. Tải xuống từhttps://thuvienhoasen.org/a9575/bai-phap-cua-duc-dat-lai-lat-ma-danh-cho-phat-tu-viet-nam
One Comment
Tân Khương
Đức Đạt Ma khuyên Phật tử Việt Nam“nên đọc và thực hành kinh Đại Bát Nhã (Mahà Prajnàpàramità Sùtra), nhất là những phẩm nói về Từ Bi, Trí Tuệ, Ba La Mật Đa (paramitas) và Tánh Không (emptiness)…”
Từ xa xưa cho tới nay Ba La Bát Nhã Mật Đa Tâm King và nhiều bài kinh kệ khác được Phật Tử VN tụng thường nhật bằng âm Hán từ, không phải tiếng Việt cũng chẳng phải Tầu thì làm sao hiểu Phật dạy gì mà thực hành. Thắc mắc này đã được nêu lên với vài vị sư và cư sĩ, câu trả lời là đọc riết rồi sẽ hiểu. Mẹ tôi đã thuộc nằm lòng một số bài kinh phiên âm Hán nhưng hỏi bà có hiểu không thì bà nói Phật hiểu là được rồi.