Tuần qua ở Paris, chúng tôi, ông nội cùng bà nội, túc trực cạnh con nhỏ cháu nội thứ hai, 20 tuổi, đang phục hồi sau cuộc giải phẩu tim mạch, tại bệnh viện Georges Pompidou. Cháu, vốn bị bẩm tật tim mạch từ mới lọt lòng, tuy sanh thiếu tháng – 6 tháng, chỉ nặng chưa đầy một ký lô, thế mà nhờ khoa học, sống được. Được giải phẩu lúc ba tháng để sửa ống, sửa tim, chữa bộ máy tuần hoàn, nên sống đầy đủ sức khỏe đến ngày nay. Nay cháu, 20 tuổi, phải sửa chữa định kỳ, thay ống thay van tim mạch trở lại. Ba mẹ cháu, công chuyện làm ăn xa, không thể có mặt. Thời khóa biểu nhà thương và bịnh tình không thể thay đổi. Chúng tôi, ông nội bà nội, hai cháu, chị hai và em tư của cháu, quay quần túc trực thay thế. Ba mẹ cháu, hai ngày sau, có mặt đầy đủ ! Khoa học ngày nay thần kỳ, mổ mở toang lồng ngực ngày thứ năm, thế mà thứ ba sau, đã rút ống truyền thuốc, và đã đi lại tới lui không cần nhờ ai cả, và qua ngày Chúa Nhựt, 10 ngày sau đã được xuất viện, về nhà và thứ hai sau nhập viện thể dục phục hồi ! Hoan hô nền khoa học âu mỹ ngày nay ! Và buồn cho người dân Việt Nam vẫn tiếp tục sống trong chậm tiến và lạc hậu !
Đang lúc ngồi không, cạnh cháu, bổng nghe tin ca sĩ Aznavour mất. Biết rằng đời người ngắn ngủi, ca sĩ cũng đã 94 tuổi rồi, nhưng mình vẫn buồn, Aznavour ra đi, mang theo một giòng đời, và cả một mảng trời đầy kỷ niệm, đầy nhớ nhung, một phần của quá khứ ! Tuổi trẻ cá nhơn thằng tui thật sự nay đã biến dần vào quên lảng…
Chỉ còn những bài hát …
Charles Aznavour, người ca sĩ với những bài ca bất hủ, một ca sĩ với những bài hát đã theo cạnh thằng tôi, đi chung cùng suốt những chặng đường đời, tình cảm của thằng tôi… Từ tuổi mới dậy thì, biết cảm xúc, yêu thầm, nhớ trộm, của những năm cuối trung học, 59/60 ở Dalat đã cận kề với bài hát Xin thề – Sur Ma Vie rồi – dù chỉ những cuộc tình viễn vông, loại « lòng tôi chôn một khối tình… (Sonnet d’Arvers dịch bởi Khái Hưng) – đến thời sanh viên nơi xứ Pháp, vương vấn với những lời ca của : Em thật quá bỏ bê – Tu te laisses aller, đầy trách móc, hoặc : Tôi đã tưởng thế rồi – Je me voyais déjà, đầy tưởng tượng mơ mộng hảo huyền với giấc mơ thành công, hay ám ảnh với lời ca của Một chuyện tình ở Trousse Chemise – Trousse Chemise, tả gần đúng tâm trạng cá nhơn với một chuyên tình thiệt, mà mình đang sống trong đau khổ, tương tư để rồi kết luận, với lời ca của : Tình Yêu là như một ngày đang trôi qua – L’amour c’est comme un jour, đầy triết lý trong cuộc sống hằng ngày. Và Nhớ ngày nào – Hier encore ? Tha thiết hoặc Ai – Qui ? Phách lối. Hay Và Anh đang ngồi trong góc tối – Et moi dans mon coin… ? Đầy than vản, khổ đau. Mỗi bài đều tả đúng, đều gặp đúng tâm hồn và thời điểm của tâm trạng người nghe, đúng thời đúng lúc, của tuổi trẻ chúng tôi, vui khi gặp tình yêu, hay buồn lúc thất tình, bị nàng bỏ …
Nhưng ngày nay, với tuổi già, mình cũng tự hỏi : tâm trạng gặp bài ca, hay bài ca gặp tâm trạng ?
Aznavour là một thiên tài… vượt cả số phận, mặc cảm. Gốc dân tỵ nạn, với một cái tên không giống Pháp, nhỏ con, xấu trai, thiếu thước tấc, lùn chỉ 1 thước 65, thế mà diễn viên màn ảnh, ca sĩ mà không có giọng, lên xuống chỉ 3 octaves, lại khàn nữa – (báo chí, thuở ấy, ngạo báng gọi chàng là l’enroué vers or – anh khàn đi tìm vàng, nhại câu la rouée vers l’or – cuộc chạy đua tìm vàng)… Nhưng nhờ ý chí, luôn luôn cố gắng, siêng năng miệt mài làm việc… và dĩ nhiên cũng nhờ sáng tạo, tánh tình dễ thương, khiêm nhường, quý đàn anh, nhường đàn em, nên được nhiều quới nhơn nghệ sĩ hay thương gia, thương và giúp đở ! Một gương sáng cho những người gốc tỵ nạn như người Việt chúng ta ngày nay !
Charles Aznavour
Shahnourh Varinag Aznavourian, sanh trong một nhà bảo sanh cho người nghèo, Nhà bảo sanh Tranier, số 89, đường Assas, quận 6, thành phố Paris, trong một gia đình nghệ sĩ nghèo gốc tỵ nạn, ngụ tại đường Monsieur le Prince. Người cha, tên Mamigon, tục danh Micha, cho dễ gọi, Aznavourian, nghệ sĩ, thuộc cộng đồng Arménie, ở xứ Géorgie – thuộc Liên Sô. Người mẹ, Knar Baghdassarian, lại thuộc gia đình khá giả thương mại của cộng đồng Arménie ở Thổ Nhỉ Kỳ. Hai người gặp nhau và thương nhau ở Constantinople, Thổ Nhỉ Kỳ. Micha, chàng đang biểu diễn trên sân khấu và nàng, Knar nhà báo chuyên nghiệp kịch ảnh, họ thương nhau và cưới nhau. Chàng 24 tuổi, nàng 18. Hai người đến Paris, ngụ tạm chờ visas đi Huê kỳ, lập nghiệp, chẳng may nàng đập bầu, cả hai kẹt lại Paris. Hôm sanh, vì nhơn viên hộ tịch viết không được tên Shahnourh hay Chahnour, vả lại tên nầy không có trong các tên Pháp, nên bèn viết tên thằng bé sơ sanh là Charles. Thế là Charles Aznavourian ! Sau nầy ca sĩ Charles Aznavour bất diệt ! (Wikipédia)
Nhớ Ngày Nào – Hier encore
Hier encore, j’avais vingt ans, je caressais le temps
J’ai joué de la vie
Comme on joue de l’amour et je vivais la nuit
Sans compter sur mes jours qui fuyaient dans le temps
J’ai fait tant de projets qui sont restés en l’air
J’ai fondé tant d’espoirs qui se sont envolés …
Nhớ ngày nào tôi vừa hai mươi tuổi,
Tôi giởn với thời gian, tôi chơi với cuộc đời
Như tôi đùa với tình yêu. Và tôi sống vào đêm
Quên hẳn buổi ban ngày, đang đi dần vào quá khứ
Tôi dệt chuyện thần tiên, tôi thêu bao mộng mơ bay dần vào ảo tưởng …
Bài hát Hier encore – Nhớ ngày nào của Charles Aznavour ám ảnh tôi, đeo đuổi mãi tôi từ ngày tôi về hưu. Thỉnh thoảng tôi lãi nhãi ngâm ca. Nhớ tuổi trẻ, nhớ ngày xưa, Sàigòn Hòn Ngọc Viễn Đông, Chợ Tân Định, Đất Hộ, Đakao của thuở thiếu thời. Dalat của những năm thiếu niên nội trú từ 1952 đến 1961, trường Thiếu Sinh Quân ở Cité des Pics-Sân Cù, hay các trường Lycées Yersin, tiểu học Petit Lycée ở cạnh Nhà Đèn và trung học Grand Lycée ở cạnh Nha Địa Dư … Hay thời thanh niên du học tại Pháp … Hay Sài gòn, tuy khó khăn, tuy chiến tranh, nhưng đầy sức sống của những năm 70-75…
Tôi xin kể một thời … – Je vous parle d’un temps…
Bài hát La bohème, – Thời của Bụi đời
Je vous parle d’un temps
Que les moins de vingt ans
Ne peuvent pas connaître …
Tôi xin kể một thời mà
những người tuổi dưới hai mươi
không thể biết được …
Bài hát nhắc nhở chúng tôi, chúng ta, thuở thiếu thời, nhắc nhở thuở hàn vi của mỗi chúng ta, nghệ sĩ hay không, công nhơn, hay công chức đều phải trãi qua. Thuở học sanh, thuở sanh viên, thời đang học nghề, thời mới ra nghề, ai không thiếu tiền, ai không sống khổ, bụi đời, ai không kiếm thêm việc làm, làm một lúc, thêm một hai công việc là thường tình. Có kẻ chạy bàn, rửa chén, làm việc ở các tiệm ăn, có kẻ chạy tắc xi, ở Việt Nam cũng có cả người đạp xích lô, hoặc dậy sớm đi bỏ báo, hoặc kèm học trò, dạy thêm tại các trường tư thục … Bọn chúng tôi, thuở ấy ở Âu tây, Pháp, mùa hè về Nam đi theo dần mùa nho chín tim việc – miền Nam Pháp nho chín sớm hơn miền Bắc – hoặc vượt Biển Manche, hái dâu ở Anh, hoặc làm việc cho các trại hè, giữ trẻ tắm biển, hoặc chạy bàn các quán ăn mùa hè hoặc bán cà rem, bán bóng bóng dạo … mùa đông lên núi, chạy bàn các tiệm ăn, quét tuyết… Trong năm học, các sanh viên còn có thêm nghề dạy kèm. Ở Sàigòn, thời tuổi trẻ chúng tôi, cha mẹ nào cũng muốn con học giỏi cả, nên nghề đi dạy kèm dễ kiếm hơn bên Pháp. Vã lại ở Pháp, nếu kèm Toán, sanh viên Việt ta, may ra có khách… còn kèm Văn như Pháp và Anh thì các phụ huynh tìm người Pháp hơn, chỉ còn chạy bàn và rửa chén. Cá nhơn thằng tôi, trong hai năm liền, mùa Đông 62 và 63 tôi làm phu lhuân vác ở chợ sỉ Arnaud Bernard ở Toulouse. Sáng 3 giờ nhóm chợ, phải có mặt lãnh chuyển hàng từ chợ sỉ qua xe người mua lẻ. Với một xe đẩy – phải thuê – đi theo anh mua lẻ, đến các hàng sỉ lãnh hàng đem về xe anh mua lẻ, và ăn tiền pourboire – tùy hỷ. Chợ nhóm 3 giờ sáng, tan 5 giờ, thằng tôi chuyên hàng trái cây. Hàng thịt, cá nặng nề lắm, sức Việt Nam ta làm không nổi. Nếu biết chịu khó, tiền thưởng nhiều, khi lãnh hàng cho khách, mình có quyền lựa hàng dùm khách, trái cây nào có bề mặt yếu, có tỳ có vết, không lấy, chỉ lấy hàng tốt cho khách người mua lẻ. Dần dân mình có khách quen, khách mua lẻ, tin cậy, đi đặt hàng trước, xong giao listing, mình cứ thế mà chuyển hàng lên xe người khách của mình, không cần có mặt của chủ nữa. Còn phiá sỉ, những trái cây, hoa quả, yêú mặt, không bán được, chở về vô ích, bèn họ cho mình mang về. Thằng tôi đem tặng cho ông bà chủ tiệm ăn sáng để ông bả hoặc bán làm tráng miệng, hoặc làm mứt để khách ăn sáng. Trái lại, ông bả cho mình sử dụng phòng tắm và cho mình ăn sáng chùa. Nhờ ông chủ bà chủ tiệm ăn ấy, tôi mập mạp và mạnh khỏe lên, lên cân vù vù. Năm đầu đến Pháp, bệnh hoạn, năm sau, nhờ đi làm chợ, mạnh khỏe hơn, lại kiếm thêm tiền, sống thoải mái hơn.
Ông bà chủ dạy ăn sáng bằng thịt bò sống bằm nhuyễn, steak tartare, bánh mì bơ mặn, uống sữa tươi, thêm fromage mứt, trái cây… Thoạt đầu tôi ăn ít dần dần tôi ăn nhiểu hơn, nhờ đó lên cân. Tắm rữa, xong về nhà thay quần áo là đến giờ đi học. Sáng Luật chiều Chánh trị học. Tối ngủ sớm 20 giờ vào giường, trưa thế nào cũng về nhà, siesta ít lắm là nửa giờ. Từ dạo ấy tôi quen ngủ trưa đến bây giờ, không bỏ được.
Đấy là thời La Bohème của tôi … Sau hè năm 64, đâu bằng Sciences Po Chánh Trị học xong, vì đi dạy học, nên nghỉ làm chợ. Có vài mùa hè, dù đi làm rồi, tuy nghỉ hè có lương, tôi vẫn kiếm thêm việc làm. Có những năm, vào hè, gặp dịp, tôi làm bồi, chạy bàn café, dùm anh bạn một tuần, hai tuần thay cho anh bạn đi nghỉ hè. Bạn tôi, chuyên nghiệp nghề nầy tời thuở trẻ, chuyên ở suất giờ khó tìm người làm nhứt, suất từ 21 đến 5 giờ sáng. Giờ ấy tuy mệt, nhưng ngon ăn lắm, vì tiền « bo – pourboire » nhiều lắm! Những lý do : giờ 22/24 là giờ dân đi ciné về, thích nhậu đêm ăn tối, suất 1 đến 2 giờ sáng là dân đi nhảy đầm ra, suất 3/4 giờ sáng, các em đứng đường về cùng với dân bảo vệ (toàn các tay anh chị, đầu nậu dân chơi giang hồ tứ chiến) nên họ rất hào hoa. Được hầu hạ tốt, và khi biết mình là dân sanh viên nghèo nhưng biết siêng năng làm việc, họ thông cảm, biết mình cực khổ, thức khuya làm việc trong lúc họ thoải mái đi chơi, nên chi tiền « bo » rất hậu hỉnh ! Ở Pháp, thuở ấy, những chưn bồi chạy bàn café – garçon de café – là những chổ hái ra tiền, một chưn như vậy đều phải mua của người trước, toàn giới thiệu nhau cả. Người bồi là bạn quen với mình, mới dám giao chổ cho mình, vì mình là sanh viên, không chuyên nghiệp, không thể giựt chổ, anh « nhờ » mình thế chổ của anh làm, khi 1 tuần, khi 15 ngày mùa hè, để anh đi nghỉ hè. Lương anh trả cho mình, tiền « bo » mình lấy. Ông chủ không trả lương mình, vì đã trả lương cho ảnh rồi, chỉ cho mình ăn uống như ông ta đã nuôi ăn anh làm công của ổng thôi ! Dĩ nhiên ông chủ Café cũng đã thử tài của mình trước khi chấp nhận mình … tiệm café restaurant ấy – Chez le Père Léon ở Place Esquirol lớn nhứt ở Toulouse thời ấy, nay vẫn còn, vẫn mở cửa từ 6 giờ sáng đến 5 giờ sáng hôm sau. Chỉ đóng cửa có 1 tiếng đê dọn dẹp chùi rửa thôi. Tôi vẫn tiếp tục thay thế anh bạn ấy đến năm cuối khi là giảng viên Đại học và đang soạn bằng Tiến Sĩ. Thật là thời của La Bohème của thằng tôi :
La bohème, la bohème
Ça voulait dire
On est heureux
La bohème, la bohème
Nous ne mangions qu’un jour sur deux …
Thuở bụi đời, thuở bụi đời,
Là thuở vô tư, là thời hạnh phúc
Thuở bụi đời, thuở bụi đời
Dù phải ngày đói, ngày no …
Chuyện tình Trousse-Chemise – Trousse-Chemise
Dans le petit bois de Trousse chemise
Quand la mer est grise et qu’on l’est un peu
Dans le petit bois de Trousse chemise
On fait des bêtises souviens-toi nous deux …
Trong một cánh rừng ở Trousse Chemise
Khi biển chuyển màu xám và đôi ta cũng ngây say
Trong cánh rừng Trousse Chemise,
Và hai ta lỡ dại với nhau …
Cá nhơn thằng tôi, gặp bài hát đúng thời đúng lúc, bài nầy ra đời đúng mùa hè 1962.
Đây chỉ là một chuyện tình vụn mùa hè của thằng tôi.
Hè, tháng 7 – juillet năm 1962, được anh bạn rủ rê, chúng tôi một nhóm bốn sanh viên Việt Nam, đi giữ trẻ ở bờ biển Đại Tây Dương, tỉnh Sables d’Olonne. vùng Vendée. Miền Tây xứ Pháp. Nói là trẻ nhưng thật sự các em là thiếu niên từ 15 đến 17 tuổi. Thuở ấy 21 tuổi mới được trưởng thành. Tuy chỉ 15 đến 17 tuổi, nhưng có em đã cao trên 1 thước 70 – cao hơn các bạn Việt Nam chúng tôi, riêng tôi, may quá, cao 1 thước 78, nên cũng ngang ngưở “xêm xêm” với các em, tuy lớn xác, nhưng nói chung, dễ thương và dễ bảo. Hè ấy có cả Michel Drucker và một anh bạn cùng gốc Normandie tên Trauveter làm chung với chúng tôi. Ngày nay, Michel Drucker là một nhà báo, nhà đạo diễn truyền hình lớn, một tên tuổi lớn của Đài Truyền Hình Pháp. Trong đời Bohème của thằng tôi có hai lần may mắn làm việc chung với các tên tuổi tài tử lớn : Michel Drucker của Pháp, và Robert de Niro của Mỹ (với phim Once Upon a Time America) Drucker ở Pháp năm 62. De Niro ở Ý năm 82. C’était ma vie de Bohème !
Năm 1962, cũng ở Vendée, cũng một chuyện tình, cũng lở dại với em, nên bị nàng giận, vảnh mặt bỏ đi. Mình vì lần đầu tiên «được» dại với một em, nên tương tư thất tình suốt tháng, và được ru với bản Trousse Chemise nầy ! Nhớ mãi …
Anh xin thề – Sur ma vie
Sur ma vie je t’ai juré un jour
De t’aimer jusqu’au dernier jour de mes jours
Et le même mot
Devait très bientôt
Nous unir devant Dieu et les hommes …
Anh xin thề sẽ yêu em đến chết
Và lời thề ấy sẽ
Xum hợp chúng ta trước mặt Chúa và thế gian…
Bài hát của tuổi thiếu niên, của hời trung học, của thời yêu trôm, nhớ thầm. Mỗi lần yêu, là thèm cột chăt cuộc đời vào em ngay. Nhưng Yêu thi yêu vẫn yêu vơ, yêu thay đổi, hôm nay mới thoáng nhìn, đã mơ ngay, đã yêu ngay, nhưn yêu nhưng chả dám … và ngày mai, gặp ai khác, lại cũng yêu ngay, và cũng … cứ thế mà thay đổi, hôm nay tóc thề, mai tóc ngắn, hôm nay mắt nhung, mai môi cong… hôm nay cao gầy, mai tròn trỉnh… nhưng mỗi lần đều thoang thoảng những lời của « Sur Ma Vie… » Thề … May quá chỉ thề … riêng với lòng, âm thầm… mà nghe…
Thời ấy là những năm cuối trung học, ở Dalat. Với những ngày Chúa Nhựt thường ra nghe nhạc ở Café Tùng… Ngẫn ngơ một ly caphê đậm, một điếu thuốc Bastos xanh, và « sur ma Vie » cùng với các bài ca Pháp thịnh hành như Bambino do Dalida hát hay Me Qué của Gilbert Bécaud, …
Thay lời Kết : 100 % Français, 100 % Arménien
Charles Aznavour lúc sanh thời thường nói ông là 100 % người Pháp, 100 % người Arménien.
Kết quả của một sự hội nhập kỳ diệu. Thuần chủng Arménien, cha arménien, mẹ arménien, nhưng ông được thế giới công nhập là một tài tử, một nhạc sĩ Pháp số một.
Ông đặt lời những bài ca với một giọng văn Pháp chãi chuốt tuyệt diệu, sắc bén. Với những câu ngắn gọn, ông tả tâm trạng tình yêu, từ say mê đến thất tình tuyệt diệu.
Ông từng nói, ngôn ngữ Pháp không có mélodie, không có nhạc điệu, nhưng có vần có nhịp – rythme et rime vì vậy phải xài rythme và xài rime – vần và nhịp để thay mélodie – nhạc điệu.
Do đó nhạc của ông bất hủ như tên của ông bất tử !
Charles Aznavour là một điển hình của một hội nhập thành công. 100 phần trăm người Pháp, 100 phần trăm người Arménien.
Mong sao cộng đồng Việt Nam chúng ta có những hậu duệ có những biệt tài như vậy. 100 phần trăm công dân xứ người nhưng vẫn giữ 100 phần trăm tinh túy và đạo đức Việt Nam.
Mong lắm !
Hồi Nhơn Sơn, những ngày chớm lạnh
Viết xong ngày tang lễ của Charles Aznavour
TS Phan Văn Song