Hiến Pháp 1992 Và Cách Sử Dụng Bất Chánh Của Nhà Cầm Quyền Việt Nam Đang Tạo Cuộc Cách Mang Bất Tuân Dân Sự Ngày Nay
Chiếc áo không làm thầy tu – L’habit ne fait pas le moine – (Tục ngữ dân gian)
A. Thượng bất chánh: Áp dụng Luật tùy tiện, bất chánh
Hiến pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 viết :
– Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà Nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả Nhà nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan Nhà Nước, biểu quyết khi Nhà Nước trưng cầu dân ý ’
– Thư tín điện thoại điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật
– Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa Án để có hiệu lực pháp luật’
Tôi đọc những điều trên đây không phải của một bản Hiến Pháp Đức, Pháp hay Mỹ hoặc của một nước tân tiến nào khác mà đó là những điều số 53, 73 và 72 của bản Hiến Pháp 1992 của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Và bản Hiến Pháp Việt Nam cũng nói rất nhiều bảo đảm, nói rất nhiều về các quyền của công dân. Đìều số 74 : ‘Công dân có quyền khiếu nại, có quyền tố cáo với cơ quan Nhà Nước’.
Đó là nói về Hiến Pháp tức là muốn nói đến bộ luật cao nhứt nước, còn nói về Đảng ?
Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nêu lên rằng: ‘ Đối với những vấn đề lớn và đặc biệt quan trọng của Đất nước cần có những hình thức thích hợp để nhơn dân có ý kiến và tham gia bàn luận bảo đảm để nhơn dân có thể thẳng thắn đóng góp. Khuyến khích trao đổi, tranh luận với tinh thần xây dựng về những vấn đề có ý kiến khác nhau, tránh chụp mũ áp đặt’.
Nhưng tại sao ở Việt Nam, lúc nào Đảng cũng sẳn sàng chụp cho cái mũ ‘phản’, cái mũ ‘chống’, cái mũ ‘phản động’, cái mũ ‘phản Đảng’, ‘phản chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam’, cụ thể như vừa qua, chỉ nói chuyện gần đây thôi:
– một Dự luật Đặc khu Kinh tế không thông qua ý kiến người công dân, nên người dân từ ngày 10 tháng 6 đã liên tục xuống đường biểu tình tỏ thái độ chống đối và Nhà Nước cho Công An đàn áp, trái với tinh thần tự do khiếu nại, tự do không đồng ý, tự do tham gia .. nêu trong Hiến Pháp 92.
– và tung ra một Luật An Ninh Mạng để kiểm soát thông tin, và truyền thông kiểm soát mạng internet, trái với những tuyên bố về tự do ngôn luận đã được nêu của Hiến Pháp 92 !
– vào tháng Giêng năm nay, 2018 trước Quốc Hội và đông đảo nhà báo, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Hà nội, người đứng đầu Nước và Nhà Nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu thẳng thừng, hăm dọa : ‘Những đảng viên nào đòi đa nguyên, đa đảng, trừ bỏ Xã hội Chủ nghĩa, đòi th ực hiện Tam quyền Phân lập là lạc hậu, bị tác động của bọn phản động, cần phải bị khai trừ ra khỏi Đảng’
– và cũng trong tháng 7 vừa qua nầy, cũng trong năm nay 2018, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Hà nội nhà ta Nguyễn Phú Trọng cũng điên tiết nghiến răng nhắc nhở : ‘ Những kẻ đòi dân chủ đa nguyên, từ bỏ Xã hội Chủ nghĩa, đòi Tam quyền Phân lập .. đều là bọn bất hảo (tóm lại, là gian manh, trộm cướp, lừa bịp, đĩ điếm, lưu manh)!
Thật là một sỉ nhục đối với các dân, quân, cán, chánh của Nhà Nước Việt Nam để tay Lãnh đạo một Đảng, dù là Đảng cầm quyền đi nữa, lớn tiếng, lớn họng, cửa quyền, hăm he, chưởi mắng những viên chức phục vụ Nhà Nước.
Mới tháng giêng Nguyễn Phú Trọng chỉ hù đuổi ra khỏi Đảng thôi, nhưng qua tháng 7, các quan, viên chức nói trên đã .. đã biến thành thành phần lưu manh, trộm cướp .. bất hảo của một quốc gia ! Là ‘Đồ’ hết thuốc chửa phải vứt bỏ !
Ấy là chưa kể điều 80 của bộ Hình Sự dễ dàng ghép cho tất cả những ai có tư tưởng bàn luận khác với tư tưởng của chế độ, với cái tội ‘gián điệp’ chết người.
Thế là, năm xưa, Nguyễn Khắc Toàn một cựu chiến binh biến thành gián điệp. Thế là Phạm Hoàng Sơn biến thành gián điệp khi dịch tài liệu ‘ Thế nào là Dân Chủ’ tên mạng Internet.
Rồi nào những Nguyễn Đan Quế, Phạm Quế Dương, rồi Trần Khuê, Nguyễn Vũ Bình .. tất cả đêù là gián điệp. Gián điệp, gián điệp và gián điệp ! Gián đìệp mà quá ngu, quá dốt ! Gián điệp gì mà không giữ bí mật. Gián điệp gì mà lại ký tên thật.
Rồi đến các bloggers, như Điếu cày … rồi đến các nhạc sĩ như Việt Khang, ở tù vì làm nhạc yêu nước, ca bài chống Trung quốc xâm lược Việt Nam.
Và nay tất cả những ai đi biểu tình chống Trung Cộng, chống Luật Đặc Khu, chống Luật An Ninh cũng đã bị bắt, bị đánh đập, .. bị ở tù … Và tin giờ chót, ngày hôm qua thứ năm 09 tháng 08, năm nay 2018, Huỳnh Thục Vy tại Buôn Hồ Tỉnh ĐặK Lắk !
Trong khi ấy thuyền ‘lạ’, ‘tàu lạ’ — không dám nói là tàu thuyền Trung Cộng — xâm phạm lãnh hải, cấm không cho ngư dân Việt Nam ra khơi đánh cá làm ăn, thậm chí bắn chìm tàu ngư dân Việt Nam nhưng báo chí Đảng vẫn im thin thít.
Và nhiều chuyện nữa…
Chiếu Hiến Pháp 1992, dân Việt Nam có đủ mọi quyền công dân, hưởng đủ mọi nhơn quyền nhưng thực tế, tất cả những gì Nhà Nước KHÔNG ĐỒNG Ý là có tôi.
Tóm lại, tội lớn nhứt là tội không ĐỒNG Ý với Nhà Nước.
Thật là Hiến Pháp nói một, Nghị quyết Đảng cũng nói một, nhưng áp dụng thực tế lại là HAI.
Có phải đó là một ‘ sự cố’ ( hay ‘trục trặc kỹ thuật’ nói theo định nghĩa thông thường) trong tinh thần Dân chủ của bản Hiến Pháp 1992 của nước Việt Nam Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa? Luật pháp trình bày đường lối Nhà nước Việt Nam, nhưng trên thực tế chỉ là một quầy bầy hàng chưng hình đẹp nhằm lừa bịp dư luận thế giới mà thôi.
1. Hiến Pháp và Nhà Nước Pháp Tri
Phải, từ ngày nhà cầm quyền Cộng Sản Hà nội bắt đầu áp dụng Chánh sách ‘ Đổi mới’ (vào cuối năm 1986) đi song song với cởi mở kinh tế tư bản thị trường mà Hiến Pháp ngày 15-04-1992 đã chánh thức đề cao, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bắt đầu được dư luận thế giới chú ý và công nhận có tiến bộ trên mặt kinh doanh (vì đã bỏ thế cô lập với các nước ngoài, và nhờ đó được giới tư bản âu mỹ giúp đở làm ăn).
Có tự do kinh tế nhưng không giải thoát cởi mở đường lối chánh trị. Tại sao ? Đây là nút thắt !
Chỉ vì SỢ, vì phải đề phòng, vì phải ngờ vực ! Quá SỢ Dân, nên ngừa sự nổi dậy của một số ngưới có suy nghĩ ! có thắc mắc ! SỢ gì ? Sợ Mất Đảng!
Cũng do cái SỢ đó, nên Đảng Cộng Sản đương quyền và Nhà Nước, bèn tuyên bố thành lập một Nhà nước Pháp Quyền, mà các bạn Luật học quốc tế vội vã dịch ra là Etat de Droit (Theo từ ngữ Pháp). Thật là một sự ngộ nhận, sai lầm to!
Về mặt Luật Học, État de Droit, chúng tôi dịch là Nhà nước Pháp trị. Pháp trị tức là cai trị, quản lý chánh quyền bằng Luật Pháp, tôn trọng những quy phạm, quy luật, tôn trọng các quyền làm Người của người dân, Nhơn quyền, chứ không bằng quyền lực do những thế lực của một đoàn thể chánh trị dùng sức mạnh áp đặt lên xã hội.
Pháp trị là một hệ thống pháp lý dân chủ để quản trị xã hội bằng những văn kiện Luật Pháp.
Trái lại, khi tuyên bố Nhà Nước Việt Nam là một Nhà Nước Pháp Quyền Xã Hội Chủ Nghĩa, Nhà Nước Việt Nam đã đặt toàn bộ Luật Pháp dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng Sản. Họ đã cướp lấy quyền làm Luật của Nhà Nước tức là quyền của những công dân để làm những luật do họ tự đặt ra để cầm quyền. (Chẳng khác lúc xưa vào thế kỷ thứ XVI, ông Vua Louis thứ XIV trong chế độ Quân chủ độc tài đã tuyên bố “Nhà Nước là ta, Luật là ta” (L’État c’est moi, le Droit, c’est moi)
Khi họ tuyên bố ‘bản Hiến Pháp Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực Pháp lý cao nhứt. Mọi văn bản pháp luật phải phù hợp với Hiến Pháp ( Điều 146).
Thế nhưng Đìều 4 cũng của Hiến Pháp nầy lại tuyên bố rằng ‘ .. Đảng CS VN theo chủ nghĩa Mác Lê Nin.. là lực lượng lãnh đạo Nhà Nước và xã hội.’ Với một Điều 4 như thế kia thì Nhà nước Pháp Trị không thể xây dựng được, vì Nhà Nước phải tuân lệnh Đảng.
Vị Chủ tịch Nhà Nước, mặc dù là người giữ chức vụ tối cao, đứng đầu Nhà Nước, cũng phải vâng theo quyền chỉ huy của Đảng. Nhà nước Pháp Quyền do nhà cầm quyền Hà Nội tuyên bố chỉ là Nhà nước xử dụng quyền lực của Đảng Cộng sản cầm quyền, như vậy Pháp Quyền phải được hiểu là Đảng Quyền.
2. Hiến Pháp và Dân Chủ
– Điều 2 của Hiến Pháp 1992 cho biết rằng Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Dân, vì Dân (và do Dân) ( chiếu lời tuyên bố của ông Abraham Lincoln, nhà ái quốc Huêkỳ vào thời lập quốc của nước ấy và cũng là một tổng thống của nước ấy?).
– Nhưng khi Điều 4 cũng của bản Hiến Pháp ấy tuyên bố: “… Đảng Cộng Sản VN là lực lượng lãnh đạo ..” đã huỷ bỏ ngay nguyên tắc của Điều 2 và Nhà Nước của Dân .. vì Nhà nước đã bị đặt dưới quyền điều khiển của Đảng, và dân không có quyền kiểm soát Nhà nước.
Như vậy dân tộc Việt Nam có chủ quyền trong khuôn khổ của bản Hiến Pháp 1992 hay không ? Dỉ nhiên là không. Vì nếu Hiến Pháp 1992 nêu cao chủ quyền Nhà Nước (Những Điều số 1 và số 2) thì Nhà Nước lại đặt dưới quyền chủ quyền của Đảng Cộng Sản (Điều 4).
Sau khi dẫn chứng bằng những điều lệ văn bản, chúng ta thử nhìn xem những vụ giam giữ dẫn đến ‘vi phạm nhơn quyền’. Nhớ năm xưa, Ông Vũ Chí Công, đại sứ của Hà nội tại Úc, tháng giêng năm 2001, đã giải thích cho một dân biểu nước nầy đại ý rằng ‘chiếu Hiến Pháp 1992, mọi công dân Việt Nam của chế độ Hà nội, dù theo hay không theo một tôn giáo nào, đều được hưởng các quyền công dân của mình. Tuy nhiên phải tôn trọng luật pháp quốc gia .. vì vậy, ở Việt Nam, không có đàn áp tôn giáo, chỉ có những giam giữ những cá nhơn có hành vi bất hợp pháp thôi’ ! Một ông Thủ Tướng của Việt Nam Cộng Sản xưa kia, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã tuyên bố rằng ở Việt Nam ngày nay (thời của ông Phan Văn Khải) không có tù nhơn chánh trị ! Nếu có những tu sĩ bị giam là tại họ đã vi phạm luật pháp Việt Nam thế thôi ! (hình sự). Cũng thời gian ấy, người ta cũng đọc thấy trên báo Times Asia, ấn bản ngày 23-1-2002, trong khuôn khổ một cuộc phỏng vấn của ký giả Katy Jonhson, câu trả lời rất đơn giản và chắc nịch của Tổng Bí thơ Nông Đức Mạnh rằng ‘ Ở Việt Nam Không có tù nhơn chánh trị, không ai bị bắt giữ, không ai bị bỏ tù vì lời phát biểu hay quan điểm của mình cả ’. Tóm lại, theo Nông Đức Mạnh, tức là trên quan điểm chánh thức, ở Việt Nam dứt khoác là không có vi phạm Nhơn quyền .
Do đó, chúng ta tạm kết luận rằng, vì những hành vi của Nhà cầm quyền Cộng Sản Hà nội bị dư luận thế giới coi là phi pháp, vì tính chất vi phạm nhơn quyền của chúng, thì Nhà cầm quyền Hà nội lại bố trí pháp luật của mình để hợp pháp hóa chúng bằng cách quay lại phi pháp hóa nhơn quyền của những nạn nhơn.
3. Hiến Pháp và (Vi phạm) Nhơn Quyền
Tình trạng vi phạm Nhơn quyền tại Việt Nam ta ngày nay thì ai ai cũng biết rồi. Nhưng chúng ta có thể tóm tắt lại vi phạm Nhơn Quyền là sản phẩm tất nhiên giữa chánh trị nội bộ một quốc gia và công pháp quốc tế. Lúc xưa, khi Hà nội đóng cửa hay khối Cộng Sản nói chung đóng cửa thì không ai nói đến vi phạm Nhơn quyền. Nhưng vì ngày nay khi đã chấp thuận mở cửa, thì mới nghe nói đến vi phạm Nhơn quyền ở Việt Nam.
Chính vì thế, cho nên Hà nội, để áp đặt độc quyền cai trị của mình, có thể tự cho mình quyền định nghĩa lại khái niệm vi phạm Nhơn quyền, bằng cách
– bên ngoài công bố Hiến Pháp, làm mặt hàng phô trương Nhơn quyền hình thức rập khuôn theo qui phạm quốc tế.
– nhưng bên trong, dùng luật thực định – droit positif (Nhà nước Pháp quyền mà !) rút hết Nhơn quyền nội dung, căn bản, để tạo ra một môi trường xã hội thực tế phi nhơn quyền-phi dân chủ.
Mỗi khi bị chỉ trích đàn áp nhơn quyền, nhà cầm quyền Hà nội lập tức viện dẫn Hiến Pháp và Pháp luật hiện hành để chống cải rằng không có đàn áp nhơn quyền mà chỉ áp dụng pháp luật.
Tóm lại, Hiến Pháp và Pháp luật ấy là tấm bình phong che dấu đàn áp Nhơn quyền của chế độ Cộng Sản Hà nội.
Hay nói một cách tổng quát Hiến Pháp và Luật pháp ấy là nguồn gốc của chánh sách nhơn quyền mà thưc chất là đàn áp. Nếu được diển tả theo ngôn ngữ Luật học với chỉ trích nầy phải nói THẬT rằng ‘Nhà cầm quyền Hà nội đã có nhiều hành vi trái luật quốc tế về Nhơn quyền.’
Thứ nhứt Hiến Pháp 1992 đã dành một chương, Chương V với 32 điều để quy định lại các Nhơn quyền mà Hiến chương Quốc tế về Nhơn quyền đã xác định. Nhà cầm quyền Hà nội phải có nghĩa vụ hội nhập một cách trung thực vào luật quốc gia, nhưng lại bị họ xào nấu lại để trở thành một nội dung mới, trái ngược hẳn với nội dung của nguyên bản.
Tất cả những Quyền tự nhiên khi con người sanh ra đã có, mà Hiến Chương Quốc tế tuyên cáo và biến thành hệ thống, đêù biến dạng ở Việt Nam để nhường chổ cho những Nhơn quyền mới, nay đổi thành quyền của ‘công dân’, nghĩa là không phải quyền của con người – của mỗi người riêng biệt nữa – mà là quyền của con người thuộc chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hoàn toàn do Hiến Pháp và Luật quy định, (chiếu điều 50 của Hiến Pháp 1992)!
Tóm lại, chế độ ban cho quyền nào, nhiều hay ít, giả hay thật, tạm thời hay vĩnh viễn v.. v .. tất cả đêù tùy thuộc vào chế độ và đêù phải chịu điều kiện của chế độ gọi là ‘nghĩa vụ’.
Để Kết Luận
Xin nhắc lại Nghị quyết Đảng và lời Tổng Bí Thơ cũng vào tháng Giêng năm 2018 rằng:
– Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau
– Đối với những vấn đề lớn và đăc biệt quan trọng của đất nước, cần có những hình thức thích hợp để nhơn dân thẳng thắng bày tỏ được ý kiến . bảo đảm để nhơn dân có thể thẳng thắn bày tỏ được ý kiến đóng góp. Khuyến khích trao đổi, tranh luận với tinh thần xây dựng về những vấn đề có ý kiến khác nhau, tránh chụp mũ áp đặt
– Chúng ta cần làm rất nhiều để các điểm tương đồng ngày càng được phát huy và nhân lên, những điểm còn khác nhau càng ngày càng được giảm thiểu (ngưng trích)
– Lời nói phải đi đôi với việc làm. Pháp trị tức Luật trị là tinh thần pháp luật trong Hiến pháp phải được tôn trọng.
– Có tôn trọng tinh thần pháp luật hiến định mới gọi là Pháp trị.
– Phải trả lại cho người dân những quyền tự nhiên của con người, một bản Hiến Pháp dân chủ phải nêu cao sự tôn trọng Nhơn quyền.
– Quyền con người là của con người không ai ban cho họ cả.
– Hãy trả lại cho họ, không thì một ngày nào đó họ sẽ nổi dậy và lấy lại tất cả những quyền của họ.
Xin hẹn tuần sau: Bài 2
B. Hạ phải bất tuân: quyền nổi dậy, tổ chức bất tuân dân sự
TS.Phan Văn Song
Tháng 7 2003
Cập nhựt lại tháng 08 2018 vì đã15 năm rồi, vẫn còn thời sự