«Cùng tắc biến, biến tắc loạn, loạn tắc thông thông tắc cửu »
(Kinh Dịch)
Nhơn quyền ngày nay cũng là sức mạnh của các cộng đồng thiểu số : quyền của thiểu số người đen trong xã hôi Mỹ, ngày nào trên xe bus phải ngồi riêng, ngày nào buộc phải sanh hoạt riêng biệt với người da trắng ; quyền của phái nữ, xưa kia, từ ra đường đến lái xe phải được cha, anh chồng cho phép – « tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử » – áp dụng tại phương Đông cũng như ở phương Tây – các Tây giáo như các Đông giáo Khổng, Ấn, Hồi ; ngày nay với phong trào « Me Too » vượt mức, thái quá, nam nữ đồng nghiệp đồng sở không dám đi chung riêng rẻ một phòng thang máy, hay họp tay đôi trong một văn phòng đóng cửa ; … Riêng tại các quốc gia chậm tiến hay độc tài, Nhơn quyền càng bị xâm phạm đến cả các quyền tối thiểu căn bản, như cấm có một suy nghĩ, một tư tưởng một phát biểu khác với Chánh phủ, Nhà Nước hay Đảng cầm quyền. Do dó, nói chuyện Nhơn quyền, nói chuyện Dân chủ cả một khó khăn. Một chiến sĩ Dân chủ người syrian, Hồi giáo, chống độc tài Assas, bị thương, cụt giò, cả gia đình được một Hội Nhà thờ Tin lành cứu trợ, cho tỵ nạn và săn sóc ở Pháp ; gia đình chúng tôi người viết, đến thăm thăm ủy lạo. Thấy tôi, gốc người tỵ nạn, anh chàng tỵ nạn người syrian bèn thắc mắc hỏi tôi : « Với anh tôi dám hỏi, các anh nói các anh đấu tranh cho Nhơn quyền, cho Dân chủ, sao ở Pháp nầy và trong gia đình người ơn nhơn của tôi có nhiều cảnh lạ vậy? – Cảnh gì? Chúng tôi hỏi – « Thưa cảnh người đàn bà ở Pháp vô phép không tôn trọng đàn ông, nói leo, xen bàn chuyện, ăn chung bàn, ngồi họp chung phòng với đàn ông lạ mặt không phải gia đình mình. Dân chủ Nhơn quyền sao để những người đồng tình luyến ái, lấy nhau, tự do đi lại? … Anh chàng người syrian nấy không phải là một người vô học, anh nói được tiếng anh, tiếng pháp … khá trôi chảy ! Khó khăn lắm tôi cắt nghĩa, phân tách, nhưng có lẽ, anh cũng chưa hiểu… vì cả trong những người âu châu thiên chúa giáo, vẫn có người chống người đồng tình sống chung với nhau hợp pháp. Do đó … đấu tranh Nhơn quyền phải là một đòi hỏi hàng đầu, ngày nay bất công còn đầy rẫy … nam nữ chưa bình quyền hẳn, lương bổng chưa bằng nhau, người nữ vẫn còn bị ăn hiếp, cho rằng tay yếu, chơn mềm, không hữu hiệu trong công việc … cho rằng chỉ là thứ hạng, dù thuộc loài người, nhưng loại hạng hai. Hằng ngà, ngay tại một quốc gia như Pháp, vẫn còn những cảnh chồng vũ phu đánh vợ.
Tiếp tục đấu tranh cho Nhơn quyền, tiếp trục đấu tranh để những quyền tối thiểu của người công dân được tôn trọng ở Việt Nam ngày nay là bổn phận hàng đầu của chúng ta : quyền tự do đi lại, quyền được hội họp, quyền có tư tưởng suy nghỉ khác với nhà nước, kể cả chỉ trích nhà nước, quyền có quan điểm chánh trị khác với quan điểm nhà cầm quyền, quyền xuống đường biểu tình, đả đảo chánh phủ, Tổng Thống … và cả quyền đòi lất đổ một nhà nước bạo quyền.
Tuần qua, chúng ta đã tạm thời định nghĩa thế nào là Nhơn quyền, chúng ta cũng đã trở lại với lịch sử Việt Nam để nắm rõ thế đứng của Nhơn quyền trong nhơn sanh quan của cha ông chúng ta và trong xã hội của Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta trong thời kỳ khó khăn vừa đấu tranh chống Cộng để sanh tồn vừa cố gắng xây dựng một quốc gia tân thời hầu góp mặt với cộng đồng thế giới tiên tiến của thế kỷ XX. Bài nầy chúng tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu Nhơn quyền, phần trước trong cách nhìn người Mác Xít Cộng Sản đương quyền đang hoành hành trên đất nước ta và phần sau, tất cả quyền của người dân Việt Nam chúng ta, kể cả nổi dậy để tự giải phóng khỏi ách phi nhơn bản ấy !
I. Nhơn Quyền Theo Quan Diểm Người Mác-Xít
Nền tảng chủ nghĩa mác-lê là vật chất và biện chứng. Theo quan niệm duy vật, người mác-xít chối bỏ mọi giá trị tinh thần như luân lý, đạo đức. Theo biện chứng, người cộng sản không cho có những giá trị vĩnh viển. Theo quan niệm căn bản ấy người cộng sản mác-lê từ khước những quyền tự nhiên bất khả nhượng của con người như quyền sống, quyền tư hữu, quyền tự do.
Theo người Cộng sản, Nhơn quyền chỉ là phản ánh những quyền lợi về kinh tế. Đó là những quyền lực của giai cấp thống trị.
Từ quan niệm này, người Cộng sản phê bình bản Tuyên ngôn Nhơn quyền và Dân quyền 1789 của Pháp, cho đó là thành quả thắng lợi của giai cấp tư sản đối với giai cấp quí tộc, là vũ khí để bảo vệ quyền lợi và uy quyền của họ mà thôi. Nhơn quyền theo đó chỉ dành cho những người có của, có tiền. Đối với những người nghèo khó, Nhơn quyền không có lợi gì hết.
Đi xa hơn nữa trong lý luận, người Cộng sản cho rằng những quyền tự do cũng chỉ là thứ tự do hình thức, hoàn toàn không chứa đựng một “nội dung thực tế, cụ thể” nào cả !
Đối với người cộng sản, Nhơn quyền có ý nghĩa thực tế chỉ trong một xã hội không giai cấp và không có chiếm hữu những phương tiện sản xuất. Nên chỉ có chế độ cộng sản mới đem lại cho mọi người sự tự do thật sự, nghĩa là sự tự do có nội dung cụ thể, chứ không phải thứ tự do hình thức.
Rõ hơn, chúng ta hãy đọc lại lời của Các Mác – Karl Marx viết về Nhơn quyền :
“Chúng ta hãy xem những thứ cho là Nhơn quyền, trong nguyên trạng, của những người đã khám phá ra nó; đó là những người Bắc Mỹ và Pháp. Chúng ta sẽ nhận thấy ngay Nhơn quyền, ngược lại với Dân quyền, không gì khác hơn là những quyền của một thành phần thuộc xã hội tư sản nghĩa là của con người ích kỷ, của con người tách rời khỏi quần chúng. Quyền tự do của con người không được thiết lập trên mối quan hệ giữa người với người, mà trái lại, trên sự tách rời giữa người với người. Đúng hơn nhơn quyền như vậy chỉ là quyền chia cách giữa con người với nhau.”
Người Cộng sản gọi Nhơn quyền, những giá trị phổ quát như chúng ta quan niệm, chỉ là những thứ quyền được ” cho là” “gọi là”, chứ không phải là những thứ quyền có thật, được định chế hóa bằng luật pháp.
Do đó, nói chuyện về Nhơn quyền với người cộng sản không thể nói được.
Thế mà người Cộng sản khi tranh đấu nhằm cướp chánh quyền, trong một chế độ tự do, dân chủ, lại hành sử những thứ quyền mà họ cho là không tưởng, không có thực ấy.
II. Nhơn Quyền Phải Là Quyền Nổi Dậy Lật Dổ Bạo Quyền
Ngày nay, mọi cá nhơn trong xã hội đêù được hưởng những quyền lợi và những quyền lợi này được luật pháp bảo vệ.
Nếu luật pháp không bảo vệ thì những quyền này sẽ không thể tồn tại.
Nhưng trong truyền thống văn hóa, lại có những quyền mà phàm con người là được hưởng thụ như chính sở hữu của mình. Đó là những quyền tự nhiên. Những quyền này, là những quyền căn bản, nếu thiếu thì xã hội con người không thể vận hành được.
Thể chế dân chủ chỉ có giá trị trong những giới hạn của quyền tự nhiên của con người.
Nhưng để quyền tự nhiên được bảo đảm cao phải cần mối quan hệ với xã hội chánh trị, như sự tôn trọng luật pháp do xã hội chánh trị đặt ra.
Thế là mối quan hệ ấy, mặc nhiên trở thành một thứ “Khế ước” giữa người dân và chánh quyền.
Khế ước qui định cho đôi bên những quyền lợi và những bổn phận tương quan với nhau.
Những cá nhơn bị bắt buộc phải tuân hành mệnh lệnh của chánh quyền, nhưng lại được chánh quyền bảo vệ trong đời sống, bảo vệ sự tự do, quyền tư hữu.
Còn chánh quyền, trong quan hệ hai chiều này, bắt buộc chỉ hành động nhằm bảo đảm những quyền tự nhiên. Và khi hành động như vậy chánh quyền được dân chúng tôn trọng và bảo vệ.
Sự tương quan hài hòa này là nền tảng ổn định xã hội.
Nếu một bên không thi hành nghiêm túc bổn phận của mình thì bên kia có quyền từ khước việc thi hành bổn phận của họ.
Nếu chánh quyền trở thành hung bạo, độc đoán, thì người dân sẽ không còn nghĩa vụ phải tuân phục chánh quyền nữa.
Khế ước của hai bên vì thế sẽ lập tức bị hủy bỏ.
Dân chúng, trong trường hợp này, dĩ nhiên sẽ đùng trong thế đề kháng chống lại chánh quyền để tự bảo vệ mình.
Chánh quyền không còn tư cách chánh quyền nữa. Sự chánh thống đã bị mất.
Từ xưa nay, không có chánh quyền nào là chánh quyền tự nhiên, mà chánh quyền đêù do khế ước, tức là mối tương quan hai chiều ấy, mà thành hình. Dân chủ là vậy. !
Locke khẳng định rằng một khi chánh quyền không thi hành bổn phận của mình thì người dân có đầy đủ quyền hạn để từ khước thi hành bổn phận của họ đối với chánh quyền ấy.
Một dân tộc chịu áp bức, bạo ngược của nhà cầm quyền có quyền nổi dậy chống lại, lật đổ chế độ. Quyền nỗi dậy, chống lại áp bức của Nhà nước cho phép người dân cả quyền sát hại những người cầm quyền.
Locke còn nhấn mạnh rằng không nên hỏi người dân có quyền nổi dậy chống lại bạo quyền hay không ? – bởi vì chính bạo quyền đã vi phạm tinh thần khế ước mà hai bên đã chấp thuận tuân thủ. Phản ứng của người dân đối với bạo quyền như vậy là hoàn toàn chánh đáng. Phản ứng này đã đưa vào hệ thống hóa quyền lực để trở thành một thứ quyền bất khả nhượng, đó là quyền chống lại áp bức của nhà cầm quyền.
III. Việt Nam Ta
Vì bị cai trị bởi một chế độ độc tài toàn trị nên người dân khó có cơ hội hành sử quyền nổi dậy chống áp bức. Tuy nhiên, ngày nay, ở Việt Nam đang xuất hiện những cá nhơn, đoàn thể, ngoài Đảng và cả những đảng viên, người cộng sản vì phản tỉnh về thân phận của mình và quyền lợi tối thượng của đất nước, dân tộc, công khai lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng Sản Hà nội phải thực thi ngay dân chủ và tôn trọng nhơn quyền. Không ít người đã bị cầm tù với những bản án nặng nề mà tội danh vẫn là ” âm mưu chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa ” .
Thật hoàn toàn vô lý! Bao nhiêu người khác đã chết oan ức trong tù, trong các trại giam? Trước thực trạng bi thảm như vậy, khó có thể im lặng để chế độ Cộng sản Hà nội tiếp tục kéo dài sự sống còn trên những quyền tự nhiên của con người bị thường xuyên vi phạm một cách thô bạo.
Trước giờ, Đảng Cộng Sản Hà nội vẫn viện dẫn sự ổn định chánh trị là cần thiết để phát triển kinh tế, như một lý do chánh đáng để trù dập những người đòi hỏi nhơn quyền một cách ôn hòa. Ngày nay, chủ thuyết “dân chúng an ninh do quốc gia ổn định” hoàn toàn không còn giá trị nữa.
Trái lại, sự an ninh quốc gia phải được thiết lập trên sự an ninh của toàn dân. Chính sự an ninh của toàn dân mới là điểm qui chiếu. Quan điểm mới này đã làm thay đổi tiêu chuẩn chánh trị đối ngoại của thế giới ngày nay, bởi nó không còn chấp nhận chủ quyền quốc gia như là chuẩn mực của bang giao quốc tế.
Sự đề cao và bảo vệ an ninh người dân trước Nhà nước dẩn đến chấp nhận nguyên tắc sử dụng những biện pháp cưởng bách, kể cả việc can thiệp bằng quân sự ( Mỹ Nga Anh Pháp tại Syrie, Pháp tại Phi châu… )
Bởi bảo đảm an ninh cho dân chúng chính là nhằm tăng cường sự ổn định và nền an ninh quốc gia. Từ đó, sự an ninh của con người dần dần trở thành một thứ quyền cho các dân tộc tự quyết định vận mệnh của mình.
Sự chuyển mình của thế giới trong quan hệ nhơn quyền của người dân và chủ quyền của Nhà nước đang đem lại một bối cảnh rất thuận lợi cho công cuộc tranh đấu dân chủ và nhơn quyền ở Việt nam. Phong trào tranh đấu nhơn quyền ở Việt Nam bắt đầu bằng các tôn giáo. Hai tôn giáo ái quốc ở miền nam là Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo bị nhà cầm quyền Hà nội đàn áp ngay những ngày đầu mới vào tới miền nam. Họ có chánh sách phải tiêu diệt triệt để hai tôn giáo này trong một thời hạn nhứt định. Nhưng họ không thành công theo ý muốn. Sau cùng họ đã phải nhân nhượng ” tha làm phúc”.
Chánh sách dập tắc mọi chống đối, mọi đòi hỏi nhơn quyền chẳng những không giảm mà còn gia tăng. Sự gia tăng dần dần làm bộc phát thêm nhiều cá nhân từ nhiều nguồn gốc khác nhau xuất hiện. Phía tôn giáo, có Phật giáo, Công giáo, Tin lành nhập cuộc…..Ở Hà nội, Huế, Đà lạt lần lượt xuất hiện những nhà trí thức được đào tạo từ nhà trường xã hội chủ nghĩa. Họ can đảm đứng lên thách thức với chế độ để đòi hỏi dân chủ và nhơn quyền. Họ thoạt đầu còn là những cá nhơn đơn lẻ. Trong gần đây đã thấy có một số người công khai tuyên bố thành lập tổ chức tranh đấu cho dân chủ.
Với cộng sản, khi phản kháng, tranh đấu thành đoàn thể sẽ bị đàn áp, tiêu diệt ngay. Nếu không thể bắt giam hết tất cả những người tranh đấu hiện nay ở khắp nơi thì tốt hơn hết là chánh quyền cộng sản nên chọn thái độ khôn ngoan: thả ra về những người đang bị giam giữ từ trước đến nay và thừa nhận nơi họ tư cách đối thoại.
Những thành phần nầy sẽ thành hình một giải pháp dân chủ. Họ sẽ là những lực lượng đối lập trong một tinh thần hiến định, trong một thể chế phảp trị, đồng thời họ cũng sẽ là những lực lượng đối thoại để một chánh quyền tương lai cùng với họ giữ ổn định xã hội, cải thiện tình trạng tồi tệ của đất nước hiện nay. Dân chủ sẽ trở lại, nhơn quyền sẽ được tôn trọng, xã hội sẽ được ổn định, kinh tế và tổ chức xã hội sẽ được phát triển.
Kết Luận
Dân chủ và Nhơn quyền hoàn toàn không ngăn cách, cô lập con người với nhau như người mác-xít lên án, mà trái lại, những quyền này ràng buộc thân ái con người với con người.
Trên ý nghĩa ấy, Nhơn quyền thiết lập cho người dân một mô hình chánh trị rất đặc thù mà trọng tâm không nhằm Nhà nước, mà chính là “không gian con người”.
Nhơn quyền kết hợp mọi người lại với nhau, tạo ra một “không gian gặp gỡ, trao đổi, thảo luận” để từ đó, xác định những qui luật sống chung và cũng từ đó, thành hình “tính chánh thống quốc gia” . Tuy nhiên không phải vì thế mà Nhà nước bị “phủ định”, mà Nhà nước trở về đúng với vị trí của mình là người đại diện nhơn dân thi hành luật pháp trong tinh thần thượng tôn luật pháp. Nhà nước phải được hiểu chỉ là một bộ phận của xã hội nên Nhà nước không thể tự cho mình là một toàn thể duy nhứt hay tuyệt đối.
Thời kỳ mà mối quan hệ chánh trị được thiết lập trên sự đồng hóa công dân với nhà nước không còn nữa.
Ngày nay, Nhơn quyền, Dân chủ trở thành những giá trị toàn cầu, vượt trên những quyền lợi quốc gia.
Cho nên chánh trị dân chủ phải được xây dựng trên Nhơn quyền làm nền tảng.
Thật vậy, bức thông điệp nhơn quyền 1789 khẳng định « Không có Nhơn quyền thì một Nhà nước, dù là Nhà nước Pháp trị (État de droit) đi nữa, có thể tồn tại, nhưng không thể có một chánh sách dân chủ và một xã hội dân chủ »
Phải chăng vì thế mà vùng lên lật đổ bạo quyền để thiết lập cho đất nước một chế dân chủ là quyền tối thượng của nhơn dân?
Hồi Nhơn Sơn, tháng 5 2009
Hiệu đính và bổ túc cho ngày Nhơn quyền tháng 5 2018
TS Phan Văn Song